108 Phi công chiến đấu Việt Nam (tựa tiếng Anh: Vietnamese Air Warriors) không chỉ là những gương mặt anh hùng, những phi công thầm lặng trong thời chiến mà còn thể hiện những cảm nghĩ, hồi ức của các anh qua lời kể đồng đội với những trận đánh lịch sử… Cuốn sách còn có cả những người chiến sĩ trẻ đã vĩnh viễn ở lại tuổi 20, cho người đọc thêm hiểu, thêm yêu và tự hào những gì thế hệ đi trước đã làm.

 

Chị Thảo bộc bạch: “Niềm vui lớn nhất với chị là đã thực hiện được lời hứa, với các anh hùng phi công và với chính mình”.

Buổi chụp hình nhân vật đầu tiên của cuốn sách (2016) cùng AHLLVTND Ace Nguyễn Văn Bảy

Buổi chụp hình nhân vật đầu tiên của cuốn sách (2016) cùng AHLLVTND Ace Nguyễn Văn Bảy

Phóng viên: Tại sao lại là 108 chứ không phải con số nào khác, thưa chị?

Tác giả Từ Phương Thảo: Trong văn hóa phương Đông, số 108 bí ẩn và mang ý nghĩa đặc biệt, đại diện cho sự kết nối và thống nhất. Chẳng hạn 108 vì sao trong hệ ngân hà, 108 nguyên tố hóa học hay 108 đỉnh núi trong dãy Himalaya. Việc chọn số 108 gắn liền với các phi công chiến đấu mang tính biểu tượng và tôn vinh các bác. Trong quá trình thực hiện sách, tôi phải nhiều lần nâng lên đặt xuống để cân đối. 108 là không đủ, chỉ là đơn cử những gương mặt khác nhau ở những khía cạnh khác nhau của nghề phi công, như: phi công tiêm kích, phi công ném bom, phi công trinh sát vũ trang, phi công thử nghiệm…

Chọn lựa chưa bao giờ là việc dễ dàng?

Chắc chắn là như vậy. Chưa làm xong quyển 1 tôi đã nghĩ phải làm quyển thứ 2. Lúc sách hoàn thành, các bác rất vui. Rồi bác này nhìn bác kia, “trách” Thảo sao không có mình. Thương lắm mà không biết giải thích sao để các bác hiểu.

Tiếp xúc với các bác tôi nhận ra, không phải lúc nào cuộc đời các phi công chiến đấu cũng anh hùng đỏ rực, có rất nhiều bác gặp biến cố. Cũng có những bác chấp nhận làm công việc thầm lặng. Ví dụ như lái máy bay trinh sát để chỉ điểm mục tiêu. Suốt ngày bay ngó nghiêng như thế, vất vả không kém gì người đi làm 8 tiếng mỗi ngày. Phi công trinh sát là những nhân vật nhỏ bé và rất mờ nhạt nhưng đã thực hiện những nhiệm vụ góp phần to lớn vào chiến thắng chung của tập thể. Cho nên, tôi muốn cuốn sách phác họa được đa dạng chân dung. Có những anh hùng lập công rạng rỡ thì cũng có những anh hùng thầm lặng, lùi lại phía sau hỗ trợ đồng đội.

Những cuộc gặp hẳn là có rất nhiều chuyện để kể và rất nhiều cảm xúc dâng trào?

Ba tôi là phi công, thuở nhỏ tôi thường theo ông vào đơn vị và được gặp nhiều đồng đội của ba, tôi ăn ở bếp bay, ngủ lăn lóc đường băng chờ ba bay xong, thấy tiếng gầm rú của động cơ và mùi dầu máy thành quen, leo buồng lái trực thăng bay ra đảo… nên có thể nói máu phi công chảy trong người mình. Nó là gen, là tình yêu vô điều kiện. Cho nên những cuộc “tái ngộ” lần này với các bác rất thân tình, như chào đón một đứa con, đứa cháu đi xa mới về. Những câu chuyện cứ thế, khi thì rôm rả, trêu đùa dí dỏm, lúc chùn lắng nỗi niềm.

Gặp lại các bác sau 30, 40 năm, trí nhớ tôi thi thoảng hồi cố lại thời tôi mới 11, 12  tuổi, các bác đang độ thanh niên, phong độ ngời ngời. Bây giờ, nhìn các bác chậm hơn, yếu đi, có bác kém minh mẫn hơn, lòng mình không khỏi rười rượi buồn dẫu biết đó là quy luật của thời gian.

Rời phi đội, rời buồng lái, các anh hùng phi công trong đời sống thời bình hiện lên như thế nào?

Các bác vẫn luôn khiêm tốn, bình dị, nhưng với những người thường xuyên được “ngắm nhìn Tổ quốc từ trên cao”, sự kiêu hãnh vẫn luôn lấp lánh trong những câu chuyện kể. Trở về sau khi dành phần lớn đời mình nơi đơn vị đóng quân, là người đàn ông của gia đình nhưng tinh thần của những người lính ấy vẫn khắc khoải về đơn vị, về đồng đội. Cũng có bác từ lâu mất liên lạc với đồng đội, ít giao tiếp và không thích chụp hình, có lẽ các bác muốn giữ lại hình ảnh oai hùng một thời của mình, chúng tôi phải cố gắng thuyết phục các bác xuất hiện.

Chị ấn tượng điều gì nhất khi gặp những người lính không quân một thời?

Họ thực sự là những con đại bàng kiêu hãnh. Hào hoa mặt đất, hào hùng trên không. Khi tiếp xúc với các bác bằng hình ảnh hồi trẻ, tôi mới có dịp so sánh từ trẻ đến già, từ đó hiểu nhân vật đầy đủ hơn. Tôi xem tất cả những người lính phi công khi đã trải qua chiến tranh. Hình ảnh họ trèo lên khoang lái, xuất kích chiến đấu, rồi trở về hạ cánh, bước xuống với mồ hôi ướt đẫm cùng nụ cười tươi… đẹp vô cùng. Cho dù đó là tướng anh hùng hay trung úy phi công, cảm giác ban đầu luôn giống nhau. Cuộc sống, câu chuyện, phong thái của các bác làm tôi quên hết tước vị của họ. Và thêm nữa, bàn tay phi công lớn và vuông nhưng khi cầm bút chữ viết ra lại rất đẹp. 

Cùng các phi công tại Trung đoàn 937 (sân bay Thành Sơn - Phan Rang)

Cùng các phi công tại Trung đoàn 937 (sân bay Thành Sơn - Phan Rang)

Ba của chị là nguồn cảm hứng chính để chị thực hiện quyển sách này?

Chắc chắn rồi. Ba tôi (Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Từ Đễ) là người trong ban cố vấn. Thoạt đầu tôi chia sẻ ý tưởng, ông rất hoan nghênh. Đó cũng là công việc ý nghĩa của ông khi đồng hành với con gái. Phần lớn nội dung trong sách về các nhân vật là do các bác trong ban cố vấn viết. Bởi lẽ, nhiều bác đánh nhau giỏi nhưng không giỏi nói về mình. Chỉ có đồng đội nhớ và viết về mình mới thú vị. Tôi chỉ là người góp nhặt cho cái nhìn toàn cảnh để độc giả dễ hình dung.

Khi cầm sách trên tay, “gặp” đồng đội qua trang sách, cảm xúc của ba chị thế nào?

Ngất! (cười) Ông cắm cúi mở ra, đọc đi đọc lại rất nhiều và gần như không thể nhận ra được đây là phiên bản 2. Có những bức hình tư liệu đã mờ câm, nhỏ xíu, nhưng chỉ qua mái tóc, dáng người, ông vẫn còn đọc vanh vách được tên đồng đội dù người ấy đã hy sinh từ rất lâu.

NAG Ngô Nhật Hoàng trong một chuyến nhảy dù tại Tuy Hoà

NAG Ngô Nhật Hoàng trong một chuyến nhảy dù tại Tuy Hoà

So với bản sách nội bộ in vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 2022, bản sách này có gì khác biệt?

Khác nhiều, bản in nội bộ giống như một kỷ yếu, chỉ người trong cuộc xem mới hiểu. Cuốn này diễn giải cụ thể, rõ ràng hơn để người đọc đại chúng dễ tiếp cận và đối chiếu. Ví dụ ngay từ trang đầu, sách phổ biến kiến thức các loại máy bay, loại nào là cường kích, tiêm kích, trực thăng, vận tải… MiG-17 khác với MiG-19 như thế nào. Ngay các trận các bác tham gia thì đồng đội hôm đấy là ai, còn sống hay hy sinh… Cho nên dù là 108 anh hùng nhưng thực tế, nhân vật vòng quanh, có liên quan hơn số 108 rất nhiều. Cuốn sách như một bức tranh sinh động, tương đối đầy đủ về không quân ta thời kỳ chiến tranh.

Điều gì thôi thúc chị quyết tâm hoàn thiện cuốn sách?

Khi mang quyển sách nội bộ đi tặng, tôi nhận nhiều lời hỏi sách của bạn bè. Sau đó tôi quyết định sẽ làm lại quyển sách này. Mà đã làm lại thì phải khác. Một số nhân vật được thay đổi. Tôi cũng liên hệ lại các bác để xin thêm ảnh thời trẻ, đọc thêm sách về không chiến và xâu chuỗi lại các sự kiện, nhân vật, sắp xếp lại để người đọc dễ theo dõi cũng như tìm hiểu thêm những chi tiết khác để hoàn thiện bản sách này.

Công tác thu thập tài liệu tuy vất vả nhưng rất hay, chạm được vào kỷ niệm của các bác khi đến tận nhà, được các bác mang album ra xem. Trước đây, chúng tôi không làm công tác này, sau ngẫm lại thì tiếc quá. Rất nhiều bác mất rồi, chúng tôi không có cơ hội tiếp cận nữa.

Điều may mắn nhất là phần lớn tư liệu của các bác vẫn do đồng đội lưu giữ. Tôi cũng được một số người bạn trong và ngoài nước là chuyên gia lịch sử về Chiến tranh trên không ở Việt Nam giúp đỡ nhiều tư liệu, nên cuốn sách này thú vị hơn về nội dung và cả hình thức. Nếu cuốn trước là 108 ông già thì cuốn này có 108 ông già và 108 chàng trai - các bác thời trẻ. Như một khoảng vọng đẹp đẽ về thời thanh niên, cũng là để chiêm nghiệm: Ai cũng từng có một thời tuổi trẻ, rực rỡ như thế, đáng sống và đẹp đẽ như thế.

Việc ra mắt quyển sách đúng dịp 50 năm thống nhất đất nước có ý nghĩa thế nào với chị?

Cảm giác như mình vừa hoàn thành xong một công trình. Khi mang sách tặng, các bác vui lắm, vẫn “mày tao chi tớ”. Cuốn sách như một cái cớ để các bác được gặp nhau, trò chuyện rôm rả, hay ít ra qua trang sách được nhìn thấy đồng đội ở xa mấy chục năm chưa gặp lại. Nhìn cảnh đấy thôi, tôi đã lâng lâng hạnh phúc. Có thể chúng ta vẫn đang ở  tuổi lao động, còn được bận rộn mỗi ngày. Sự bận rộn đó mang lại niềm vui. Tuổi về hưu khác vô cùng, chỉ mong nói có người nghe, mình còn có ích cho ai đó...

Một niềm vui khác là nhiều người con của các bác cho đến khi đọc quyển sách mới biết, hóa ra “ông bố” của mình cũng oách nhỉ!

Một quyển sách ý nghĩa như thế, sao chị không thực hiện sớm hơn?

Tính thời điểm rất quan trọng. Chỉ khi tiếp xúc đủ sâu với các bác và các anh em phi công trẻ, tôi mới thấy mình đủ độ chín để làm. Tôi rất may mắn khi có nhiếp ảnh gia Ngô Nhật Hoàng và cơ trưởng Nguyễn Nam Liên đồng hành. Hoàng có tình cảm với người lính, cũng yêu thích không quân nên các bức ảnh được thực hiện rất tự nhiên, không gượng ép về cảm xúc. Cơ trưởng Nam Liên là giáo viên bay kỳ cựu từ quân sự đến hàng không, người đã truyền thêm cảm hứng để tôi hoàn thành cuốn sách này.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Họa sĩ thiết kế Từ Phương Thảo

Là giám đốc mỹ thuật (Art Director) cho tạp chí Elle Decoration Vietnam, Từ Phương Thảo đã có gần 30 năm làm việc với vai trò phụ trách thiết kế cho nhiều ấn phẩm báo chí và sản xuất hình ảnh, thiết kế sản phẩm cho nhãn hiệu đồ thủ công (Sadec District, Sadec Sister). Trước quyển sách “108 Phi công chiến đấu Việt Nam”, Từ Phương Thảo từng là nhà sản xuất series phim không quân “E910 - Giảng đường trên mây” (2017/ 2023) - phim tài liệu đầu tiên về các phi công và học viên bay Trung đoàn 910 Trường Sĩ quan Không quân.

Chia sẻ bài viết: