Ý tưởng làm 2 bộ tranh The Vietnamese Tet đến với bạn như thế nào?

Tôi thích tết nhất trong tất cả các ngày lễ của năm nên luôn ưu tiên tết lên hàng đầu. Tôi lúc nào cũng có cảm giác chờ đợi nguyên năm để được “ăn” tết. Có những công việc chỉ có tết tôi mới được làm như dọn nhà, khắc dưa, chăm mấy chậu bông, thăm họ hàng, người thân... như đã gởi đến trong tranh – những “biểu tượng tết” mà một chàng trai miền tây chính hiệu như tôi cảm nhận.

Làm thiết kế đồ họa nên việc tôi có thể làm tốt là vẽ. Tôi nghĩ mình viết không đủ hay để mọi người đọc hết những câu chuyện mình muốn truyền tải. Tấm đầu tiên tôi vẽ là hình ảnh cầm đầu lân vì gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ. Hồi nhỏ tôi được gia đình mua cho một chiếc đầu lân, đến tết là lấy ra chơi nên trong trí nhớ của tôi tết gắn liền với đầu lân.

 Lớn lên, mỗi lần về quê, tôi thường cảm thấy chiếc đầu lân đang nhìn tôi và nói: “Tại sao hồi nhỏ mày múa lân không trống không chiêng mà mày vẫn vui với điều đó?”, dĩ nhiên là nó đã quá chật chội khi tôi lớn lên. Tôi tiếp tục vẽ những tấm sau với trải nghiệm mình đã có.

Bộ The Vietnamese Tet 01 được nhiều người thích, rồi họ gợi ý tôi vẽ tiếp bộ The Vietnamese Tet 02 vì còn nhiều thứ chưa được vẽ. Bộ này bớt bận rộn hơn, miêu tả thời điểm cận tết hơn, mọi người bắt đầu quây quần làm công việc trong nhà nhiều hơn và tận hưởng không khí tết.

Bạn nuôi ý tưởng để vẽ có lâu không?

Khi có cảm hứng thì tôi vẽ, thậm chí còn không định vẽ bao nhiêu hình, nói chung là không có kế hoạch gì. Tôi nghĩ gì vẽ đó, sau đó vì muốn có những chi tiết hài hước nên thêm vào, ví dụ như bức lau ghế, lúc vẽ tôi nghĩ giả sử mình có một cây đũa thần, cầm nó chỉ một phát thì mấy chiếc ghế có sạch sẽ hay không. Tôi thích có những chi tiết phi thực tế trong tranh của mình.

Khắc dưa Khắc dưa

Bạn có thấy khó khi chọn hình ảnh này thay vì hình ảnh kia để thể hiện?

Không khó lắm, thường khi tôi vẽ tấm số 1 thì tấm số 2 đã xuất hiện trong đầu. Cái khó không phải là chọn hình nào mà là vẽ xong thì thấy không đủ cảm xúc mình muốn ở trong tranh.

Tôi luôn muốn có những nét ngộ nghĩnh trong tranh từ dáng người cho đến mọi thứ xung quanh, hình ảnh phải phi thực tế một chút.

Ví dụ như tranh chàng trai dọn nhà, đâu có ai dọn nhà mà cùng một lúc cầm nhiều đồ như vậy nhưng biết đâu đó là một chàng trai vụng về thì sao, quên cái này cái kia thì cứ đi tới đi lui lấy đồ. Câu chuyện quá đúng với thực tế đôi khi lại khiến người xem lướt qua nhanh vì không có thứ gì để tưởng tượng ra thêm. Có rất nhiều tranh tôi vẽ xong lại bỏ vì không có cảm xúc như mình muốn.

Lột trứng Lột trứng

Bạn có cố gắng để làm cho cái tết của mình đặc biệt, không lẫn vào tết của miền Trung và miền Bắc?

Tôi không nghĩ đến điều này vì chưa bao giờ có trải nghiệm tết ở những nơi khác. Tôi chỉ đón tết ở quê mình. Vì vậy mà tình cờ nó lại rất miền Nam, như bức người phụ nữ ngồi hong tóc bên máy quạt. Bạn có thấy bức đứa bé lột trứng không? Đó là hình ảnh nhà tôi, đứa nhỏ nhất thường phải lột trứng để cho vào nồi thịt kho, vì không phụ được việc gì khác. Trong tranh là hình ảnh thằng em tôi, rất mập và tôi tưởng tượng nó to hơn căn bếp.

Có nơi nào muốn dùng bộ tranh của bạn để làm những sản phẩm “phái sinh” như bao lì xì, sticker...?

Tôi không muốn thương mại hóa nên thậm chí một vài nơi nhắn tin xin phép, nói rõ mục đích của mình thì tôi vui vẻ tặng miễn phí cho họ. Nếu nhận đặt hàng, tôi nghĩ mình có thể bảo đảm được độ chỉn chu nhưng cảm xúc sẽ không bằng khi mình vẽ mà không bị ai can thiệp.

Nghe nói tết Giáp Thìn bạn bị “cháy” sticker để tặng người thân quen. Năm nay, có lẽ bạn đã in nhiều hơn?

Năm rồi, tôi làm sticker và thẻ bo góc để bỏ trong ví, ốp lưng điện thoại. Có nhiều nhóm bạn tôi muốn gặp dịp tết và đó là những món quà tôi tặng họ, mong một mùa tết an lành. Bạn bè tôi sẽ giữ chúng làm kỷ niệm và cũng là lời hẹn gặp cho năm sau. Năm nay tôi in nhiều hơn, chủ yếu là sticker vì dễ dùng nhất.

Tôi là kiểu người luôn muốn có gì đó để mong chờ, kiểu như chờ tết để được tặng quà cho mọi người. Nguyên một năm nếu không có sự kiện gì để mong chờ thì... chán lắm! Tôi luôn thích sống trong những cảm giác: sắp trung thu, sắp noel, sắp tết... Đó cũng là những lúc tôi thấy năng suất làm việc và năng lượng tích cực trong mình rất nhiều.

Nghe như là chàng trai của lễ hội?

Đúng rồi (cười lớn). Tôi luôn thích thứ gì đó thật tưng bừng.

Là vì bạn có trải nghiệm tốt trong các mùa lễ hội, ví như bạn luôn có những cái tết đầm ấm, sum vầy?

Có lẽ vậy. Thú thật là chẳng phải tôi sống trong một gia đình đủ đầy nhưng không có nghĩa là không đầm ấm. Tôi mồ côi mẹ, tự lập khá sớm ở Rạch Giá, quê tôi ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Mẹ tôi mất năm tôi học lớp 6 vì tai nạn giao thông, sau đó thì ba cũng không còn sống chung với tôi. Tôi sống với bà ngoại và dì tư không lập gia đình, họ rất cưng tôi. Tôi còn có mấy đứa em họ phía ngoại cực kỳ thân với mình. Vậy nên, tôi thấy gia đình mình rất ổn, không thiếu thốn tình cảm.

Nói chung, tôi là chàng trai của gia đình, thích về nhà, làm việc trong nhà của mình. Sài Gòn là nơi tôi có môi trường làm việc và phát triển bản thân tốt nhưng nếu có cơ hội thì tôi vẫn muốn về quê sống với gia đình. Tôi có ít người thân bên cạnh nên rất trân trọng họ.

Bạn còn nhớ những cái tết còn mẹ không?

Lúc mẹ mất, tôi còn nhỏ quá nên không nhớ nhiều nhưng nhớ nhất là mẹ thích làm bánh. Xong buổi chợ sớm là mẹ làm hết bánh này tới bánh khác, tết thì phải có thêm mứt dừa. Tôi nhớ bà ngoại nhiều hơn. Tôi nhớ dáng ngoại ngồi tỉ mẩn lựa từng hạt gạo lẫn trong nếp bỏ ra. Ngoại tôi rặt miền Nam, làm bánh tét ngon nên có nhiều người mua.

Tôi là người ngồi canh bếp lửa. Hồi nhỏ thấy chán lắm nhưng lớn lên thì thấy những tàn lửa bay lên không trung rất đẹp và cảm nhận được sự đủ đầy, ấm cúng. Khi trưởng thành hơn mình nhận ra vẻ đẹp không ở đâu xa, mà ngay trong những thứ rất thân quen. Sau này, ngoại không làm được nữa nên đã dạy lại cho các cậu, các dì. Mỗi lần gói bánh là mỗi người một ý, ai cũng muốn “chỉ đạo” phải bỏ này vào, bỏ kia ra, cột chặt lại, năm nào bánh không ngon thì người này đổ thừa người kia… Nhưng những cuộc “cãi vả” trong không khí tết rộn ràng ấy vui lắm.

Giả sử tết mất hết mọi thứ, chỉ được giữ lại một thứ thì với bạn là gì?

Đầu tiên, tôi nghĩ không mất thứ gì, vì tôi sẽ là người giữ lại mọi thứ, ít nhất là trong gia đình mình (cười). Không còn ai chơi tết thì tôi vẫn cứ chơi. Thứ hai, tôi thấy cái nào cũng quan trọng nên không thể chọn một. Nhưng giả sử điều buồn nhất ấy xảy ra thì tôi nghĩ sẽ mất hết, vì cái này nó liên quan cái kia, mất một hay nhiều thì như nhau thôi. Tôi thuộc “phe” giữ tết. Những người đòi bỏ tết có lẽ là vì trong lòng họ đã không có niềm vui.

 

Không nói bạn 27 tuổi thì người đọc sẽ nghĩ bạn là một người già vì rất nhiều bạn trẻ thấy tết về quê là rước một mớ phiền hà vào người, tiền lì xì, quà cáp, cúng kiếng nhiều quá, lại gặp một số người hỏi những câu thiếu tế nhị, còn bạn nghĩ sao?

Thì cũng có tí phiền hà, nhưng họ phải nghĩ rằng tết có vài ngày thôi. Trong năm chỉ mỗi dịp này, có khi đó lại là chuyện vui để kể lại. Nhà tôi không ai quan tâm đến việc phải có quà hay lì xì. Ai thích gì mua nấy, có tiền thì lì xì, không có vẫn vui. Mình mua sắm gì cho gia đình và lì xì được cho ai ít nhiều trước hết là vì niềm vui của mình.

Có những người than sao tết bây giờ chán quá, tôi nghĩ là vì họ làm cho nó chán thôi. Mọi người vẫn có thể đi chợ hoa và bày biện mọi thứ trong nhà. Có nhiều thời gian và điều kiện thì sửa soạn một cái tết hoành tránh, không thì làm gọn, ấm cúng. Quan trọng là mình thả lòng với tết, đặt trọn vẹn vào những điều dù nhỏ để tận hưởng. Những người thấy chán là vì lướt qua mọi thứ nhanh quá.

Chia sẻ bài viết: