Năm 2005, thực hiện chương trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào, nhiều kỹ sư, người lao động trong ngành cao su Việt Nam đã được cử sang đất bạn. Từ đó đến nay, nhiều người trong số họ đã quyết định chọn nơi này làm quê hương thứ hai, không chỉ vì nhiệm vụ mà còn bởi những tình cảm sâu đậm với đất nước và con người Lào.
Dẫu trắc trở cũng không từ bỏ
Tại gian chính ngôi nhà của anh Bùi Phước Tùng Lâm (hiện là Phó giám đốc Nông trường 1, Công ty Cao su Quasa) có chiếc nôi gỗ. Trong nôi, một thiên thần nhỏ đang say giấc. Bé Gạo chính là kết tinh của mối tình xuyên biên giới giữa chàng trai Việt Nam và cô gái Lào.
Khi có ý định cưới vợ Lào, anh Lâm từng vướng phải sự phản đối kịch liệt của gia đình.
Anh chị quen nhau khi làm việc chung tại nông trường cao su ở tỉnh Savannakhet. Ban đầu, vì bất đồng ngôn ngữ, cả hai chẳng hiểu người kia nói gì. Nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Sau những ngày cùng nhau làm việc, cùng giúp đỡ nhau khi khó khăn, tình cảm của anh Lâm - chị Keo Phothisa cứ thế nảy nở và phát triển, vượt qua cả ranh giới về ngôn ngữ, văn hóa.
“Lúc tôi nói với cha mẹ muốn lấy chồng Việt Nam, cha mẹ tôi ngăn cản, thậm chí còn ác cảm với anh Lâm. Nhưng lúc đó tôi nghĩ: thôi kệ mình lấy chồng, mình sống với chồng, chứ đâu phải cưới chồng về sống với cha mẹ đâu. Vì vậy, chúng tôi chia ra mỗi người tự thuyết phục gia đình của mình, lỡ thuyết phục không được thì cũng… cưới luôn. Miễn chúng tôi yêu thương nhau, hạnh phúc với nhau thì cha mẹ sẽ yên lòng thôi” - chị Keo Phothisa tâm sự.
Ngồi cạnh bên, anh Lâm tiếp lời vợ: “Mặc dù gặp phải khá nhiều trắc trở từ 2 gia đình, chúng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ từ bỏ. Tôi còn đang lo bạn gái chạnh lòng khi bị nhà trai từ chối thì không ngờ cô ấy lại rất mạnh mẽ, thậm chí còn an ủi ngược lại tôi”.
Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng, tình cảm chân thành của đôi trẻ cũng khiến cha mẹ đôi bên xiêu lòng. Tháng 3/2024 anh Lâm và chị Keo Phothisa đã có một đám cưới ấm áp tại cả Lào và Việt Nam, mang đậm nét phong tục, văn hóa của 2 quốc gia.
Cũng gặp sự phản đối từ gia đình, nhưng anh Nguyễn Vũ Thịnh (Phó giám đốc Công ty Cao su Việt - Lào) lại may mắn hơn anh Lâm khi chỉ cần tháo gỡ nút thắt từ phía cha mẹ anh. Anh Thịnh nằm trong lứa cán bộ, nhân viên đầu tiên từ Việt Nam sang Lào trồng cao su.
Với vai trò phụ trách kỹ thuật, anh đã trực tiếp theo dõi và triển khai các giải pháp để cây cao su phát triển tốt trên đất nước bạn. Từ năm 2007, anh Thịnh cùng đội ngũ của mình đã thuê văn phòng làm việc tại huyện Bachiang, tỉnh Champasak. Ít lâu sau, đơn vị anh chuyển văn phòng sang huyện khác, nhưng anh được chủ nhà giữ lại. “Lúc ấy, bác chủ nhà nói tôi cứ ở lại đây công tác cho thuận tiện, đi xa chi cho cực. Ai có ngờ quyết định ở lại ngày ấy đã se duyên cho tôi và con gái bác chủ nhà” - anh Thịnh vui vẻ kể lại.
Tiếp lời chồng, chị Keo Lattana Kuovanthong (hiện là Trưởng bộ môn quản trị, Phòng Tài nguyên Môi trường, huyện Bachiang, tỉnh Champasak) cho biết, ban đầu chị không mấy ấn tượng với anh Thịnh. Trong mắt chị khi đó, anh là một người đàn ông ít nói, da ngăm đen và khá khó gần. Tuy nhiên, khi thấy anh thường xuyên giúp đỡ mà không nề hà việc gì, chị bắt đầu để ý rồi thương anh lúc nào chẳng biết.
Năm 2010, Anh Thịnh và chị Keo Lattana Kuovanthong quyết định về chung một nhà khi tình cảm đã đến độ chín muồi. Anh Thịnh kể: “Lúc quyết định cưới, tôi gọi về thông báo cho cha mẹ. Cha mẹ tôi cản dữ lắm và kêu tôi phải về Việt Nam gấp, không cho ở Lào nữa. Tôi đành cố gắng thuyết phục cha mẹ sang Lào một chuyến, để xem mặt mũi người con gái tôi thương thế nào, cũng như thăm gia đình của cô ấy, rồi quyết định cũng chưa muộn. Lúc ấy, không hiểu sao trong lòng tôi có một niềm tin rất lớn là cha mẹ sẽ thay đổi quyết định khi gặp người con gái này”.
Sau chuyến thăm định mệnh đó, cha mẹ anh Thịnh đã buông bỏ định kiến và chấp nhận nàng dâu ngoại, cũng như cho phép con trai tiếp tục sinh sống ở đất Lào.
Kết tinh của mối tình đẹp vượt biên giới này là sự ra đời của cô con gái xinh xắn chỉ sau 1 năm chung sống. Vào năm 2012, cặp đôi lại tiếp tục chào đón cậu con trai kháu khỉnh.
Gìn giữ văn hóa, tô thắm tình hữu nghị
Trong quá trình chung sống, sự khác biệt về văn hóa là rào cản mà các đôi cần vượt qua. Tuy nhiên, đối với các cặp đôi Việt - Lào mà chúng tôi gặp, tình yêu và sự đồng cảm trong công việc đã giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu.
Người Lào thường ăn xôi thay cơm. Biết chồng không quen nên mỗi bữa ăn, chị Keo Phothisa sẽ nấu thêm phần cơm gạo tẻ cho anh Lâm. “Thỉnh thoảng chồng tôi tự nấu nướng để hợp khẩu vị hơn. Anh còn dạy tôi nấu món Việt Nam. Những bữa ăn với món Việt, chúng tôi mời cha mẹ và bà con bên ngoại đến thưởng thức, rất vui. Từ những bữa cơm thân mật đó, dần dần cha mẹ tôi đã mở lòng và chấp nhận chàng rể này. Ông bà thường sang nhà phụ tôi chăm cháu, hỏi thăm con rể” - chị Keo Phothisa vui vẻ nói.
Chị Keo Phothisa cho biết, chị mới được thăm Việt Nam quê chồng có 1 lần vào ngày cưới. Khi nào con cứng cáp hơn, vợ chồng chị sẽ đưa con về thăm ông bà nội cũng như khám phá nhiều hơn những danh lam thắng cảnh, văn hóa người Việt.
Còn đối với chị Keo Lattana Kuovanthong (vợ anh Thịnh), hơn 14 năm làm dâu Việt Nam, chị có nhiều dịp về quê chồng. Dù không rành tiếng Việt nhưng chị phát âm rành rọt từng món ăn Việt chị yêu thích. Chị còn có thể tự tay nấu được các món như: bún bò, phở, thịt kho tàu…
Chị Keo Lattana Kuovanthong chia sẻ: “Chúng tôi tôn trọng văn hóa của nhau. Các dịp lễ hội truyền thống của Lào, chồng tôi đưa vợ con cùng tham dự. Khi sắp xếp được thời gian, tôi cũng mong có dịp đến thăm nhiều nơi, tham dự nhiều lễ hội của người Việt”.
Dù sống tại đất Lào, anh Thịnh vẫn luôn có ý thức dạy con nói tiếng Việt. 2 con của anh đều có thể giao tiếp sành sỏi bằng tiếng Việt. Chỉ khi đi học hay nói chuyện với mẹ, ông bà ngoại, các bé mới nói tiếng Lào. “Nhờ thành thạo 2 thứ tiếng, các con có thể tìm hiểu phong tục, tập quán của cả 2 nước” - anh Thịnh hào hứng kể.
Ông Nguyễn Văn Trung - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Paksé, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào - cho biết, ông rất trân quý đội ngũ lao động, cán bộ, nhân viên người Việt Nam sang Lào triển khai các dự án hợp tác đầu tư, đặc biệt là xây dựng gia đình trên nước láng giềng. Điều này góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết, xây dựng gia đình trên nước láng giềng. Điều này góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Ông Trung nhấn mạnh: “Với vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn triển khai dự án, chúng tôi rất tin tưởng vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như tin tưởng vào đội ngũ lao động Việt Nam công tác tại Lào. Sự phát triển này sẽ trở thành nhân tố quan trọng, tô điểm thêm cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.