Chừng hai tháng trước, hay tin đình thần Linh Đông (P.Linh Chiểu, quận Thủ Đức) tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích cấp quốc gia; từ phường Long Bình, quận 9, bà Trần Thị Thạch bắt xe về thăm. Suốt buổi lễ trang trọng, bà chỉ nép mình sau hàng rào nhìn vô, “như một người đi đường hiếu kỳ”. “đợi người ta về bớt rồi vào đốt nén hương; gốc gác ở đây, con dân vùng Linh Chiểu, ngày này phải về thắp nén hương chứ!”. Bà Thạch hất cánh tay lên mấy lượt, khi nhắc kỷ niệm về Linh Chiểu - Thủ Đức. Căn nhà ba gian cách đình mấy trăm mét, sâu trong con đường đất nhỏ xíu của “bé Thạch” năm nào giờ không còn tăm tích. Cột mốc để người ta “biết đường mà về” chính là ngôi đình đã 197 năm tuổi. Nơi đó, từng món vật của mấy trăm năm trước vẫn hiện diện, quên không đặng những gốc gác của vùng đất này.
Có lần, tôi được ông Phạm Hoài Minh Tân - một người con vùng Linh Chiểu (nay là Trưởng ban Tuyên giáo quận Thủ Đức) nhắc về những ngày cũ. Thời binh biến, đây là vùng đệm căn cứ kháng chiến, lãnh nhiều hậu quả chiến tranh. Là vùng thuần nông nhưng nông nghiệp lại không phát triển, đời sống người dân rất khó khăn. Tới khi chuyển hướng đầu tư, vùng đất mới được vực dậy. Những năm đầu thập niên 1990, khu chế xuất Linh Trung 1 mọc lên như bước ngoặt, mở ra một đời sống khác. Khu chế xuất Linh Trung 2, khu công nghiệp Bình Chiểu… cũng tiếp nối. Hạ tầng giáo dục, y tế được thúc đẩy, các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đặt cơ sở ở đây. Các khu dân cư đô thị định hình - trong điều kiện vẫn là một huyện nông thôn. Bước đi thần tốc của vùng đất trong thời gian ngắn khiến chiếc áo lâu nay không còn vừa vặn. Thủ Đức cần tấm áo mới - mà tổ chức chính quyền đô thị là một lựa chọn. Năm 1997, huyện tách thành ba quận 2, 9, Thủ Đức để có thể phát triển hơn.
“Lạ lùng, và thương quý lắm!” - bà Thạch chỉ tay hướng chợ Thủ Đức, cách đình Linh Đông hơn một cây số. Có lẽ, ký ức thời con gái bươn bả vẫn còn đó.
200 năm tồn tại với không biết bao nhiêu lần tôn tạo, chợ vẫn đứng đó giữa đổi thay của thời cuộc. Cách đó hơn một cây số, là mộ tiền hiền Tạ Dương Minh - người lập chợ Thủ Đức. Thuở xưa, chỗ này ngút ngàn cỏ mọc. Giờ, ngôi mộ 130 năm tuổi lọt thỏm giữa khu dân cư khang trang, đường bê tông chạy ngang trước mặt. Mỗi tháng hai lần, bà Thạch và những người đàn bà mưu sinh nẻo chợ đó vẫn đều đặn đến nhang khói. Chuyện cũ vẫn còn đó trên bia như một mảnh lịch sử không thể mờ đi trên vùng đất này: “Những năm 1667-1725, tại vùng Linh Chiểu Đông, tiền hiền Tạ Dương Minh và nhóm người Hoa cùng cư dân Việt sống tập trung, hợp sức khẩn hoang, trồng trọt, chăn nuôi và chống chọi với bệnh tật, thú dữ, đồng thời lập chợ để điều tiết nhu cầu mua bán, giao thương của thị trường, phù hợp với vùng đất mới đang đà phát triển. Ngôi chợ được mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Tên hiệu của ông cũng được dùng chính thức để gọi tên vùng đất Thủ Đức qua các thời kỳ cho đến nay”.
Vài năm trước, đại lộ Phạm Văn Đồng thông xe toàn tuyến. Bấy giờ, đây được xem là tuyến đường nội đô đẹp nhất thành phố, đồng thời là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT. Rồi từ đó, rẽ phải sang Kha Vạn Cân, qua Linh Chiểu thăm những di chỉ xưa, chợt nghĩ về xương máu và trí tuệ của cuộc gầy dựng trong quá khứ, và cả những tinh anh, nhiệt huyết trong giấc mộng “phục sinh” bây giờ - cho một vùng đất.
Ngày mới thành lập, quận 2 chỉ có vỏn vẹn năm con đường chính, tổng chiều dài 20km. Còn lại là đường đất chạy xen trong xóm ấp lẫn kênh rạch chằng chịt. Theo lời thạc sĩ - kiến trúc sư Huỳnh Thanh Khiết (hiện là Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM), trong cuốn Quận 2, mười lăm năm thành lập và phát triển (1/4/1997-1/4/2012), giai đoạn 1975-1998, người dân của quận “vẽ” quy hoạch theo từng dự án, khu đất riêng lẻ, sau đó trình chính quyền phê duyệt hoặc không cần trình rồi tự
xây dựng.
Từ năm 1998, khi xác định quận 2 có vị trí quan trọng, UBND TP.HCM ban hành nhiều quyết định quy hoạch để quản trị vùng đất ít nhiều còn ngổn ngang. Đặc biệt, từ năm 2008, quận 2 được hoạch định hướng đến phát triển đô thị bền vững. “Thuật ngữ “phát triển đô thị bền vững” mang nội hàm rất rộng, nhưng về bản chất đó chính là phương thức hành động nhằm xây dựng đô thị thỏa mãn nhu cầu sống và hưởng thụ hôm nay, mà không làm tổn hại đến nhu cầu sống và hưởng thụ của các thế hệ tương lai” - ông Khiết nêu.
Đưa tôi xem những tấm ảnh thuở quận 2 cỏ mọc lút đầu, chị Phan Thị Phượng, bí thư khu phố 3, phường An Phú, quận 2, quả quyết: “Không có chủ trương nào của chính quyền đưa ra mà người dân không ủng hộ, nhưng mọi thứ phải đẹp đẽ đôi bên”. Câu nói đó, là đúc kết của nhiều năm chị thuyết phục dân bàn giao đất cho nhà nước. Bản thân chị cũng sở hữu 5.000m2 đất, với chiều dài hơn 50m mặt tiền Tỉnh lộ 25. Qua hai lần giải tỏa, chị cũng chỉ còn lại 1.000m2.
Hôm hẹn gặp, chị hỏi thật: “Em muốn nghe chị nói trong vai một người dân nhường đất, hay một cán bộ được biểu dương cho thành tích thuyết phục dân?”. Tôi chưa kịp đáp thì chị tiếp: “Làm dân, hỏi có đau không? Đau lắm, chuyện đất đai không đơn giản gạo tiền, mà là ký ức, kỷ niệm, mồ hôi của bao thế hệ khai hoang, giữ gìn. Làm cán bộ, hỏi có mong được người dân cùng đồng lòng góp sức, để mảnh đất không tiếp tục giậm chân…?”. Chị kéo tôi về góc nhìn của người dân quận 2. Vốn chỉ cách một dòng sông, mười phút qua phà là tới, nhưng quận 2 nhìn về quận 1 là cả một giấc mơ. Đó là khát khao thầm kín của mọi xứ sở miệt đồng thôn dã, với cái phồn hoa đô thị; của người làm ruộng thả đồng với hình tượng thị dân có nghề nghiệp tương sinh với những cuộc cách mạng công nghiệp. Chị Phượng thở phào, dù là dân hay là cán bộ, cũng chỉ có một lối nghĩ suy trước câu hỏi về mục đích và đối tượng sau cùng của mọi cuộc phát triển một vùng đất. Nếu dân không được lợi, thử hỏi, kẻ làm dân vận, hay cả những chủ trương, chính sách này nọ - có lợi được không?
Hồi hầm Thủ Thiêm chính thức thông xe, nối đôi bờ sông, dân quận 2 khấp khởi, rồi đây sẽ hóa giải được cái cách biệt “ngoại ô” với “trung tâm” hàng bao thế kỷ. Đường sá nới theo. Bê tông thẳng tắp. Mấy tòa nhà hiện đại rồi khu đô thị mới, khu chức năng, trung tâm văn hóa thể thao hình thành… Cái nào cũng tầm vóc, quy mô. Đó là khởi đầu của một dự định được ấp ủ; hay đúng hơn, là tham vọng, khát khao từ lâu về sự hội tụ cho vùng đất cất cánh: khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông của thành phố. Tất cả công trình đó, xưa kia, từng là nhà, vườn, hay mảnh ruộng của chị Phượng và bà con chòm xóm. “Đi qua nhớ cái đất của mình, đất của bà Năm, ông Tám… Nhớ dữ lắm nhưng nhìn cảnh khang trang hiện tại thì lòng thấy vui” - chị Phượng chốt hạ. Tuyến Xa lộ Hà Nội xưa gầy nhẳng, giờ khang trang cũng có “một phần đất của chị và bà con quanh đây góp vào”. Giờ, xa lộ có tới mấy làn đường, thong dong xe chạy. Đường mở rộng đến đâu, sức sống theo đó. Chị Phượng nhớ có lần về quận 9, tự dưng giật mình cái hình ảnh như in trong trí óc: vùng Long Phước thuở đó rất nghèo, đất đỏ không sao cải thiện để làm ăn, gầy dựng, “mà nay sang trọng, lộng lẫy còn hơn cả trung tâm Sài Gòn”.
Phát triển bền vững là không đánh đổi, xóa nhòa ký ức của vùng đất. Ở huyện Thủ Đức, rất nhiều dư ảnh trăm năm vẫn còn đó. Nhà thờ và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là một minh chứng, trở thành biểu tượng của cả một câu chuyện cân nhắc, chọn lựa giữa phát triển và giữ gìn. Đằng sau đó, là rất nhiều chuyện tương tự về lựa chọn sau cùng của người dân xứ này. “Giải tỏa” để xây mới, hay giữ lại hồn xưa? Mà tận cùng, giải tỏa hay không, không còn là chuyện nan giải nữa. Năm 2016, hay tin Đình Đông Phú nằm trong diện giải tỏa, dân xứ đó cũng bàng hoàng. Nhưng rồi, bà bí thư khu phố cùng hội đình tất tả đi tìm đất dưới sự hỗ trợ của chính quyền, dựng lại đình thần mới. Vùng linh thiêng vẫn được bảo lưu trong cơn tất bật quy hoạch, giải tỏa.
Quán cơm của bà Thạch nằm sau lưng Bến xe Miền Đông mới, thuộc địa bàn quận 9. Thuở đó, bao nhiêu đẹp đẽ của mỗi căn nhà, vi-la, biệt thự của thành phố, đều khởi đi từ cái lò gạch chỉ sản xuất gạch… cao cấp. Cách lò gạch mấy trăm mét, là xưởng gỗ, nhà máy, cơ sở may gia công. Công nhân nườm nượp. Vùng đất đỏ khó trồng trọt chăn nuôi, lột xác thành một khu công nghiệp, nhưng bố trí tùy ý bởi các chủ đất. Vó ngựa thời gian lướt như ánh nắng qua song, các cơ sở được sắp xếp, đầu tư quy củ. Lò gạch được giải tỏa, nhường chỗ cho một bến xe hiện đại như… sân bay. Giao thông cơi nới bằng những đường vành đai, rồi tuyến metro 1 đi xuyên qua quận giúp mảnh đất tự “dưng thấy thịnh vượng, sống động”.
Là một trong những người cầm đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên tay, ông Phạm Hoài Minh Tân nhận nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến của người dân. Bằng sự am tường về vùng đất được tách ra để thực hiện các chiến lược phát triển riêng từ tiềm năng riêng biệt, ông quả quyết đã đến lúc chín muồi để sáp nhập. “Nếu vẫn giữ nguyên hiện trạng của ba quận, hỏi mỗi quận có phát triển được không? Tất nhiên là có phát triển. Vậy, tại sao lại phải sáp nhập?”. “Vấn đề là, thành phố Thủ Đức đem lại tốt đẹp gì cho người dân ở đó, và cho cư dân của TP.HCM nói chung?”. Suy cho cùng, vì sao và ích lợi gì cho người dân vẫn là trọng tâm phải kiến giải của mọi chủ trương, chính sách.
“Chiếc áo đã chật cho mỗi đứa trẻ đã trưởng thành. Sự phát triển của mỗi quận không còn phù hợp với cơ chế hiện tại. Cần một cơ chế mới để tập trung khơi dậy trong sự kết nối tiềm năng của ba quận” - ông Tân quả quyết. Đoạn, đưa tôi về với địa lý của huyện Thủ Đức mà bao nhiệm kỳ lãnh đạo vẫn xác định có vị trí chiến lược, đắc địa của cửa ngõ giao kết các khu vực xung quanh cũng từng ngày phát triển. Tầm vóc, quy mô và điều kiện đó đòi hỏi một chiếc áo phù hợp, khi sự đầu tư, xây dựng mở rộng trở nên quá chật chội trong những chiếc áo cũ. Ông Tân ví von, từng chiếc đũa đơn lẻ không đủ hợp lực, tạo sức bật, mà cần phải nhập từng chiếc đũa với nhau và vận hành bằng một cơ chế đủ mạnh để giúp thúc đẩy, phát huy nguồn lực.
Huyện Thủ Đức giờ có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hướng đến chuyển dịch lao động sử dụng trình độ cao. Khu công nghệ cao của quận 9 được đầu tư từ lâu và đang đà phát triển. Hơi thở của nơi này dự đoán thổi được sinh khí cho không chỉ một vùng đất, mà còn như một manh mối cho khát vọng trở thành "thung lũng silicon” vươn sự ưu việt ra khỏi phạm vi quốc gia. Ở đó, người ta tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ cao, thu hút nguồn nhân lực và các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đáp ứng cho cuộc chuyển mình này là cụm đại học quốc gia - một nơi từ nhiều năm trước đã được dựng lên cho hoài bão tạo nguồn nhân lực chất lượng vươn tầm khu vực.
Điểm gặp nhau đó chính là yếu tố kết nối giữa đào tạo - cung cấp - sử dụng. Buộc mọi sự tập trung phải hướng về thúc đẩy đầu tư cho công tác giáo dục, ngay từ những bậc học phổ thông. Sự thụ hưởng trước tiên đó của con em, những công dân tài năng, được đào tạo bài bản sẽ đổi thay gắn với thu nhập, môi trường và chất lượng sống của người dân trong vùng, rồi từ đó lan tỏa ra xung quanh.
Bài: Tuyết Dân
Thiết kế: Hoàng Triết