Tại đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) có một lớp học đặc biệt nép mình bên dốc núi. Lớp chỉ có khoảng 20 học sinh nhưng được sắp xếp ngồi quay ra 3 hướng có đặt 3 tấm bảng. Thầy giáo của lớp là thiếu tá Trần Bình Phục (47 tuổi) - một người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa.
Thầy Phục cho biết, độ tuổi và khả năng tiếp thu của các em khác nhau nên thầy phải chia làm 3 nhóm để giảng dạy, trình độ từ lớp Một đến lớp Năm.
Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, các em sẽ chuyển vào các trường trong đất liền để tiếp tục học lên cao. Em nào không có điều kiện rời đảo thì thầy vẫn cố gắng dạy kèm thêm kiến thức ở các lớp lớn hơn.
Thế nhưng, nhiều em đến lớp được 1-2 ngày thì “mất tích” vì không thích học, phải theo phụ ba mẹ đi thả câu. Vậy là thầy lại phải đến nhà vận động và cùng đơn vị quan tâm, chăm lo đời sống cho các em. Riêng thầy, không ít lần đã bỏ tiền túi để mua sách, vở, quà để động viên bọn trẻ. Học trò không chỉ được thầy dạy chữ mà còn dạy cả những bài học về đạo đức, lối sống.
Kết quả đó là niềm vui, động lực để người thầy mang quân hàm xanh tiếp tục gắn bó với đảo xa.
Là người con duy nhất của TPHCM đang có mặt tại nhà giàn DK1/10, nhiệm vụ hằng ngày trung sĩ Nguyễn Tấn Đạt (20 tuổi) là tham gia trực canh, quan sát, nắm bắt thông tin liên lạc và tham gia huấn luyện chiến đấu. “Là con trai một trong gia đình nhưng khi biết em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và có cơ hội được phục vụ nơi đảo xa, mẹ em đã rất vui và tìm cách động viên em mỗi ngày. Mẹ nói đây là cơ hội và môi trường rất tốt để con học tập, rèn luyện. Sự động viên của mẹ giúp em cảm thấy yên tâm” - Đạt chia sẻ.
Vào quân ngũ cũng là lần đầu tiên người lính trẻ xa nhà, nên cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ là không tránh khỏi. Và nỗi nhớ ấy càng da diết, dâng trào mỗi khi đứng trên tầng cao, giữa bốn bề sóng vỗ và nhìn những con tàu đi, về ngoài khơi xa.
Nhưng rồi thời gian, công việc, tình yêu thương của đồng đội và sự quan tâm của mọi người đã giúp Đạt mau chóng thích nghi, hòa nhập với cuộc sống khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió. “1 năm qua, tôi thấy mình trưởng thành lên từng ngày, từ mọi sinh hoạt cá nhân cho đến những nhiệm vụ được phân công” - Đạt tự nhận thấy.
Nói về những ngày sắp tới, Đạt bộc bạch: “Nếu được tiếp tục làm nhiệm vụ nơi đảo xa thì tôi sẽ rất tự hào”.
Chiến sĩ trẻ Phạm Thành An (19 tuổi) chia sẻ: “Tôi mới ra làm nhiệm vụ trên đảo được 9 tháng. Đây sẽ là một hành trình để lại nhiều kỷ niệm, cảm xúc nhất trong cuộc đời của tôi. Vì tình nguyện nhập ngũ với ước mơ được phục vụ nơi đảo xa, nên tôi không bỡ ngỡ khi bước chân lên đảo. Những ngày sống và làm nhiệm vụ ở nơi đây, tôi thực sự hạnh phúc vì cảm nhận trọn vẹn đời sống của người lính”.
Trở lại với câu chuyện của thầy giáo - bộ đội biên phòng Trần Bình Phục. 15 năm trước, khi anh có mặt tại đảo Hòn Chuối, anh mới chỉ ngoài 30 tuổi. Cho đến nay, anh đã nhiều lần xin đơn vị cho gia hạn thêm thời gian công tác ở đảo để tiếp tục được gắn bó, tiếp tục công việc “gieo chữ” của mình tại đảo Hòn Chuối.
Các chiến sĩ trẻ như Phạm Thành An, Nguyễn Đình Duy (19 tuổi) và nhiều cán bộ chiến sĩ khác cũng cho biết, họ cảm thấy gắn bó, cảm thấy tự hào và đều mong muốn được tiếp tục gia hạn để đóng góp sức trẻ vào việc bảo vệ chủ quyền và xây dựng biển đảo quê hương.
Bài: DIỄM TRANG - Thiết kế: QUỐC ANH