Phóng viên: Thưa bác sĩ, trào lưu túi mù nhìn ở góc độ y học tác động như thế nào đến giới trẻ và có khác nhau ở các độ tuổi không?

Tiến sĩ – bác sĩ Anh Nguyễn: Vì tính bất ngờ và yếu tố sưu tầm, túi mù ngày càng phổ biến. Các nghiên cứu cho thấy nó có thể ảnh hưởng đến nhiều độ tuổi với nhiều mức độ khác nhau, nhưng độ tuổi dưới 25 bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên. 

Đối với học sinh tiểu học sẽ dễ bị hấp dẫn bởi yếu tố bất ngờ mà túi mù mang lại. Do chưa phát triển đầy đủ khả năng kiểm soát cảm xúc, trẻ dễ bị cuốn vào hành vi mua sắm theo cảm tính mà không cân nhắc giá trị thực tế.

Đối với học sinh trung học và sinh viên, túi mù có thể kích thích tâm lý ganh đua và mong muốn sở hữu các vật phẩm hiếm, dẫn đến hành vi mua sắm bốc đồng. Một số em thậm chí bị cuốn vào vòng xoáy “săn lùng” sản phẩm, ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và gây ra những trạng thái tâm lý tiêu cực như căng thẳng, thất vọng, ganh đua.

Túi mù còn có cơ chế thao túng tâm lý người chơi vì nó hoạt động tương tự như cờ bạc, kích thích hành vi mua sắm lặp đi lặp lại mà người mua khó kiểm soát. Những cá nhân thích tham gia các hoạt động dựa trên phần thưởng ngẫu nhiên có nguy cơ phát triển hành vi nghiện. Việc theo đuổi phần thưởng (tức mở túi mù để tìm kiếm món đồ hiếm) kích thích hệ thống dopamin, tạo ra cảm giác hưng phấn và thôi thúc tiếp tục mua sắm.

Ngoài yếu tố gây nghiện, túi mù có mang đến những hậu quả nào khác không thưa bác sĩ?

Trẻ em chơi túi mù còn “chịu thao túng” bởi nhiều yếu tố tâm lý khác như: Sợ bỏ lỡ: trẻ sợ bỏ lỡ món hiếm, dẫn đến việc tiếp tục mua nhiều túi; hiệu ứng mỏ neo: giá trị ban đầu của một món đồ có thể khiến người mua cảm thấy những lần mua sau có giá trị hơn hoặc rẻ hơn so với thực tế; hiệu ứng chi phí chìm: đây là một sai lầm trong tư duy khi con người tiếp tục đầu tư thời gian, tiền bạc vào một thứ gì đó chỉ vì đã chi quá nhiều cho nó, ngay cả khi biết rằng việc tiếp tục không còn hợp lý. Ví dụ, khi trẻ mở nhiều hộp mù nhưng chưa có món hiếm. Thay vì dừng lại, bé ấy tiếp tục mua thêm chỉ vì đã đầu tư quá nhiều vào bộ sưu tập.

Túi mù đem lại nguy cơ về tâm lý và sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu gần đây tại Trung Quốc được công bố trên eClinicalMedicine (Lancet) cho thấy: nghiện túi mù quá mức ở giới trẻ có thể liên quan đến các hành vi tiêu cực, thậm chí làm gia tăng nguy cơ tự tử. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cảm giác thất vọng khi không nhận được món đồ mong muốn; mất kiểm soát tài chính, dẫn đến căng thẳng kéo dài; cảm giác tội lỗi khi chi tiêu quá mức.

Theo bác sĩ, làm thế nào để phụ huynh hướng dẫn con cái xác định đúng giới hạn của trò chơi này, đâu là niềm vui, đâu là cơn nghiện?

Các bậc cha mẹ có thể xác định ranh giới giữa niềm vui và cơn nghiện khi trẻ chơi túi mù bằng cách quan sát tần suất, cảm xúc và mức độ kiểm soát tài chính. Có một số dấu hiệu quan trọng để phân biệt niềm vui lành mạnh và cơn nghiện.

Niềm vui lành mạnh:

-Mua với tần suất hợp lý: Trẻ mở túi mù thỉnh thoảng, như một phần của niềm vui giải trí, không phải hoạt động diễn ra thường xuyên hoặc lặp lại mỗi ngày.

-Không ảnh hưởng đến cảm xúc: Nếu không nhận được món đồ mong muốn, trẻ vẫn vui vẻ, không thất vọng quá mức.

-Chi tiêu trong giới hạn cho phép: Trẻ hiểu rõ giá trị của tiền bạc và không đòi hỏi mua thêm khi cha mẹ nói "không".

-Không ảnh hưởng đến hoạt động khác: Trẻ vẫn duy trì các sở thích và thói quen hàng ngày như học tập, vui chơi ngoài trời mà không quá tập trung vào túi mù.

Cơn nghiện:

- Tăng tần suất mua liên tục: Trẻ liên tục yêu cầu hoặc dành nhiều thời gian tìm kiếm túi mù.

- Cảm xúc bị chi phối: Trẻ trở nên cáu kỉnh, buồn bã hoặc thất vọng nặng nề khi không có được món đồ mong muốn.

- Áp lực xã hội và ganh đua: Trẻ bị ảnh hưởng bởi bạn bè hoặc mạng xã hội, muốn “săn lùng” đồ hiếm để thể hiện bản thân.

- Mất kiểm soát tài chính: Trẻ tìm cách xin tiền, lấy tiền tiết kiệm hoặc thậm chí dùng tiền của cha mẹ mà không xin phép để mua túi mù.

Cha mẹ làm thế nào để thiết lập giới hạn hợp lý thưa bác sĩ?

Một là, đặt quy tắc chi tiêu. Giới hạn số tiền hoặc số lần mua mỗi tháng, giúp trẻ hiểu rằng túi mù chỉ là một trò chơi, không phải nhu cầu thiết yếu.

Hai là, dạy trẻ về giá trị thực của tiền. Hướng dẫn trẻ so sánh giữa chi tiêu cho túi mù và các mục tiêu quan trọng hơn (sách, đồ chơi sáng tạo, trải nghiệm thực tế).

Ba là, khuyến khích tư duy lý trí. Trước khi mua, đặt câu hỏi: “Con có thực sự cần món đồ này không? Nếu không mở được món đồ yêu thích, con sẽ cảm thấy thế nào?”

Bốn là, quan sát phản ứng của trẻ: Nếu trẻ có dấu hiệu ám ảnh hoặc mất kiểm soát với trò chơi, cần giảm dần tần suất và hướng trẻ đến các hoạt động khác để phân tán sự chú ý.

Giới hạn hợp lý giúp trẻ tận hưởng niềm vui mà không rơi vào vòng xoáy nghiện ngập. Quan trọng nhất, phụ huynh cần đồng hành và giúp con hiểu rằng giá trị thực sự không nằm ở những món đồ ngẫu nhiên, mà ở cách con kiểm soát cảm xúc và quyết định của mình.

Có ý kiến cho rằng, nếu từ bé trẻ con có thói quen chạy theo trào lưu thì dần dần sẽ đánh mất tư duy độc lập... Theo bác sĩ, nhận định này đúng không?  

Việc trẻ chạy theo trào lưu không nhất thiết đồng nghĩa với mất tư duy độc lập hay khả năng đánh giá thẩm mỹ, mà phụ thuộc vào cách trẻ được hướng dẫn trong quá trình tiếp nhận xu hướng.

Trào lưu không xấu, vấn đề là cách tiếp cận trào lưu phản ánh nhu cầu kết nối xã hội: Trẻ nhỏ, đặc biệt ở lứa tuổi học đường, có xu hướng thích những thứ đang “hot” vì muốn hòa nhập với bạn bè. Đây là một phần bình thường trong sự phát triển tâm lý. Tư duy độc lập sẽ không mất đi nếu trẻ được hướng dẫn. Nếu cha mẹ giúp trẻ hiểu lý do tại sao mình thích một thứ gì đó (thay vì chỉ chạy theo số đông), trẻ sẽ dần hình thành khả năng đánh giá cá nhân. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi: “Con thích túi mù này vì nó đẹp, hay vì bạn bè đều mua?”, hoặc “Nếu không theo trào lưu này, con có thấy mất đi niềm vui không?”.

Ngược lại, trẻ có thể học cách đánh giá thẩm mỹ qua trào lưu. Trào lưu có thể kích thích sự sáng tạo, ví dụ nếu trẻ thích sưu tập túi mù vì thiết kế, cha mẹ có thể khuyến khích con vẽ hoặc thiết kế nhân vật riêng của mình. Điều này giúp trẻ học cách đánh giá thẩm mỹ thay vì chỉ chạy theo xu hướng. Cha mẹ nên giúp trẻ phân biệt giữa giá trị thực và giá trị do số đông tạo ra.

Có cách nào để cha mẹ giúp trẻ không lệ thuộc vào xu hướng?

Cha mẹ nên đặt câu hỏi để kích thích tư duy phản biện. Khi trẻ muốn mua một món đồ theo trào lưu, cha mẹ có thể hỏi: “Con nghĩ món này sẽ còn thú vị sau 6 tháng không?” hoặc “Nếu phải chọn giữa túi mù và một món đồ khác, con sẽ chọn gì?”. Cha mẹ nên cho trẻ trải nghiệm nhiều thứ khác nhau. Khi được tiếp xúc với nhiều sở thích khác nhau như vẽ, đọc sách, thể thao… trẻ sẽ ít bị cuốn theo trào lưu chỉ vì muốn có thứ giống bạn bè.

Đặc biệt, cha mẹ phải làm gương cho con. Nếu cha mẹ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi xu hướng tiêu dùng, trẻ sẽ học theo. Ngược lại, nếu cha mẹ có tư duy chọn lọc, trẻ cũng sẽ phát triển thói quen tương tự.

Tóm lại, trào lưu không phải là vấn đề, quan trọng là cách trẻ tiếp cận và học hỏi từ nó. Nếu được hướng dẫn đúng cách, trẻ có thể vừa hòa nhập với bạn bè, vừa giữ được tư duy độc lập và khả năng đánh giá cá nhân. Một đứa trẻ có tư duy độc lập không phải là đứa trẻ không theo trào lưu, mà là đứa trẻ biết chọn lọc trào lưu nào phù hợp với mình.

Một người không tham gia vào trào lưu thì có thật sự bị bỏ lỡ điều gì và bị cộng đồng bỏ rơi không?

Không có con số cố định về thời gian tồn tại của một trào lưu, nhưng các nghiên cứu về trào lưu thời trang cho thấy hầu hết xu hướng đều trải qua 5 giai đoạn: hình thành, bùng nổ, cực thịnh, bão hòa và thoái trào. Mô hình của Rogers giải thích: xu hướng có thể bắt nguồn từ một nhóm nhỏ, sau đó được tiếp cận bởi một số đông và đến số đông lớn hơn – khi đó sản phẩm sẽ tràn ngập cửa hàng và các sàn thương mại online - đó được xem là giai đoạn cực thịnh, rồi sẽ bão hoà và thoái trào. Tùy vào mức độ phổ biến và sự đổi mới, một trào lưu có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Những xu hướng ngắn hạn như theo mùa hoặc theo một phong cách của ai đó/hiện tượng nổi lên thường chỉ tồn tại trong vài tháng đến 1 năm.

Việc không tham gia vào một trào lưu có thể khiến trẻ cảm thấy lạc lõng, đặc biệt ở độ tuổi tiểu học và trung học, khi nhu cầu hòa nhập nhóm rất cao. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ bị bỏ rơi hay mất mát. Quan trọng là cha mẹ giúp trẻ hiểu rằng, không phải xu hướng nào cũng đáng theo đuổi. Hãy khuyến khích trẻ phát triển những sở thích mang lại giá trị lâu dài như vẽ, thể thao hoặc sưu tập có chọn lọc. Khi trẻ có những niềm vui thay thế và biết cách cân nhắc giá trị thực sự của một xu hướng, chúng sẽ dần hình thành tư duy độc lập và không bị cuốn theo đám đông một cách mù quáng.

Chia sẻ bài viết: