Con bé Mưa thấy khách ghé nhà, tự tin nói: “Konichiwa!”. Tôi giật mình, bọn trẻ đã không còn mắc cỡ trước người lạ như mười năm trước, lại còn biết nói lời chào bằng tiếng Nhật. Cũng là nơi ấy thôi, nhưng mọi thứ đã khác, từ con đường, những ngôi nhà, điều kiện sinh hoạt đến sự tiếp nhận tri thức, công nghệ.
Ngày trở lại Thiềng Liềng, đi dưới những hàng cây xanh, ngồi bên hiên nhà trò chuyện với người dân, thi thoảng tôi tưởng mình đang ở một vùng ngoại ô thanh bình chứ không phải là một ấp đảo xa xôi…
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi ngay khi bước lên cầu tàu chính là hàng cột điện thẳng tắp trên con đường dẫn vào khu xóm mới. Hình ảnh ấy đối với người đô thị, thậm chí là ở các tỉnh, thành khác vốn quen thuộc. Nhưng với Thiềng Liềng, đó là nỗi mong chờ suốt mấy mươi năm.
Thiềng Liềng là địa phương cuối cùng của TPHCM có điện lưới quốc gia. Ngày 29/4/2016, công trình cáp ngầm 22kV cấp điện cho đảo chính thức được khánh thành. “Ngày đó đảo vui như hội”, chú Lê Văn Phong (50 tuổi, người dân ấp đảo) nhớ lại.
Năm ấy, dân đảo Thiềng Liềng ăn tết lớn, nhà nhà đầu tư mua ti vi, tủ lạnh, máy giặt… Trước kia, nước đá được chở từ huyện qua bán với giá 50.000 đồng/cây. Dân hùn lại mua rồi chia nhau mỗi người một ít mang về uống. Sau này có điện, không phải tốn tiền mua nước đá nữa. Điện về rồi, cái gì cũng thuận tiện hơn.
Điện về rồi, việc làm muối của bà con cũng không còn vất vả như xưa. Trong ký ức của bác Tám Thanh (Nguyễn Văn Thanh, 80 tuổi) vẫn còn lưu giữ hình ảnh của những năm tháng ròng rã ngồi xa quay, đàn ông, đàn bà lẫn trẻ con từ sáng đến chiều cùng nhau quay nước vào ruộng muối. Hết xa quay tay (ngắn) đến xa dây (dài), thao tác đưa nước vào ruộng muối hoàn toàn bằng thủ công, cực trăm bề. Giờ thì bà con đã có thể dùng máy bơm nước. Thời điểm cuối năm cũng là lúc bà con ấp đảo bắt đầu “xuống đồng”, cho nước vào ruộng.
Buổi trưa cuối tuần, bọn trẻ rủ nhau đi câu cá. Tiếng đạp xe lạch cạch trên đường làng, và tiếng trẻ thơ ríu ran dưới những vòm cây xanh như một thanh âm của bình an.
Bọn trẻ ấy có những trò chơi giải trí dân dã, nhưng cũng biết “gu-gồ”, xem clip trên “yu-típ”. Nhờ chương trình dạy phổ cập tin học ở đảo Thiềng Liềng (do các chiến sĩ biên phòng Thạnh An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM tổ chức và duy trì mấy năm nay), cả trẻ con lẫn nhiều người lớn ở ấp đảo đã biết sử dụng vi tính, truy cập internet thông qua mạng 3G. Lời chào “Konichiwa” của bé Mưa hay việc biết đến nhạc trẻ, các chương trình giải trí của bọn trẻ con nơi này là nhờ tiếp cận được với công nghệ.
Trên bàn của bác Tám Thanh có chiếc máy tính bảng, mà ông bảo “muốn cập nhật tin tức thời sự gì thì cứ coi trong đó, có hết”.
Đi quanh xóm đảo, nếu không nghe văng vẳng bên tai tiếng vỏ lãi thi thoảng nổ máy giòn giã trên sông, thì tôi đã quên mất mình đang đứng trên ấp đảo khá xa đất liền. Là người sống ở hòn đảo này từ thuở khai hoang, cho đến ngày có cháu gọi bằng ông sơ, bác Tám Thanh mới được nhìn thấy điện về với đảo. “Chứng kiến đất mình đổi thay, phát triển như bây giờ mà mừng cho tụi nhỏ” - bác vừa nói vừa hồn hậu cười.
Gần nửa thế kỷ trước, bốn anh em trong gia đình bác Tám Thanh cùng một người cháu rể từ Tiền Giang đến đây. Đó là vào khoảng năm 1973, trên bản đồ người ta gọi đây là rạch Thiêng Liêng. Anh em cùng nhau phát quang dọn cây đắp bờ. Gia đình còn có chiếc ghe cào, cứ thế mà xoay xở. Đất lành chim đậu, đảo dần đón dân tứ xứ về, sinh sống, lập nghiệp. Rạch Thiêng Liêng trở thành nơi quần cư của người nghèo miền Tây, dân làng gọi trại đi thành Thiềng Liềng.
Có giai đoạn đảo thường xuyên chịu nạn cướp đường sông. Ngôi nhà có vẻ khang trang nhất đảo thời ấy của bác Tám Thanh luôn là tâm điểm chú ý của bọn cướp. Chúng từ miệt nào tới chẳng rõ, cũng là dân đói khát cả, đi qua đảo thấy có nhà thì vào, cứ tưởng dân ở đây có tiền.
Một miền rừng chơ vơ trên sông và rừng chở che cho người, cho đất. Mọi tai ương trên mảnh đất nằm nép mình bên rừng phòng hộ, giữa hai con sông Lòng Tàu và sông Thị Vải rồi cũng qua. Nửa thế kỷ bắt đầu và đổi thay trên mảnh đất này. Những người con của bác Tám Thanh mang tên Vân, Sơn, Lâm, Hà, Thuận, Thảo, Hòa, Bình… như dấu ấn của một vùng đất có sông có núi, có rừng, có yên bình, thuận với trời, với lòng người.
Đảo Thiềng Liềng bây giờ có hơn 200 hộ dân, trong đó 80% sống bằng nghề làm muối. Ngoài ra còn có đánh bắt thủy sản, nuôi hàu. Vài năm trở lại đây đảo còn được khai thác du lịch. Hiện trên đảo đã có nhà nghỉ, du khách đến đây được trải nghiệm cuộc sống dân dã cùng người dân, tát mương, bắt cá đồng, thăm bè nuôi hàu, thử làm “diêm dân”, hoặc đơn giản là đạp xe quanh làng ngắm hoàng hôn, lên núi Giồng Chùa nhìn xuống một vạt rừng xanh biếc.
Sự sống kỳ lạ và đẹp đẽ, Thiềng Liềng - hòn đảo mà khi nhắc đến giờ có nhiều người vẫn chưa biết - bao thập niên qua vẫn xanh trong, vẫn lặng lẽ ôm giữ vào lòng mình mọi thăng trầm biến động, lưu dấu từng năm tháng hành trình của đất và người. Và từ mảnh đất giữa dòng sông này, những tiếng hát, tiếng đờn ca tài tử vẫn vọng qua từng lớp sóng, về bờ, vang xa.
Ngồi cắt mía và nha đam mang về phố làm quà cho các con, chị Hòa (sinh năm 1979) bồi hồi nhớ về năm tháng ấu thơ - thời còn sử dụng đèn dầu, vất vả nhưng đầy kỷ niệm. Giờ chị đã làm dâu phố huyện. Hồi ấy, những chiều mưa ngồi bó gối buồn hiu buồn hắt. Nhớ mỗi lần ghe nước ngọt cập bến là đứa nào đứa nấy quảy thùng đi gánh nước. Xưa không có điện, cái gì cũng thiếu thốn vất vả, nhưng giờ nghĩ lại thấy vậy mà vui.
Chị nói mà như cười. Đó là niềm vui của những đêm trăng bạn bè chị xúm xít cùng nhau mang đàn ra hát. Tiếng hát trên ấp đảo đã vang lên từ thuở cha ông đi khẩn hoang lập nghiệp, truyền lại cho thế hệ sau này. Bác Tám Thanh nói dân trên đảo chủ yếu đến từ miền Tây, “máu văn nghệ” đã có sẵn rồi, ai cũng có thể hát được vài câu vọng cổ.
Mười năm trước khi đến đảo Thiềng Liềng, tôi từng rất bất ngờ khi biết trên đảo nghèo có một chương trình Vầng trăng cổ nhạc được tổ chức vào mỗi dịp trăng rằm. Bà con quây quần tại nhà văn hóa của ấp để nghe hát đờn ca tài tử. Năm ấy, bác Tư Huỳnh (Nguyễn Hồng Huỳnh) làm trưởng ấp; đồng thời là nhạc công đàn sến, nay bác đã được phong tặng nghệ nhân dân gian. Năm ấy, tôi đã nghe những giọng ca Quốc Hùng, Văn Điểu, Như Bình, Ngọc Thơ, Như Ý… bên cạnh những cái tên Hùng Phúc, Văn Đủ, Hoàng Dũng, Trần Khánh Kiệt…
“Giải nhất thì chưa có nhưng đã có giải ba, giải tư, còn tham gia dự thi thì bao la luôn” - chú Lê Văn Phong nói vui. Trong giọng nói của chú là niềm tự hào về thành quả văn nghệ của ấp đảo, từ nơi… “xa xôi hẻo lánh” như vậy mà những giọng ca của câu lạc bộ Đờn ca tài tử đã vang danh, từng nhận được huy chương vàng Liên hoan Đờn ca tài tử các huyện nông thôn mới, được mời ra Hà Nội tham dự giao lưu đờn ca tài tử…
Mười năm trước về thăm đảo, tôi lỡ đường ngủ nhờ lại trong ngôi nhà leo lắt bóng đèn dầu của bác Tư Huỳnh. Buổi tối được gia đình mời bữa cơm canh chua rau muống với cá khô, nghe văng vẳng tiếng ai hát bên sông ngỡ như mình đang lạc về thời quá vãng nào… Thiềng Liềng khi đó còn nghèo lắm, buổi hừng đông đi trên con đường đất uốn khúc quanh làng, thấy lác đác những ngôi nhà mái lá. Năm ấy chẳng ai nghĩ rằng “người thành phố” sẽ xuống chốn khỉ ho cò gáy này du lịch.
Bây giờ đảo có thêm khu xóm mới, nhà cửa khang trang hơn, trường tiểu học được xây lầu cao ráo tinh tươm, đường làng đổ bê tông sạch sẽ, nước máy về đến mọi nhà, mỗi sáng có ghe chở nhu yếu phẩm/thực phẩm ghé qua, lũ chó mèo mập mạp vui đùa khắp xóm…
Chú Lê Văn Phong nói: “Ở đây sống khỏe lắm, ít có ai đau ốm gì. Hồi dịch COVID-19, dân đảo cũng lo, nhưng ngày ngày ai từ xã, huyện về đều được các anh bộ đội biên phòng kiểm tra nhiệt độ, khẩu trang phát đến từng nhà. Dân yên tâm lắm”.
Buổi chiều nắng vàng trên sông Lòng Tàu, ngồi vỏ lãi đi thẳng từ Thiềng Liềng sang Cần Giờ (chỉ mất khoảng 20 phút, xưa phải đi hai chuyến đò ngang từ Thiềng Liềng sang Thạnh An, rồi từ Thạnh An về Cần Giờ, mất khoảng hai giờ đồng hồ), lòng tôi như có những tia nắng nhảy nhót khi tin rằng, giờ đây ấp đảo đã không còn khoảng cách quá xa đô thị. Rạch Thiêng Liêng đã thay da đổi thịt từng ngày, đi lên cùng với sự phát triển chung của thành phố.
Không có gì ngăn trở được bước đi của người, của đất - kể cả miền sông năm xưa từng bị quân đội Mỹ rải chất độc làm chết trụi cây cối ven bờ. Nơi ấy, vùng đệm phía đông của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng phòng hộ đang xanh mướt mắt…