Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn từng cho rằng, tại TP.HCM, không cảnh quan thiên nhiên nào đặc sắc hơn sông Sài Gòn. Đó là bản giao hưởng quyến rũ, góp phần tạo nên bản sắc nhân văn. Thế nhưng, nó đã không được đối xử đúng nghĩa là cảnh quan văn hóa. Con sông làm nên vóc dáng thành phố, đi qua bao thăng trầm, nuôi nấng bao thế hệ ngày nay đã và đang bị... bịt mắt, bị bức tử bởi những cao ốc hai bên bờ đua nhau mọc lên...
Khi chạy xe đến cầu Thủ Thiêm thuộc P.22, Q.Bình Thạnh, nhìn cao ốc khổng lồ của Công ty AQua dựng ở ngã ba tiếp giáp đoạn cuối cùng của rạch Văn Thánh đổ ra sông Sài Gòn, rồi mé bên trái đối diện AQua là cao ngất trời những khối bê tông của Sunwah Pearl, Saigon Pearl, Vinpearl nối nhau phủ kín chân trời, tôi sực nhớ một câu chuyện cũ.
Cách đây chừng 15 năm, một đồng nghiệp tại một thành phố nhỏ miền Trung viết trên báo, rằng con trai anh học lớp Sáu bị điểm liệt khi làm bài văn miêu tả mặt trời lên. Nơi anh ở, bị bao vây bốn bề nhà cao tầng, thằng nhỏ tối ngày chỉ thấy tường trắng tường xanh, và hẳn nó chẳng bao giờ ngửa mặt nhìn mặt trời lên cao. Cha làm báo, mẹ giáo viên văn cấp III, mà con như vậy đó, nhục quá! Lời than của anh không phải là điểm số, mà là tiếng gào tắt nghẹn khi cảm thấy mình bất lực.
Tôi dừng xe trên cầu Nguyễn Hữu Cảnh, mở la bàn. Hướng chính Đông. Chân trời đã bị khóa chặt, chôn kín đâu đó dưới những ô cửa chung cư, biệt thự xám trắng. Liệu những đứa trẻ ở thành phố này, có phải là nạn nhân như đứa trẻ tội nghiệp kia không, khi món quà của trời đất đâu cắt chia riêng cho ai, bị xí phần? Chiều hôm sau, khi xuống bus đường sông chạy qua đây, hướng mắt về phía cảng Bạch Đằng quận 1, những khối nhà cao ngất như khối bê tông trơ khấc, vô cảm dựng đứng, lòng không nén nổi chua chát: nếu ra tiếp cái đề miêu tả mặt trời lặn, bạn bè con ở bên này sông cũng cắn bút toàn tập!
***
Cao ốc sát rạt, thi nhau về độ cao là phạm vào điểm kiến trúc "đường chân trời đô thị".
Tôi nhìn trên bản đồ, thấy sông Sài Gòn uốn lượn, quay nhìn thành phố hai lần trước khi chia tay xuôi về biển, giống hình con rồng thời Lý. Giới am tường phong thủy đã chỉ ra cái chưa được của thành phố khi dựa vào dòng sông để phát triển, từ sự đặt để tự nhiên với vị trí hiện tại đã khiến thành phố không thể sánh bằng các đô thị lớn trên thế giới, rằng thay vì nằm trọn ở khu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để hưởng trọn vị trí “chân long” (chính mạch) ở Thủ Thiêm, thì Sài Gòn lại nằm ở phần đất bên ngoài, tức “hộ sa” (hộ vệ), nên nguyên khí tản mát.
Tôi tách khỏi cầu, xuôi đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tiếng động cơ ầm ĩ. Một cao ốc của Sunwah đang thi công. Cấm vào. Ý nghĩ được lội xuống sát để ước lượng đường biên kỹ thuật từ móng công trình đến sông là bao nhiêu, bị chặn đứng. Một chị nhà ở hẻm 132 đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh trả lời như thể tôi từ trên trời rơi xuống: “Hơn 8 năm rồi, từ ngày Saigon Pearl xây cao ốc, tôi hết nhìn thấy sông, bởi bị rào kín. Muốn ra đó phải đi vào khu của họ”. Tôi lui ra, xe chạy trong cái nhìn nghiêm nghị của hai ông bảo vệ. Sông bị lấn ra hơn 10m, làm công viên. Ngay lối vào công viên là một chốt gác. Nhưng chừng đó không là gì cả với công viên Vinhomes Central Park cận kề. Trưa chát nắng, tôi ra công viên đứng. Lan can bảo vệ công viên chồm ra mặt sông hơn 50m, kéo dài gần tới cầu Sài Gòn. Ngay mũi đầu công viên nằm trong khu này, nguyên đó là cầu Tân Cảng của hải quân. Từ đây, đặt một thước kẻ nối cầu Sài Gòn và Thủ Thiêm, bằng mắt thường, sẽ thấy sông như trái dưa hấu bị cắt làm tư. Tàu thuyền qua đây phải tránh. Từ cầu Thủ Thiêm nhìn xuống, nó như cái lưỡi câu có ngạnh móc ngay yết hầu sông!
Công trình đang xây dựng của Sunwah phía cầu Thủ Thiêm thuộc quận Bình Thạnh, chặn kín lối đi xuống sông.
Phải nói mấy ông làm bất động sản có… mắt thần. Họ nhìn thấy toàn chỗ đắc địa. Hãy mở mạng mà coi. Những quảng cáo rao bán dự án ven sông Sài Gòn, câu đầu tiên bao giờ cũng kèm từ… hợp phong thủy, nói cho nhanh là gần sông, gió mát trong lành. Landmark 81 của Vingroup nằm trong quần thể này đang được mấy cô cậu trẻ like ảnh tự sướng rầm rầm, không cần biết dưới chân tòa tháp, dân la trời vì người vào đây tham quan gây hỗn loạn giao thông, ăn nhậu ầm ĩ, xả rác… Tòa nhà cao nhất Việt Nam và top 10 của thế giới. Tôi đi bus sông, khi chạy tới kênh Thanh Đa ngó lên, tòa nhà đó đúng là chọc trời. Nhớ câu “nhất trụ kình thiên”, vận vào tòa nhà này, có lẽ đúng. Ngạo nghễ, kiêu căng, như khẳng định uy quyền tuyệt đối mà không kém… bơ vơ. Ý nghĩ này không cần chứng minh khi những dự án kim cương đều dính tới Vingroup. Không phủ nhận những giá trị họ mang lại cho xã hội, nhưng cũng không khó khi tìm những tiếng ca thán từ cộng đồng.
Tòa nhà cao nhất Việt Nam nằm bên sông Sài Gòn.
***
Câu hỏi: công viên Vinhomes Central Park có vi phạm hành lang bảo vệ kênh, sông, rạch không? Có! Rõ ràng là lấn sông, dù họ xây dựng năm 2016, trước khi có quyết định về hành lang kênh rạch của TP.HCM. Tháng Bảy vừa rồi, nhiều người phản ứng, khi vô công viên chơi, bị bảo vệ hỏi có thẻ cư dân Vinhomes không, rồi lục soát này nọ. Nhưng họ rất… lanh lẹ phản hồi rằng, đang hoàn tất những hạng mục xây dựng, rồi đây sẽ là công viên công cộng, ai vào ra cũng được; bảo vệ đã được nhắc nhở này kia; họ sẽ chịu trách nhiệm bảo dưỡng 14,5ha công viên có cây xanh ở đây miễn phí với số tiền 24 tỷ đồng/năm. Nếu chính quyền nói thành phố không cần sông đâu, hãy trả lại cho sông những gì đã có, trả lại hành lang cho người đi bộ, cái gì của Caesar trả về cho Caesar, thì cũng không dễ dàng. Ở Đà Nẵng, chình ình ngay trước Trung tâm Hành chính thành phố là nhà hàng nổi của ông Vũ Nhôm được lãnh đạo thành phố bật đèn cho xây, lấn ra sông Hàn một cách thô lỗ, hợm hĩnh. Bây giờ thành Điện Hải gần đó vừa được công nhận di tích quốc gia, thì cái nhà trên phá vỡ không gian di tích. Chính quyền họp 5 lần 7 lượt, muốn nhổ nó đi, nhưng nói thì nói vậy, chứ đụng đến pháp lý, khó gặm lắm.
Công viên lấn hành lang trên sông.
Quay trở lại với công viên của Vinpearl, giả định thôi, nếu chuyện này xảy ra, e rằng cư dân đang ở các cao ốc trong khu này sẽ là người phản ứng chủ đầu tư đầu tiên, rằng tôi mua vì có… phong thủy, đó là gần sông, có mảng xanh, khu vui chơi cao cấp, giờ tính sao đây? Nếu mất công viên, giá trị của những cao ốc nơi đây sẽ rớt cái bịch… Ngột ngạt quá khi ngước nhìn nó và sao tôi vẫn bị ám câu chuyện tả mặt trời và cái lưỡi câu có ngạnh móc ngay yết hầu sông.
***
Có lẽ đứng đằng sau tư vấn cho các đại gia bất động sản có những người hành nghề phong thủy. Không chi lấy lời nhanh bằng sông, cứ dựa vô sông xây nhà, càng to cao càng đắc lợi. Tư vấn kiểu đó, hốt bạc nhanh như điện, nhưng tiền đầy túi họ, di hại cho cộng đồng, họ không cần biết. Nếu thừa biết đất “hộ sa” là xấu, thịnh vượng không đến lâu dài, nhưng khi Thủ Thiêm chưa được “ăn no”, thì hãy… “ăn” tạm ven sông, mà đã như thế thì càng thêm mớ hỗn độn “sát khí” chứ không phải “chính khí” cho thành phố.
Trạm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, sau lưng là cao ốc.
Từ cầu Thủ Thiêm phía Bình Thạnh hướng về thành phố, ước tính có hơn 50 cao ốc kiểu như thế. Cảng Bạch Đằng thuộc quận 1, cao ốc 20 tầng trở lên cũng rất nhiều, trong đó có 4 khối bê tông chọc trời của Vingroup. Không biết rồi sẽ còn gì nữa, sẽ đột ngột mọc lên bên sông sau một đêm ngủ dậy. Tôi nói điều này, bởi cao ốc bức tử, xây lấn hành lang sông Sài Gòn đã diễn ra từ lâu, trong sự phản ứng chậm chạp của chính quyền. Sông Sài Gòn với thế “rồng chầu, hổ phục”, không được ứng xử như một tài sản thiêng của cộng đồng. Con sông đã làm nên vóc dáng thành phố, đi qua bao thăng trầm, nuôi nấng bao thế hệ, ngày nay đã và đang bị… bịt mắt. Tôi đi bus đường sông, chua chát với ý nghĩ: người Sài Gòn muốn ngắm sông thì phải mua vé! Gia Định thành thông chícủa Trịnh Hoài Đức từng cho hay, ngoài việc thuyền bè san sát, cột buồm chi chít, đầu tàu nối liền nhau, rõ là thịnh vượng, thì sông Sài Gòn thời triều Nguyễn được xác định là huyết mạch chiến lược khi mở cõi phương Nam với những điềm lành, thiêng hóa. Sẽ không khó tìm ra ý kiến phản đối của người Sài Gòn về chuyện cao ốc tự do mọc ven sông như một thách thức tồn vong với di sản của cả cộng đồng. Chúng ta hay nói, ô nhiễm TP.HCM cao nhất nước vì lượng khí thải phương tiện giao thông đông. Nhưng các vị chức trách có chịu nghĩ rằng, không thể cản người trăm miền tụ về, thì cách để giãn bớt ngột ngạt, đó là tận dụng tự nhiên?
Khung cảnh cao ốc dày đặc ở trung tâm thành phố nhìn từ cầu Thủ Thiêm.
Một kiến trúc sư giấu tên, nói: xây cao ốc ven sông, chính là triệt phá đối lưu không khí tốt cho đô thị. Chính gió từ sông Sài Gòn là bình ô-xy sạch và vô tận, bởi chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, là hướng gió mát từ biển thổi vào nên nếu khai thác tốt sẽ đón luồng gió giải nhiệt cho thành phố.
Các cao ốc chính là van tắt của bình này!
Cao ốc dày đặc ven sông là phá vỡ nguyên tắc xây dựng đô thị, vốn đã được người Pháp thực hiện khi bắt tay vào xây dựng nội đô, đó là hạ dần độ dốc về phía bờ sông, đi cùng với việc nhà cửa thấp dần, tiện ích hai việc là thoát nước và đón gió. Sự hài hòa trong xây dựng đã bị bỏ qua, cảnh quan tự nhiên bị phá bỏ, xin đừng lý luận rằng, tôi đã làm cống thoát nước, xin thưa hãy nhìn đường Nguyễn Hữu Cảnh, con đường đắt giá và đau khổ nhất thành phố, cao ốc làm bờ cao, kè, đê bao, rào chắn, dù có 10 hay 100 máy bơm cũng không thoát ngập được! Chưa nói, đất nền sông yếu, tầng địa chất sẽ bị ảnh hưởng, rồi quy luật bên lở bên bồi, bên kia sông nhất định một ngày đẹp trời sẽ nếm mùi nửa đêm bỏ của chạy lấy người. Nghe anh nói, tôi nhớ đồng nghiệp bì bõm lội về Nhà Bè viết nước lụt. Dân khổ ròng rã mấy tháng trời vì nước ngâm, nửa đêm sông lở bay nhà, la hét chạy trối chết. Con người hiện đại, có một vũ khí… đổ thừa tối hậu, xài miết không hư, là do “biến đổi khí hậu”. Khi dòng chảy sông bị biến đổi, lúc đó hậu quả là khôn lường. Tôi nhớ sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam), dòng chảy bị xô lệch do phá rừng làm thủy điện, khai thác cát sạn, khi đổ về Cửa Đại, cát lấp dòng chảy. Chống chi nổi! Cái nhìn ái ngại và lo sợ trồi lên khi ngó qua quận 2.
***
Ai đó nói, ban đêm nhìn cao ốc nhấp nháy xanh đỏ tím vàng, Sài Gòn thiệt đẹp. Đẹp là gì? Sẽ lập tức nổ ra cãi cọ. Nói gì thì nói, đến nay TP.HCM vẫn chưa có quy hoạch phát triển kỹ càng hai bờ sông. Tư duy ngắn hạn, tầm nhìn vừa phải, cả trách nhiệm không rõ ràng, đùn đẩy, là cơ hội để nảy nở những mưu mô lấn sông, chiếm hành lang, tước đoạt công nhiên tài sản chung của cộng đồng. Dư luận la hét thì sẽ chơi chiêu “phạt để tồn tại”. Sông Sài Gòn là một giá trị văn hóa. Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn từng cho rằng, tại TP.HCM, không cảnh quan thiên nhiên nào đặc sắc hơn sông Sài Gòn. Đó là bản giao hưởng quyến rũ, góp phần tạo nên bản sắc nhân văn, tương xứng với sự phát triển thành phố. Thế nhưng, nó đã không được nhìn nhận, đối xử đúng nghĩa là cảnh quan văn hóa. Một kiến trúc sư khác không giấu được gay gắt: cao ốc sát rạt nhau, thi nhau về độ cao, phạm vào một điểm mà thuật ngữ kiến trúc gọi là “đường chân trời đô thị”. Nó phải hở ra, nhấp nhô, mới tạo ra sự huyền ảo, dẫn dắt gió cũng chính là dẫn dắt tầm nhìn. Xây nhà 81 tầng để làm gì? Cao à, hay ho gì, anh nói đi! Hãy nhìn các đô thị lớn trên thế giới mà xem, cái gọi là to và cao này, thập niên 70 thế kỷ trước họ đã làm và đã nếm mùi đau khổ, vậy tại sao chúng ta lại cứ vơ vào kinh nghiệm thương đau của họ thành niềm kiêu hãnh? Chính quyền đừng thả lỏng dây cương cho những “con ngựa điên” phá nát dòng sông nữa, nếu không sẽ rất nhanh thôi, cái ngày “tỉnh ra thì đã muộn màng” không còn xa.
***
Sông Sài Gòn vẫn còn chảy. Nếu lên tầng cao của Landmark ngó xuống, sông như chỉ tay lọt thỏm giữa các gò đồi của bàn tay thành phố, mà đường mạng đạo bị lấn xén từng ngày. Không giữ, không khơi nó bằng tâm sạch, khí trong, chất tốt, thì trường mạng sẽ biến thành đoản mạng, lúc đó có Hoa Đà, Biển Thước cũng không cứu nổi…