…Về sau này, khi nhắc tên Nguyễn Vĩnh Nguyên, nhiều người lại nhớ anh gắn liền “dấu ấn Đà Lạt”, với những tác phẩm đã viết cho vùng đất này: tản văn Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách, du khảo Đà Lạt, một thời hương xa. Mới nhất là Đà Lạt, bên dưới sương mù (biên khảo). Chỉ trong một thời gian ngắn, những cuốn sách về Đà Lạt của anh được tái bản. Bạn đọc ngưỡng mộ sự hiểu biết của tác giả về phố núi, từ đắm say với những trang viết dành nhiều tình cảm cho thành phố sương mù đến theo chân nhà văn trong “chuyến tri hành” ngược dòng tìm về một không gian đô thị đã chìm khuất vào sương mù quá khứ.

“Bên dưới sương mù là những nỗ lực minh định. Nhưng lắm khi bên dưới sương mù vẫn là sương mù, vô phương giải ảo. Có lẽ vì vậy mà thành phố nhỏ bé ấy, với cá nhân người viết luôn đầy quyến rũ” - nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên bày tỏ. Đà Lạt đã xác lập những giá trị riêng và đang đứng trước nguy cơ mai một…

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

“LỮ KHÁCH” TRONG SƯƠNG

Phóng viên: Đọc Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách và Đà Lạt, một thời hương xa, tôi cứ nghĩ những gì anh muốn viết về phố núi có lẽ đến đó thôi. Không ngờ bây giờ tiếp tục một cuộc lần giở “bên dưới sương mù”. Sắp tới, liệu còn có thể là gì?

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên: Mỗi cuốn sách viết về Đà Lạt, với tôi, là một phương pháp tiếp cận khác nhau. Đề tài sắp đến có thể là về sự “vong thân” của một đô thị nhưng lối viết và cách tiếp cận thì tôi đang phải tính toán thêm. Tôi cũng vừa khởi động một trang dữ liệu cộng đồng cho những người yêu Đà Lạt, gồm thị dân và du khách; trang web có tên Chuyện Đà Lạt (chuyendalat.com). Ý định thực hiện trang dữ liệu này đã nhen nhóm từ lâu, trong quá trình tôi làm tài liệu cho những cuốn sách nhưng cần cơ duyên để biến thành hiện thực. Trang web này như một nơi lưu giữ tư liệu cá nhân, chia sẻ cảm xúc, tài liệu cộng đồng dưới dạng thể blog thông tin tổng hợp. Chuyện Đà Lạt là một cách nói, hàm ý về những cuộc gặp gỡ, sẻ chia, bộc bạch và giao cảm.

* Trong Đà Lạt, bên dưới sương mù anh có chia sẻ về “cuộc truy tìm lai lịch tu viện hoang phế đã kéo dài đến hàng chục năm”. Có nghĩa rằng ngay từ khi còn là sinh viên anh đã bắt đầu tìm những nguồn tài liệu để chờ ngày “giải mã” vùng đất này rồi?

- Tôi rời trường đại học Đà Lạt đã 20 năm và về Bình Dương, Sài Gòn làm việc. Suốt 20 năm đó, tôi vẫn đi về với Đà Lạt. Như bạn thấy, tu viện Franciscaines đã xuất hiện trong Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (bài Tiếng chim trên gác chuông hoang phế) với cảm nhận riêng tư. Sau đó, ở Đà Lạt, một thời hương xa, tu viện này quay trở lại với những phác thảo cơ bản về một không gian giáo dục trong giai đoạn 1954-1975.

Đến Đà Lạt, bên dưới sương mù, tôi mở rộng toàn bộ lịch sử đầy bí ẩn của khu vực kiến trúc này, từ thời đan viện của các đan sĩ Benedict đến tu viện, trường dòng của các nữ tu Franciscaines ở phương diện độc đáo của di sản kiến trúc, lịch sử tôn giáo. Từ sử liệu của một tu viện, tôi phần nào giải thích về yếu tố khí lực toát ra từ công trình hoang phế này. Toàn bộ quá trình tìm hiểu thực địa và văn khố, trong 10 năm. Dĩ nhiên, trong thời gian đó, tôi vẫn loay hoay với những việc khác.

* Nếu chỉ tính trong chừng ấy năm thôi, Đà Lạt đã mất đi những gì?

- Đà Lạt trong khoảng 15 năm qua đã thay đổi quá nhanh. Tôi chỉ muốn thành phố ấy cần chậm lại, tìm lại nhịp chuẩn (tempo giusto) của mình. Tôi tiếp xúc với những nhà nghiên cứu Đà Lạt sống tại đó, họ cũng chia sẻ cảm nhận như vậy. Cùng với sự xô bồ mà bạn có thể cảm nhận bằng thị giác, thì sự bình yên trong tâm cảnh sống, sự thanh lịch nhỏ nhẹ trong nếp sống là thứ mất mát lớn lao của thành phố này.

* Mang đến cho độc giả cả một giai đoạn lịch sử Đà Lạt từ năm 1950-1975, với những minh định và giải ảo về vùng đất này; nhưng cũng là hành trình nhận diện trong tro tàn những giá trị đã mất - như thể cũng là một lữ khách trong sương, có lúc nào anh cảm thấy mệt nhoài và còn quá nhiều tiếc nuối?

- Cuốn sách này là một biên khảo. Nếu tôi đặt cảm xúc của mình vào thì có lẽ đã phải bỏ cuộc ngay từ đầu. Vì khối dữ kiện, tài liệu gốc trong sách mà tôi phải xử lý trong hai năm qua là hàng trăm bó tài liệu văn bản. Nó đòi hỏi kỷ luật và phương pháp nhiều hơn một tình yêu. Khi làm công việc biên khảo, cảm xúc là thứ tôi bỏ bên ngoài. Chưa nói, linh hồn, sự thật từ những trang tài liệu cũ có một sức quyến rũ đặc biệt: tôi được gặp một thành phố không phải bằng các giác quan bình thường, mà bằng tri thức. Điều đó hấp dẫn tôi.

“DI SẢN THUỘC VỀ CỘNG ĐỒNG”

* Cảm giác của anh thế nào khi giờ đây biết tin Đà Lạt sẽ di dời dinh tỉnh trưởng và phá bỏ rạp Hòa Bình?

- Những ngày qua, tôi đã có phân tích, trao đổi với giới chuyên môn quy hoạch về điều này. Nói thêm, tình cờ, tôi có mặt ở Đà Lạt vào đúng ngày công bố quyết định. Tôi thực sự hụt hẫng khi qua bản quy hoạch mới, chính quyền biến khu trung tâm - lẽ ra phải chỉnh trang, tôn tạo hợp lý, nhằm làm tỏa sáng các giá trị di sản, phóng chiếu cảm thức lịch sử đô thị - trở thành một nơi vô hồn với những khối nhà cao tầng thô kệch, những mảng bê tông hóa đầy “công nghiệp”, đi ngược với xu hướng kiến trúc bền vững. Sự mất mát không chỉ dừng lại ở một, hai công trình cũ, mà lớn hơn, là mất mát đối với một không gian di sản đặc thù Đà Lạt, một hình thái kiến trúc lịch sử đặc thù của khu trung tâm.

Những công trình này, quả thật đang bị xâm hại và xuống cấp, cần nhận ra giá trị lịch sử, di sản để trùng tu và thay đổi công năng theo hướng bảo tồn để từ đó giá trị kinh tế mà chúng đem lại được song hành với giá trị bản sắc.

* Trong thao thức của người gần như đã trở thành một phần của Đà Lạt, anh cho rằng thành phố sương mù nên/có thể/cần được phát triển theo hướng nào?

- Tôn trọng, trùng tu di sản các thời kỳ thuộc địa, giai đoạn người Việt làm chủ 1950-1975, tái tạo thiên nhiên đặc thù và có thể phát triển đô thị hiện đại thương mại, cao tầng ở một phân vùng hợp lý. Đà Lạt cần giãn ra, thay vì cứ nén lại, nêm chặt cao tầng vào trung tâm. Điều quan trọng nữa là giữ gìn môi trường. Mất môi trường mát mẻ, trong lành, lao vào cơn say bê tông hóa vô độ, giao thông chen chúc lộn xộn… thì chúng ta không cần phải đến Đà Lạt để làm gì nữa. Tôi sẽ sang Phú Mỹ Hưng đi dạo công viên, hưởng thụ sự tiện nghi của trung tâm thương mại và sự bài bản của đô thị mới ở đây thay vì mất công len lỏi trong những đám kẹt xe để vào một tòa nhà thương mại bọc kính, xài máy lạnh ở Đà Lạt theo viễn cảnh mà bản quy hoạch lập ra.

* Nhưng tiếng kêu cứu dành về Đà Lạt bây giờ - anh nghĩ - có chăng cũng chỉ là vô vọng mà thôi?

- Trách nhiệm của giới nghiên cứu là đưa ra những kiến giải cần thiết, đúng lúc để cảnh tỉnh và cảnh báo. Việc chạm vào thực tế là những nhà quy hoạch và lãnh đạo địa phương. Tôi cảm giác ở các đô thị hiện tại, trong sự chi phối của các “chủ đầu tư cá mập” đầy tham vọng kinh tế nhất thời, chính quyền rất thích nhìn thấy giới nghiên cứu chán nản bỏ cuộc. Và họ đã sai. Cái sai của họ ở chỗ, nếu họ triệt tiêu hay bỏ qua cảnh báo chuyên môn hiện tại, thì tương lai cũng sẽ nhìn thấy những hệ lụy mà họ để lại qua những bản quyết định đạp trên các giá trị văn hóa cộng đồng. Cái sai tồn tại cùng tên tuổi của họ, hậu duệ của họ.

* Bảo tồn và phát triển - bản thân hai khái niệm này đã tiềm ẩn tính đối kháng. Chúng ta có thể vin vào đâu để có được những luận chứng thuyết phục nhất cho việc bảo tồn và phát triển hoàn toàn có thể tồn tại song song?

- Nếu chúng ta nghĩ nó đối kháng thì sẽ mãi đối kháng. Thực ra, trong khái niệm phát triển bền vững, đã bao hàm yếu tố hài hòa. Anh được phép ghi dấu ấn thời đại của anh vào đâu trong không gian ngôi nhà của mình, không thể hạ bàn thờ tổ tiên để đặt lên đó một bức phù điêu dung tục gán mác hiện đại. Huống hồ, di sản đâu chỉ của riêng anh, mà thuộc về cộng đồng.

GIỮA NHỮNG VÙNG ĐẤT

* Nhiều người thắc mắc, vì sao Nguyễn Vĩnh Nguyên không viết những cuốn sách “combo” về Ninh Thuận quê mình - như đã từng viết cho Đà Lạt?

- Tôi sinh ở Cam Ranh, lớn lên ở miền núi Ninh Thuận, học ở Đà Lạt và hiện sống ở Sài Gòn. Nếu mỗi nơi phải có một “combo” thì chắc mấy mươi năm cuộc đời là không đủ. Nhưng tôi sẽ lưu tâm câu hỏi của bạn như một gợi ý chăng?

* Ký ức sâu đậm nhất anh luôn nhớ về quê nhà trong năm tháng tuổi thơ xưa là những gì?

- Tuổi ấu thơ tôi ở Cam Ranh, một vùng quê nghèo. Tôi nhớ đường tàu, những bãi cát trắng, những mái nhà lụp xụp dưới những tán xoài cổ thụ và những cánh đồng mà hơn ba mươi năm sau trở lại vẫn y như vậy. Còn Ninh Thuận, là những ngôi trường nghèo nằm bên cánh rừng mà mỗi loài cây ở đó đều muốn mình biến thành gai, nơi bọn trẻ thời tôi phải nằm bệt dưới nền đất để luyện viết chính tả…

* Anh nghĩ sao nếu ai đó nói rằng họ tiếp tục chờ ở anh những tác phẩm biên khảo về đất và người Ninh Thuận?

- Cho tới lúc này, rất may chưa ai hỏi câu đó. Có lẽ họ biết sự khó xử của tôi.

* Tôi vẫn nhớ các tác phẩm từ Năm mười mười mười lăm hai mươi (in năm 2005) cho đến Đi tìm hoang dã (2010), nhưng sau này tên tuổi anh đã gắn với “dấu ấn Đà Lạt”. Văn chương với anh, có từng là vùng đất có lúc “bạc đãi” mình?

- Không, tôi chưa bao giờ nghĩ vậy. Tôi chẳng làm được gì cho văn chương cả và không bao giờ đòi hỏi gì ở thứ phù du đó. Tôi chưa bao giờ tự đề cao hay huyễn hoặc những thứ mình đã làm. Tôi vẫn viết sách hư cấu (fiction), gần nhất là Những thành phố trôi dạt.

* Viết sách, làm sách - như thể một thế giới thuộc về anh đắm chìm vào chữ. Thế giới ấy có phải là cũng quá đơn độc và lặng im?

- Cũng có lúc như vậy, vì trong tương quan công việc với người khác có lúc này lúc kia. Đơn độc trong tương quan công việc là thứ tôi không mong muốn. Sự đơn độc chủ động trong đời sống lại là điều đem lại cho tôi nhiều năng lượng bình yên. Hằng ngày, tôi ngồi một mình ở một góc quán cà phê và làm việc, tôi thấy vậy là ổn.

* Tôi thấy anh lặng lẽ và thời gian dành phần nhiều cho công việc làm sách, nghiên cứu, viết lách - anh sẽ chơi với con khi nào?

- Nhờ ít giao du, tụ bạ và tổ chức thời gian khoa học nên tôi vẫn đảm bảo chu toàn công việc nghiên cứu, viết lách, việc công ty và việc gia đình. Tôi vẫn đưa đón con đúng giờ, dạy học và vui chơi với bạn nhỏ.

* Hạnh phúc của người cầm bút là được viết những điều mình thích. Vậy có thể gọi anh là một người hạnh phúc?

- Hạnh phúc là được bình yên. Tôi đôi khi có cảm giác đó.

* “Cảm giác “nợ đời” chỉ đến khi trải qua một cuộc hôn nhân nặng nề, bất hạnh” - tôi muốn dừng lại ở chia sẻ này của anh, bằng một câu hỏi cuối: rằng như thế nghĩa là những hư vô đã mang anh đến đâu?

- Không phải mang riêng tôi đến đâu, mà mang tất cả chúng ta đều “đi đến đâu”. Bạn biết rồi, không có gì còn mãi. Nên chọn sống chính trực, hài hòa nội tâm để nhẹ nhõm trong từng khoảnh khắc là một hành trình cần thiết.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Bùi Tiểu Quyên

Kỹ thuật: Ngô Tới

Ảnh: internet, Lê Quân

Chia sẻ bài viết: