“Đừng vào đó, ám ảnh lắm”, vị bác sĩ nhi khoa khuyến cáo khi chúng tôi xin vào phòng cấp cứu của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để tiếp cận các bé bị tay chân miệng trong ngày đầu dịch bùng phát. Sau hai tuần phóng viên trở lại, cảnh tượng nơi đây thật ám ảnh.
Bảy giờ tối, dãy hành lang trước khoa Nhiễm & Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 lố nhố người. Sinh hoạt của mỗi gia đình nuôi con nhỏ bị bệnh được gói gọn trong chiếc chiếu nhỏ. “Ngôi nhà chiếu” chạy dài theo hai bên hành lang, giữa lối đi chỉ chừa lại khoảng hai ô gạch.
Vừa đập muỗi, chị Kim Thanh Hoa vừa trải vội chiếc chiếu xuống hành lang để đêm nay, con gái 28 tháng tuổi có chỗ ngủ. Chị kể: “Nhà ở tận Trà Vinh, tôi lên đây chăm con bị viêm não – màng não. Thương con, sợ bị lây tay chân miệng nên tôi xuống căn tin mua chiếu chiếc ra trải ở đây, nằm cho chắc ăn. Vậy mà một số bà mẹ có con bị tay chân miệng cũng ẵm bồng ra đây”. Chị mong hôm nay trời đừng mưa để mẹ con chị và bà ngoại không bị tạt ướt. Trên hành lang này, nhiều gia đình cũng cùng cảnh như nhà chị Hoa, chọn cách này để tránh lây bệnh tay chân miệng cho con em mình.
Trong khi đó, những gia đình cùng cảnh ngộ có con bị bệnh tay chân miệng, các ông bố bà mẹ nhanh chóng bắt chuyện nhau. Người vào trước hướng dẫn người vào sau cách nhận cơm từ thiện, cách nhận biết khi nào bé trở nặng để kịp thời gọi các cô điều dưỡng...
Để “xí” được chỗ cho con thoải mái một chút trên hành lang vốn đã chật hẹp, nhiều bà mẹ phải “đăng ký” với gia đình bệnh nhi nằm trước đó. Sau khi họ xuất viện, sẽ nhường lại chỗ. Các gia đình tự hiểu với nhau, nhà nào “đặt gạch” chỗ nào thì tối đến họ sẽ trải chiếu ngay chỗ đó mà không sợ người khác giành mất.
Về khuya, khi tất cả dường như đã chìm vào giấc ngủ, bỗng có bé mắc tay chân miệng độ nặng đang theo dõi trong phòng giật mình khóc thét, làm nhiều bé khác nằm ngoài hành lang tỉnh giấc, ùa khóc theo.
Nhiều bà mẹ mệt rũ rượi sau một ngày xuôi ngược chăm con, vừa chợp mắt đã nghe giọng nói từ xa của cô y tá: “Chị ơi, xích vô một chút, để em bé qua với”.
Thêm một bé gái 14 tháng tuổi được gia đình hớt hải gọi taxi từ Đồng Nai lên Sài Gòn nhập viện ngay trong đêm khuya. Anh Trần Văn Luận (32 tuổi, Long Thành, Đồng Nai) – ba của bé xót xa: “Gia đình đã nghe theo lời bác sĩ phòng mạch tư đưa con đi bệnh viện gấp mà xém chút nữa là không kịp!”.
Ở phòng cấp cứu, con gái bé nhỏ của anh Luận lên cơn co giật, sùi bọt mép vì biến chứng của bệnh tay chân miệng. Đến khi con gái được vào nằm giường nội trú, vợ chồng anh vẫn chưa hết lo. Đêm nào họ cũng thức trắng nhìn con ngủ. Thức trắng, anh lại nghe tiếng bước chân chạy vội vàng trong mỗi ca cấp cứu, tiếng xe đẩy thuốc leng keng ám ảnh.
Thỉnh thoảng bé trai giường kế bên ở phòng con anh bị co giật, các bác sĩ, y tá dồn sức lại cấp cứu khiến cả khoa bệnh hoảng hốt, lo lắng.
Làm việc cho công ty nước ngoài nên xin nghỉ phép khó khăn, nhưng giữa con gái – “của trời cho” và công việc, vợ chồng anh Luận vẫn quyết định hy sinh vì con.
Gần đó, chị Lê Thị Kim Hồng (32 tuổi, Đồng Nai) cầm điện thoại đi qua đi lại gào thét với chồng vì nóng ruột cho bệnh tình của con trai 2 tuổi.
Con trai của chị Hồng là một trong năm bé bị tay chân miệng nặng phải nằm cách ly ở phòng cấp cứu. Để lại con gái 6 tuổi cho ông ngoại chăm sóc, đưa đi học, chị tất tả lên bệnh viện chăm con.
Lúc con mới bệnh, chị còn bình tĩnh, nhưng khi nhập viện, chị bỗng hoảng sợ vì nhìn khung cảnh trẻ bị tay chân miệng như bão dịch. Con phải nằm một mình trong phòng bệnh, nên đêm đến, chị lại xin vào ngồi cạnh giường, chỉ để nhìn con ngủ, nắm tay con và giật mình cùng con mỗi khi con lên cơn co giật do virus bệnh tay chân miệng.
Thời điểm hiện tại, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 có khoảng 190 ca bệnh tay chân miệng, 30 ca sởi và hàng chục ca bệnh động kinh, viêm não – màng não. Các ca bệnh sởi được dành hẳn hai phòng ở khu vực riêng biệt với những ca tay chân miệng.
Một đêm trực chỉ có hai bác sĩ, năm điều dưỡng và một hộ lý phải chăm sóc, điều trị cho hàng trăm bệnh nhi tay chân miệng, trong đó có khoảng 30 trẻ nằm trong phòng cấp cứu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm & Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 – nhận định, số lượng trẻ bệnh tay chân miệng tăng gấp năm lần so với năm trước. Theo bác sĩ Khanh, tình hình dịch năm nay nhiều đến mức phải báo động như vào năm 2011.
“Mặt mũi bác sĩ y tá te tua tơi tả, căng hơn khi bệnh vô liên tục. Ai cũng phải nói to hơn vì trong phòng nhiều tiếng khóc của con trẻ. Nhiều bác sĩ trực đêm không còn thời gian ăn tối, chỉ nuốt vội vài cái bánh bao hay cây xúc xích”, bác sĩ Khanh cho biết.
Cuối ngày 8/10, bắt đầu giờ giao ca nhưng điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Trung (khoa Nhiễm & Thần kinh) vẫn ở lại ghi chép hồ sơ vì chưa xong việc. Chị bảo mùa dịch bệnh, ai cũng mệt nhưng phải ráng làm cho xong.
22 năm trong nghề, ngày nào chị Trung cũng làm việc cho xong như thế: “Mùa dịch này nhiều bệnh nhi vào quá, nếu bỏ về thì ai làm? Ai cũng nhiều việc lắm rồi. Lãnh đạo hỗ trợ mì gói và xúc xích để anh em trực đêm bồi dưỡng cũng giúp anh em lấy lại sức”. Nói rồi chị thoăn thoắt đi vào phòng cấp cứu, dỗ hai bé bị bệnh tay chân miệng đang khóc vì bị cách ly khỏi mẹ.
Vào phòng cấp cứu bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng để thấy, bác sĩ, điều dưỡng là những người nhẹ nhàng, dễ thương lúc họ dỗ dành trẻ nhỏ đang mắc bệnh, khóc lóc. Nhưng cũng bác sĩ, điều dưỡng ấy, trước ca cấp cứu, họ lại là người khác, khi rất rõ ràng, ngắn gọn và gần như quyết liệt để hướng dẫn cách xử trí hay thông báo cho phụ huynh đang lo đến xanh mặt…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói, dù bình thường bác sĩ, điều dưỡng rất ít thể hiện tình cảm, nhưng trước các ca bệnh nhi tay chân miệng nặng nề, bác sĩ như là người thân của các bé.
“Trẻ tay chân miệng nặng phải cách ly bố mẹ để theo dõi. Đứa mới vô phòng còn tỉnh táo không hiểu vì sao phải xa mẹ nên mếu khóc đòi người thân. Có khi nặng hơn chỉ vài tiếng khóc rồi thiêm thiếp li bì. Bao nhiêu gương mặt thất thần lo lắng của phụ huynh khi con mình nằm lại trong phòng cấp cứu, bao nhiêu gương mặt có cùng cảm xúc khi lo lắng chia sẻ với nhau chờ đến giờ vào thăm con”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1- TP.HCM, chia sẻ cách phát hiện và chăm sóc bệnh tay chân miệng ở trẻ: Khi khởi phát, bệnh tay chân miệng thường không có dấu hiệu rõ ràng, đa phần trẻ bị sốt, chảy nước bọt nhiều, miệng, lòng bàn tay, chân nổi mụn nước... Ban đầu, cha mẹ dễ bị lầm tưởng con mình bị dị ứng hoặc thủy đậu. Khi phát hiện trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Bên cạnh đó là dấu hiệu da bị tổn thương như: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… Một số trẻ còn bị các triệu chứng đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc… Để chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ nên cho trẻ ăn bình thường, không kiêng ăn (để trẻ có đủ chất dinh dưỡng), cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu, ăn nhiều rau, uống nhiều nước. Nếu trẻ nổi mụn nước, không kiêng cử tắm rửa, phải giữ vệ sinh cho trẻ, không bôi bất kỳ loại thuốc gì lên mụn nước. Theo dõi bệnh liên tục, khi phát hiện trẻ nóng sốt phải hạ sốt ngay. Trước khi chăm sóc trẻ, phụ cha mẹ cần rửa tay thật sạch, cách ly trẻ với những bé khác xung quanh. Trẻ trước khi vào lớp học và sau khi tan trường nên rửa tay với xà bông. Nếu nhà có trẻ bị bệnh tay chân miệng, tuyệt đối không cho trẻ đến trường để tránh lây lan cho các trẻ khác. Cha mẹ cần lưu ý ba dấu hiệu nguy cơ trẻ chuyển bệnh nặng: Trẻ khóc nhiều, quấy khóc suốt đêm, cứ 15 – 20 phút trẻ lại tỉnh giấc, quấy khóc. Sốt cao không hạ, sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ, uống thuốc không hạ. Đặc biệt, trẻ run tay chân, giật mình khi đang ngủ, tần suất giật mình nhiều. Gặp những dấu hiệu này nên đưa trẻ đến bênh viện ngay. Trường hợp khi trẻ ngủ bị run tay, chân, giật mình, thở mệt hoặc trẻ sốt cao quá hai ngày thì cha mẹ cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Trường hợp gia đình ở tỉnh xa, chuyển viện chưa chắc đã tốt và kịp thời vì bệnh có thể diễn tiến nhanh. Các bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay đã có đủ trình độ và máy móc để điều trị bệnh tay chân miệng, nên cha mẹ có thể yên tâm cho con mình chữa trị tại tuyến cơ sở. Khi phát hiện trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ nên thông báo với nhà trường (nếu trẻ đang đi học). Trường hợp lớp học hoặc nơi ở có nhiều trẻ bị bệnh này cùng thời điểm, nhà trường và địa phương phải báo ngay với trung tâm y tế dự phòng để nhân viên y tế xử lý, phòng chống bệnh lây lan trên diện rộng. |
Đã có 6 trẻ tử vong do tay chân miệng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng; trong đó 6 trẻ tử vong. Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh 1 trường hợp, riêng Tây Ninh có 2 ca. Các tỉnh thành ghi nhận số ca bệnh tăng nhanh trong các tuần gần đây gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… Tại TP.HCM, theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, trong tuần 38 có 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca). Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm & Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM – khuyến cáo: Trong số các trường hợp bị bệnh tay chân miệng trong đợt cao điểm hiện nay, đến 50% trường hợp được xác định mắc type Enterovirus 71 (EV71) – một type virus có độc tính mạnh, lây lan nhanh. Chính type virus EV71 gây ra các biến chứng, ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim… dẫn đến tử vong. Chính vì sự nguy hiểm của type virus EV 71, phụ huynh cần hết sức đề phòng bệnh tay chân miệng, chú ý các dấu hiệu nguy hiểm phải đưa con đi cấp cứu như sốt cao, giật mình, tay chân lạnh, run tay… Sau 2 ngày trẻ sốt cao, phụ huynh nên đưa con đi khám bệnh. |
Tay chân miệng chưa dứt, sởi đã kéo đến Trước tình trạng dịch chồng dịch, bệnh tay chân miệng chưa dứt, bệnh sởi đã kéo đến; các bác sĩ cảnh báo: Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng qua đường ho, hắt hơi, nói chuyện nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Sau 12 - 14 ngày tiếp xúc với mầm bệnh, trẻ bắt đầu khởi phát các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn, ho chảy mũi, đỏ mắt, phát ban. Bệnh có nhiều biến chứng nặng với người lớn, trẻ lớn, trẻ chưa được chích ngừa như: viêm phổi, viêm não, co giật, hôn mê, loét giác mạc, viêm loét miệng, tiêu đàm máu. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là cho trẻ chích ngừa từ 9 – 12 tháng tuổi, chích nhắc lại lúc 5 - 6 tuổi hay trước khi đi học. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Trẻ chích ngừa đầy đủ khả năng bảo vệ bệnh sởi lên 95%. Vậy tại sao có những trẻ chích ngừa vẫn bị sởi? Theo các bác sĩ, cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như: quá trình bảo quản vắc xin không tốt, cơ địa trẻ không đáp ứng miễn dịch, khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng… Thế nhưng đa phần trẻ bị sởi khi chưa đủ tuổi chích ngừa hoặc quên chích nhắc lại. |