Sinh ra tại một vùng nông thôn ở Lâm Đồng, cô gái Trần Thị Mỹ Thuận (sinh năm 1995) đã luôn ước mơ về một căn nhà gỗ trong nông trại, ngày ngày làm bạn với thiên nhiên. Lớn lên, đi học và làm việc ở Sài Gòn, ước mơ ấy chưa bao giờ nguội trong cô. Gặp, yêu một chàng trai thành phố - Nguyễn Thành An - cô nhiều lần chia sẻ về giấc mơ của mình.
Ước mơ không chỉ là... ước mơ!
Cả hai đã quyết định cùng thực hiện ước mơ ấy. Vượt qua nhiều khó khăn trong suốt 5 năm, nay vợ chồng Thuận - An có cuộc sống mà mỗi ngày đều là… một bài thơ: Căn nhà gỗ khi thì thấp thoáng trong sương mù; khi lại được nắng ghé vào như vẽ tranh; những khóm hoa hướng dương, bách nhật, hồng cổ, cúc chuồn khoe sắc theo mùa; bước ra mấy bước thấy suối chảy róc rách, hồ nước bao la và dịu êm…
Hơn 10 năm trước, An và Thuận đều là sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing (TPHCM). Năm thứ nhất đại học, cả hai cùng tham dự lớp học quân sự đầu khóa. Gặp Thuận, trong An đã xuất hiện những cảm xúc rất đặc biệt. An chia sẻ: “Tôi cảm thấy Mỹ Thuận là một cô gái chân phương, hiền hậu nhưng ẩn chứa sự mạnh mẽ, quyết liệt”.
An mong muốn được làm quen Thuận. Nhưng dù anh nhắn tin nhiều lần, Thuận đều từ chối. Phải đến 3 năm sau, trong một giờ giải lao, họ vô tình gặp lại nhau. Lúc này, Thuận mới cảm mến An. “Hôm ấy, tôi tranh thủ giờ giải lao để ra ngoài đi dạo, cũng đúng lúc lớp anh An được thầy cho nghỉ sớm. Tôi ngồi một mình thì anh An lại bắt chuyện. Tôi rất ấn tượng với làn da ngăm đen, nụ cười duyên và cách nói chuyện hài hước của anh. Vậy là chúng tôi quen nhau” - An nhớ lại.
Thuận và An trở thành một cặp đôi đẹp, đồng điệu trong lý tưởng sống. Vậy nên sau khi tốt nghiệp, dù tìm được công việc với mức lương ổn định, có việc làm thêm để tăng thu nhập, cả hai vẫn tiếp tục trăn trở về một cuộc sống ý nghĩa, tự do hơn.
“Hồi còn ở TPHCM, chúng tôi đi làm văn phòng và kết hợp với một người bạn bán nông sản ở quê. Việc kinh doanh khá tốt, mặt hàng bán chạy, thậm chí không kịp đáp ứng đơn hàng. Chúng tôi ngồi lại nói chuyện, cùng đi đến mong muốn có một mảnh đất để xây dựng trang trại. Sẽ tốt hơn nếu mua đất trồng mắc ca, chủ động nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng” - Mỹ Thuận chia sẻ.
Trước đó, khi nghe bạn gái nói về ngôi nhà gỗ, khu vườn xanh mát và sống gắn bó với thiên nhiên, Thành An chưa dám hứa hẹn gì nhưng anh luôn nói với gia đình, bạn bè rằng sẽ có một ngày cùng cô thực hiện ước mơ ấy. Vậy nên khi thời điểm đến, Thành An quyết định ủng hộ Mỹ Thuận thực hiện kế hoạch làm nông trại. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là cả hai đều mới ra trường, không có tiền để mua đất.
Hỏi vay mẹ của An, cặp đôi nhận phải sự phản đối vì bà lo các con sẽ phải chịu khổ khi làm nông nghiệp, huống chi An còn là kiểu “cậu ấm” khi lớn lên ở thành phố từ bé.
Quyết không bỏ cuộc, An đã dành công sức làm một bản kế hoạch chi tiết, cam kết chia lợi nhuận rõ ràng và trình bày, thuyết phục mẹ. Nhìn thấy sự quyết tâm ở con trai, lại thấy phương án khả quan, cuối cùng, mẹ An đã đồng ý đầu tư tiền vốn mua đất.
Hành trình tìm mua đất cũng rất khó khăn, vất vả. Sau nhiều ngày tìm kiếm, Thuận và An mới tìm được 1 miếng đất 10ha. Một ngày, vào lúc 3g sáng, đôi bạn trẻ phải chạy quãng đường 250km để làm thủ tục mua bán nhưng gần đến nơi thì chủ đất hủy hẹn.
“Chúng tôi tiếp tục lang thang qua nhiều làng xã, thấy ai treo biển bán đất cũng vào xem, cứ thế từ sáng sớm đến chiều tối. Rồi một ngày, chúng tôi từ trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đi hơn 10 cây số. 2 bên là rừng bạt ngàn và hiện ra trước mắt 2 đứa là ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn cạnh hồ nước, hệt như cổ tích. Ngay lập tức, tôi và Thuận cảm thấy đó chính xác sẽ là nơi ở của mình” - Thành An nhớ lại.
Gắn bó nhờ tình yêu
5 năm rời Sài Gòn, về căn nhà gỗ và gầy dựng nông trại từ đôi tay của những nhân viên văn phòng mà vẫn thấy “đây chính là cuộc sống mình muốn”, bí quyết chỉ có thể là tình yêu, sự đam mê.
“Điều giúp chúng tôi gắn bó được tới giờ là tình yêu. Nếu không đủ yêu nông nghiệp, yêu vườn tược và yêu thương chia sẻ với nhau thì có lẽ không thể đi đến ngày hôm nay” - Thuận bộc bạch.
Những ngày đầu về vườn, vợ chồng Thuận và An phải vượt qua vô số thử thách. Nơi họ ở phải đi 10km đường rừng mới tới, không điện nước, sóng điện thoại chập chờn, không 4G, wifi, chỉ có ngôi nhà gỗ bên hồ nước. Giường chưa có, chăn chiếu cũng không, cả hai phải ngủ dưới sàn nhà. “Đó là đêm lạnh nhất trong cuộc đời” - Thuận kể.
Trang trại của vợ chồng Thuận - An cách nhà hàng xóm gần nhất nửa cây số. Vì không có điện lưới, cặp đôi phải dùng máy phát điện nhỏ và chỉ đủ để thắp sáng; nước dẫn từ suối về; rắn rết, bọ cạp… thì gặp thường xuyên. Những ngày đầu, họ thắp sáng bằng đèn cầy. Đường nước cách nhà hàng km, phải đi đường rừng khó khăn nên thường xuyên mất nước.
Mảnh đất trơ trụi, Thuận và An bắt đầu tiến hành phủ xanh đồi trọc. Khác với Thuận xuất thân trong gia đình nông thôn nên nhanh quen công việc, An lại là “cậu ấm” đúng nghĩa, mọi thứ đều phải học. An vượt qua những ngày tay sưng phồng, lưng đau nhức, phải nghỉ nhiều để lấy sức… Một lần, mẹ An lên thăm, chứng kiến cuộc sống vất vả của các con thì ra sức thuyết phục con “đừng chịu khổ nữa, về thành phố với mẹ”. Nhưng “2 đứa trẻ” của bà luôn xác định những vất vả, thiếu tiện nghi chỉ là thử thách ở giai đoạn đầu.
“Chỉ có 1 lần chúng tôi nản lòng nhất là khi chú chó trong nhà bị ốm. Chúng tôi chạy xe 40km ra thành phố chữa bệnh cho nó. Sáng hôm sau, bác sĩ báo tin nó chết rồi. Trên đường ra đón về, chúng tôi vừa đi vừa khóc. Ngày tiếp theo, 2 chú chó khác lại lây bệnh. Từ lúc về rừng, vợ chồng tôi chỉ có đàn chó làm bạn. May mắn, 2 chú chó được cứu” - Thuận bộc bạch.
Những giọt mồ hôi rơi, từng cái cây được trồng xuống, lớn lên và trổ hoa, cho trái. Đến nay, nông trại của Thuận và An ngày càng cho nhiều rau trái hơn, không những đáp ứng nhu cầu của gia đình mà còn cho việc buôn bán, kinh doanh. Tùy theo mùa, họ sẽ có những sản phẩm xanh, lành từ khu vườn như hạt mắc ca, cà phê, sầu riêng, bơ, son bơ, dầu mù u, xà bông, dầu gội…
Thuận và An giờ đã có 1 bé trai kháu khỉnh 3 tuổi. Em bé đã biết theo mẹ lên vườn, vào rừng. Dù da đen hơn nhưng ánh mắt họ sáng hơn, sức khỏe dẻo dai hơn. Họ thích cùng nhau ngồi ngắm khung cảnh bình yên xung quanh, cùng uống cà phê mỗi sáng. Những cuối tuần, bạn bè của 2 vợ chồng ở thành phố lại về đây tụ họp, chuyện trò.
“Hiện tại, chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình, có đầy đủ rồi: một ngôi nhà, một khu vườn, một nơi trong lành và nếu tốt hơn, có một cộng đồng thân. Tôi là người thích yên tĩnh nên rất hợp với nơi này. Tôi chỉ muốn ở nhà và ở vườn, đi đâu cũng sốt ruột, muốn về ngay. Chồng tôi thì tính sôi nổi hơn, hay rủ vợ đi chơi vì sợ vợ buồn nhưng rất hiếm khi rủ được” - Thuận tâm tình.
Thuận cho biết, chỉ cần bản thân tìm được niềm vui từ những điều nhỏ bé xung quanh thì sẽ có sự bình an bền vững. Thuận và An không tìm kiếm hạnh phúc từ những thứ bên ngoài. Với họ, trồng được cây hoa đẹp, cắm một bình hoa là niềm vui hay nằm ngủ, đọc sách cùng con bên ô cửa sổ đầy nắng và hoa đã là hạnh phúc.