Tôi quen biết vợ chồng anh Nguyễn Minh Lộc và chị Đào Phương Như từ lúc tôi sinh An mà sữa chưa về. Một người bạn chỉ giúp tôi liên hệ chị Như vì chị có nhiều sữa dự trữ. Ban đầu, chị em cũng chỉ nói chuyện về kinh nghiệm nuôi con nhỏ hay những lời động viên,
hỏi han.
Chị Như và 2 con bất ngờ làm sinh nhật cho anh Lộc
Mối quan hệ ấy thêm gần khi tôi vào làm việc tại trường mầm non gần nhà anh chị. 2 cô con gái của anh chị thành học trò của tôi. Vậy là từ chị em trên mạng xã hội, chúng tôi thành mối quan hệ giáo viên và phụ huynh. Mỗi cuối tuần, anh chị thường hẹn mẹ con tôi đi chơi cùng, khi thì nấu ăn tại nhà, lúc ra công viên và cả những chuyến đi chơi xa. Có khi tôi còn qua ở hẳn nhà anh chị mấy ngày cuối tuần. Cả tụi nhỏ và người lớn đều cảm giác gần gũi như người thân trong gia đình.
Gia đình, ngoài những lúc vui cười rạng rỡ, sẽ có lúc gặp sóng gió. Trưa hôm ấy, một ngày hè oi ả, tôi nhận được cuộc gọi của chị với giọng điệu lo lắng và gấp gáp: “Nữ, em đang ở đâu? Qua nhà chị liền được không? Anh Lộc bị tai biến rồi”. “Chị bình tĩnh, em qua liền” - tôi gác máy và tức tốc chạy qua nhà chị. Tôi dặn chị bình tĩnh nhưng lòng tôi lúc ấy cũng nóng như lửa đốt, lo sợ điều gì đó chẳng lành.
Vừa đến nơi, tôi chỉ còn kịp nhìn thấy dáng chị tất tả với đồ đạc trên vai bước vội lên xe cứu thương. Tiếng còi xe vang vọng rồi mất hút vào dòng người lẫn xe cộ. Tôi quay lại nhìn bọn trẻ đang hoang mang khi thấy cả ba và mẹ đi mất. Tôi dỗ dành, cố trấn tĩnh bọn trẻ bằng hết trò chơi này đến bày trò làm món ăn nọ.
“Anh Lộc hiện đã qua cơn nguy hiểm, nhưng cần nằm viện dài ngày. Em cố gắng thu xếp nhà cửa với lo 2 đứa nhỏ giúp chị nha Nữ” - chị dặn dò qua điện thoại.
Những ngày anh nằm viện, khi đã có người nhà phụ trông nhà cửa và 2 đứa nhỏ, thi thoảng tôi vào viện thăm anh và lần nào cũng đều thấy chị không ngơi nghỉ chân tay. Khi thì chị đỡ anh ngồi dậy đút từng muỗng cháo loãng, miệng thổi nhè nhẹ cho cháo bớt nóng; lúc lại thấy chị đẩy anh ra ngoài dạo mát. Chị liên tục xoa bóp chân tay cho chồng, dẫu một bên cơ thể anh đã không còn cảm giác.
Có lần, anh ho sặc sụa, văng cả cơm canh lên khắp mặt, khắp đầu chị. Dẫu ánh mắt đã mệt nhoài vì nhiều ngày thiếu ngủ, chị vẫn nở nụ cười và nhanh tay lấy khăn lau mặt anh, sau đó mới phủi vội mớ cơm còn vương trên tóc mình. Khi ấy, đôi môi anh mấp máy như muốn nói lời cảm ơn chị. Vừa chăm sóc anh, chị vừa nói chuyện: “Vợ chồng mà, lấy nhau rồi, cần nhất những lúc như thế này, mà ảnh cứ cảm ơn chị hoài vậy đó”.
Dù chị tỏ ra mạnh mẽ, tôi biết mọi thứ đâu dễ dàng gì. Trước anh lo kinh tế chính trong gia đình thì giờ đây chị gánh vác tất cả, luôn cả việc chăm 2 con và chăm anh. Tôi hiểu sức mạnh giúp chị vững vàng trong giai đoạn khó khăn ấy là tình nghĩa vợ chồng sắt son.
Sau nhiều ngày điều trị, anh được về nhà, tập vật lý trị liệu. Tôi kịp thấy chị chải lại mái tóc, kịp thấy chị đứng bên căn bếp nấu nướng bữa cơm gia đình. Niềm vui của chị chưa được bao lâu, khi sức khỏe vừa ổn định, anh chủ quan quay lại công việc. Đêm đó, gần 1g sáng, đang ngồi đọc tài liệu thì cơ thể anh đơ cứng lần hai. Chị gần như kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Nơi căn phòng trải toàn drap trắng của bệnh viện, chị vừa khóc vừa vỗ lên bàn tay đã mất cảm giác của anh: “Em đã nói anh rồi, đừng làm gì nữa hết, em lo được, cỡ nào em cũng lo được. Lỡ anh có chuyện gì rồi 3 mẹ con em biết làm sao?”. Người phụ nữ dẫu cố gồng lên mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể giấu được sự yếu mềm bên trong.
Dù bao khó khăn, vợ chồng vẫn luôn lạc quan
Ngày anh phục hồi, cơ thể dần biết cảm giác, anh bắt đầu tự mang giày và tập từng bước đi; chị cứ đứng bên, đưa tay chờ sẵn để nếu chẳng may anh mỏi chân cần dừng lại, chị sẽ là trụ cột để anh dựa vào nghỉ mệt và đi tiếp. “Anh giờ chẳng mong gì hơn, chỉ mong có sức khỏe để ở bên gia đình mình. Thấy thương vợ anh quá” - anh nói trong bữa cơm hôm ấy với ánh mắt trìu mến nhìn về phía chị.
Thi thoảng tôi qua nhà chơi, thấy anh dùng một bên tay còn khỏe mạnh vỗ về cho con ngủ, ra hiệu tôi im lặng vì chị vừa thiếp đi bên cạnh. Có khi anh tập tành điều khiển bàn tay còn run run của mình để đút cơm cho cô gái nhỏ, khi thì làm vệ sĩ thầm lặng đi sau lưng 2 “cô công chúa” đang dạo chơi. Lúc khác lại thấy anh tay cầm mấy món đồ nho nhỏ phụ chị giao hàng cho khách gần nhà. Chị bảo anh không muốn nhìn chị vất vả một mình. Anh mong được phụ chị một phần nào đó, nhỏ cũng được, để anh có thể chia sẻ cùng chị - người thương của lòng anh.