Ni sư phải mang máy trợ tim mười năm nay, khớp gối chân phải cũng đau nặng, nhưng hơn một tháng đó, bà không nghỉ ngày nào. Ra tới Huế ngày 20/10, bà lập ngay bếp cơm thiện nguyện, cùng phật tử phát tâm nấu cơm mang đến cho bệnh nhân các khoa Ung bướu, Thần kinh, Lao ở Bệnh viện Trung ương Huế. Những ngày sau là xắn quần lội nước, chèo thuyền vào vùng dân bị cô lập, tay ôm bao gạo, thùng mì, một xấp bao thơ, ni sư đi dài theo mảnh đất miền Trung, từ các huyện Phước Sơn, Nam - Bắc Trà My (Quảng Nam) ra Tư Nghĩa, Bình Sơn (Quảng Ngãi), Quảng Điền, A Lưới (Huế), rồi Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy (Quảng Bình), Triệu Phong, Đakrông (Quảng Trị). “Thương bà con mình năm nay tai ương nhiều quá. Nhưng, trong tai ương đó, càng thấm thía tình đoàn kết của dân tộc này, bờ cõi này, từ Bắc chí Nam đâu đâu cũng là người nhà”, lời ni sư, trong đêm mịt mù Đakrông, một hòn đá vừa lăn xuống ngay đầu xe bà ngồi. 

Cũng như ni sư Quảng Nhật, hàng trăm phụ nữ Sài Gòn đã chọn đi vào tâm bão miền Trung, hoặc ở lại làm hậu phương để những chuyến xe về miền thương khó luôn đầy ắp bánh tét, thịt kho, đồ hộp, nước suối, thuốc trị cảm sốt, gạo, mì, áo phao, áo mưa, đèn pin… Tôi nhớ hoài chị Lê Thị Huyền Trang, ở phường Phú Hữu, quận 9, đã quyết định xin nghỉ làm một tuần, cùng gia đình thức trắng đêm gói bánh tét ngay trong những ngày đỉnh lũ miền Trung. Đang nấu thì trời mưa, nước tạt bốn bề, chị bật khóc vì sợ không kịp giờ gửi đi. Đăng tin tìm phụ giúp lên facebook, ngay lập tức, người từ các quận Tân Phú, Bình Thạnh, quận 12, Hóc Môn chạy tới với hàng tấn nguyên liệu, căng bạt, xếp gạch làm lò. Dự tính 500 - 600 cái bánh ban đầu, đã nhân thành 5.000 cái, xong một mẻ là hút chân không rồi gửi ngay cho bà con ngoài ấy. Vậy đó, nói một cách văn vẻ, cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Nhiều nhóm phụ nữ khác bên Q.2, qua quận Thủ Đức, quận 9 rồi lên quận 6, quận 8, quận Bình Tân, xuống quận 12, bỏ lại những tiệc tùng ngày 20/10, hối hả làm thịt kho ruốc, nướng bánh mì ngọt, soạn quần áo, đèn pin, áo phao, thuốc bôi ngoài da chống ngứa, kể cả băng vệ sinh, tã cho em bé. Ngày của giới hay bất cứ ngày nào, trong tai ương, suy cho cùng đều dành để thương nhau. Miền Trung những ngày oằn mình trong lũ, thì Sài Gòn là những đêm không ngủ. Cùng nhau, các bà, các mẹ, các chị ngồi bên nồi bánh tét “trái mùa”, hùn tiền mua tôn gửi bà con sửa nhà, làm sổ tiết kiệm giúp các em nhỏ vừa mồ côi có khoản để dành cho tương lai. 

Không có tiền mua khẩu trang, gạo, mắm, thì phụ nữ Sài Gòn tặng bà con chính “cần câu cơm” của gia đình mình. Quận 12, những ngày đầu hè tháng Tư, tháng Năm nắng rát mặt, mà vẫn mát lành tình người. Ở đây, từ phường Hiệp Thành qua phường Tân Hưng Thuận, những phiên chợ rau củ “0 đồng” hoạt động cả tháng liền. Điều đặc biệt là các loại dưa leo, bầu, bí, cà rốt, cà chua, hành lá đều có nguồn gốc từ vườn nhà các dì, các chị hội viên phụ nữ. Sợ bà con ăn rau miết sẽ ngán, họ còn rủ nhau hùn tiền mua cá về ướp bỏ sẵn trong hộp rồi đặt trên các dãy bàn của phiên chợ, ai cần cứ lấy. Cho đến nay, đại dịch đã tạm lắng xuống phần nào, mà câu chuyện về chị Trần Thị Ngoãn, ở khu phố 5, phường Hiệp Thành cắt toàn bộ rau trong vườn 2.000m2 đất thuê cho bà con vẫn còn được nhắc mãi. Thuộc diện hộ nghèo, nhà năm miệng ăn, lại có người bệnh nặng, mọi chi tiêu đều trông vào khu vườn, thành ra, gia đình chị lọt vào danh sách các gia đình cần được hỗ trợ khẩn cấp. Lo mình hộ nghèo, phường không chịu nhận, chị âm thầm cắt rau mỗi sáng, chất lên xe chị em trong chi hội nhờ chở ra các phiên chợ. Khi cán bộ Hội LHPN phường phát hiện, chị Ngoãn nói: “Lúc này cả nước đang đồng lòng chống dịch, ai có gì góp nấy. Tôi tuy là lá rách, nhưng còn có thể gắng gượng, hãy để tôi được làm việc nhỏ này cho bà con”. 

Giữa “bão” COVID-19, có người phụ nữ ngồi xe lăn bán muối vét cạn tiền tiết kiệm, có bà mẹ Việt Nam anh hùng dành tiền Nhà nước hỗ trợ hằng tháng vào mục tiêu ủng hộ chống dịch. Cũng có những chủ nhà trọ giảm tiền thuê, tất tả chạy chợ, vô bệnh viện chăm mẹ bầu, tặng luôn tiệm tạp hóa mình đang bán cho chị em thất nghiệp kiếm đồng ra đồng vô như dì Nguyễn Thị Bảy, ở phường Thới An, quận 12. Và, cũng có người phụ nữ nén cơn đau thể xác, chăm chú trên bàn may khẩu trang tặng bà con như chị Nguyễn Thị Tâm, ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức. 

Qua trụ sở UBND phường Tam Phú một đoạn, quẹo bên tay trái là đường Tam Bình, con đường nhắc nhớ đau đớn, nhưng cũng là nơi cưu mang mẹ con chị Tâm trong những tháng năm chông chênh vừa qua. Bữa ghé khu trọ, chị đang cắm cúi ngồi may khẩu trang, căn phòng nhỏ nhìn đâu cũng chỉ thấy vải, quần áo và khẩu trang đã ráp xong. Chiếc máy may là phương tiện làm ăn mà Hội tặng chị hồi tháng Ba. Lúc ấy, dịch COVID-19 đã hoành hành, chị xin góp công may khẩu trang tặng bà con trước, chuyện kiếm tiền để sau. Mà, mẹ con chị thì nghèo lắm. Rời quê Thái Bình vô Sài Gòn đã 27 năm, chưa khi nào chị thảnh thơi. Chồng theo công trình, vợ vào phân xưởng may, tính tích cóp mua miếng đất nhỏ cất nhà ổn định cuộc sống trong Sài Gòn. Hai vụ tai nạn giao thông liên tiếp, vụ sau ngay trên đường Tam Bình chỉ còn vài phút nữa là tới phòng trọ đã đánh gục chồng chị. Anh nằm một chỗ năm năm ròng, chị xất bất đi giúp việc nhà, may đồ ở xưởng tư nhân, chăm con nhỏ, mỗi ngày chỉ ngủ chừng hai, ba tiếng đồng hồ. Bất chấp nỗ lực đó, không có phép mầu nào, anh đi năm 2014, bỏ lại mấy mẹ con. Trước ngày nhận quà của Hội, chị lại nghe thêm tin sét đánh: ung thư vú. “Sài Gòn đã bảo bọc mẹ con tôi từ dạo đó. Ban đầu cô chủ trọ còn lấy tiền điện nước, nhưng hồi dịch bệnh tới nay thì không thu tiền gì hết. Tết này, lần đầu tiên sau 27 năm, tôi đưa con về quê ăn tết cùng ba mẹ, các cô đã lo vé tàu cho rồi. Ngồi may 1.000 chứ 10.000 cái khẩu trang để Hội tặng bà con cũng có thấm gì đâu so với ân tình Sài Gòn dành cho tôi” - chị Tâm nói.

iệc chủ động phân loại rác sinh hoạt trong nhà bắt đầu như thế, chị Trúc Phương cũng giảm tối đa sử dụng túi ni-lông thông thường. Hai mẹ con còn qua lối xóm xin bã cà phê, thức ăn thừa về ủ phân, tận dụng tầng thượng chừng 16m2 trồng rau. Hồi đầu, xóm quở mẹ con nhà này ngộ ghê, ai lại đi xin rác? Sau này, nhìn vườn rau xanh mướt thì hết người này tới người kia học theo. Mô hình Bếp nhà yêu thương của Hội LHPN phường Thới An ra đời từ nền tảng đó. Mấy chục hộ, gặp nhau ở mẫu số chung là tận dụng rác hữu cơ làm phân trồng rau ăn và tặng bà con nghèo trong đại dịch COVID-19. 

Viết tới đây, bỗng giật mình ngộ ra, phụ nữ Sài Gòn có rất nhiều cách hành động khác nhau, nhưng rốt đều đi đến cái chỗ trút trọn tâm can thiết tha với đời, thương mình cũng là thương người. Vì vậy mà suốt năm qua, từ quận 2, quận 9, xuống quận 12, hàng chục vườn rau, vườn hoa đã thành hình trên nền bãi rác ùn ứ bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bàn tay phụ nữ phát cỏ, dọn đá, cào rác, xới đất, chắt chiu từng hạt giống con con. Hễ nghe can, “làm chi cho cực, đâu lại vào đấy hà, mà các chị phụ nữ sức yếu dọn chỗ đó chắc đứt hơi”, thì chỉ cười thiệt hiền. Bao nhiêu đường hoa rực rỡ, bao nhiêu chồi non cải bẹ, cải bắp, đậu bắp thành hình, là bấy nhiêu giọt mồ hôi dưới nắng trời rực rỡ của phụ nữ Sài Gòn. Mà, đâu chỉ có vậy, mới ban sáng thấy cả người lấm lem đất, nhễ nhại mồ hôi, tối đến đã lại nghe tiếng các bà, các chị nói cười rôm rả chỉ nhau cắt bao tời may giỏ, đan những chiếc túi cỏ bàng, kết bình hoa từ ống hút, que kem. Rồi tặng khắp lối xóm, thủ thỉ: “Xách giỏ này đi chợ đẹp hết biết, ráng thay đổi dần thói quen nghen”.

Làm gì thì làm, cũng phải có sức mới đi được đường dài”, dì Phạm Thị Phương Liên hào hứng khoe đội hình câu lạc bộ Dưỡng sinh U70, U80 của Chi hội Phụ nữ block B-C, chung cư Bộ Công an, phường Bình An, quận 2. Nhìn người phụ nữ 64 tuổi, tay múa, chân dậm đều bước và miệng cười rạng rỡ, thật khó hình dung bà đã trải qua 30 năm dằng dặc chiến đấu với ba căn bệnh ung thư: vú, tuyến giáp, sợi mạch máu. Để tiện điều trị, gia đình rời Gia Lai xuống Sài Gòn năm 2017. Trong chung cư có dì Phạm Thị Ga ngấp nghé tuổi 80, sáng nào cũng cầm cái đài nhỏ xuống sảnh bật nhạc tập thể dục, rồi các chị Hiền, chị Mai, Nguyệt, Thìn, Phượng, Tám xáp vô tập chung, coi bộ rất khí thế. Từng làm công tác Hội Phụ nữ trên Gia Lai, dẫu bệnh tình hành hạ, dì Phương Liên tự nhủ mình không thể ngoài cuộc. Bà tra mạng mày mò kiếm các bài dưỡng sinh khó hơn, có lồng nhạc quê hương, các bài khiêu vũ như chachacha, tango, rumba mang xuống rủ mọi người cùng tập. Nếp thương hình thành tự nhiên hết sức, cứ vậy mà 10, 20, rồi nay là 80 người đều đặn họp mặt mỗi ngày, sáng từ 5g30 - 6g30, tối từ 20g - 21g, khi tập thể dục, khiêu vũ, khi múa, hát dân ca, hát ru ba miền đặng biểu diễn phục vụ bà con trong chung cư và các hoạt động văn nghệ của phường, của quận. Trong câu lạc bộ, ngoài dì Liên, còn có dì Kim Loan mới phát hiện mắc ung thư vú. “Tụi tôi dìu nhau qua từng đợt hóa - xạ trị. Chị em cũng chăm nom mình hết sức, người này hấp khoai lang, người kia nấu canh rong biển đem tới tận nhà, biểu phải ăn vô mới có sức… hát múa” - dì Phương Liên bật cười. Nơi đây đâu chỉ vui và khỏe, mà còn nhiều nỗi thương đồng bào. Mùa đông, miền Trung lũ lụt, đội hình U70, U80 ấy đã gom góp cả thảy năm xe quần áo, tập, sách mới gửi ra Quảng Trị. 

“15.000 bộ quần áo mới gửi ra miền Trung là bao tiền, chị chưa tính, mà có lẽ cũng chẳng cần tính đâu. Từ đầu năm tới giờ, chủ trọ thì miễn giảm tiền thuê phòng, người bán tạp hóa thì góp gạo góp mắm tặng bà con, hết thảy đều được bắc nhịp qua cây cầu thương thôi” - chị Vũ Tuyết Chinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, nghiệm ra như vậy khi nhắc đến những người bà, người chị tham gia hai câu lạc bộ khiêu vũ - dưỡng sinh và bóng chuyền của khu phố mình. Trong khoảng sân rộng của khu K82, phường Tân Chánh Hiệp, họ gặp nhau mỗi ngày, một bên chơi bóng chuyền, bên kia đồng diễn thể dục trên nền các ca khúc thấm đẫm hồn dân tộc: Việt Nam quê hương tôi, Sài Gòn đẹp lắm… Đằng sau những bước nhảy rộn ràng, những cú đập bóng thuần thục, là khoảng lặng ngồi lại bên nhau hỏi coi khu trọ nào có công nhân khó khăn, xóm nào nhiều bà con chật vật vì đại dịch COVID-19, đồng bào ngoài miền Trung khổ quá mình làm sao đây? Và, họ hành động, như chị Chinh kể, chẳng những gói ghém đồ nhà, còn liên hệ người quen nhờ tiếp sức. Có gì khó đâu nếu triệu trái tim đều chung một nhịp: vì đồng bào, chẳng đắn đo suy tính. 

Chia sẻ bài viết: