Với mình, tháng đẹp nhất của Sài Gòn là tháng Chạp. Cái tháng có những buổi sáng trời bỗng dưng lành lạnh, vài hạt mưa lất phất trên má tự nhiên khiến con người như bao dung hơn, cả với những chiếc ổ gà đọng nước có thể vấy bẩn lên mình bất cứ lúc nào khi một chiếc xe vội vã lao ngang qua; như trìu mến hơn, cả với dòng người kẹt xe chen chúc đi kèm với khuôn mặt bực dọc vốn là chuyện hằng ngày. Không biết những người Sài Gòn từ thuở cha sinh mẹ đẻ đã gắn bó với thành phố này họ sẽ cảm nhận ra sao giữa thời điểm chia tay năm cũ; còn với mình, một đứa con miền Trung bỏ quê đi hơn 15 năm, dù đã chọn Sài Gòn là nhà, vẫn cồn cào một cảm giác khó tả.
Mình mang con trai chưa được hai tuổi rời Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, giờ Pon đã mười bảy. Mười lăm năm qua, do hoàn cảnh, mình có năm về năm không, nhưng Pon thì tết nào cũng về theo ba, dù chỉ đôi ngày ngắn ngủi, thăm ông bà nội, thắp hương cho ông bà tổ tiên. Lén mở những trang nhật ký của con, mình không ngờ một thằng con trai bề ngoài Sài Gòn “chay” lại có những cảm xúc thiêng liêng như vậy đối với đất trời xứ Huế ngày giáp tết mà có lẽ chỉ những người con xứ Huế mới đồng cảm được: “Không hiểu sao mỗi lần đến tết là tôi cứ mong muốn được ra Huế ăn tết. Mặc dù không hào nhoáng hiện đại bằng Sài Gòn nhưng Huế luôn thoắt ẩn thoắt hiện một sự gợi cảm lẫn cuốn hút trong tâm trí tôi. Đó chính là sự ấm cúng, sum họp và gần gũi với đất trời. Tất cả đều rất thân thuộc, cho dù chỉ một cây nhang nhưng tôi vẫn cảm thấy sự thiêng liêng của cái tết quê mình. Đó là cảm xúc về cái sân nhà nội, nắng dịu vu vơ chiếu xuống, và tiếng nhạc thanh bình phát ra từ chiếc máy của ông nội. Thật khó để diễn tả cảm giác ấy nhưng nó lại thật đến mức lạ thường. Cứ như rằng Huế có một sức mạnh kỳ diệu nào đó đã thâm nhập vào trái tim tôi và ấn một cái dấu thiệt sâu vào đó. Chẳng lẽ tâm hồn tôi đã được buộc chặt ở đây chăng?”.
Trong những lần may mắn có mẹ về theo, con trai luôn đòi mẹ làm cho được món bánh chưa năm nào thiếu: bánh thuẫn. Thời điểm đổ bánh thuẫn tuyệt vời nhất là vào đêm 28, 29 tết để sáng mồng một đầu năm, những chiếc bánh mang lại vị ngọt ngào mong ước một năm may mắn vẫn còn mềm mịn dịu thơm. Từ chiều, căn bếp của nội đã rộn ràng tiếng đánh trứng, tiếng giã gừng, tiếng í ới cân đo “1 ký bột 1 ký trứng 8 lạng đường phải không nội, Pon, Liu ơi, chuẩn bị giúp mẹ mấy múi chanh vắt vô cho bột dậy, Gái ơi lo giùm tui củi lửa…”. Gái là tên o (cô) Gái, mà mình lúc nào cũng gọi trổng một cách thân thương là Gái, dù tuổi o bằng tuổi ông nội hai đứa nhỏ. O lên đi chợ nấu ăn cho nhà nội từ thời còn trèo dừa thoăn thoắt, chăm bà ngoại ông xã từ cái ngày ổng bằng con gái út Ôliu 13 tuổi của mình. Ngày ngày o bắt xe ôm lên nhà đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp xong chiều tối lại bắt xe về căn nhà ọp ẹp ở làng Ngọc Anh, nơi có con cháu o đang chờ. Mấy chục năm trôi qua, o hết chăm ông xã mình, lại tới chăm thằng Pon con trai mình. Ai kêu làm chỗ khác o cũng không đi, dù cho gia đình chồng mình cũng không khấm khá chi để giữ o lại. Có lẽ, căn bếp nhỏ rổn rảng, cây khế bên hiên nhà hoa tím lả tả rơi lấp lánh trong ánh nắng trưa hè, mảnh sân đầy lá me rụng quét mỗi chiều ấy, tiếng kêu “Gái ơi trời lạnh ni chiên bánh chuối là hết sẩy” đầy nũng nịu của bà chị, tình cảm thân thương giữa mọi người trong gia đình đã là một cái gì đó thân thuộc, như là nhà, không muốn rời xa. Rồi bà cố ngoại mất, gia đình mình chuyển vào Nam, ông bà nội may mắn vẫn còn đủ khỏe để tự chăm sóc bản thân, o lui về căn nhà nhỏ mưa dột bữa đói bữa no, chứ cũng không đi làm đâu khác. Mỗi lần xe chở gia đình mình từ sân bay về đỗ xịch trước cổng, trừ phi o đau không lên được, còn không thì chắc chắn o đã lên nhà nội từ sớm, le te chạy từ bếp ra, mở cổng cười toe toét, thằng Nhã về, thằng Nhã về. Chao ơi, cái người Huế xưa, sao mà họ trung thành lạ. Mình vừa mỉm cười trong niềm hạnh phúc về sự thủy chung, lại nhói lòng vì chính cái sự chung thủy ấy đôi khi khiến người ta đánh mất nhiều cơ hội để cuộc sống có thể tốt hơn.
Mưa lắc rắc trên mái tôn. Ngoài sân, o Gái đang quạt than, ánh lửa hồng cả khuôn mặt nhăn nheo theo thời gian, duy đôi mắt vẫn tinh anh chưa một lần đeo kính lão. Pon được giao nhiệm vụ múc bột vô tô. Mình phết dầu và đổ bột vô khuôn. O Gái canh lửa vốn là thứ khó nhất quyết định bánh trên nở bung dưới vàng đậm hay là dưới cháy trên chưa chín. Chừng vài ba phút, mấy cái mũi hít hít, nghe mùi thơm nghĩa là bánh chín, “mau mau mở nắp Gái”, cũng có khi hớ vài lần do mùi thơm bay ra từ rẻo bánh cũ, tới phiên Ôliu cầm xăm gắp bánh liên tục, mẹ lại quét dầu, đổ bột… cứ thế cho tới nửa đêm. Mỗi lần đổ bánh thuẫn là cái lưng như muốn mỏi nhừ. “Gái, chắc sang năm khỏi làm quá”, ấy vậy mà chẳng bao giờ bỏ. Phải chăng là vì nơi cái mảnh sân bé nhỏ ấm áp ấy, là chừng đó con người quây quần bên nhau, nơi bàn tay chai sạn của người đi gần hết cuộc đời như thân thương hơn bên cạnh bàn tay nhỏ xinh trắng hồng của tuổi 13 chớm lớn.
Chừng như sợ hai đứa chán cảnh đổ bánh đều đều, vừa quạt than Gái vừa rải rải, kể về những ngày Pon nhỏ xíu, khiến mình chợt nhớ cái đêm con ra đời, và tới phiên mình kể chuyện cho Pon, Liu nghe. Rằng đó là một đêm mùa đông gần Noel, ba chở mẹ đi sinh bằng xe máy. Trong cái lạnh như từ trong lạnh ra của tháng Chạp, trên con đường vắng, hai hàng long não xanh một màu xanh thật khó tả, đẹp tới mức thay vì đi thẳng lên bệnh viện thì ba mẹ chở nhau đi lòng vòng quanh những con đường Huế. Đêm đó sao mà đẹp nôn nao. Không biết có phải vì thế mà thằng Pon nằm trong bụng bị ảnh hưởng bởi những cái vẩn vơ của mẹ, để khi ra đời, lớn lên, tuy con thiên về tính logic, nhưng tâm hồn nhiều lúc cũng lang thang ngơ ngẩn đâu đâu. Rằng có phải đó chính là cái dại khờ trong câu nói của Steve Jobs - hãy cứ khát khao hãy cứ dại khờ, cái dại khờ cho chúng ta sống người hơn trong thế giới ngày càng nhiều giá trị mới chuẩn mực tới mức vô cảm và tàn nhẫn.
Một cơn gió sượt qua lạnh buốt, bàn tay nhỏ nhắn của Ôliu lại xòe ra hứng hơi ấm từ bếp than áp vào má. Giờ này nếu ở Sài Gòn, chắc trời vẫn hanh khô hoặc có chăng chỉ là một chút se se. Những chiếc bánh cuối cùng đã được sấy để giữ độ giòn bên ngoài, Ôliu nhẹ nhàng phủ báo lên mẹt bánh trước khi díp mắt vì buồn ngủ. Như Pon viết: “Đồng ý rằng trên thế giới này có hàng nghìn loại bánh ngon hơn, cầu kỳ hơn chiếc bánh thuẫn đơn sơ đậm chất Huế này, nhưng các loại bánh đó sẽ không bao giờ đem lại cho tôi và gia đình một cảm giác của sự hòa hợp, của sự đoàn kết trong những đêm giá lạnh”, phải chăng vì cái cảm giác quây quần bên nhau giữa ba thế hệ mà tuy những năm qua, gia đình mình thật sự đã xem Sài Gòn là nhà - ngôi nhà theo nghĩa như một bài hát của Elton John, là nơi mà ở đó, ta tìm được tất cả các câu trả lời - thì căn nhà nội ở Huế, nơi có mảnh sân nhỏ cùng những câu chuyện bên bếp than hồng thơm mùi bánh mãi là chốn trở về trong khoảnh khắc giao mùa. Một chút mưa, một chút ấm áp than hồng, rồi gió, mùi bánh thơm tha thiết, giọng kể chậm rãi của o Gái, tiếng rót trà của ông bà trong tiếng nhạc xưa êm dịu, lời thủ thỉ cùng con, mình gọi đó là căn nhà ký ức, nơi mà người già và người trẻ như gần nhau hơn, người già như đỡ cô đơn hơn; nơi con trẻ hiểu hơn về cội nguồn, về những giá trị truyền thống xưa cũ vốn luôn là nền tảng để đón nhận những điều mới mẻ một cách vững vàng hơn.
Hoàng Dạ Thư
Kỹ thuật: Ngô Tới