Trước mặt chúng tôi là một lối đi đầy bùn đất, chân bước đến đâu, bùn vây đến đó. Gọi là đường mà lại trông không giống đường vì mưa xuống, cày nát hết cả đường đi lối lại. Phải có “thổ địa” cầm đèn pin đi trước rọi xuống đất, mới nhìn thấy chỗ hơi nhô lên mà men vào. Đi thêm một đoạn cỏ ướt nhão nhoẹt, cuối cùng chúng tôi cũng đến được một trong những chốt dã chiến chống dịch COVID-19 thuộc Đồn Biên phòng Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).
Tháng Tư, những ngày biên giới Tây Nam mất ngủ 45 năm trước, tháng Tư, cũng là những ngày rát bỏng nhất của lịch sử. Bánh xe thời gian, bằng một cách nào đó đã trở lại trong những ngày cả nước căng thẳng chống dịch, như diễn dịch, như nhắc nhớ thêm một lần nữa về nơi cuộc chiến (hình như) chưa bao giờ đi qua. Và vẫn là họ ở đó, những chiến binh sao vàng của một thời lẫm liệt. Tôi không biết, lịch sử chọn lựa họ hay họ chọn lịch sử để đi cho bằng hết sinh mệnh của mình; nhưng rõ ràng, họ đang kể tiếp “kỷ niệm đầu tiên, của một lớp người chiến đấu”. |
Trước khi có đèn năng lượng mặt trời, mấy hôm trước, toàn “mò mò” trong bóng tối không à. Nghe anh lính dẫn đường ban nãy kể chuyện, tôi mới ngước lên để ý, đây là vùng sáng duy nhất khắp xung quanh; dù rằng, vùng ánh sáng đó hắt ra, cũng chỉ vừa đủ để một nhóm người đứng gần nhau (tạm gọi là)… thấy nhau, không phải va vào nhau trong đêm tối.
Nơi các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép cắt hàng rào thép gai để trốn qua biên giới nay đã được rào chắn lại, một chốt dã chiến cũng được lập ngay tại đây
Lúc bước vào, một trận “mưa” khác ập đến. Nghe một người giới thiệu, là mưa sâu dừa, hay còn gọi là con bọ dừa chị ơi. Thấy có ánh sáng, thấy có cái gì giống ánh sáng - như cái áo trắng tôi đang mặc - là loài côn trùng này như con thiêu thân lao vào. Chúng bám vào quần áo, đu lên tóc dày đặc, nằng nặng. Từ TPHCM về, lần đầu tiên chứng kiến cảnh này nên trong thoáng chốc, tôi có phần hơi hoảng. “Chúng hiền khô à, bọn em ở đây riết rồi cũng quen, chị. Có đèn nó mới bu đến, chứ lát tắt đèn đi tuần là chúng bỏ đi ngay”. “Thổ địa” dẫn đường giới thiệu: “Đặc sản đấy, về lại thành phố là không có đâu”.
Lúc bấy giờ, tôi mới có thời gian nhìn khắp một lượt “nhà” của trung úy Nguyễn Trương Thanh, trung úy Nguyễn Văn Đáng, trung úy Nguyễn Đình Hùng, trung sĩ Nguyễn Thanh Tình, dân quân Lê Hữu Phước và dân quân Nguyễn Văn Toàn.
Một chốt dã chiến thuộc Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài.
Gọi là “nhà” cho có cảm giác ấm cúng, cho đỡ cơn hiu hắt trong mưa phùn lành lạnh ngoài kia; nhưng thú thực tôi cũng không biết dùng từ gì để miêu tả cho chính xác. Có mấy thanh gỗ cắm vào đất làm cột nhà, một tấm bạt được căng phủ lên trên tạo thành “mái”, thế là xong một cái chốt. Gọn ghẽ. Đơn giản quá mức. Giống một túp lều? Hay một cái lán? Hoặc là một trại du lịch di động? Nghe cứ sai sai thế nào đó. Mấy người chúng tôi đứng cạnh nhau dưới chiếc đèn năng lượng mặt trời bàn luận, vô tình tạo thành một quầng bóng chiếu xuống, tan êm ru, lặng thinh vào đất.
“Mái nhà” rỉ nước, chảy giọt giọt, một chiến sĩ phải lấy cái gậy tuần tra chọc lên để cho nước đọng bên trên ào xuống hết. Cuối cùng, giữa rất nhiều định nghĩa có thể liệt kê, chúng tôi đành phải tạm thống nhất với nhau đấy là “nhà bạt tiểu đội”; nghĩa là “nhà bạt” có sức chứa 12 người.
Barie chắn ngang để kiểm soát người qua lại.
Nhà bạt này được dựng lên sau khi nhà bạt cũ đổ sập sau trận mưa ba hôm trước cách đó một đoạn. Từ đầu tháng Tư đến giờ, cứ mỗi lần mưa lớn, dựng đi dựng lại cũng đã 3-4 lần. Dù vậy, vẫn phải bám chốt. Khu vực biên giới này, địa hình khá bằng phẳng, dễ bề hoạt động cho nhiều loại tội phạm, nay thêm cả những đối tượng nhập cảnh trái phép; vì thế, lúc nào toàn đội cũng trong tình trạng sẵn sàng. Ban ngày tầm mắt rộng, anh em có thể thay nhau để chợp mắt ở cái giường xếp kia hoặc tìm hai cái cây ven đường mắc võng ngủ; nhưng đêm đến, hầu như thức trắng.
Một chốt dã chiến thuộc Đồn Biên phòng Phước Chỉ.
Hôm trước ghé mấy chốt dã chiến thuộc Đồn Biên phòng Mộc Bài, nghe cánh lính “tếu táo” với nhau, có hai loại chốt là chốt sướng và chốt khổ, chị muốn đi chốt nào trước. Sao lại có sướng với khổ ở đây? Nghe sao mà phân biệt quá chừng! Tôi bày ra cái bản mặt khó hiểu. Hóa ra, đi rồi mới biết, chốt sướng, chỉ những chốt lập ra trước cả thời điểm chống dịch, vốn là chốt tuần tra buôn lậu và các loại tội phạm khác, nay được trưng dụng làm chốt chống dịch, cũng đơn giản, tuềnh toàng; nhưng dù sao cũng tạm che mưa che nắng được, chỉ khi nào mưa to gió lớn quá thì mới bị nước tạt vào. Còn chốt khổ, là những chốt mới lập ra tạm thời sau này. Mấy chiếc cọc gỗ đóng vào đất, một tấm bạt phủ lên bao xung quanh; thế là thành chốt dã chiến, thành “nhà” của các anh em trong mùa tăng cường.
Nơi nghỉ tạm trong đêm.
Chốt khổ thì có nhiều định nghĩa có thể gọi ra lắm. Như cái hôm ở chốt số 11 Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thiếu tá Hải cứ khăng khăng ban ngày, cái chốt anh đóng giống như “lò luyện đan của Tôn Ngộ Không”. Còn khi mưa xuống, đại úy Tân nhất mực cho rằng, nó trông giống một chiếc bánh bao. Vì mưa gió ở vùng biên này mười phương tám hướng dạt về, không giống mưa gió (một chiều, một hướng) ở các vùng khác. Lúc vần vũ bên này, lúc vần vũ bên kia, nó xoay cái chốt dã chiến mòng mòng dạt bên này bên kia, rồi rúm ró lại y một chiếc bánh bao sau khi hấp. Cũng giống như chốt tôi vừa ghé ở trên, đích thị nó là “chốt khổ”.
Đi đường gặp một đội tuần tra chống dịch.
Thế mới thấy, “chiếc khiên thép” được tạo ra từ 121 trạm, chốt dã chiến, điểm cảnh giới chống dịch bọc suốt 240km đường biên Tây Ninh - Campuchia mất ngủ ấy là một chiếc khiên thép đầy cảm trạng. Như lời thượng tá Nguyễn Công Tuân, Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng Tây Ninh từng thú thật trong ngày đầu tôi về biên giới Tây Nam: “Chúng tôi thương, xót cho đồng đội của mình quá. Trước mắt cũng chỉ biết động viên anh em bám trụ địa bàn, hoàn thành nhiệm vụ. Đảng và Nhà nước xác định chống dịch như chống giặc. Ở phên giậu của Tổ quốc, lực lượng biên phòng là lực lượng xung kích, là tuyến đầu, cũng phải nêu cao tinh thần đó”.
Một lính biên phòng đi tuần tra dưới bóng đèn năng lượng mặt trời.
Qua lời ông, sau mấy trận mưa đầu mùa, nghe tình hình anh em chia sẻ lại, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã quyết định cấp gần 100 lều bạt dã chiến, có khả năng chống chọi mưa gió cho anh em; tới đây khi lều bạt về, sẽ đưa đến tận nơi.
Một người nói tôi, “đi 1-2 chốt dã chiến chắc đủ nắm tình hình rồi ha em”. Vì chốt sướng hay chốt khổ, ki-lô-mét nào trong 240km đó mà chẳng giống nhau. Không đồng không mông quạnh thì rừng nguyên sinh che lấp. Không “mưa” hành thì nắng “hành”. Không bọ dừa đu bám thì muỗi đốt. Điều kiện ăn uống, sinh hoạt nhiều thiếu thốn. Chỗ nào mà chẳng vất vả như nhau. Lính vùng biên cả mà.
Chốt dã chiến thuộc Đồn Biên phòng Tân Phú.
Còn nhớ, khi tạm biệt Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tôi có hỏi thiếu tá Trần Đình Hải cắm ở chốt dã chiến số 12, người ta nói bộ đội thời bình không còn khổ như bộ đội thời trước, anh nghĩ gì về điều đó. Anh Hải nói, mỗi thời có một sự hy sinh khác nhau. Ngày xưa là toàn dân chống giặc; còn ngày nay, ở vùng biên ải này, mỗi ngày là một cuộc chiến. Đây là mảnh đất mà những mùa chinh chiến vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Lúc bạn bè cùng thế hệ đang quây quần đầm ấm cùng gia đình; các anh ở đây, nơi tuyến đầu.
Nói đến đây, tự nhiên anh Hải chững lại, khi nhớ tới câu chuyện thiếu tá Vi Văn Nhất (Đồn Biên phòng Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) hy sinh khi truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy hồi tháng Sáu năm ngoái, để lại mẹ già, vợ và hai đứa con thơ. Đó, kể em nghe một ví dụ, để em thấy máu có bao giờ ngưng đổ trên dải đất này.
Lúc ngồi nói chuyện với anh trong căn chốt số 12, gió biên giới thổi vào lồng lộng, rát rựa. Không phải vì lạnh mà vì một cảm giác rất lạ đột nhiên ùa đến, khiến tôi cảm động, như ngày xưa, đi Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), miền biên cương phía Bắc, tôi cũng từng ngửi thấy mùi gió này xộc thẳng vào trong lòng.
Trong thoáng chốc, tôi phát hiện lý do của thứ cảm xúc ràn rạt này: tôi chỉ là một người xa lạ, một người khách ngay trên quê hương mình, một người không gắn máu thịt của mình ở đó, không chiến đấu cho nó; vì thế tôi mới cựa mình vì một mùi gió khác hẳn mùi gió giữa lòng nội đô. Còn với các anh, gió biên thùy, mưa nắng biên thùy… như cùng một hơi thở, từ thời hoa niên cho tới khi mái đầu ngả bạc nên nó quá thiết thân, gần gũi. Vì thế, cái chốn lang thang chật chội ấy, hóa ra, lại là “cái đời ta” nhất. Ở đó có chủ nghĩa hiện thực không? Có chủ nghĩa lãng mạn không? Có. Bởi, nếu không, làm sao đi biền biệt cho hết mấy chục năm dài đẵng ấy? Nó là gì nếu không phải là sự mê đắm tỉnh thức khi được góp một phần tuổi trẻ cho nó? Là gì, nếu không phải là một lời tụng ca cho quê hương?
Bất giác, tôi chợt nhận ra, ước mơ không phải là điều để nói với người khác, cũng không phải lấy tình yêu để đánh đổi. Nó là một thứ hết sức thuần túy, một thứ bản năng, một thứ không hề chán ghét. Là khi đã lựa chọn, nó sẽ là đáp án duy nhất.
Lúc chúng tôi đến Đồn Biên phòng Tân Phú (nằm trong Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, huyện Tân Biên), thấy có mấy người Hàn Quốc đang ngồi ở đó. Hỏi các chiến sĩ biên phòng ở đây mới biết, họ là đối tượng nhập cảnh trái phép qua biên giới hôm 28/3, bị các chiến sĩ tuần tra biên giới của ta phát hiện. Một người nói một cách ví von với tôi, đây là vùng đất mà người lính phải “đứng” trong cả lúc ngủ là vì thế.
***
Từ cổng trời Tây Nam của Tổ quốc trở về, những chốt dã chiến cắm dọc hai bên đường. Những bóng người nhấp nhô, lòa xòa rồi ẩn mình trong rừng, trong đất. Có thể, rất nhiều người trong số đó, mai này già đi, ngồi cạnh nhau nhắc lại chuyện cũ. Những chuyến băng rừng. Những cú “ma-ra-tông” rượt đuổi vùng biên. Cả những thời khắc làm cha đã bỏ lỡ hay chẳng thể có mặt lúc con gái đi lấy chồng. Hay những giọt nước mắt lặn vào trong như giọt nước mắt của chiến sĩ Tường của Đồn Biên phòng Tân Bình… Và có những tháng Tư khắc nghiệt hơn nữa, rát bỏng hơn nữa. Có thể, họ sững sờ, họ nhìn nhau, rồi nuốt những ngụm gió biên cương mặn ngọt vào trong lòng, hỏi nhau, hay là hỏi bản thân mình: “Tại sao ngày đó, bọn mình ghê gớm dữ dzậy?” - thì tôi nghĩ, câu hỏi đó sẽ chẳng có ai trả lời cả.
________________
Đậu Dung
Kỹ thuật: Ngô Tới