Tôi luôn nghĩ những sợi tơ sen có kích thước chỉ 0,12 micron ấy là tơ của trời. Thứ tơ mềm nhất, mịn nhất đó đã từng ám ảnh chủ hãng vải và thời trang nổi tiếng thế giới - tỷ phú Pier Luigi Loro Piana, từng khiến ông tự hào khi công bố một chuẩn mực mới về loại sợi tự nhiên tốt nhất trong lịch sử. Người ta bảo để mua được loại vải dệt từ sợi tơ sen của ông tỷ phú kia, khách phải đặt trước cả năm trời, và phải đến tận nước Ý nhận lụa. Bất ngờ, loại vải dệt từ tơ sen được mệnh danh “viên ngọc cuối cùng trong thế giới vải vóc” ấy nay đã hiện diện ở Việt Nam; được nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra thị trường chẳng phải bởi “ông hoàng, bà chúa” ngành thời trang hay vải vóc nào, mà bởi đôi tay lam lũ của một người phụ nữ nông thôn.
Phùng Xá (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) nằm uốn mình bên sông Đáy hiền hòa, những bãi bồi xanh ngát lúa ngô, thơ mộng như bước ra từ giai điệu của ông nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vành một góc trời”. Trong xưởng dệt mênh mông nằm giữa làng Hạ, cả công nhân và máy móc đều hoạt động hết công suất để kịp trao cho khách những vuông lụa chơi xuân. Một người phụ nữ nhỏ bé, tóc đã bạc quá nửa đang cần mẫn, chăm chú giám sát từng công đoạn, từ rửa kén, nhuộm vải đến se sợi, hong tơ… Bà là Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, người kiên quyết neo giữ và phát triển nghề nuôi tằm, ươm tơ của Phùng Xá suốt nửa thế kỷ qua.
Bà Thuận luôn tự hào về cái làng nghề tơ tằm có từ thời Lý của mình. Qua những biến thiên, thăng trầm, mãi đến năm 1928, cụ Hoàng Tiến Gian mới rời Phùng Xá đi khắp các vùng tằm tang khác của miền Bắc để học hỏi, nâng cao tay nghề. Một năm sau, Phùng Xá không chỉ chuyên nuôi tằm, ươm tơ mà còn có thêm nghề dệt. Sau này có thời kỳ tơ ươm ra không biết bán cho ai, người Phùng Xá phải phá bỏ cây dâu, nhưng riêng bà Thuận kiên quyết giữ nghề. Một dạo thấy người làng đi Lạng Sơn chơi chợ biên giới là xách về chiếc chăn lụa tơ tằm. Bà Thuận cáu lắm, “mình sẽ làm chăn lụa độc đáo hơn”. Thế là bà mày mò.
Gắn bó với con tằm từ khi mới 6-7 tuổi đầu nên bà hiểu mọi điều liên quan đến nó chẳng khác nào hiểu tính nết… hai đứa con của mình. Đến một ngày bà nghĩ: “Mình là nông dân, công nghệ với máy móc thì mình không “đấu” được họ, chi bằng mình “đấu” bằng chính con tằm”. Thế là thay vì bán kén cho người ươm tơ, thay vì đưa tơ vào máy dệt; bà đã biến mỗi con tằm thành một “người thợ chuyên nghề canh cửi”. “Khi con người không làm tổ cho tằm thì nó không thể cuộn những sợi tơ thành kén, khi đó chúng chỉ còn cách nhả tơ vào không gian. Khi để chúng nhả tơ trên một mặt phẳng có kích thước định sẵn và giữ cho chúng không bò ra ngoài, thì tơ của con nọ sẽ đan xen vào tơ của con kia thành những lớp dày. Thế là con người không cần đan, không cần dệt, chỉ cần mang đi tẩy theo phương pháp truyền thống là đã có chiếc mền bông, do chính con tằm tự dệt. Chất lượng thì không một loại máy móc nào có thể sánh bằng” - bà Thuận giải thích.
Trong gian nhà mướt mềm những sắc màu nền nã, óng ả của lụa tơ tằm, giữa chiều đông se sắt gió, chúng tôi bỗng nghe váng vất hương sen. Bà Thuận mở cánh cửa tủ, tủm tỉm đưa ra chiếc khăn lụa dệt từ tơ sen. Gam be mộc nguyên bản, thoạt nhìn có vẻ thô ráp, nhưng khẽ chạm tay thôi đã thấy mềm, ấm; và đặc biệt là hương sen ngan ngát vây quanh, cảm giác như đang đứng trước cả vùng sen Tháp Mười. Bà Thuận nâng niu tấm khăn rộng khoảng 30cm, dài 1,7m: “Cả mùa hè vừa rồi nhà tôi làm được 12 chiếc khăn hoàn toàn từ tơ sen, hàng làm ra không đủ bán, tôi chỉ giữ lại được một chiếc làm kỷ niệm”.
Vốn nổi tiếng với các sản phẩm 100% từ tơ tằm, lụa tơ sen đến với nghệ nhân Phan Thị Thuận khá tình cờ. Đầu năm 2017, đoàn Đại biểu Quốc hội cùng cán bộ huyện Mỹ Đức đến thăm cơ sở sản xuất lụa tơ tằm của bà Thuận, bất chợt một đại biểu nữ nhắc đến “đặc sản” vùng hồ Inle của Myanmar: lụa tơ sen được làm từ đôi tay những người dân làng In Paw Khone. Bà Thuận nghe nói “lụa tơ sen” thì lạ lắm, nhưng khi được nữ đại biểu kia đề nghị thử làm, bà đã không chần chừ mà gật đầu đồng ý. Tôi hỏi khi đó sao bà “liều”, đã biết lụa tơ sen là gì đâu mà dám nhận. Bà Thuận cười lớn: “Lúc đó tôi nghĩ mình cũng là nông dân như họ, họ làm được thì mình cũng phải tìm cách để làm cho bằng được”.
Thông tin ít ỏi trên mạng mà con cháu tìm được không khiến bà Thuận nản lòng. Từ tháng Một đến tháng Sáu năm 2017, bà bắt tay vào nghiên cứu miệt mài. Khi đám sen ngoài đầm còn đương tơ, bà Thuận đã dò dẫm hỏi mua. Người chủ đầm gãi đầu gãi tai: “Bây giờ, em bán cho bác cũng được, nhưng mỗi cái cuống sen lúc này là mất một bông hoa của em”. Bà Thuận bèn đề nghị: “Vậy chú bán cuống cho tôi với giá của hoa”. Mua cuống chưa đủ, bà Thuận còn thuê cả một khu ruộng trũng để đầu tư trồng sen. Từ tháng Bảy, bà Thuận bắt tay vào làm. Việc lấy tơ sen tốn nhiều công và khó khăn hơn bà tưởng: “Sợi tơ sen vô cùng mảnh và dễ đứt. Việc dùng dao khoanh từng vòng quanh cuống sen cũng phải nhẹ nhàng ở ngoài rồi dùng tay vặn và kéo tơ. Cuống sen mang về đến đâu phải làm hết trong ngày đến đó, để sang hôm sau là cuống sen khô lại, tơ bị rút sợi, có làm thế nào cũng không thể lấy được tơ. Khi rút được tơ ra lại phải đồng thời vê thành sợi, đặc biệt tốn nhiều thời gian, sự tỉ mẩn và công sức”.
Cuống sen khi đưa về xưởng được công nhân rửa sạch bùn, tuốt sạch gai. Những người thợ lành nghề nhất trong xưởng của bà Thuận một ngày chỉ lấy tơ được trong 200-250 cuống sen. Vì sợi tơ sen vô cùng mảnh (0,12 micron, trong khi kích thước của sợi len tốt là 12 micron), công đoạn lấy sợi, vê sợi lại hoàn toàn thủ công nên để hoàn thiện được một chiếc khăn 1,7m, mỗi người thợ phải mất cả tháng trời.
Vê sợi xong, đến khi đưa lên khung dệt thì đứt liên tục, bởi sợi tơ sen hoàn toàn là thực vật nên không có độ dai như sợi tơ tằm, thế là công nhân dệt vừa làm vừa phải nối sợi, kết quả tấm lụa đầu tiên đầy mối nối, xù xì chứ không mềm mại như kỳ vọng của bà Thuận. Bà chong đèn bên khung dệt, mày mò, cải tiến sao cho khung nhẹ hơn, độ giật khi dệt cũng giảm để khắc phục: “Sau gần một năm trời với biết bao công đoạn, khi nâng tấm lụa tơ sen từ đồng đất quê mình, biến tơ trời thành lụa, tôi cười mà nước mắt cứ trào ra”.
Giống như nhiều loại sản phẩm thủ công khác, giá thành của lụa làm từ tơ sen khá cao, gấp 7-10 lần so với sản phẩm làm từ lụa tơ tằm. Vì giá thành cao, sản phẩm phụ thuộc vào mùa sen nên lụa tơ sen hiện nay mới dừng ở đơn đặt hàng từ dòng khách cao cấp. Bà Thuận bảo, điều khiến bà thấy ấm áp và tự hào hơn cả là khi khách hàng đánh giá lụa tơ sen Việt Nam “mảnh và săn chắc, màu sắc nguyên bản nhưng mịn hơn so với lụa của làng In Paw Khone”, “có vị khách còn xúc động nói, trước lụa tơ sen họ thấy cả tiếng vọng của đất đai hồn hậu, của cốt cách người Việt. Đó là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian sản xuất, hy vọng nghề lụa tơ sen sẽ phổ biến rộng hơn trên đất nước mình” - bà Thuận nói, đôi tay thoăn thoắt trên khung dệt.
Ảnh: Hữu Thắng, MeoDuLich
Kỹ thuật: Ngô Tới