Ngày đầu đông, tôi đặt chân lên cầu Xích, Hungary, vị bá tước đa tình Széchenyi chỉ vì muốn sang thăm người tình bên kia sông Danube mà đã xây nên cây cầu trứ danh này. Trong khi, vì thương chồng là ông nghè làm lại mục trong dinh Tả quân, mỗi ngày ngồi đò qua con rạch Thị Nghè, bà Nguyễn Thị Khánh, trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân đã xây cây cầu, dân chúng mang ơn gọi luôn là cầu Thị Nghè. Cầu Thị Nghè được xây từ đầu thế kỷ XVIII, đến năm 1838 thì được sửa chữa lại. Năm 1839, cầu Xích mới khởi công. Gần 200 năm sau, chiếc cầu còn đó như một chứng nhân. Dòng Danube vẫn tự tình xanh thẳm. Rạch Thị Nghè chìm nổi biến thiên, để một ngày con nước đen được đổi màu mà chảy thẳng ra sông…
Theo dòng Danube, bạn sẽ tìm thấy dòng chảy lịch sử qua những công trình văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo...
Theo dòng Danube, bạn sẽ tìm thấy dòng chảy lịch sử qua những công trình văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo...
Tôi đi thuyền trên sông Danube. Tôi ngồi xe chạy dọc theo Danube. Tôi rảo bộ bên bờ Danube. Dòng sông là người - chỉ - đường tận tụy nhất cho du khách. Đến Bratislava, thủ đô kỳ lạ khi chọn ở vị trí ngã ba, nơi giao nhau của ba nước Hung, Áo và Slovakia, vừa leo lên tháp quay của cây cầu treo một mố nổi tiếng, ngắm thành phố từ trên cao đã “rơi tự do” xuống con đường lá vàng dọc theo dòng sông. Hơi lạnh từ sông theo gió quấn vào người, nhưng tôi vẫn thấy ấm bởi mấy đôi bồ câu níu nhau sà xuống, những cặp tình nhân thủ thỉ chuyện trò.
Và giờ thì tôi đang ngồi sau lưng anh bạn cỡi “con” Angel chạy về Nhà Bè, tìm đến Mũi Đèn Đỏ, điểm chia hai con nước, nhánh về Đồng Nai, nhánh qua Sài Gòn. Những con đường đá dăm ngập trong bụi. Lối vào đã bị chặn. Anh bảo vệ nhát gừng: “Đây là công trình, không được vô”. Ngó toàn cây cỏ che lút đầu. Vắng ngắt. Anh nói, dừng rồi nhưng cấm vào. Năn nỉ mọi cách không được, câu sau cùng là câu dài nhất: “Chị thông cảm, tui cũng làm công, cho chị vô, tui bị đuổi”, coi như… tiễn khách.
Từ bờ Thủ Thiêm, còn lại mấy khóm dừa nước, trải dài hơn là đám lau sậy, nhìn sang phía bên kia - khu vực Ba Son ngày trước, bây giờ là đại công trường
Từ bờ Thủ Thiêm, còn lại mấy khóm dừa nước, trải dài hơn là đám lau sậy, nhìn sang phía bên kia - khu vực Ba Son ngày trước, bây giờ là đại công trường
Mộng làm lưu dân được một lần men theo con nước đầu nguồn, bất thành. Tôi leo lên cầu Phú Mỹ, từ đây phóng tầm mắt về phía ấy, Mũi Đèn Đỏ, một lõm xanh xung quanh lổm nhổm cần trục, xe ben, cặp theo nhánh sông đổ về Sài Gòn, dọc quận 7, quận 2 là những đại công trường nối tiếp. Chẳng lẽ chỉ thấy được sông khi lên cầu, tôi lại mò vào khu vực dưới chân cầu Phú Mỹ. Ngổn ngang vật liệu xây dựng, leo qua mấy tảng bê tông giữa tiếng chó sủa, tiếng động cơ ầm ĩ, cuối cùng tôi cũng chạm được… con nước mà nhìn sang Mũi Đèn Đỏ, siêu dự án 6 tỷ đô trên diện tích 117ha, gọi là quy hoạch khu công viên nhưng kèm theo lại là cụm từ “hỗn hợp đa chức năng” với nào là biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao, cao ốc văn phòng hạng A…
Một ngày nào đó, biết có ai may mắn (hơn mình) được lội xuống con nước ngã ba đầu nguồn ấy mà ngâm nga “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”; hay có khi nào bặt tăm lối rẽ, bãi bể hóa nương dâu. Lớp cháu con ngược xuôi giữa bốn bề phố thị, trập trùng cao ốc có còn biết hít thở chút hào sảng của sông mà nghĩ về nguồn cội?
Ngôi làng nhỏ nằm ven hồ Hallstatter yên bình, trong trẻo
Ngôi làng nhỏ nằm ven hồ Hallstatter yên bình, trong trẻo
Hôm tôi đến Hallstatt, Áo, mỏ muối cổ 7.000 năm tuổi đang đóng cửa để bảo trì, đứng bên này con đường, nhìn sang dãy núi sừng sững, đi sâu vào trong là mỏ muối cổ xưa nhất thế giới. Có nghĩa, 7.000 năm trước, nơi tôi đang đứng là đại dương bao la. Do những biến động địa chất, núi đá dâng cao dần, giữ lại hàng triệu tấn nước biển, qua thời gian, nước ngấm qua đá, chảy đi, để lại những mỏ muối khổng lồ. Và giờ đây, trầm tích của biển - là muối, đang sống chung với hồ Hallstatter mỹ miều, với núi Dachstein thuộc dãy Alps hùng vĩ. Một lần nữa quần thể thiên nhiên lại cưu mang con người - cái sinh thể bé nhỏ khôn ngoan, những hậu duệ của người Celts (được xem là cư dân đầu tiên của Hallstatt từ thời đồ đồng), quần tụ trong an lành, hạnh phúc.
Trong sự hạn hữu của mình, con người đang dần hiểu và tin vào sự tiến hóa, thay đổi dòng chảy của sông là muôn đời, bất tận. Đá núi là một phần trầm tích của sông, nơi phù sa, đất, đá bị kẹt lại, bị chôn vùi mà tụ thành. Thì sông, cũng sẽ có ngày hóa thành bình nguyên, đá núi, trong vô hạn chuyển dời, biến đổi.
Một buổi chiều âm u, đứng trên cầu Phú Mỹ, tôi hướng mắt về ngã ba sông - Mũi Đèn Đỏ - điểm chia hai con nước, nhánh về Đồng Nai, nhánh chảy qua Sài Gòn
Như Bến Thành, tên ghép từ cái chợ ở bến sông (nằm trên đường Nguyễn Huệ ngày nay) gần thành Gia Định, cả 300 năm trước. Cái tất bật, rộn rịp “trên bến dưới thuyền” luôn là nhịp sống của lưu dân vùng sông nước, bãi bồi này. Cũng là nhịp chảy của sông Sài Gòn, từ khởi thủy cho đến nay, có lẽ. Lạc qua Thủ Thiêm, giữa ngổn ngang nền nhà cũ, đám sậy vẫn sinh sôi. Dưới gầm cầu cảng xưa, bê tông, sắt thép dày đặc, mấy đọt ráng vẫn nhú lên, xanh mởn. Cây cỏ còn ráng, huống gì người. Con đường chỗ lồi chỗ lõm, đến khu vực Dòng Mến Thánh giá không dưng thẳng tắp, khang trang, an lành. Vẻ an lành không chỉ bởi đức tin mà cách giữ lại niềm tin có thật của chính quyền thành phố - từ một di tích lưu cữu với thời gian về sức khai phá, tạo dựng của người phương Nam. Tôi thả bộ ra bờ kè, dọc theo đường Cây Bàng, ghế nhựa rải trên nền đá dăm, nam thanh nữ tú ngồi uống cà phê thưởng thức luồng gió sông lồng lộng.
Có vẻ chưa dụng đến những nỗ lực hành động của chính quyền thì người dân đã nhanh nhạy tự tạo cho mình những không gian công cộng hai bên bờ sông Sài Gòn, dù là từng khúc đoạn nhưng ít nhất còn có thể ngồi xuống cạnh dòng sông, còn được chạm tay vào con nước. Nó tự phát nên tự do, nó không bằng phẳng, trơn láng nhưng nó thuộc về… thiên hạ, không của bất cứ ai để hễ muốn là rào chắn, sở hữu. Bởi sở hữu thiên nhiên là tham vọng điên cuồng. Sở hữu dòng sông hay chỉnh trị sông bằng mọi giá sẽ không mang lại một kết cuộc bền vững. Ức dòng chảy là tức nước, liệu có ngày vỡ bờ bởi nguyên lý dòng chảy, hệ bờ, dù đã cân đong đo đếm kỹ, hay ngay cả khi đã liệu bề toan tính thì con người có dám chắc vượt mặt được thiên nhiên?
Cuối cùng, tôi đã có thể ngồi xuống cạnh dòng sông, còn được chạm tay vào con nước...
Cuối cùng, tôi đã có thể ngồi xuống cạnh dòng sông, còn được chạm tay vào con nước...
Có những buổi chiều, tôi đứng trên triền đê bao, nhìn sông Sài Gòn chảy qua Thủ Đức, ở mấy đoạn rạch, xáng cạp ì ầm suốt ngày đêm, múc bùn đất phía dưới này, chở đem đổ phía trên kia, xúc bên này đổ qua bên nọ, bồi lấp riết mà thành nền thành bãi. Mười mấy năm sau, tạt về quận 9, sông Đồng Nai tẽ vô mấy con rạch, cũng bắt gặp cái tiếng gào rú xé toạc cả đêm đen ấy, thêm tiếng xe chở đất đá rầm rập, ngăn dòng, lấn rạch, còn biết bứng cả cây to đến để trồng, hóa kiếp cho những dòng chảy là cuốn sổ hồng. Đất rộn rịp bán mua. Chỉ có con nước là câm lặng.
Chiều nay, bên bờ lau lách Thủ Thiêm, con nước lớn mấp mé, đám lục bình dàn dạt, anh bạn chỉ cho tôi chỗ sẽ là nhà hát giao hưởng, xa xa là “tấm bưu thiếp” xám màu - Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP.HCM còn dang dở. Mơ về hình hài một đô thị miệt vườn, nghệ thuật, tôn giáo sẽ soi mặt xuống dòng sông, như di chỉ thành Var ngự trị bên dòng Danube, như hình ảnh vị vua anh minh bậc nhất trong lịch sử Hungary, Mátyás - với nhà thờ mang tên ông - vẫn sừng sững nhìn xuống dòng sông xanh từ 800 năm qua.
Tôi trở về bên “bờ” quận 1, qua đường hầm Thủ Thiêm. Tôi đang đi trong lòng sông Sài Gòn. Như cú rẽ sóng mà đi vào lòng con nước, gửi lại lời sám hối cho hậu thế từ ngàn xưa… Sông Sài Gòn, chắc rồi sẽ thứ tha, dù muộn.
Một ngày nào đó, biết có ai may mắn (hơn mình) được lội xuống con nước ngã ba đầu nguồn ấy mà ngâm nga “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”; hay có khi nào bặt tăm lối rẽ, bãi bể hóa nương dâu. Lớp cháu con ngược xuôi giữa bốn bề phố thị, trập trùng cao ốc có còn biết hít thở chút hào sảng của sông mà nghĩ về nguồn cội? |