Suy nghĩ trên đây bạn tôi chia sẻ trên Facebook. Anh thành công ở nước ngoài, gần như vài ba năm về thăm Sài Gòn một lần và lần nào cũng chạnh lòng khắc khoải rằng thành phố thân yêu của mình đã mất. Có đúng vậy không, hay chỉ là mất mát những hoài niệm bị quy luật phát triển của đô thị thời hiện đại bao vây và sự khắc nghiệt của thời gian làm nhạt nhòa? Ðó là cái thần thái của Sài Gòn ít khi được nhắc nhở, bởi không phải ai cũng cảm nhận được Sài Gòn như anh từ khi còn là sinh viên nghèo tá túc ở Ðại học xá Minh Mạng, trải qua những thăng trầm của một thành phố được tiếng khoáng đạt nhưng vẫn giữ cho mình những nét riêng xem như linh hồn của nó.
Tôi chia sẻ suy nghĩ này và anh đồng tình. Thế là chúng tôi bắt đầu đi tìm lại những hoài niệm về một con đường lớn ở trung tâm mà nay đang tạm thời bị "lóc da xẻ thịt". Ðó là đường Lê Lợi, từ Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành chừng một cây số nhưng là một không gian phố thị thu hẹp dưới mắt người Sài Gòn hồn nhiên và cởi mở.
Giới trẻ vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước thân thiện với con đường nhộn nhịp này mà những quán ăn trên vỉa hè là nơi gặp gỡ thú vị hơn cả. Nhà hàng Thanh Bạch, một địa điểm gần Bệnh viện Sài Gòn, nổi tiếng với món bò kho thơm phức, chiếc bánh pâté-chaud nóng hổi hay ổ bánh mì gà giòn tan. Mỗi sáng Chủ nhật chẳng dễ gì tìm được một chỗ ngồi tán gẫu cùng bạn bè giờ này qua giờ khác tại các hàng quán trên hè phố, ngắm các thiếu nữ xinh tươi diện váy ngắn yểu điệu qua lại.
Quán ăn trên hè phố là một nét đẹp lâu đời trên con đường Lê Lợi - mà có người cường điệu cho rằng giống Ðại lộ Champs-Élysées của Paris - với nào là Kim Sơn, Kim Hoa, Thanh Thế vốn là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ, mà trên tầng thượng là nhà hàng ca nhạc Bồng Lai mỗi đêm vang lên tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh cùng ca khúc Dòng sông xanh quen thuộc.
Chợ Tết Sài Gòn Xuân Tân Hợi 1971
Dân Sài Gòn thích ăn vặt mà nước mía - bò bía Viễn Ðông cùng một quầy bán phá lấu - một đặc sản của người Tiều - có truyền thống lâu đời ở góc đường Lê Lợi/Pasteur là trạm ghé chân của khách nhàn du. Sau năm 75, không gian này bị thu hẹp, nước mía chỉ tiếp khách trên vỉa hè, phá lấu chỉ là một chiếc xe đẩy của hậu duệ ông chủ người Hoa, cho đến ngày việc buôn bán trên lề đường bị cấm.
Cách đó không xa, có một hiệu kem nổi tiếng nằm ngay mặt tiền Thương xá TAX sau năm 75 đã không còn tên tuổi, mà ngay thương xá này cách đây ba năm cũng đã bị xóa sạch dấu vết nhường chỗ cho một trung tâm thương mại lớn hơn đang được xây dựng. Kem Pôle Nord từng là chứng nhân của nhiều mối tình lãng mạn.
Những cặp tình nhân lãng mạn đó cũng có chỗ nghỉ chân sau vài vòng dạo phố là mấy rạp chiếu bóng “thường trực” - như rạp Eden trong thương xá cùng tên có hành lang thông qua ba con đường lớn. Chỉ một lần mua vé là có thể “lặn sâu” mấy giờ liền hoặc là nơi ngủ trưa mát mẻ, mặc cho một cuốn phim chiếu đi chiếu lại, bởi không phải ai vào đây cũng để xem phim. Khu Eden nay không còn, nhường chỗ cho một trung tâm thương mại thuộc loại lớn nhất thành phố.
Ngoài Eden còn có Vĩnh Lợi chuyên chiếu phim cũ dành cho khán giả bình dân và Lê Lợi với phim mới cho dân ghiền xi-nê am hiểu cuộc sống riêng tư của tài tử điện ảnh chẳng khác gì người thân của mình.
Nếu kem Pôle Nord là nơi lui tới của giới trung lưu và lớp trẻ thì bên kia đường ở ngay ngã tư Pasteur là kem Mai Hương cho giới bình dân mà sau này đổi tên là Bạch Ðằng dời qua góc đường đối diện. Thời chiến tranh, luật động viên đưa thanh niên vào lính, ngày cuối tuần được về phép, nếu không có gia đình tại Sài Gòn để về thì cứ diện bộ quân phục tươm tất lượn phố Sài Gòn, chủ yếu là đường Lê Lợi, vào kem Mai Hương nghỉ chân với người yêu hoặc biết đâu may mắn gặp được bạn bè cùng cảnh ngộ. Có khi những thông tin muộn màng từ đây trong một dịp tình cờ nào đó lại là lời báo tử về một người bạn thân lâu ngày không gặp.
Ngồi trong quán Mai Hương cũng là dịp ngắm dân Sài Gòn bát phố. Bát phố không có trong đời sống sinh hoạt của dân Sài Gòn trước năm 1954 mà chỉ du nhập vào đây sau đợt di cư lớn vào Nam thời đất nước bị chia cắt. Thế mà chẳng bao lâu đã trở thành một nét sinh hoạt đời thường của nam thanh nữ tú, điều này cho thấy khả năng dung hợp cái hay cái đẹp của Sài Gòn là rất rõ nét.
Tác giả Nguyễn Bảo Sinh trong một tác phẩm về Hà Nội viết rằng: “Chỉ người Hà Nội mới bát phố. Bát phố là ra phố ngắm gió thổi mây bay, ngắm cả con người, nhưng chính xác hơn là không vì mục đích gì cả. Ði học, đi làm, đi chơi với người yêu, đi mua sắm không phải là bát phố". Vào ngày Chủ nhật, đông đảo thanh niên thiếu nữ Sài Gòn diện bộ cánh đẹp đẽ, dập dìu lui tới nhiều lần trên vỉa hè Lê Lợi cũng là thói quen thú vị, tuy không vì mục đích gì cả - nhưng biết đâu lại gặp được chút duyên lành. Có người nhận xét hiện nay thành phố này đang muốn biến nhiều con đường trở thành phố đi bộ để phục hồi thói quen bát phố của dân Sài Gòn. Nhưng thật không dễ nếu nhìn thấy thực trạng của phố đi bộ hiện nay - đang thiếu hẳn nét văn hóa đời thường của bát phố xưa theo phong cách Hà Nội hay Sài Gòn.
Cuối năm 1968, trên vỉa hè Lê Lợi có một sự kiện rất đặc biệt gây chú ý cho không ít người bát phố, đó là sự xuất hiện những hộp carton (bìa cứng) bên trong đựng những tờ báo mới phát hành, bên dưới có một khe nhỏ với dòng chữ “10 đồng một tờ Ðất Mới” để độc giả bỏ tiền và lấy một tờ báo (hồi đó 10 đồng là đã ăn được một tô phở bình dân). Ðây là cách bán báo đầu tiên ở Việt Nam và cách làm báo cũng đầu tiên ở Việt Nam. Ðất Mới là tờ báo phát hành cuối tuần, 8 trang khổ lớn do “Nhóm Việt Nam ký sự” chủ trương gồm những nhà báo trẻ, trình độ đại học, được đào tạo qua trường lớp. Họ rủ nhau đóng góp tiền bạc với mục đích rất trong sáng và lãng mạn là cho ra đời một tờ tuần báo có giá trị. Mỗi số báo có một chuyên đề (cover story) với nội dung phong phú.
Trong số phát hành đầu tiên, Ðất Mới giới thiệu đơn giản về mình như sau: “Với tất cả hơi thở và sự liều lĩnh của tuổi trẻ, Ðất Mới đã đến tay quý độc giả. Mục đích chính yếu của tờ báo là trình bày thời sự trong tuần một cách gọn gàng đầy đủ và vô tư. Với những dữ kiện mới được tổng hợp và trình bày linh động, tờ báo này bổ túc cho những tin tức rời rạc hằng ngày.
Ðất Mới do những người trẻ thực hiện. Ưu khuyết điểm của nó là ưu khuyết điểm của tuổi trẻ. Khuyết điểm không thể tránh được là thiếu kinh nghiệm, thiếu tổ chức và... thiếu tiền. Số vốn đóng góp được khoảng 200.000 đồng, chỉ vừa đủ cho tờ báo sống được một tháng rưỡi, nếu không có sự ủng hộ của độc giả. Chống đỡ những khó khăn đó, tuổi trẻ chỉ có lòng nhiệt thành. Tờ báo này mặc dù nhỏ bé và non nớt nhưng chứng tỏ một điều: tuổi trẻ lúc nào cũng cố gắng góp mặt vào công cuộc chung. Ðất Mới tiếp tục theo đuổi mục tiêu đó cho đến khi tờ báo chết vì thiếu tiền hay bất cứ lý do nào khác”.
Tờ báo Ðất Mới do “Nhóm Việt Nam ký sự” chủ trương
Ðất Mới học theo cách làm của tờ New York Times số cuối tuần về cả nội dung lẫn trình bày. Ðặt nhiều hộp bán báo trên hè phố chẳng qua chỉ là cách quảng bá để gây ấn tượng. Ban đầu rất thành công vì nhiều người thích thú ủng hộ, số tiền thu được có khi gấp nhiều lần tiền bán báo trên đường phố. Thế nhưng chỉ hơn một tháng sau, phương thức này thất bại bởi có những người đã nhanh tay lấy sạch tiền bán báo chắt chiu của đám nhà báo nghèo. Thật ra, tờ báo sống được là nhờ hệ thống phát hành. Ðất Mới quá mới, nội dung dưới mắt nhà phát hành không thể cạnh tranh được với những tờ báo khai thác chuyện quái dị đại loại như “Con ma vú dài ở khám Chi Hòa”, “Ðầu người mình rắn", hay chuyện ông Tổng thống Bokassa ở châu Phi cho người đi tìm đứa con gái rơi rớt ở xóm tệ nạn An Nhơn, Gò Vấp trong thời kỳ ông đi lính viễn chinh Pháp. Thế là hàng đống báo không được đưa ra thị trường trở thành giấy cũ. Và cuối cùng Ðất Mới đã chết thật sau gần ba tháng vì kiệt quệ tài chính, tuy vậy vẫn trả đầy đủ chi phí cho nhà in và nhuận bút tác giả.
Ngày nay anh em Ðất Mới tản mát khắp nơi, vài ba năm gặp lại nhau ngồi trong nhà hàng cà phê nào đó trên đường Lê Lợi, hoài niệm về một thời tuổi trẻ làm báo lãng mạn và dễ thương. Không biết các nhà báo trẻ hiện nay có ai nghĩ đến một cuộc chơi mạo hiểm nhưng thú vị như vậy không?
Đường Lê Lợi sẽ trở thành một trục thương mại với mật độ cao tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Phùng Huy
Nói chuyện một thời mà không nói chuyện đương thời cũng là một thiếu sót. Ðường Lê Lợi nay đang ngổn ngang như một công trường, nhưng bên dưới lòng đất đang hình thành một không gian hoàn toàn khác. Theo một thông báo của chính quyền thành phố hồi cuối tháng 11 vừa qua thì đoạn đường ngầm bên dưới đường Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố là đường tàu điện ngầm đang xây dựng kết hợp với một trung tâm thương mại ngầm. Cách đây bốn năm, theo ước tính của nhà đầu tư Nhật Bản, tổng diện tích công trình là 45.420m2, trong đó phố đi bộ ngầm là 21.620m2 và khu mua sắm, vui chơi ẩm thực là 16.850m2.
Như vậy, đường Lê Lợi sẽ trở thành một trục thương mại với mật độ cao, dành nhiều không gian cho người đi bộ, tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ, kết hợp không gian trước chợ Bến Thành hình thành một quảng trường đi bộ. Mức tổng đầu tư các công trình này ước tính 8.392 tỷ đồng.
Nhiều người đang chờ đợi một số thay đổi thật sự trên đường Lê Lợi trong vài ba năm tới, cùng với việc đầu tư hạ tầng hiện đại thì giá trị văn hóa làm nên “hồn đô thị” cũng được nâng lên xứng tầm.
________________
Trần Trọng Thức
Kỹ thuật: Minh Duy