Ông Ray Kuschert (56 tuổi, quốc tịch Úc) cho biết ngay từ khi sinh ra đã có mối liên kết đặc biệt với Việt Nam. Cuộc sống và môi trường lúc nhỏ của ông ngập tràn hình ảnh và những lời kể về dải đất hình chữ S.
“Cha tôi là một trong số những người lính Úc đầu tiên được gửi đến Việt Nam năm 1965. Tôi sinh năm 1967, một năm rưỡi sau khi cha trở về Úc. Từ khi còn nhỏ, tôi luôn đinh ninh một ngày nào đó, tôi sẽ đến thăm đất nước này, tự mình tìm hiểu con người và văn hóa nơi đây” - ông Ray Kuschert cho biết.
Theo Ray Kuschert, những hình ảnh về một Việt Nam bị tàn phá nặng nề năm 1975 đã in đậm trong tâm trí của phần lớn người dân Úc qua nhiều thập niên. Mọi người, kể cả ông trước khi đến Việt Nam, đều nghĩ đây là một quốc gia chưa phát triển, phải chịu những thách thức kinh tế của việc tái thiết sau chiến tranh. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó đã nhanh chóng mất đi, và rồi ông nhận ra mình sai lầm. Sau kỳ nghỉ đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2012, Ray Kuschert phát hiện người dân Việt thật tuyệt vời, thân thiện; kinh tế nơi đây cũng đã phát triển mạnh mẽ.
Sống ở Việt Nam hơn 10 năm là một khoảng thời gian không quá dài với một người yêu thích khám phá như ông. Ban đầu ông bị cuộc sống và nền văn hóa Việt mê hoặc, nên khao khát muốn tìm hiểu thêm về mảnh đất này. Sau đó, công việc thiện nguyện lại tiếp tục giữ chân ông. Ông cảm thấy hạnh phúc khi có thể quyên góp tiền hỗ trợ người nghèo, và các trại trẻ mồ côi trên khắp miền Nam Việt Nam.
Rồi ông bắt đầu giảng dạy, giúp đỡ nhiều trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn. Ray Kuschert không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả niềm hạnh phúc, chỉ biết là mình đã đến đúng nơi, tìm đúng mục tiêu trong cuộc đời mình. Và khi đã là cơ duyên, là định mệnh thì ông sẵn lòng đón nhận. Ông hiện đã kết hôn với một cô gái Việt Nam, và có một công việc ổn định trong một công ty công nghệ thông tin toàn cầu.
Nếu như Ray Kuschert thích và biết Việt Nam từ trước, qua nhiều câu chuyện của gia đình, thì với ông Melvin Fernando (Malaysia), việc yêu Việt Nam là sự tình cờ hữu duyên. Ông chưa từng nghĩ sẽ định cư tại đây, mà chỉ nghĩ đơn giản sẽ ở Việt Nam giảng dạy trong 1 năm, sau khi nhận lời mời làm giảng viên của Trường đại học RMIT.
Ấy thế mà hiện tại ông đã ở đây tận 15 năm. Khi được hỏi điều gì có thể níu chân ông lại, Melvin Fernando không do dự đáp lời: chính là sự tốt bụng, hành động nhỏ đáng yêu của con người Việt Nam. Và khi đã yêu, thì ngay cả những điều chưa tốt cũng trở nên thú vị. “Ban đầu tôi khá sợ khi băng qua đường và đi xe máy ở Việt Nam. Nhưng sau đó tôi nhận ra giao thông ở đây còn an toàn hơn nhiều quốc gia mà tôi từng đến. Bởi ở một số nước, mọi người lái xe nhanh hơn, và rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra” - Melvin Fernando trải lòng.
Đến giờ ông vẫn nhớ như in kỷ niệm đẹp trong tuần đầu đến Việt Nam, ông nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của mọi người, từ tìm nơi ở, chỗ ăn uống… Hiện ông đã kết hôn với một phụ nữ Việt đáng yêu và có 1 cô con gái xinh đẹp.
Ẩm thực luôn là một yếu tố quan trọng để níu chân các du khách đến và ở lại Việt Nam. Ray Kuschert còn dành nhiều thời gian rảnh vào cuối tuần cho các chuyến đi phượt bằng xe đạp. Từ Huế, Nha Trang, Đà Lạt đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mỗi thành phố đi qua, ông đều khám phá ẩm thực, dành thời gian trò chuyện với người dân bản địa để hiểu biết sâu hơn về văn hóa.
Ông vẫn còn nhớ như in phút giây giao lưu với các trẻ em ở một số vùng núi xa xôi và hẻo lánh nhất nước ta. “Bạn thực sự không hiểu Việt Nam cho đến khi bạn tìm thấy những nơi không có trên bản đồ du lịch, mà thậm chí không phải người Việt Nam nào cũng biết đến. Tôi thật may mắn khi được thưởng thức nhiều món ngon. Tôi ăn đồ ăn Việt Nam mỗi ngày” - Ray Kuschert cho biết.
Ray Kuschert cực kỳ nghiện bánh mì thịt, sáng nào ông cũng ăn 1 ổ, và sẽ cảm thấy thiếu thiếu nếu hôm nào không được thưởng thức hương vị này. Thậm chí khi đến bất cứ tỉnh thành nào, ông cũng đều nếm thử các loại bánh mì địa phương. Các loại nhân đa dạng với nhiều nước xốt ăn kèm khác nhau, khiến ông thích thú, và cho rằng không nơi đâu có bánh mì ngon như Việt Nam. Ngoài bánh mì, ông còn nghiện hột vịt lộn, bún đậu mắm tôm và tiết canh. Những món ăn mà hầu hết du khách nước ngoài cho là kỳ lạ và thường không dám trải nghiệm, thì với ông, nó lại là những món tuyệt vời.
Trong khi đó, Melvin Fernando lại có tình yêu vô bờ bến với cà phê sữa đá. Cảm giác ngồi ngắm nhìn phố xá, nhâm nhi một tách cà phê luôn giúp ông có được những phút giây thư giãn. Ông chia sẻ, không chỉ riêng ông, mà tất cả gia đình và bạn bè của ông ở Malaysia đều yêu ẩm thực Việt. Cứ mỗi lần về thăm nhà, lúc nào ông cũng mua bánh cốm và cà phê Việt Nam làm quà tặng.
Sau một thời gian dài sống ở Việt Nam, cả Ray Kuschert và Melvin Fernando đều xem đây là quê hương thứ hai của mình. Thân thuộc với văn hóa và con người Việt đến mức, Ray Kuschert tự nhận đã có những thay đổi trong tính cách để trở thành người Việt thực thụ, biết quan tâm và giàu tình cảm hơn. Khi trở lại Úc thăm gia đình, ông cũng chỉ mong ngóng trở về Việt Nam, quay lại ngôi nhà của mình.
“Với tôi, hiện tại chẳng nơi nào khác trên thế giới có thể mang đến cảm giác hạnh phúc như Việt Nam” - Ray Kuschert tâm sự.
Chuẩn bị đón cái tết thứ 16 ở Việt Nam, Melvin Fernando đang háo hức mong đến ngày quây quần ăn tết và hát karaoke cùng bạn bè. Ông còn muốn tự tay học gói bánh chưng, uống trà nóng trong lúc chờ bánh chín. “Tôi đã có cơ hội ăn tết ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Bất cứ nơi nào tôi đến, mọi người cũng luôn chào đón và muốn chia sẻ tất cả những món ăn tết ngon mà họ đã làm” - Melvin Fernando tâm sự.