VÌ SAO CÁC KÊNH YOUTUBE NÔNG THÔN NÓNG HỔI?
Chúng tôi thật sự... khó ngủ khi biết tin: người đàn bà quê mùa, nói ngọng, chỉ cao 1,1m, nặng 32kg, bỗng vụt sáng trên mạng xã hội và đang nắm trong tay cơ hội thu nhập tiền tỷ, nếu bật tính năng kiếm tiền trên kênh YouTube mang tên Bà Tân Vlog.
“BÀ TÂN VLOG GIỐNG HỆT MẸ TÔI”
Bà tên Nguyễn Thị Tân, 58 tuổi, là một nông dân chân chất, với khuôn mặt đầy nếp nhăn phủ quanh nụ cười hồn hậu. Bà nhỏ thó, có thể nói là “hơi xí”, với làn da sẫm màu, bởi bà làm nghề nông thuần túy. Những hình ảnh đi kèm với bà là một vườn bắp cạnh nhà, cái bếp củi, cái sân gạch và chuồng heo... Nhà bà Tân, như mọi ngôi nhà ở các vùng nông thôn khác, nằm sâu trong những con đường đất thuộc xóm Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Dựng kênh nấu ăn riêng, nhưng bà Tân không phải người thợ bếp xuất sắc. Các món ăn, thức uống của bà có nguyên liệu và cách tẩm ướp đơn giản, thực hiện trên bếp củi, bếp than. Nồi chảo của bà ám khói, thậm chí còn có cảnh bà rửa và khệ nệ bưng chậu thịt sống từ... toilet ra. Nhưng chẳng sao cả. Người xem clip của bà không phải quý bà, quý cô thành thị sang chảnh đòi hỏi nón đầu bếp, bao tay hay chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm. Đám con cháu nhà quê của bà, cứ đợi bà làm xong là sà xuống chiếc chiếu trải ngay dưới đất, bốc ăn hồn nhiền. Khán giả kênh YouTube của bà cũng chảy nước miếng theo một cách vui vẻ, sôi nổi, không ai buồn bắt bẻ, hoạnh họe.
Điểm đặc biệt, cũng là nội dung để "đạo diễn" (anh Hưng - con trai bà Tân) đẩy thành yếu tố thu hút, khi dựng các clip món ăn siêu to, là sự tương phản vóc dáng nhỏ bé của bà Tân với những mâm chảo thức ăn. Hình ảnh bà gập người, bê mâm chứa 100 cái đùi gà, mâm cá viên chiên, đĩa thịt trâu xào khổng lồ, nồi lẩu siêu cay hay đứng khuấy ly trà sữa khổng lồ... khiến nhiều người xem phải kêu lên: “Bà làm cháu nhớ bà cháu, mẹ cháu”.
Dù đã quay vài chục clip, dù luôn đứng sân nhà mình, bà Tân vẫn chưa biết cách diễn xuất tự nhiên. Nhưng câu nói hồn hậu chân thực: “Đã gần 60 mùa bánh chưng rồi, nhưng chưa khi nào bà làm món ăn siêu to khổng lồ thế này” cùng giọng nói ngọng l và n đã lấy lòng cộng đồng mạng. Gặp một “người quen” hồn hậu trên YouTube chẳng phải quá thú vị hay sao! Thế là họ bấm theo dõi bà, ủng hộ bà thành… siêu sao, có mất gì đâu. Cứ thế, bà Tân hồn nhiên vươn lên nút bạc (500.000 lượt theo dõi) rồi nút vàng (1 triệu người theo dõi). Bà Tân chỉ cần chờ đủ 30 ngày tạo kênh theo quy định là có thể bật kiếm tiền và tiền trong trường hợp này là tiền tỷ chứ không nhỏ. Đấy là lý do mỗi đầu clip sau này, bà đều hào hứng nói: “Bà vui lắm các cháu ạ, vì bà sắp được 500.000/700.000/nút vàng. Hôm nay bà làm món ăn này để kỷ niệm…”.
AI BẤM THEO DÕI BÀ TÂN?
Đọc các lời bình của người xem dưới những đoạn clip triệu view trên YouTube của bà Tân hay dưới các dòng trạng thái trên Facebook của bà, có thể thấy, người theo dõi bà đa số rất trẻ - từ mười mấy cho tới ba mươi mấy tuổi. Đám “trẻ trâu” dân quê này chính là lực lượng share, like, comment, giúp bà Tân lên view với tốc độ chóng mặt.
Hãy nhớ, Việt Nam là quốc gia có 70% dân cư sống ở nông thôn, nhưng đây lại là bộ phận cư dân bị các kênh văn hóa, giải trí xem-nghe-đọc bỏ quên từ bấy lâu nay. “Trẻ trâu” thành thị có thể có các ban nhạc Hàn hay Âu Mỹ, có phim chiếu rạp, có các trung tâm văn hóa hay trung tâm thương mại để lui tới; trong khi trẻ nông thôn chẳng có gì ngoài chiếc điện thoại. Một khảo sát của We are Social Vietnam cho thấy, đến 96% người dùng internet xem YouTube và trong số đó, 95% xem bằng điện thoại. Điện thoại ngày nay có mặt từ thành thị tới nông thôn nên nếu tạm quy 70% trong số hơn 90 triệu người Việt ở nông thôn, sẽ ra lượng xem YouTube của người dân nông thôn lớn tới mức nào.
QUÁ NGÁN SỰ DÀN DỰNG
Đề tài YouTube nông thôn và các kênh vlog không chỉ lớn mạnh ở Việt Nam. Trung Quốc có cô Lý Tử Thất đang làm mưa làm gió khắp mạng xã hội châu Á. Cô gái ấy cũng chỉ đơn giản quay lại các cảnh nấu ăn trên chiếc bếp cổ lỗ sĩ, các vật dụng thời xa lắc xa lơ; thêm vào đó là cảnh sắc thiên nhiên vùng núi tươi đẹp và cô gái trẻ tung tăng áo quần cổ trang, đi cắm hoa, trang trí nhà cửa. Vậy thôi mà lượng fan của cô mỗi ngày một tăng và tăng với tốc độ khủng khiếp.
Có thể nhận ra, khi đời sống ngoài đời lẫn trên mạng ngày càng màu mè thì sự chân thực, đơn giản lại đi vào lòng người nhanh nhất và dễ nhất. Mở clip YouTube và Facebook mỗi ngày, có phải chỉ quanh đi quẩn lại là các trích đoạn phim hài hò hét điếc tai, các đoạn cắt phim truyền hình thô tục, các review quảng cáo sản phẩm của mỹ nhân kem trộn uốn éo tới gai mắt… Những clip dàn dựng và lặp đi lặp lại một cách thiếu sáng tạo lẫn sự chân thực khiến người xem chán chường, nhưng vẫn phải xem, vì… có gì khác đâu.
Thẳng thắn mà nói, xã hội đang rất thiếu và rất cần những tinh thần lan tỏa sự tích cực, vui vẻ kiểu bà Tân. Xem xong, người ta “like”, “còm” rôm rả. Không khó thấy những câu bình luận bông lơn được rất nhiều “like”, kiểu để cùng vui vẻ, xả stress như: “Bà Tân ơi, cháu đã 15 mùa bánh chưng rồi mà chưa thấy ai tăng view nhanh như bà”, “Bộ đồ chấm bi của bà làm cháu hoa cả mắt, bà kiếm stylist đi”, “Bà Tân ơi, đám con cháu của bà không phụ bà việc gì cả, chỉ bu vào ăn như heo thôi; hôm nào bà nấu nồi cám thật to cho chúng đi bà”, “Bà Tân ơi, hôm nào bà làm thử món độc này đi: bà xóa kênh YouTube của bà đi bà”…
Bà Tân Vlog là ai?"Xin chào tất cả các cháu đã quay trở lại kênh của Bà Tân Vê Lốc". Nếu từng nghe câu này, hẳn bạn đã góp ít nhất 1 lượt xem cho kênh YouTube của “Bà Tân Vlog” và góp phần giúp bà nổi tiếng để kiếm tiền. Bà Tân đang trở thành hiện tượng mạng, khi có hơn 1 triệu người theo dõi, chỉ sau 20 ngày xuất hiện. Bà Tân Vlog còn lọt top 3 kênh có lượng subscribe tăng nhanh nhất thế giới trong 24g qua, theo thống kê của Social Blade. Trang facebook cá nhân của người phụ nữ 58 tuổi này cũng thu hút gần 300.000 lượt follow trong thời gian rất ngắn. “Ăn theo” trào lưu này, những ngày qua, hàng loạt kênh YouTube như: Bà Sáu Vlog, Bà Đường Vlog, Bà Tâm Vlog, Bà Vân Vlog... cũng đua nhau mọc lên. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận xét, các kênh ăn theo khá nghèo nàn về nội dung, thiếu đầu tư, nên sẽ nhanh chóng lâm vào cảnh “sớm nở, tối tàn”. |
Kỹ thuật: Ngô Tới
Ảnh: internet