Sút M’Đưng xa xôi và lạ lẫm. Thuộc Tây Nguyên huyền bí với 98% dân số là người Ê đê, Sút M’Đưng (một buôn thuộc xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) nhạt nhòa giữa hàng trăm buôn làng cũng huyền hoặc, im lặng và khuất nẻo giữa núi rừng trùng điệp. Tìm trên Google hiếm thấy cái tên Sút M’Đưng. Đến khi H’Hen Niê, đứa con của Sút M’Đưng bước lên bục vinh quang của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, cái tên buôn đang hân hoan ăn mừng ấy vẫn được nhắc đến như một gốc gác thiệt thòi của cô gái lọt vào top 5 người đẹp thế giới này. Người ta ngưỡng mộ một H’Hen Niê đã nếm đủ cay đắng cuộc đời vẫn vươn dậy. Nhưng người ta không lý giải nổi cái phần sơn cước hoang dã vẫn thơm mùi cỏ cây ngay cả khi bước ra từ bục vinh quang của đấu trường nhan sắc quốc tế, khi nàng sơn nữ tưởng đã được cái tân thời sinh động ngoài kia “thuần dưỡng” đến tận cùng.
“Những khi có tâm sự, tôi chọn cách nói chuyện với cây cỏ. Những hôm buồn quá, tuyệt vọng quá, tôi mang cây cối ra tâm sự. Hoặc giả, ngồi một mình cũng có thể nói chuyện cùng trời đất. Khi tâm sự với cây cối, nó không trả lời mình, nhưng bù lại tôi có cảm giác an toàn. Tôi có thể hỏi cây rằng ngày mai nên mặc trang phục gì? Khi cây không trả lời, tôi tự đưa ra quyết định. Lúc đó, tôi mặc cái gì mình thấy tự tin nhất”.
Chuyện trò với cái cây, ngọn cỏ tưởng là chuyện của trẻ con, nhưng khi H’Hen Niê kể trò chuyện với cỏ cây, người ta mới thấy cái thơ ngộ trác tuyệt tưởng hãn hữu của đời người hóa ra chẳng phụ thuộc vào tuổi tác. Chỉ là, trong cơn vào đời ồn ã và khắc nghiệt, hầu hết người ta đã dành năng lượng để chỉ giao tiếp bằng niềm kỳ vọng được hồi đáp, được sẻ chia, được “lắng nghe”. Người ta chỉ nói để được hiểu, được trả lời. Cỏ cây chẳng đáp từ bằng tiếng người hay một ngôn ngữ đơn nghĩa dễ làm thỏa mãn kẻ phàm tục.
Cỏ cây chỉ lặng yên, phần đáp từ đó chỉ riêng dành cho những tâm hồn còn tri âm cỏ cây. Tiếng đáp từ ấy chỉ vang trong một sóng âm dành riêng cho những người còn giàu trí tưởng tượng, còn đủ tự do để diễn giải cho mình một câu trả lời. “Khi cây không trả lời, tôi tự đưa ra quyết định. Lúc đó, tôi mặc cái gì mình thấy tự tin nhất”. Đến đây chợt thấy cô bé H’Hen Niê thuở còn ở Sút M’Đưng - giữa đại ngàn cỏ cây tri kỷ đó - đã từng sống một cuộc đời sơn nữ giàu có đến thế nào.
Tất cả những đoạn trả lời phỏng vấn của H’Hen Niê đều cho tôi thấy một cô gái không ngừng diễn giải. Tôi có lúc đã kinh ngạc trước sự tường minh của cô gái 26 tuổi trong những diễn đạt chính xác và chi tiết một cách hiếm có về mọi sự. H’Hen kể, “ngồi dưới khán đài trước khi đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 diễn ra, lòng mình chợt vang lên tiếng nói rằng đêm nay là đêm của mình.
Thế nhưng lý trí của mình lại không nghĩ thế, mình không nghĩ rằng mình có thể lọt vào top 3 đâu”. Hay một chi tiết rất nhỏ thôi, khi Hen rưng rưng nhắc về những cô gái cùng tuổi ở quê nhà: “Mỗi lần về quê thấy những người bằng tuổi em đèo hai ba con trên xe máy, em rất buồn. Nhưng em không buồn vì cái khó khăn đó, mà em buồn vì nhìn thấy như mình đang lãng phí tuổi trẻ của mình, của một đời con gái”. Hoặc, khi nhắc đến những xôn xao của dư luận về gia cảnh khốn khó ở quê nhà, H’Hen chia sẻ: “Mọi người thấy vậy là khổ nhưng thực sự gia đình H’Hen không khổ. Chuyện làm lụng vậy là bình thường ở quê H’Hen”.
Tiếng nói trong lòng và suy nghĩ (khi ngồi dưới khán đài chung kết cuộc thi), gốc gác nỗi buồn về những bà mẹ tảo hôn (khi thấy những bạn trẻ chở hai, ba đứa con) hay góc nhìn về sự cực khổ của gia đình nọ (khi báo đài loan tin về gia cảnh cơ cực của mình) - có cần phải phân biệt rạch ròi như thế đâu, giữa một xã hội đầy xôn xao, bận rộn, dễ dãi và đại khái này? Những khác biệt tinh tế nọ đến khi được kể ra mới thấy cần thiết. Đó là cái khác giữa linh cảm và suy nghĩ, giữa nỗi buồn về sự cơ cực và nỗi buồn trong nhận thức về giá trị sống, giữa cái cơ cực như một nỗi bất hạnh trong cái nhìn hời hợt và nhịp sống thường tình của một địa phương.
Chúng khác nhau chứ! Nhưng để phân biệt, người ta phải đủ hiểu biết, tinh tế, phải trăn trở tự vấn không ngừng để kiến giải, để hiểu mọi thứ đến mức không chấp nhận một cách hiểu đại khái, lờ nhờ.
Mỗi chia sẻ bất kỳ của H’Hen trên truyền thông đều là một chuỗi những phép tự vấn như thế, dù cô đang nhắc về việc đi phát tờ rơi, về việc lấy chồng, hay đi học. “Lúc đó em băn khoăn liệu phát tờ rơi có xấu không? Vì mọi người hay nói phát tờ rơi là xả rác”. “Ở quê của em 14 tuổi là đã có chồng hết rồi, nhưng em thấy mình không muốn như vậy, em muốn một cuộc sống khác”...
Quả thực, vài năm làm người mẫu với vài tháng luyện tập trước mỗi kỳ thi làm sao đủ để một cô gái lớn lên ở buôn làng xa xôi nọ học cách trở thành một hoa hậu? Người con gái ấy thậm chí chỉ mới học tiếng Kinh năm 18 tuổi. Thế nhưng, bản năng sống mãnh liệt đã khiến ngọn cỏ ấy chắt chiu từng giọt sương, tia nắng mà vươn khỏi sa mù. H’Hen học ở từng chi tiết đời thường, học cả khi đang phát tờ rơi, đang làm giúp việc - bằng chính cái bản năng tự vấn đó. “Khi em xin nghỉ làm giúp việc nhà để đi thực tập thì em thấy chị chủ nhà buồn và khóc. Lúc đó, em nhận ra là khi mình hết lòng với công việc thì người ta sẽ cảm nhận được”.
Sau mỗi trải nghiệm là một triết lý. Từng cái “nhận ra”, từng sự hiểu biết hồn nhiên đó đã vững chãi và thiêng liêng như một đức tin trong lòng người con gái đó. Thế nên, khi đứng trên bục vinh quang sau tất cả những sóng gió không kém một người đẹp thị phi nào, người ta chẳng nghe ở H’Hen một cơn nhiễu sóng, một đợt bão lòng thường tình của một người vừa đi qua giông tố dư luận. Bởi, người - con - gái - thường - tình nọ đã ở lại nơi góc bếp khi bị giục giã lấy chồng năm 14 tuổi. Đã tảo tần bên rẫy cà phê năm 15 tuổi khi bố mẹ từ chối cho xuống học ở đồng bằng. Đã bị ngăn lại trong cái mộng mơ yếu đuối nào đó của thời con gái - khi chuẩn mực cái đẹp khắp hành tinh này đều chống lại những gì mình đang có.
Còn ở đây, lúc này, là H’Hen Niê, người con gái đầy hiểu biết về bản thân, người con gái đã lắng nghe và tuân thủ thật nghiêm túc những tiếng nói bên trong bằng những phép tự vấn giục giã trước những hỗn độn, ồn ào của thế giới đầy chuẩn mực bên ngoài. Và nếu phép tự vấn không thành, nàng chắc sẽ đi hỏi cỏ cây.
Chỉ đến lượt H’Hen, người ta mới thực sự hiểu hơn về cuộc thi nhan sắc danh giá bậc nhất hành tinh đó. Khi H’Hen dần bước vào top 20, rồi top 10, top 5, thế giới mới lần lượt từ bỏ những đúc kết lâu nay về cái đẹp. Làn da nâu, răng khểnh, quần tây, bộ trang phục bánh mì, gốc gác đại ngàn - những điều mà thế giới đang rầm rộ phân tích về H’Hen dù trước hay sau cuộc thi, dù với cái nhìn tiêu cực hay tán dương - dường như vẫn không mang thông điệp của cái đẹp. H’Hen mang những điều đó bước qua từng cánh cửa khắt khe của cuộc thi nổi tiếng khốc liệt đó, để minh chứng cho sức lay động vĩnh cửu của cái đẹp bên trong.
Cái đẹp tự nhiên, bản thể và không thể nhầm lẫn. Tất cả những tự vấn nhọc nhằn trong suốt hành trình sống rồi cũng chỉ để dẫn lối người con gái đó đến sự hiểu biết về cái bản thể trong ngần. Cũng giống như ánh hào quang nhan sắc cấp hành tinh đã vén màn đại ngàn, thu hút sự quan tâm của thế giới về vùng cao nguyên khuất nẻo Sút M’Đưng. Ở đó, H’Hen Niê đích thực là H’Hen Niê. Và Sút M’Đưng hay cả Tây Nguyên đó, cũng chỉ đơn thuần là tất cả những gì vốn có của Sút M’Đưng, của đại ngàn. Trong cuộc tương giao đó, mọi đại tự sự về nhan sắc, hay mọi thước đo “sướng - khổ” đều bị vô hiệu. Lý do nằm trong lý lẽ của từng bản thể. Lý do đơn giản y như câu nói của H’Hen: “Ở quê Hen chuyện đó là bình thường”.
Sút M’Đưng xa xôi thật. Dân tộc Ê đê ở Sút M’Đưng, ở Tây Nguyên ít người và có vẻ cô độc thật. Nhưng đó là xa với người đồng bằng. Và cô độc với một thế giới đã quên mất cách chuyện trò với chính mình, với cỏ cây.
Ảnh: Internet
Kỹ thuật: Ngô Tới