"Dành 1,5m cho người đi bộ là một đề xuất rất tốt, có tính khả thi, đã đến lúc phải trả lại không gian cho người đi bộ để đảm bảo an toàn giao thông cho họ" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa trình UBND TP dự thảo về quy định quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP, trong đó có phần đề xuất dành tối thiểu 1,5m vỉa hè cho người đi bộ. Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về vấn đề này.
Trước tiên, xin ông đánh về tình trạng vỉa hè hiện nay trên địa bàn TP?
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Vỉa hè ở TP.HCM giống như một vùng không ai quản lý, tiện thì họ chiếm, có khi cũng phải trả phí nhưng tiền phí đó chưa chắc đã được nộp vào ngân sách. Thành ra vỉa hè hiện nay gần như là buông lỏng quản lý.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Tạp chí Đàn Ông
Có giai đoạn chính quyền TP ra quân rầm rộ lập lại trật tự vỉa hè, điển hình quận 1 làm rất quyết liệt. Có những lúc đã đem lại hiệu quả nhưng khi ngưng lại thì đâu lại vào đấy, người dân tái chiếm vỉa hè.
Một cậu bé phải đi vòng qua đoạn vỉa hè bị chiếm dụng để làm nơi bán quần áo.
Để quản lý vỉa hè cần được hỗ trợ bởi một hệ thống luật pháp rõ ràng, có phân công cho những đơn vị quản lý nhằm đảm bảo sự công bằng cho mọi người, đồng thời đem lại nguồn thu ngân sách. Chính nguồn thu này sẽ được dùng để chỉnh trang lại vỉa hè cho tốt hơn.
Vậy theo ông đề xuất dành 1,5m cho người đi bộ có khả thi?
Dành 1,5m cho người đi bộ là một đề xuất rất tốt, có tính khả thi. Bởi vì quản lý bằng vạch sơn là cách quản lý rẻ tiền nhất, có thể hiệu quả nhất vì nó phân rõ không gian cho người đi bộ, sử dụng không gian vỉa hè sẽ hợp lý hơn và ở những vỉa hè quá nhỏ sẽ không bị lấn chiếm nếu đề xuất này được thực thi. Đã đến lúc phải trả lại không gian cho người đi bộ để đảm bảo an toàn giao thông cho họ.
Một người đàn ông phải băng xuống lòng đường Phạm Văn Đồng do lối đi bị chiếm dụng.
Khi dành 1,5m cho người đi bộ phải tiến đến giải quyết vấn đề để xe. Việc quy hoạch các vùng vỉa hè, lề đường rộng thành các khu cho phép để xe có thu phí rất cần thiết đối với vấn đề giải quyết giao thông. Việc cấp phép, quản lý tất cả các chỗ để xe trên địa bàn quận phải quy về một mối. Nên giao cho lực lượng thanh niên xung phong vì hiện tại đây là lực lượng có số nhân lực lớn.
Tôi hy vọng Sở GTVT sẽ đi đến cùng để đưa đề xuất này thành hiện thực, chứ không dừng lại ở chỗ chỉ là đề xuất thôi.
Cô gái này phải đi xuống lòng đường để tránh gian hàng quần áo lấn vỉa hè.
Làm thế nào để giảm thiểu tác động đến những người buôn bán có sử dụng vỉa hè, thưa ông?
Vấn đề vỉa hè không chỉ là kỹ thuật mà còn là vấn đề xã hội. Trong một thời gian dài mấy chục năm buông lỏng quản lý vỉa hè, bây giờ nếu siết chặt chẽ quá thì gây ra sự căng thẳng không cần thiết. Vì vậy cần có giai đoạn chuyển tiếp để tạo thói quen cho người dân, họ tôn trọng vỉa hè vì lợi ích chung. Ban đầu có thể nhắc nhở, tiến tới siết lại bằng luật pháp như phạt tiền.
Nhiều đoạn vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng bị biến thành nơi để các quán nhậu bày bán ghế kinh doanh buôn bán, mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần nhắc nhở xử lý nhưng "đâu lại vào đó"
Có một bộ phận người dân vì nhu cầu kinh tế buộc họ lấn chiếm buôn bán. Đó là cuộc sống mưu sinh. Khi giải tỏa vỉa hè chính quyền TP cần nghiên cứu để xử lý, vẫn cho họ buôn bán trên vỉa hè nhưng ở các tuyến đường rộng hơn, chuyển họ đến những khu đó, hoặc xây dựng những khu buôn bán cho họ, về lâu dài đi vào quy củ.
Xe máy, bàn ghế chen kín vỉa hè đường Phạm Văn Đồng.
Vấn đề này e rằng khó có thể thực hiện?
Kinh tế vỉa hè là một phần gắn liền với sự phát triển đô thị theo kiểu cũ. Tức là những đô thị hiện hữu xây dựng trước đây thường gắn liền với văn hóa vỉa hè, nhưng những khu đô thị mới được quy hoạch đàng hoàng thì tình trạng buôn bán trên vỉa hè rất ít. Điển hình như khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hay khu Sài Gòn Pearl được quy hoạch chặt chẽ thì đâu có buôn bán trên vỉa hè. Thành ra chuyện xử lý vỉa hè cũng phải phân biệt từng khu vực.
Tủ điện cao thế nằm chắn hết vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh gây khó khăn cho người đi bộ.
Ví dụ như ở quận 4, hiện nay tình trạng buôn bán trên vỉa hè diễn ra phổ biến. Nếu trong tương lai có những dự án giải tỏa để xây nhà cao tầng hay công viên thì việc buôn bán trên vỉa hè cần phải chuyển vào trong nhà. Còn những khu nhà phố, hẻm nếu vẫn buôn bán nhưng đảm bảo dành không gian cho người đi bộ thì cũng chưa nên vội để dẹp. Khi nào chỉnh trang đô thị thì xử lý tổng thể.
Một đoạn vỉa hè được coi như sân nhà của người dân. Trong ảnh, một người đàn ông bày ghế đọc báo trên đoạn đường dành cho người đi bộ.
Vậy để dự thảo thành hiện thực, cần bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Cần chuyển biến dần dần, nên làm thí điểm ở các quận trung tâm như quận 1 và quận 3, sau đó nhân rộng ra các quận còn lại. Cần thí điểm ở những quận trung tâm rất hay kẹt xe, thu nhập của người dân cũng cao do đó xử lý vỉa hè sẽ thuận lợi và hợp lý hơn. Đa số những người bán trên vỉa hè đều là ở nơi khác đến.
Vỉa hè đường Nam Quốc Cang đoạn giao với đường Nguyễn Trãi quận 1 bị biến thành bãi giữ xe, không còn lối đi dành cho người đi bộ.
Xử lý vỉa hè cũng không nên có tư duy cực đoan, tức dẹp hết vỉa hè là quá cực đoan. Đời sống vỉa hè cũng có mặt tốt nhất định đem lại sinh khí cuộc sống, bản sắc đô thị. Những vỉa hè nhỏ ở những quận trung tâm, dứt khoát không thể cho buôn bán vỉa hè, dành không gian cho người đi bộ như Sở GTVT đề xuất. Còn ở những tuyến đường lớn thì có thể cho sử dụng một phần vỉa hè để buôn bán. Khi trở thành quy củ, những quận khác thấy hay sẽ bắt chước theo. Làm một cách nhẹ nhàng chứ chưa nên ngay lập tức áp dụng các giải pháp phạt hành chính.
Do không có lối đi trên vỉa hè, khách du lịch và người dân đành phải đi dưới lòng đường.
10 năm trước, TP có quyết định 74/2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè, trong đó có quy định dành 1m vỉa hè cho người đi bộ. Nay lại đề xuất tăng lên 1,5m, ông nghĩ sao về điều này?
Điều quan trọng không phải là đề xuất, mà là thực hiện đề xuất đó như thế nào. Tôi ở TP này nhiều năm nên thấy rằng các chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè làm theo phong trào, làm được một thời gian rồi bỏ nên không hiệu quả. Cần phải lập kế hoạch dài hạn, khi làm xong cần bàn giao cho địa phương quản lý thì mới hiệu quả.
Bất chấp nguy hiểm giữa dòng xe cộ đông đúc, nhiều người phải di chuyển dưới lòng đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn qua bệnh viện chợ Rẫy, quận 5 do vỉa hè ở đây bị chiếm dụng làm bãi giữ xe.
Nếu đưa về địa phương mà quản lý không tốt, thì phải xử lý sao?
Sở GTVT phải phối hợp với các quận huyện, khi Sở đã đưa vào quy củ thì phải bàn giao về cho địa phương và phải lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên. Nếu địa phương không làm tròn trách nhiệm thì kỷ luật người đứng đầu, anh không làm được, năng lực quản lý kém thì phải nhường chỗ cho người khác tốt hơn làm.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần
Mở rộng vỉa hè, kiên quyết nhưng đừng lạnh lùng vô cảm
Việc lập lại trật tự đô thị trong thời gian qua, nói chung xã hội rất ủng hộ, bởi làm mất mỹ quan đô thị phần lớn là những người tự cho mình quyền vượt khỏi giới hạn của luật. Thỉnh thoảng cũng có vài chủ hộ cho rằng vỉa hè thuộc quyền sở hữu của chính họ và đó là nhận thức không đúng.
Một số nơi tuy có vạch sơn quy định chỗ để xe nhưng nhiều vạch vôi rất xa lạ, vỉa hè bị vạch vôi cho phép để xe choán gần hết, người đi bộ khó lòng đi qua. Lại có nơi xuất phát từ ý định bảo vệ người đi bộ nên cho làm hàng rào ngăn xe máy leo lên lề đường. Đó là cách làm không hay vì nội thân cách ấy cho thấy niềm tin đối với tất cả người qua lại chưa đầy đủ. Nói khác hơn, ủng hộ không có nghĩa tán thành cách thức thực hiện như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần
Hãy kiên quyết nhưng không nên lạnh lùng đến vô cảm. Khi xã hội hiểu đúng, thái độ ủng hộ mạnh mẽ và tinh thần sát cánh với chính quyền nhất định sẽ được nâng cao.
Ứng xử như thế nào với những gánh hàng rong?
Từ bao đời nay vẫn có một thực tế là những gánh hàng rong gắn bó chặt chẽ với hè phố. Những gánh hàng hàng hoa, gánh hàng củ quả và bao vật dụng lớn nhỏ khác. Thương lắm. Người bán hàng rong oằn vai gánh hàng đi khắp mọi nơi.
Họ là người lao động có công đem những mặt hàng thiết yếu đến tận ngóc ngách của ngõ phố, nơi không phải cửa hàng nào cũng đều phục vụ được. Người bán hàng rong thường có tiếng rao lảnh lót rất đáng yêu và dễ tạo nên ấn tượng lâu dài. Tuy phần lớn họ đều không được học tập nhưng văn hóa bán hàng của họ xem ra cũng rất đáng trọng.
Quán giải khát tràn hết vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh, phường 7, quận 11.
Có gánh hàng rong bán những mặt hàng khá độc đáo như trống bỏi, tò he, con vụ hay cánh diều, trẻ em thích lắm. Nay họ ngồi chỗ này, mai họ ngồi chỗ khác nhưng ngồi ở đâu họ cũng tạo được niềm vui cho trẻ nhỏ. Ai tạo được niềm vui cho trẻ nhỏ cũng đều xứng đáng được đời yêu quý. Xin đừng quên các tác dụng tích cực to lớn này. Trong tâm thức của những người tha phương, gánh hàng rong trên hè phố luôn là ấn tượng khó phai mờ.
Nói chung, người bán hàng rong không dại gì chiếm dụng hè phố vì nếu chiếm họ sẽ rất khó bán. Có nơi xử phạt rất nặng những người bán hàng rong nhưng chiếm dụng hè phố lại chủ yếu là hàng quán. Đành thỉnh thoảng cũng có người bán hàng rong chiếm dụng hè phố như người bán giày dép, bán nón bảo hiểm, quần áo cũ… Nhưng họ thường khéo léo tìm một hàng rào nào đó để treo các sản phẩm của mình. Có lẽ đừng vội vàng phê phán họ quá nặng nề mà hãy hiểu họ, cảm thông và hướng dẫn họ.
Các cửa hàng rửa xe máy lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Ở đâu hàng rong cũng cần thiết. Trên 30 quốc gia tôi từng có dịp đi qua, nơi nào cũng có hàng rong. Không ít Việt kiều ở Mỹ tâm sự rằng đôi khi trong giấc ngủ họ bất chợt nghe tiếng mì gõ, tiếng rao hột vịt lộn và lòng bồi hồi không thể nào ngủ được. Đôi khi thấy người ta cắt cỏ bó thành từng bó nhỏ lại nhớ những bó rau muống quê nhà. Vì nhớ, họ lập ra các khu chợ hàng rong rất riêng theo kiểu của họ.
Ngay những con phố ở Bắc Âu, nơi mức sống rất cao như Na Uy, Thụy Điển…ở đó vẫn có một phần lề đường nhỏ dành để bán cà phê, bán kem hay bánh chiên…Tại Paris thủ đô của Pháp cũng vậy, phố chưa rộng bằng đường Lê Lợi của TP.HCM nhưng cũng có hàng rong, chỉ có khác là họ thường rất trật tự và nghiêm chính chấp hành các quy định. Các nhà quản lý những quốc gia này luôn tôn trọng nhu cầu bán và mua của xã hội, nhất là với những mặt hàng không phải siêu thị nào cũng có. Ta cần tôn trọng nhu cầu đó nhưng không có nghĩa là để cho gánh hàng rong mặc sức tự do bừa bãi.
Không phải bây giờ mà mãi mãi sau này, việc sử dụng một phần hè phố cho kinh doanh nhỏ là cần có và nên có. Có người nói cần hạn chế gánh hàng rong bằng chính sách đánh thuế. Tất nhiên, người kinh doanh nào cũng đều sẵn sàng đóng thuế nhưng quan trọng là cần tính toán công bằng, minh bạch và tính đúng vì đó là bản chất nhân văn của chế độ thuế mới. Hãy nghiêm phạt nếu họ sai nhưng xin đừng vô tình đẩy họ vào thế bế tắc và thất vọng. Khi người nghèo bị mất đường kiếm sống, họ dễ có những hành vi khó kiểm soát.