Những ngày giãn cách xã hội để ngăn ngừa COVID-19, phố xá Hà Nội thênh thang; xăng xe, bụi khói cũng không đủ “đậm” để luồn lọt qua lớp khẩu trang dày mà xộc vào tận phổi người đi đường nữa. Phố phường, xanh và sạch như những sớm mồng Một đầu năm. Mỗi lúc phóng tầm mắt, được nhìn bầu trời trong, tôi lại thấy bình an hơn khi nhớ đến biểu tượng cười ra nước mắt, đến cụm từ “tết Cô Vít” đang “treo” dày đặc trên facebook những ngày này.

Hai lá phổi vốn không được khỏe mạnh từ bé, nên tôi luôn cố gắng để không phải tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Dù đã “căn” những giờ bơn bớt lượng xe, nhưng mỗi lúc dừng ở các ngã ba, ngã tư chờ đèn đỏ, tôi vẫn thường nín thở để ngăn bớt cái mùi khủng khiếp của khí thải xe máy, ô tô.

Vậy mà những ngày giãn cách, tôi lại cố gắng chạy xe thật chậm, thật chậm để tận hưởng những ngày trong xanh hiếm hoi của phố. Chín mươi giây tắt máy, chờ đèn đỏ ở ngã tư Kim Liên, không bị tiếng còi xe dội vào tai inh ỏi, tôi “phát hiện” một cái cây trong công viên Thống Nhất đang khoác trên mình màu áo mới - những chiếc lá nhỏ xinh, đo đỏ trên nền xanh ngắt. Vậy thôi mà cũng vui vui.

 

Hà Nội sạch và xanh trong những ngày giãn cách phòng dịch COVID-19

Hà Nội sạch và xanh trong những ngày giãn cách phòng dịch COVID-19

Qua ngã tư, thấy cái dáng đẩy xe lòng còng thân thương của bà Vấn trên vỉa hè. Nhìn chiếc thúng đậy điệm cẩn thận trên xe tự chế của bà, tôi đã hình dung góc nào xôi đỗ, góc nào xôi lạc… và cái lọ muối vừng của bà “giấu ở đâu”.

Từ huyện Ứng Hòa của tỉnh Hà Tây cũ, 18 năm trước, bà đã lên Hà Nội, lấy thúng xôi làm kế sinh nhai. Những năm còn khỏe, đôi quang gánh trên vai, bà quảy gánh xôi ra chợ Khương Thượng, rồi từ chợ đi khắp các phố của quận Đống Đa, vòng sang xung quanh công viên Thống Nhất. Sau bao năm đòn tre đã rạn, “thân cò” cũng chẳng còn vững chãi như xưa, đôi quang gánh được thay bằng chiếc xe tự chế, hàn từ các ống tuýp sắt này. 

Tôi hỏi lớn, vì khoảng cách đã giãn ra gấp mấy lần mọi khi: “Đang dịch dã thế này, sao bà không nghỉ?”. Chiếc khẩu trang như hằn sâu thêm những vết chân chim trên gương mặt người phụ nữ tuổi ngoài sáu chục. Vừa thoăn thoắt đơm xôi, bà vừa phân trần: “Tôi cũng muốn vậy, nhưng giờ ở quê không cho về, nhà nào nhà nấy đóng cửa yên trong nhà cả rồi. Ở lại phố, mấy đứa con bảo mẹ đừng đi bán nữa, tiền thuê nhà hai triệu đồng một tháng chúng nó sẽ gửi lên cho”.

Bà bảo, với số tiền dành dụm, bà vẫn lo được tiền điện, tiền nước, tiền ăn uống trong những ngày giãn cách toàn xã hội. Nhưng ngoài đường, còn rất nhiều lao động không về được quê, “phương tiện” chỉ có đôi chân như bà, nếu không có “xôi bà Vấn” thì bữa trưa sẽ đứt, bởi hàng quán cũng đã đóng cửa cả rồi.

Tôi lại hỏi: “Phố xá vắng thế, chắc bà cũng buồn?”. Bà Vấn nói: “Không nói chuyện với mọi người nên cũng thấy thiếu thiếu. Nhưng những ngày này đi bán thích lắm, đường thông hè thoáng, hầu như không phải hít mùi xăng xe, ít đụng phải rác thải, cuối buổi về nhà mắt không kèm nhèm vì bụi”.

Bà Vấn bước ra ven lòng đường, treo túi xôi vào xe tôi rồi ngoái lại chào: “Tôi đi nhé, trên kia còn mấy bác xe ôm đang chờ”. Nói đoạn, bà Vấn nhìn dọc đường Lê Duẩn, lưỡng lự một lát, bà đẩy cái xe xuống lòng đường: “Đi dưới này cho đỡ lọc cọc. Mười tám năm, giờ tôi mới dám bước xuống đoạn đường này đấy”. 

Những bước chân rụt rè, dò dẫm dưới lòng phố của bà Vấn lúc này gợi về trong tôi hình ảnh các bà, các chị những ngày đầu ly hương đi tìm kế sinh nhai ở chốn thị thành. Cung đường 18 năm của bà Vấn vẫn vậy thôi, nhưng phố những ngày này hình như đã khác hoàn toàn. Phố của 18 năm ròng, là những bước chân vội vã, để làm sao lựa lối không va phải vài người đi bộ trên vỉa hè; để làm sao kịp sang đường giữa ngã ba, ngã tư đèn đỏ lúc nào cũng cuống cuồng những tiếng còi xe...

Còn tôi, mãi đến hôm nay mới được thấy những bước chân - dù chậm chạp nhưng ít nhiều thảnh thơi của bà Vấn. Tiếc rẻ cái hình ảnh thơ thới của người bao năm lam lũ, lăn lóc mọi ngóc ngách phố phường; tôi chạy xe vọt lên rồi dừng lại, ngoái nhìn cánh xe ôm, các chị nhặt phế liệu và bà Vấn lẳng lặng gật đầu cảm ơn nhau. “Xôi bà Vấn” những ngày xã hội thực hiện giãn cách này, hình như còn ấm cả sự sẻ chia và nỗi lo ngắt bữa của “đồng loại”… 

Chiều, những người đi bộ không tránh xa chiếc chổi tre của chị lao công như mọi ngày, bởi 10 hôm nay, chổi tre không khua bụi, chỉ có lá sấu rụng bời bời. Quanh hồ Thiền Quang, vườn hoa Lê-nin… vẫn thoăn thoắt những bước chân người đi tập thể dục.

Nhà bà Dương ở gần chùa Kim Sơn (phố Kim Mã, quận Ba Đình), nhưng bao năm qua, trong câu chuyện giữa bà và hàng xóm, hình như “phố Kim Mã” chưa bao giờ được gọi tên. Nói chuyện với nhau, các bà vẫn một câu “làng Kim Mã”, hai câu “cái làng Kim Mã nhà mình”.

Những ngày các cửa hàng dọc phố đóng cửa, xe cộ vắng thưa, cụm từ “cái làng Kim Mã nhà mình” của các bà dường như cũng bớt phần lạc lõng. Mới khoảng đôi tuần về trước, các bà còn phải chờ đến 21g cho lượng xe vãn bớt mới lầm lụi đi bộ dọc vỉa hè phố Nguyễn Thái Học, rồi nhìn trước ngó sau chạy vội sang phía vườn hoa Lê-nin, thỉnh thoảng lại lo “phải vạ” người vượt đèn đỏ.

 

Từ cuối tháng Ba, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội, bà Dương và các bà hưu trí trong ngõ đã hạn chế ra ngoài. “Nhưng những ngày giãn cách này, đường sạch, phố xanh, tiếc khí trời quá nên tôi “trốn” các con ra vườn hoa đi bộ vài vòng. Dễ đến mấy chục năm rồi, tôi mới thấy lại Hà Nội lành lẽ, như cái làng Kim Mã nhà tôi ngày nào” - bà Dương kéo lại cái mũ che gần kín mắt, giọng nói có phần áy náy khi không tuân thủ việc hạn chế ra đường.

Không chỉ bà Dương, mà hầu hết những người đội mũ, đeo khẩu trang lặng lẽ bước quanh các vườn hoa đều bảo, họ ra đường không phải vì ở nhà bức bí hay cuồng chân; mà bởi lâu lắm rồi đường mới sạch, phố mới xanh như những ngày này, họ có thể đi tập thể dục bất cứ lúc nào, chẳng còn lo lắng căn giờ vơi bớt xe cộ.

Dọc phố Quốc Tử Giám sang chợ Ngô Sỹ Liên, kéo xuống chợ Văn Chương (quận Đống Đa), mọi ngày tiếng động cơ ầm ào, trong các con ngõ nhỏ là những bếp than tổ ong hầu như lúc nào cũng hoạt động. Thường ngày, đầu giờ sáng là bà Vinh đã phải đóng kín các cửa kính để chặn khói nhóm lò. Nhưng đã 10 ngày nay, quán cóc ngừng bán, những ô cửa kính nhà bà lại hé dần, hé dần.

“Mấy hôm đầu, thỉnh thoảng mới có tiếng xe vọng vào, cả ngõ không gợn tí bụi than nào, tôi cứ thấy là lạ. Gần 80 tuổi rồi, từ lâu tôi đã nghĩ Hà Nội chỉ vắng lặng được ngày mồng Một tết thôi. Đợt này nghĩ về dịch bệnh cũng sợ, nhưng thấy vãn được cả tiếng ồn và khói bụi lại thấy vui” - bà Vinh nói vọng qua cửa xếp.

Chiều muộn, chỉ một bếp than tổ ong đầu ngõ Lương Sử đang đỏ lửa, nước trong cái ấm nhôm trên bếp đang reo. Tôi đứng khá lâu bên nhà máy nước nhìn chếch sang phía đối diện, cả đoạn ngõ khoảng hai chục mét chỉ một vuông cửa xếp được mở, bà cụ nhỏ bé ngồi trên chiếc ghế gỗ con con, tia nắng quái xuyên qua tán cây, rót xuống mái tóc bạc. Đã đi đi, lại lại cái ngõ này dễ đến nghìn lần, mà bây giờ, tôi mới thấy được hình ảnh như thực, như mơ ấy. 

Vài âm báo điện thoại kéo tôi ra khỏi tia nắng trên mái tóc trắng màu thời gian, mấy người bạn trên facebook cập nhật trạng thái: “Hà Nội “tết Cô Vít”, trời rất trong”, “lâu lắm rồi mới nhìn thấy sông Hồng từ ban công”… kèm những biểu tượng cười híp mắt. Hình như, chỉ những ngày cả xã hội giãn cách vì COVID-19, những ngày người người, nhà nhà hạn chế đi lại, hạn chế mọi hoạt động, phố mới đủ sạch, đủ xanh để trả lại oxy không khói bụi và làm dịu lòng người.

Chưa bao giờ tôi được trò chuyện với tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) về môi trường trong bối cảnh phố xá Hà Nội xanh, sạch như lần này. Trong tĩnh lặng, ông Tùng trầm ngâm: “Đại dịch COVID-19 khiến chúng ta phải “tự vấn” nhiều điều, nhất là về những hành vi, cách cư xử của chúng ta với tự nhiên, với chính bầu không khí chúng ta đang thở”. Hà Nội, nhìn bằng mắt thường thì phố vẫn xanh, sạch như sáu ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội thôi. Nhưng sáu ngày nay, số liệu từ các trạm quan trắc không khí tự động ở Hà Nội đều là những con số ở mức “kém”, “xấu” rồi.

Những câu hỏi ông Tùng thường xuyên nhận được trong những ngày này là vì sao các phương tiện vẫn hạn chế ra đường, các công trình vẫn ngưng hoạt động, mà chất lượng không khí của Hà Nội lại xấu đi; sắc “xanh” không còn trên PAM Air (ứng dụng theo dõi chỉ số chất lượng không khí) như những ngày đầu giãn cách nữa?

Có người lại hỏi, vậy thì Hà Nội ô nhiễm là do yếu tố địa hình và khí tượng đặc thù ư? Ông Tùng cười: “Người dân Hà Nội vừa là “thủ phạm”, vừa là “nạn nhân” của ô nhiễm không khí. Tất cả là do con người, chứ không thể đổ “lỗi” cho địa hình hay khí tượng. Ngoài nguồn khí thải tại chỗ, người dân Hà Nội còn phải hứng chịu các nguồn xả thải từ nơi khác, bởi ô nhiễm chưa bao giờ có biên giới cả”.

Ông mở điện thoại cho tôi xem hình ảnh quen thuộc: những ống xả thải lỉa chỉa trên nền trời, từng cột khói đen kịt thi nhau “thở” - “cách Hà Nội chỉ 30km thôi, là làng giấy Phong Khê quanh năm ô nhiễm. Hay mấy ngày nay báo chí đưa tin hàng trăm lò đốt rác ở Thái Bình hoạt động, nhiều lò hỏng, người ta chuyển sang đốt lộ thiên. Tôi chưa thấy nơi nào đốt rác thải vô tội vạ như thế” - ông Tùng thở dài…

Thoáng chốc, câu chuyện của chúng tôi “lạc” về đại dịch SARS năm 2003. Bấy giờ Hồng Kông là nơi có nhiều người thiệt mạng vì SARS nhất và đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm nhất. Nhưng sau đại dịch SARS, cả hệ thống của Hồng Kông đã thay đổi, từ chính quyền đến người dân.

Bấy giờ, nguồn khí thải chiếm đến 25% tại đây được xác định là do tàu thuyền ra vào các bến cảng. Chính quyền Hồng Kông đã nhanh chóng đưa ra những quy định, buộc các tàu, thuyền, muốn ra vào cảng thì phải sử dụng động cơ và nhiên liệu làm sao để khí thải sinh ra không được độc hại. Khí thải của các nhà máy nhiệt điện thì được đầu tư ứng dụng công nghệ, thu lại toàn bộ khói bụi, chất thải để sản xuất xi măng… “Chữa” so với “phòng”, bao giờ cũng là vấn đề tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. 

Mười năm sau (2012), với tất cả nỗ lực quyết liệt của toàn bộ hệ thống, Hồng Kông được bình chọn là thành phố đáng sống.

Từ SARS nhìn về COVID-19 hôm nay, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam so sánh: Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm COVID-19 so với thế giới là con số rất nhỏ, thành công của Việt Nam được thế giới ghi nhận là nhờ chúng ta kiểm soát chặt ngay từ đầu. Không khí cũng sẽ không ô nhiễm đến mức nguy hại đến sức khỏe con người nếu chúng ta kiểm soát tốt như đã và đang kiểm soát dịch bệnh.

Ông thẳng thắn: “COVID-19 cho chúng ta nhiều bài học. Đơn giản nhất, nếu các hành vi xả thải, đầu độc môi trường cũng được xử lý mạnh mẽ, kiên quyết, kịp thời như những hành vi không tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh (như không đeo khẩu trang, tung tin sai sự thật); các phương tiện thông tin đại chúng liên tục lên án mạnh mẽ các vi phạm về môi trường như lên án các vi phạm phòng ngừa dịch bệnh; thì tôi tin, nhiều người, nhiều đơn vị sẽ không dám tái diễn việc đầu độc môi trường nữa”. 

 

Những ngày cuối tháng Ba, các vệ tinh của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) cũng như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã ghi nhận và công bố sự sụt giảm ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Theo ESA, ô nhiễm không khí từ nitơ dioxide đã giảm khoảng 40% trong thời điểm các khu vực này tiến hành phong tỏa trên diện rộng để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Còn tại Trung Quốc, riêng việc hạn chế di chuyển đã góp phần giảm 25% lượng khí thải carbon dioxide trong bốn tuần, kể từ cuối tháng Một, so với cùng kỳ năm 2019.

Ở New York (Mỹ), kể từ khi con người giảm bớt di chuyển không cần thiết do dịch COVID-19, lượng carbon dioxide trong khí quyển giảm từ 5 đến 10%, lượng khí thải carbon monoxide liên quan đến ô tô cũng đã giảm một nửa.

 

Một buổi sáng trong những ngày “giãn cách” ấy, khói bụi không còn nữa, trời trong ngần, thình lình, từ ban công nhà mình, Tam Đảo và Ba Vì hiện lên xanh rì mơ mộng vô cùng khiến tôi thảng thốt. Mẹ tự nhiên đang dần lấy lại những thứ thuộc về mình. Từ thảm họa môi trường, cho đến biến đổi khí hậu… Và đại dịch COVID-19, nói cho cùng cũng là cách Người lên tiếng với lũ người chúng ta mà thôi.

Hà Nội có nhiều đặc sản, điều đó chẳng cần phải đôi co với lại lý sự. Hồi cuối tháng Hai, thủ đô của chúng ta lại có thêm một đặc sản mới: bụi mịn. Lại là “kỷ lục Guiness” về môi trường do Tổ chức IQAir công bố nữa mới “oách”. Và có lẽ, sống lâu trong… bụi mịn nên người dân Hà Nội cũng quen với cái “mịn màng” đó chăng? Bỗng một ngày, cả thành phố bị đặt vào tình trạng “lockdown“ (chịu quản thúc) vì COVID-19, từ ban công nhà mình, nhìn thấy dãy núi Tam Đảo cách đó 70km, lại khiến tôi cảm thấy “choáng váng”, lại có cái gì đó… hình như là không quen. 

 

Cơn choáng váng ấy ập đến khi tôi đang quay cuồng với bao dự định và kế hoạch cần thực hiện. Nào là hoàn thiện Kiều (kịch bản: Đỗ Trí Hùng), cùng lúc bắt đầu casting, tập vở Chợ đời (kịch bản: Lê Quý Dương) để tháng 10/2020 ra mắt. Nào là tiếp tục vở Bạch đàn liễu (kịch bản: Xuân Trình) mà LucTeam mới ra mắt trong hội thảo khoa học về nhà văn Xuân Trình (cuối tháng 11/2019) và diễn được mấy buổi (bán vé) để sau Tết ra mắt rộng rãi khán giả thủ đô. Thế rồi, dịch bệnh bùng phát, nhanh chóng lan ra toàn cầu… Thủ tướng kêu gọi thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.  Tất cả phải dừng lại. 

Mà cả xã hội thế, mình có muốn khác cũng không được!

Thế nhưng, cảm giác bỡ ngỡ từ một nhịp sống mới với tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng trong thời gian “giãn cách”, lại làm tôi háo hức. Không phải tất bật dậy sớm thức khuya. Thói quen ăn sáng, cà phê ngoài đường cũng biến mất. Thay vào đó, tự tay chuẩn bị bữa sáng và cà phê, rồi ngồi ngắm đất trời để rồi giật mình phát hiện ra: cả thế giới đang… nằm nhà giống mình. Cả thế giới đang… sống chậm như mình. Và rất có cảm giác của “và nơi đây bình minh yên tĩnh” - tựa một tiểu thuyết của nhà văn Boris Vasilyev.

Ảnh: Khôi Trần

Ảnh: Khôi Trần

Từ cửa sổ nhìn ra bên ngoài, ngã tư ngày thường đông người và xe cộ qua lại tấp nập, thậm chí có những hôm tắc nghẽn, còi xe inh ỏi; thì nay, ngày giãn cách xã hội, lại bình yên đến lạ kỳ. Đường phố thông thoáng, lác đác người và xe cộ. Và nếu trước đây, lắm lúc, chỉ muốn “nổ tai” với các loại âm thanh từ cưa đá, khoan bê tông, xe công nông chở vật liệu... thì nay là tiếng gió, tiếng chim, tiếng ông bố trẻ ru con cho vợ nấu cơm. Cuộc sống những ngày “giãn cách” yên bình lãng mạn như một bài thơ.

Cũng một buổi sáng trong những ngày “giãn cách” ấy, tôi tình cờ nhận được một món quà như từ trên trời đưa đến. Khói bụi không còn nữa, trời trong ngần, thình lình, từ ban công nhà mình, Tam Đảo và Ba Vì hiện lên xanh rì mơ mộng vô cùng khiến tôi thảng thốt. 

Sao không thảng thốt cho được? Ở cái thành phố quanh năm chỉ có mây mù vì bụi mịn che phủ nhà với nhà, người với người đó, lâu lắm rồi, cái dãy núi Tam Đảo cách Hà Nội 70km đó, lại sừng sững trong mắt của kẻ đứng ở Hồ Tây. Người ta vẫn nói, Hà Nội đẹp bởi quanh là núi, là sông hồ, sơn thủy hữu tình. Nhưng tôi tự hỏi, bao lâu rồi, người Hà Nội không còn thấy được non xanh từ trung tâm thành phố?

Mà đâu chỉ Hà Nội của chúng ta, mấy hôm trước, tôi đọc được một thông tin nói rằng, sau nhiều thập niên, người dân ở miền Bắc Ấn Độ có thể nhìn thấy dãy Himalaya huyền thoại, thậm chí từ khoảng cách 200km nhờ lệnh giới nghiêm 21 ngày. Chưa khi nào con người với núi (hay phổ quát là con người với tự nhiên) lại gần nhau đến thế. Người Ấn Độ hân hoan như đứa con lâu ngày trở về với “Mẹ”, đua nhau chụp hình “check in” từ mọi điểm nhìn.

Và chắc chắn, không chỉ Hà Nội, không chỉ miền Bắc Ấn Độ, ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những thành phố ô nhiễm nhất, loài người đang sống trong một thời khắc “có một không hai” của lịch sử: được ngắm nhìn thiên nhiên gần như trong suốt.

Từ Hồ Tây, nhìn thấy núi Tam Đảo cách Hà Nội 70km trong những ngày giãn cách xã hội

Từ Hồ Tây, nhìn thấy núi Tam Đảo cách Hà Nội 70km trong những ngày giãn cách xã hội

Thế mới thấy, dịch bệnh làm cho thế giới đảo điên, nhưng bình tĩnh và suy nghĩ nghiêm túc thì, hình như Mẹ thiên nhiên đang sắp xếp lại trật tự, đưa loài người sống chậm hơn, có ý thức hơn và quý trọng cuộc sống hơn. Và ngay lúc này, ở nhà cách ly, cũng là góp cho ngày mai, màu xanh xa mờ kia không tắt, để phố không tự dưng vắng đi một người vô hình, vô danh lỡ ra đi vì bạo bệnh từ môi trường. 

Mẹ tự nhiên đang dần lấy lại những thứ thuộc về mình. Từ thảm họa môi trường, cho đến biến đổi khí hậu… Và đại dịch COVID-19, nói cho cùng cũng là cách Người lên tiếng với lũ người chúng ta mà thôi. 

Trong phút chốc, một Tam Đảo cách tôi 70km lại sừng sững trước mặt, đã khai ngộ cho tôi thấy, quý hơn cả tiền bạc, là tính mạng, là phút thảnh thơi khi biết mình đang đứng hay rơi. Tạ ơn một “view” đẹp, đến trong một buổi sáng tình cờ, đã kéo tôi về một tâm tưởng khác, để rồi định hình một lối đi. 

Hãy nhớ và quý trọng thời khắc đặc biệt này. Đời sống không phải bạo tàn hết thảy. Nó chỉ thịnh nộ khi mình bạc ác, vô ơn và ngay cả khi nó làm giông sét, cái chớp sáng xanh kia cũng vẽ nên đường chân trời. Hãy nhìn sâu vào đó, sẽ thấy một lối đi ấm áp, bình yên khi cơn giông qua. Hãy yêu mầm xanh, yêu chính mình không phải bằng bạc tiền, khoái lạc, mà chỉ cần một phút thảnh thơi thật yên để nhận dạng đời sống, nhận dạng bản thân, có khi chỉ cần hơi thở trong lành, thật nhẹ của mình cũng khiến người bên cạnh bớt đi mệt mỏi. 

________________

Đạo diễn Trần Lực,  Ngọc Minh Tâm

Ảnh: Uông Ngọc

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: