Hồn nơi chốn (genius loci - từ trong tiếng Latin) là khái niệm trong kiến trúc để giải thích cảm giác khiến con người ta mãi nhớ nhung, vấn vương về một vùng đất trong ký ức. Ở TPHCM, có những căn nhà hàng trăm tuổi không chỉ mang bản sắc kiến trúc cổ, mà còn lưu lại dấu ấn về lịch sử, văn hóa.
Gần 20 năm trước, kiến trúc sư Nguyễn Khiêm - hiện là đại diện của Viện Kiến trúc sư Mỹ (AIA) tại Việt Nam - là một du học sinh 20 tuổi, lần đầu đặt chân đến thành phố cổ Chester (Anh) trong chuyến giao lưu văn hóa. Những căn biệt thự hàng trăm năm tuổi ở Chester tạo ấn tượng mạnh với chàng trai trẻ. Anh nhận ra, khu nhà cổ này có nhiều điểm tương đồng với “làng biệt thự” trung tâm TPHCM.
Nhiều năm sau khi về nước, anh Nguyễn Khiêm sáng lập Công ty kiến trúc Laperle - đơn vị thiết kế nên nhiều công trình có kiến trúc độc đáo ở TPHCM. Những căn biệt thự cổ ở trung tâm thành phố luôn là kho tàng kiến thức quý giá phục vụ anh trong quá trình nghiên cứu, thiết kế và giảng dạy tại Đại học Kiến trúc TPHCM.
Hơn 100 năm trước, người Pháp đã dựa trên những kinh nghiệm của châu Âu để quy hoạch Sài Gòn thành một đô thị kiểu mẫu ở Đông Dương. Các kiến trúc sư đã biến hóa uyển chuyển lối kiến trúc cổ điển Pháp để phù hợp với khí hậu nhiệt đới và văn hóa bản địa. Nhờ vậy, các công trình mới tồn tại lâu dài. Dù mang phong cách châu Âu, biệt thự cổ Sài Gòn vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa người Việt. Dễ nhận thấy nhất là mái ngói đỏ và hoa văn trang trí theo lối kiến trúc đình làng.
Kiến trúc sư Nguyễn Khiêm chia sẻ: “Theo tôi biết, giai đoạn trước năm 1975, ở vùng Nam Bộ chỉ có 147 kiến trúc sư người Việt được phép hành nghề cùng các kiến trúc sư phương Tây. Họ là những người đã tạo nên những phong cách kiến trúc bản địa rất riêng biệt cho Sài Gòn. Đặc biệt, mỗi công trình có một nét kiến trúc độc đáo riêng, không thiết kế trùng lặp. Các khu biệt thự được quy hoạch theo ô bàn cờ, giúp giao thông thuận tiện. Đây cũng là điểm quy hoạch sáng tạo, khéo léo của người xưa”.
Nhiều lần đến các thành phố cổ ở Anh, anh Nguyễn Khiêm thấy người ta hay nhắc đến từ “genius loci” - hồn nơi chốn. Hồn nơi chốn chính là bản sắc của một vùng đất, và nếu là một thành phố thì đó chính là hồn đô thị. Anh rất tâm đắc câu nói: “Một thành phố không còn các công trình cổ giống như con người không còn lưu giữ được ký ức”.
TPHCM là đô thị trẻ, chỉ hơn 300 năm tuổi. Dấu ấn bản sắc đô thị rõ nét nhất của thành phố là từ khi có quy hoạch của người Pháp. Thời ấy đã xuất hiện những công trình kiến trúc mang bản sắc riêng của “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Giữa năm 2022, ông Tâm Phan - (86 tuổi) Việt kiều xa quê hơn nửa thế kỷ trở về TPHCM. Dù người thân không còn ở đây, ông Việt kiều già vẫn chọn nán lại thành phố 2 ngày để rong ruổi.
Nơi ông ghé nhiều lần là căn nhà số 141 Võ Văn Tần (quận 3). Đứng bên kia đường, dưới những hàng me rợp bóng, đưa mắt nhìn đàn chim tung cánh giữa trời xanh, ký ức tuổi trẻ của ông Tâm Phan ùa về. Ông kể, nhà ông ngày xưa ở cách “làng biệt thự” chỉ một con phố. Hồi đó, mỗi ngày, ông thường đến trường trên con đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) rợp bóng mát, ngắm những đàn chim, những mái vòm trong nắng sớm.
Con gái ông Tâm Phan sinh ra trên đất Pháp. Thần tượng văn học của cô là nhà văn Pháp Marguerite Duras, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng L'amant (Người tình). Ông Tâm Phan kể với con gái rằng, nhà văn nổi tiếng ấy từng sống ở quê hương mình. Biệt thự ở số 141 Testard (nay là đường Võ Văn Tần) là nơi ở của gia đình bà Marguerite Duras từ năm 1932 cho đến ngày họ rời Đông Dương.
Những năm đó, ông Tâm Phan chưa ra đời. Tuy nhiên, hình ảnh căn biệt thự lộng lẫy luôn trong tâm trí người đàn ông xa quê. Ông muốn thăm chốn xưa để mình được sống lại những ký ức của tuổi trẻ và để con gái được tìm thấy dấu ấn của thần tượng.
Mỗi ngày, đi trên những con đường rợp bóng cây ở trung tâm TPHCM, những người yêu kiến trúc trào dâng sự tự hào, thán phục với những gì thế hệ trước để lại.
Cách đây vài năm, trong khi cạo lớp sơn để trùng tu lại biệt thự Phương Nam (110-112 Võ Văn Tần) những người thợ ngỡ ngàng phát hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật ẩn giấu dưới lớp bụi thời gian. Những bức tranh trên tường dường như gắn liền với những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm của chủ nhân căn biệt thự. Các vật liệu, chi tiết hoa văn trang trí và không gian kiến trúc cổ điển của căn biệt thự trăm tuổi này cũng là kho tàng kiến thức dành cho những ai đam mê kiến trúc và hội họa.
Cũng chính trong biệt thự Phương Nam lộng lẫy này, từng có ngôi trường tư thục Tân Văn thơ mộng, nơi có những tà áo dài thướt tha gây nhớ nhung trong những vần thơ, câu hát một thời.
Ông Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) - người nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn biệt thự cổ TPHCM - cho biết, TPHCM có quỹ di sản kiến trúc đô thị khá đặc sắc, đa dạng và phong phú với các công trình nhà ở, dinh thự, công sở, nhà máy, bệnh viện, trường học… Những công trình này tạo nên nét kiến trúc độc đáo của TPHCM gắn với hình ảnh của đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa.
Xen lẫn niềm tự hào về quỹ di sản kiến trúc đa dạng của TPHCM, những người làm công tác bảo tồn như ông Phạm Trần Hải cũng không cất được nỗi lo. Ông cho biết, thành phố đã, đang và sẽ đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển tại một siêu đô thị (mega-city). Hiện các di sản kiến trúc có giá trị ở TPHCM hoặc có nguy cơ dần dần bị thay đổi kiến trúc, hoặc biến mất trước áp lực về nhu cầu phát triển kinh tế do các công trình này đều nằm ở vị trí đắc địa.
Kiến trúc sư Nguyễn Khiêm kể, 4 năm trước, khi Dinh Thượng Thơ (số 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1) đứng trước nguy cơ bị đập bỏ, anh cùng các giảng viên Khoa Kiến trúc Trường đại học Kiến trúc TPHCM thực hiện workshop nghiên cứu, tìm giải pháp bảo tồn nguyên vẹn công trình này để trình lên cơ quan chức năng.
Dinh Thượng Thơ là công trình lâu đời thứ hai ở TPHCM, một di sản kiến trúc hiếm hoi đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng của cơ quan hành chính, công trình này đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Câu chuyện này là một điển hình cho thấy mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế đô thị. Theo thời gian, các công trình cổ với công năng sử dụng cũ không còn phù hợp với nhu cầu ở hiện tại và tương lai.
“Để giải quyết bài toán này, cần tìm giải pháp dung hòa giữa phát triển kinh tế đô thị và bảo tồn di sản. Ở Luân Đôn, họ đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách: khi các công trình cổ xuống cấp, cơ quan quản lý yêu cầu chủ đầu tư giữ lại kiến trúc mặt tiền và cho phép cải tạo bên trong để phù hợp với công năng sử dụng mới. Các công trình trong danh mục cải tạo và trùng tu di sản kiến trúc được quy định và hướng dẫn thực hiện rõ ràng để người dân chấp hành. Ngoài ra, cần có chính sách cho chủ sở hữu phát triển kinh tế di sản”, kiến trúc sư Nguyễn Khiêm nêu giải pháp.
Ông Phạm Trần Hải cũng cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề bảo tồn các công trình cổ, cần có cơ chế quản lý phù hợp, đảm bảo việc bảo tồn và lợi ích của chủ sở hữu. Một giải pháp có thể thực hiện đó là chuyển quyền phát triển bất động sản. Chủ sở hữu phải được đảm bảo quyền phát triển bất động sản trên khu đất của họ, được chuyển đổi hoặc chuyển nhượng sang khu đất khác có khả năng tiếp nhận. Công cụ quản lý này đã được áp dụng rộng rãi ở các đô thị như: New York (Mỹ), Sydney (Úc), Đài Bắc (Đài Loan)…
Theo kiến trúc sư Nguyễn Khiêm, công tác bảo tồn các công trình cổ ở TPHCM những năm gần đây đã có nhiều bước tiến rất lạc quan, tích cực. Quyết định giữ lại tòa nhà Dinh Thượng Thơ là một “dấu ấn bảo tồn” của chính quyền TPHCM. Tháng 11/2022, TPHCM đã đưa ra 6 khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn vào quy chế quản lý kiến trúc của thành phố. Điều này giúp không gian kiến trúc cổ không bị xâm phạm trong quá trình cải tạo, xây dựng mới. Cùng với giải pháp về chính sách, TPHCM cần hướng đến việc giáo dục để thế hệ trẻ hiểu giá trị và tự hào về các công trình kiến trúc cổ của cha ông.
Bài và ảnh: Sơn Vinh
Thiết kế: Hoàng Triết