Quả thật, đất và phân bón vi sinh sau khi qua tay Uyên xử lý đã không nặng mùi, khó chịu như người ta vẫn tưởng. Nhìn Uyên vừa giảng giải về đất sạch, phân bón vi sinh, vừa thoăn thoắt ghé từng luống cây, ngắt bạc hà, dấp cá đưa lên miệng nhai, nhiều người trong đoàn tham quan vườn rau hữu cơ của chị giật mình, Uyên lại nhoẻn cười, không rau nào sạch hơn rau vườn em đâu ạ.
Từng làm giám đốc và sáng lập hai công ty về môi trường là Hải Âu và YecXanh, nên Uyên đã sớm nhận ra tình hình môi trường Việt Nam ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Một trong những “thủ phạm” là ngành nông nghiệp hiện đại, người nông dân đã sử dụng lượng lớn thuốc trừ sâu và các phân bón hóa học, điều này tác động xấu đến đất và nguồn nước, đặc biệt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã gây ra biết bao căn bệnh lạ khó chữa cho người dân.
Ðau buồn trước thực trạng khủng khiếp đó, Uyên mong muốn tạo ra một sản phẩm vừa sạch cho môi trường, vừa tốt cho người tiêu dùng. Thế là từ năm 2016, Uyên giao lại công ty cho những người bạn thân quản lý, còn chị vác ba-lô đi tìm hiểu và tham gia các lớp học về lĩnh vực rau sạch, rau hữu cơ. Uyên lên Ðà Lạt, sang Thái Lan rồi qua tận Israel để tìm hiểu, so sánh về nền nông nghiệp và cách làm rau sạch...
Chị Huỳnh Thị Tố Uyên kiểm tra đất vừa qua xử lý khử phân bón hóa học trên mảnh vườn ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh
Tháng 8/2017, chị nghiên cứu mô hình trồng rau hữu cơ với quy mô nhỏ; trồng trong khay, trong nhà lưới và lắp hệ thống tưới với quy mô 200m2. Sau thời gian trăn trở nghiên cứu, thử nghiệm, Uyên đã thành công khi tận dụng chính rau củ quả thừa làm phân bón hữu cơ cho đất, có giải pháp riêng về cải tạo đất vừa kinh tế, vừa hiệu quả.
Thật tình cờ, khi rong ruổi đi tìm đất để thực nghiệm mô hình vườn rau hữu cơ trong mơ của mình, Uyên gặp chị Phan Ánh Nguyệt, một hội viên phụ nữ, cũng là chủ mảnh đất hơn 3.000m2 ở E1/2 C8 Quách Ðiêu, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh. Biết cô kỹ sư môi trường đang tìm nơi làm rau sạch, chị Nguyệt vui vẻ xin hợp tác với Uyên để giúp cô biến ý tưởng thành hiện thực. Tháng 5/2018, vườn rau hữu cơ Biofarm của Uyên chính thức ra đời. Vườn tuân thủ tuyệt đối 6 không của Uyên: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không chất bảo quản, không chất tăng trưởng, không phân hữu cơ chưa qua xử lý.
Chỉ vài tháng sau, khu vườn xanh mát mắt với rất nhiều loại rau củ quả này bỗng trở thành điểm trình diễn về rau sạch và nông sản an toàn của Hội LHPN H.Bình Chánh. Uyên nói: “Nhiều dì, chị đến thăm vườn nghe giới thiệu công nghệ, tận tay sờ, ăn thử rau hữu cơ đã xin chuyển giao công nghệ”. Nghiễm nhiên, Uyên trở thành chuyên gia của Hội. Hễ khi nào có nơi cần, chị lại hăng hái lên đường chia sẻ kinh nghiệm.
Các dì, chị ở P.An Phú Ðông cùng thu hoạch rau muống, rau cải được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ tự ủ
Uyên hiện đang sở hữu hai vườn rau hữu cơ, mỗi vườn có diện tích gần 3.000m2; một vườn ở H.Bình Chánh, TP.HCM chuyên trồng rau hữu cơ xứ nóng (rau cải, mồng tơi, rau muống...) và một vườn rau ở ngay TP.Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng - chuyên trồng rau củ xứ lạnh như (xà lách, su hào, khoai tây...). Công việc kinh doanh khiến bà mẹ hai con vô cùng tất bật, thế nhưng hễ khi nghe có nơi nào cần cải tạo đất, Uyên lại thu xếp tự mình tìm đến để hỗ trợ nông dân. “Bệnh” nghề nghiệp khiến Uyên không yên khi hay tin vùng đất nào đó mùa màng của nông dân bị sâu bệnh tấn công. Nên có khi dù không được ai mời, Uyên cũng mò mẫm tới tận nơi để được trình bày, hướng dẫn về công nghệ
của mình.
Hỏi Uyên có buồn không khi công việc và cách làm của chị không phải ai cũng ủng hộ và chia sẻ, chị lại hồn hậu mỉm cười: “Có gì đâu! Dần dà người ta sẽ hiểu thôi. Có người từng xua đuổi em rồi sau đó lại chạy mấy trăm cây số về Bình Chánh rước em đi cải tạo đất mà”. Nhìn quy mô sản xuất, kinh doanh của hai khu vườn, đủ biết Uyên phải vất vả dữ lắm mới nên sự nghiệp. Nhắc điều này, Uyên cũng chỉ cười: “May là ông xã và gia đình cho mình thỏa ước mơ. Anh đi dạy ngoại ngữ, hai đứa nhỏ ở nhà lại rất ngoan, ba mẹ hai bên đều ủng hộ mình làm rau sạch. Hơn nữa Uyên vẫn nhận xử lý nước, cải tạo môi trường để kiếm thêm thu nhập nuôi giấc mơ rau trái hữu cơ, không làm gia đình mình vỡ nợ mà! Thực ra dù mình là ai, mỗi ngày mình chỉ ăn cơm ba bữa, đâu có tốn gì nhiều cho mình đâu. Làm được việc tốt, mang lại an toàn cho mọi người là vui rồi”.
Rời vườn rau hữu cơ của Uyên trong buổi chiều rợp nắng, trên xe tôi còn vương vít mùi thơm của lá bạc hà, tinh dầu chanh sả và mớ đất dinh dưỡng mà chị vừa kỳ công chế biến. Tôi cứ ám ảnh hoài bóng dáng gầy gầy và khuôn mặt xương xương phúc hậu đầy suy tư của chị: “Rau là nguồn thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, nhưng nhiều người chúng ta bị “đầu độc” từng ngày mà không biết. Ðiều đó làm tôi đau lòng lắm!”.
Không được học hành bài bản như Uyên, trên mảnh đất khô cằn và thiếu nước sạch, những người phụ nữ tứ xứ đến mưu sinh hoặc về làm dâu An Phú Ðông đã chỉ nhau cách xới đất, gieo hạt, ủ phân bón từ rác sinh hoạt để trồng rau. Sự chăm bẵm cần mẫn qua tháng qua năm của biết bao đôi tay “nông dân chánh hiệu” tạo đà cho chồi non vươn mình thành những vườn xanh.
Trái ngược cảnh kẹt xe, khói bụi trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận P.An Phú Ðông, Q.12, chỉ cần quẹo vô vài con hẻm tới tổ 12, khu phố 4, P.An Phú Ðông, khách lạ hẳn sẽ bất ngờ trước không gian xanh với những vườn rau muống, rau lang, đậu bắp, cải đến kỳ thu hoạch. Cõng cháu nội, bà Nguyễn Thị Vượng, 64 tuổi, bước thong dong trên con đường được bê tông hóa khang trang quanh tổ dân phố 12. Nghe tôi hỏi chuyện cây rau, chợ búa, bà thủng thẳng cười: “Hồi trước, dọc theo mấy cột điện toàn rác, hôi hám và nhếch nhác lắm. Giờ thì cô nhìn coi, cả xóm chỗ nào cũng có rau. Cái này công đầu của bà Hồng nè, bả là nông dân chánh hiệu đó. Bả cứ xách túi đi xin rác, xong lại lui cui ủ phân, gieo hạt. Ngó cảnh đó, tôi nghi ngại lắm chớ, biết có làm nên ngô khoai gì không. Vậy mà Hồng cần cù riết giờ xóm mê rau bả trồng quá trời”.
“Nông dân chánh hiệu” trong lời kể của bà Vượng là bà Kiều Thị Hồng, 67 tuổi, người Vĩnh Phúc, vô miền Nam bươn chải kiếm tiền nuôi cậu con trai Ðỗ Văn Hưng học Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện TP.HCM. Lúc đầu, hai mẹ con thuê căn phòng trọ chưa tới 7m2. Loay hoay suy tính quẩy quang gánh bán hàng rong hay giữ trẻ, giúp việc nhà, bà Hồng nghiệm ra rằng mình chỉ giỏi làm nông thôi. “Gia đình tôi từ đời cố, nội, ngoại đến ba mẹ đều hoạt động cách mạng, ở nhà thì làm ruộng. Tôi lấy chồng năm 20, nhưng gần 35 tuổi mới sinh con vì ảnh theo đơn vị đi B chiến đấu. Ảnh về không lành lặn, là thương binh nặng rồi qua đời sớm, còn lại tôi với hai đứa con. Hưng đi học xa, thương con đất khách bơ vơ, tôi khăn gói theo dù trong túi chẳng có cắc bạc nào. Cứ ngỡ sẽ sống cảnh lang bạt được chăng hay chớ, không ngờ An Phú Ðông đã neo chúng tôi ở lại”, bà Hồng bộc bạch.
Hơn 10 năm trước, quanh tổ 12, nhiều người trồng mai, nhưng sau lại bỏ gốc chỏng chơ, đất hoang không canh tác. Bà Hồng tìm hiểu, rón rén hỏi mượn đất trả phí để cải tạo trồng rau, có người chịu, người xua tay khước từ. Kiên trì rồi bà cũng gom được gần hai sào, chủ không lấy tiền, chỉ kêu giữ giùm, làm sao cho đất màu mỡ hơn là mừng. Với cái nón lá, bộ bà ba, cây cuốc, đôi ủng, bà lom khom bang đất, gieo hạt, bón các loại phân lân, u-rê, NPK và gánh nước kênh tưới. Rau lên nhanh, đạp xe mang ra chợ An Phú Ðông bán. Tuy có lời, nhưng lòng người phụ nữ ấy không vui, sợ lạm dụng thuốc trừ sâu và các loại phân trên nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có chính mẹ con bà.
Trước cả khi các cấp Hội toàn thành phố kêu gọi cán bộ, hội viên phụ nữ phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa và tái chế rác thành những thứ hữu dụng, bà Hồng đã vắt óc nghĩ coi có cách nào khiến vườn rau của mình “sạch và chất” hơn không. Như nắng hạn gặp mưa, đúng lúc đó, Hội LHPN P.An Phú Ðông phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC) mở các lớp hướng dẫn “hô biến” lá cây khô, cơm thừa, rau quả hư thành phân compost (phân được làm từ các chất hữu cơ đã phân hủy và tái chế) bón ngược lại cho rau. “Tôi đăng ký đi học liền. Hồi đầu cực nhất là thiếu rác, tính ra trong nhà đâu có nhiều, đi xin lục lọi thùng rác hàng xóm cũng ngại. Ủ mẻ đầu, sau hơn hai tháng mở ra thấy phân tơi xốp, mịn mà không hôi thối gì, mang trộn với đất trong thùng xốp rồi gieo hạt, chồi non lên xanh mướt, tôi mừng quá hết ngại luôn. Từ đó, tôi mang rau đến từng hộ biếu, kể chuyện ủ phân, nhờ bà con bỏ riêng cơm, rau quả hư, thừa cho tôi xin. Riết thành thói quen, nay bà con tự mang rác qua, không cần tôi hỏi nữa”, bà Hồng phấn khởi.
Vườn rau năm xưa tiêu tốn khoản tiền không nhỏ vào phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nay hoàn toàn dùng phân compost mà theo lời bà Hồng là “lợi đơn, lợi kép”, vừa góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa có tiền hỗ trợ chị em hội viên nghèo địa phương. Phường có mô hình quán cơm nghĩa tình phục vụ người nghèo, nấu vào thứ Năm hằng tuần, bà Hồng cung cấp rau miễn phí, đồng thời phụ nấu nướng. Mấy mẹ con bà cũng đã tích cóp mua được miếng đất cất nhà, An Phú Ðông trở thành quê hương thứ hai
của họ.
Năm 2018, Hội LHPN P.An Phú Ðông chính thức xây dựng mô hình “Biến rác thành phân hữu cơ để trồng rau sạch” nhằm nhân rộng cách làm hay của bà Hồng. Ðến nay, ngoài 10 điểm ủ phân do phường Hội quản lý, đã có thêm 20 hộ tự làm riêng tại nhà.
Cứ mỗi sáng, trước giờ làm việc, chị Nguyễn Thị Hồng Cúc lại mang bình nước, đồ gắp, cây kéo và chiếc túi xốp ra tuyến đường trước trụ sở ấp Bình An, xã Bình Khánh tưới cây, nhặt rác. Ðưa tay nhặt từng chiếc túi xốp, bao ni-lông cho đến tàn thuốc lá vương trong cỏ bỏ vào bao rác, vừa đi, vừa dừng lại vén cỏ, ngắm nghía từng gốc cây xanh. Thấy cành lá sâu bệnh, chị tiện tay bắt sâu, còn lấy ra từ trong túi chiếc kéo, tỉa những nhành cây khô, xếp gọn vào trong giỏ rác. Vừa làm vừa yêu thương kêu: “Chị Bảy Thái thấy không, tụi nầy mau lớn dữ”. Ở một góc khác, bà Bảy Thái gật gù: “Ừ, mau lớn thiệt!”.
Theo lời bà Bảy Thái, những cây phượng và bọ cạp vàng này do các nữ chiến sĩ công an thành phố mang về Cần Giờ trồng hôm tháng Sáu. Nửa năm qua, nhờ bàn tay các dì, chị trong ấp mà bây giờ cây vượt cao ngang đầu người, mướt xanh, khỏe khoắn. Theo chân chị Cúc và bà Bảy Thái, chúng tôi đi dọc những con đường làng quanh co được trải nhựa phẳng lì giữa hàng cây xanh lên non ở ấp Bình An, xã Bình Khánh. Bà Bảy Thái tự hào: “Cây đã lên xanh mát mắt rồi, thành rừng thật rồi…”.
Bà Bảy Thái tên thật Lê Thị Kim Thanh, sinh năm 1956, nhà ở ấp Bình An từ mấy đời nay nên rất đỗi thương rừng. Bà kể: “Hồi tôi còn nhỏ, vùng này toàn dừa nước và cây đước, cây mắm. Cả đời sống bám vào rừng. Sau này mình khẩn hoang, trồng lúa, trồng màu, nuôi tôm, làm đường sá, nhà cửa… Ðâu có ai ngờ người ngày một đông và rừng ngày càng ít đi. Lâu lâu thấy nơi mình sống trụi lủi cũng buồn. May mà mấy năm nay, chị em rủ nhau tạo mảng xanh, làm vườn rau sạch, rồi giờ tới trồng cây gây rừng, xóm ấp mướt mát trở lại, nhìn thương quá chừng”. Vì thương nên bà Bảy Thái cùng các chị em ở chi hội phụ nữ ấp không quản công sức để hằng ngày ghé qua tưới tắm cho cây, cuối tuần tổng vệ sinh những tuyến đường của Hội. Vừa làm vừa chỉ bảo nhau cách chăm rau, cách tỉa hoa, làm cành, làm lá; chia sẻ câu chuyện gia đình… Họ không đợi mỗi tháng, mỗi quý hay cao điểm gì đó mới “ra quân” mà cứ sáng thứ Bảy hằng tuần, ai rảnh thì ra ngay đầu hẻm nhà mình, cùng chung tay chăm cây, dọn rác.
Không kể các con đường lớn như Rừng Sác hay 30/4, những tuyến đường xương cá liên xã, liên ấp ở Cần Giờ hôm nay hầu hết đều được phủ xanh bóng cây nhờ bàn tay Hội. Nhiều du khách đến Cần Giờ mùa này phải xuýt xoa khi từ ngã ba đường Rừng Sác vào Long Hòa, hai bên vệ đường hầu như không còn cỏ và rác, thay vào đó là hoa mười giờ, hoa móng tay nở rợp. Ở từng ngôi nhà, góc sân nào cũng có mảng xanh toàn rau ăn lá hoặc hoa kiểng được sắp xếp tinh tế, gọn gàng.
Mười năm trước các chị rủ nhau tạo mảng xanh, vườn hoa ở các hộ gia đình. Nhưng khoảng ba, bốn năm nay, mảng xanh đó thành vườn rau dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Mảng xanh ở từng nhà lan tỏa, các chị mang cây trồng phủ xanh cho hè phố, mang ra huyện đảo, cùng chung tay giữ gìn bầu sinh quyển quý giá cho trái đất…
________________
Nghi Anh - Mẫn Nhi
Kỹ thuật: Minh Duy