Chị Phú vừa mở cái cửa sắt, chỉ tôi “bước vào trong đứng đi cưng” thì trên gác đã vọng xuống tiếng đàn ông trầm đục: “Rửa giá lẹ đi!”. Chị ngước mặt “ừ” với lên một tiếng rồi lại vớt mớ giá chỗ chậu rửa cho vào rổ, ra hiệu cho tôi bước theo chị lên cái cầu thang gỗ dốc đứng. Lúc đi vượt qua tôi để dẫn đường lên cầu thang, chị nói: “Chịu hết xiết cưng ơi, ra đường bán rong cũng ra rồi, đi dọn vệ sinh cũng làm rồi, giờ biết làm gì nữa?”.

COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè

Cơn bão dịch COVID-19 đang càn quét qua mọi lĩnh vực của đời sống. Riêng đối với người dân nghèo, người vô gia cư, miếng cơm từ thiện hay đồng bạc lẻ còm cõi sau ngày mưu sinh còn ám ảnh hơn cả con vi-rút SARS-CoV-2. Họ về đâu trong mùa dịch? Không chỉ là một chỗ qua đêm mà là câu hỏi gieo neo sinh tồn. Nếu như không ai bị bỏ rơi trong cuộc chiến này, thì họ cũng là một phần cần cộng đồng, chính quyền đặc biệt quan tâm…

Bài 1:Người không nhà, về đâu mùa dịch?

Lên hết cầu thang tối tăm, tầng 1 của ngôi nhà cũng cũ kỹ, nối với cầu thang bằng một đường luồng như cái hành lang đi dọc các vách tường tạm bợ. Lúc này tôi mới hiểu, căn nhà siêu nhỏ này là chỗ trọ của nhiều người, tầng trệt ban nãy với nhà vệ sinh, vòi nước là không gian chung. Còn trên này, cứ hai vách tường là một phòng trọ. Tôi đang định đi theo hành lang thì chị Phú chỉ lên trần nhà: “Lên trên nữa”. Rồi chị leo nhanh lên cái cầu thang gỗ ngay góc sàn. “Thoát” khỏi cái cầu thang chật chội, tối tăm và dốc đứng là một không gian bộn bề tranh tối tranh sáng, giống như một căn nhà kho trong những bộ phim cũ.

Chị Phú đẩy một cánh cửa, tiếng ti vi vọng ra cùng cái giọng trầm đục ban nãy, nghe như một chuỗi cằn nhằn không rõ nội dung. Chủ nhân của âm thanh đó, chính là anh Khang - người đàn ông vẫn hay bán nước sâm cho tôi mỗi lần đi ngang Trường THCS Tân Bình. 

Căn phòng chật chội. Cả bốn bức tường, cái ti vi lẫn mớ mền gối xếp gọn ở góc nhà đều trầm trầm một cái màu… không màu, buồn bã. Anh Khang đã vội kìm tiếng cằn nhằn từ khi nhận ra tôi đi phía sau chị Phú, nhưng không khí vẫn không bớt ngột ngạt. Người đàn ông chủ nhà tỏ ra lịch sự, mở đầu: “Ế dữ lắm cô ơi, nay gặp cuối tuần thôi tui nghỉ ở nhà”. Chị Phú cười. Mãi sau đó, tôi mới nhận ra mỗi lúc nhắc tới cái nghèo, tới sự ế ẩm, bế tắc, chị lại cười hiền khô.

Người đàn bà quê gốc Quảng Ngãi từng mắc kẹt trong những chuyến vào viện vì căn bệnh lạ suốt thời trẻ, đến lúc lập gia đình lại chật vật trong cái nghèo của một người đàn bà ốm yếu và một người đàn ông khờ khạo. Chị làm tạp vụ cho Trường Phạm Văn Hai, anh bán hàng nước nơi vỉa hè đối diện Trường THCS Tân Bình. Đứa con gái 15 tuổi bị chứng thiếu máu, thường xuyên ngất xỉu.

Khốn đốn đã nhiều, nhưng đến đợt dịch bệnh COVID-19 này mới thật là “hết nói. Trường đóng cửa, chị mất việc. Nhà trường chia sẻ khó khăn bằng cách thuê chị đến quét dọn mỗi tuần một lần, với tiền lương 500.000 đồng/tháng. Cái hàng nước ngày thường vẫn đem lại thu nhập tầm 100.000 đồng/ngày, nay cũng “ế không tả nổi”. Có hôm, anh Khang ngồi bạc mặt giữa cái nắng chói chang, đêm về đếm tới đếm lui chỉ dôi ra 20.000 đồng tiền lời. Thu nhập của anh, cộng với 500.000 đồng lương của chị, chỉ bằng nửa số tiền phải đóng cho chủ trọ mỗi tháng. 

Anh Khang đứng lên lấy xuống hai gói mì, pha cùng với mớ giá chị Phú vừa rửa, làm bữa sáng. Chắc gói mì gợi ra điều gì đó vui vẻ, anh chợt nói: “Mì này cô Dung cho!”. Sở dĩ anh nhắc cô Dung - chính vì cô là người từng chỉ đường cho tôi vào nhà “anh Khang bán nước sâm trước Trường Tân Bình”. Chị Phú như cũng sực nhớ, đứng lên lấy từ chạn chén ra một khúc chả lụa, nói “cái này cô Dung cho hồi sáng, chờ rã đông rồi ăn”. Lúc chị di chuyển nhanh nhảu bất thường, tôi mới nhận ra cái sàn nhà cứ rung theo mỗi bước chân chị.

Mấy tháng nay, ngôi nhà này sống bằng gạo của một linh mục, và mì gói của những người hàng xóm trong giáo xứ Nam Thái. Nhưng điều đáng sợ nhất với chị, là cơn túng quẫn thỉnh thoảng khiến người chồng vốn đã cộc tính như “phát khùng”. Anh cằn nhằn sáng đêm. Có hôm, đang ở nhà thì chị Phú thấy người hàng xóm chạy vô báo “ông Khang bỏ hàng đi đâu mất rồi”. Chị lật đật chạy ra thì thấy ông chồng đang lầm lũi đi vô. Hỏi anh đi đâu, ông chồng chẳng buồn nhìn, nói nhát gừng: “Vô nhà, nghỉ!”. Chị phải chạy ra đứng thế, giữ cái quầy nước cho đến hết ngày. Cái hàng nước càng ngày càng ế, cứ hai ba hôm, anh Khang lại bỏ hàng chạy về, đùng đùng leo lên cầu thang. Có hôm, không chịu nổi cái cộc tính của chồng, chị Phú vừa mở lời hỏi thì anh quát: “Có ai mua đâu mà đứng riết ngoải? Bộ khùng hay sao?”.

“Khùng”, cũng là cách mà Chảnh tự trào khi tôi hỏi sao không ở nhà trốn dịch. Chảnh cũng là người đàn bà mưu sinh vỉa hè. Nhưng Chảnh khác chị Phú hay anh Khang, vì Chảnh rất… chảnh. Chắc chẳng ai biết tên thật của Chảnh ngoài mấy anh trật tự đô thị hay đi bắt hàng rong khu hồ Con Rùa (Q.3). Nhưng chỉ cần gọi tên “Chảnh”, người sống quanh khu hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà, hay các “tín đồ” của bánh tráng trộn Sài Gòn đều biết chị. Người phụ nữ nhỏ thó, gương mặt sạm màu và lạnh lùng, đội cái nón lưỡi trai quay ngược ra sau, sẵn sàng chửi thề, đuổi khách nếu gặp người “mua hàng mà nói nhiều, không lịch sự”.

Hàng của Chảnh, là điểm bán đắt khách số một trong hàng chục hàng ăn vặt lưu động quanh khu này. Bên lề đường nhìn sang hồ Con Rùa, rổ hàng lưu động của chị dựng tấm biển nền trắng chữ đỏ to đùng, ghi “CHẢNH” - chẳng giấu giếm. 

Thế nhưng, bên trong cái chảnh chọe cố phô trương ra với đời, là những nỗi niềm chân thật của người đàn bà sương gió. Mua hàng của chị suốt 12 năm nay, tôi thuộc loại khách hàng “dám hỏi nhiều, dám nói dai với Chảnh”. 

Như một giao ước ngầm, mỗi cuộc mua hàng đều như một cuộc thăm hỏi của cả tôi lẫn chị. Lần này tôi ghé, hàng chị vắng tanh. Trời đã gần chạng vạng mà hồ Con Rùa không một bóng người. Chị than, “ế tả tơi, ế từ Tết tới giờ, càng ngày càng ế”. Chị có ba đứa con, đứa nhỏ mới chừng bốn tuổi. Tôi hỏi, “dịch bệnh, lại ế vầy, sao không ở nhà chơi với con cho an toàn?”.

Với cái kiểu phớt đời quen thuộc, chị nói gọn hơ: “Chắc tao khùng!”. Nói rồi, chị với sang bên kia đường, chửi thề bằng… khẩu hình. Lúc này tôi mới nhận ra, ngồi bên kia đường là hàng bánh tráng trộn của… chồng chị, anh cũng đang ngước mặt về phía chị nói gì đó không thành tiếng. Chỉ thấy hai vợ chồng “đấu khẩu” tích cực với vẻ mặt biểu cảm hết mức.

Như đã giải quyết xong với chồng, chị quay qua nói tiếp câu chuyện với tôi: “Tao ngồi đây, bị đuổi, bị nói lấn chiếm vỉa hè, vừa ngồi vừa “rình” trật tự đô thị tới đặng còn chạy, mà mấy tháng nay có bán được gì, một tuần trở lại đây còn ế ác. Mày nghĩ tao không khùng thì là gì?”. Nói rồi, chị tự trả lời: “Mà không ra đây ngồi thì mấy nhỏ tính sao, nhịn đói chắc?”.

Phần nhiều những người bán hàng rong mà tôi quen biết, nếu không phải là chỗ tôi hay mua hàng thì cũng là những bệnh nhân của các phòng khám từ thiện. Tôi quen họ trong những lần ghé thăm phòng khám, còn họ là bệnh nhân đến lấy thuốc miễn phí.

Họ là dân tứ xứ, đến thành phố mưu sinh, rồi lưu lại trong các căn phòng trọ hay những “chiếu trọ” trong các căn phòng tập thể. Trong cuộc “ở trọ” dài hạn đó, hầu hết họ đều lập gia đình, sinh con. Họ trở thành “những công dân không nhà”, bám trụ Sài Gòn bằng chính gốc rễ của sự mưu sinh - của nguồn sống. Có người là dân lao động sinh ra ở Sài Gòn, rồi trở thành “khách trọ” khi công việc chẳng mang đủ thu nhập cho giấc mơ có nhà. Những căn phòng trọ, những cuộc mưu sinh “bị phạt đuổi” vì lấn chiếm vỉa hè, vì “bán hàng rong trái phép” - chính là một thứ cố kết họ với cuộc đời này, bởi “không làm, là chết đói”. Lẽ sống - chết chưa bao giờ đơn giản, tất yếu như thế.

Cái nghề hàng rong vốn bị xem là “vi phạm pháp luật”, gây bao nhiêu cuộc tranh cãi trong cả diễn đàn kinh tế lẫn xã hội học về ảnh hưởng tiêu cực lên trật tự đường phố. Nhưng, nó là “lối thoát” cho bao người bế tắc việc làm. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ gánh bánh tráng trộn, xoài lắc lưu động khắp khu trung tâm Q.1 từng nói với tôi: “Hồi xưa chị làm công nhân cũng ổn định, nhưng chồng chết rồi, đói lắm. Không đi bán rong, chắc chị chỉ có đi… bán thân mới đủ nuôi ba đứa con ăn học”.

Dường như, những cuộc đời đang nương tựa bên những gánh hàng rong, là những cuộc đời đã không còn lựa chọn. Họ có thể làm công nhân, có thể đi bốc vác, bưng bê, phục vụ, làm việc nhà… nhưng, hoặc là sức khỏe, tuổi tác không cho phép, hoặc là những gánh nặng đang gánh trên vai không cho phép họ chờ đợi từng đồng lương còi cọc mỗi cuối tháng.

Những gánh hàng rong gồng gánh nổi, hoặc “đồng ra đồng vô” từ những cuộc mua bán nhỏ nhặt mới phù hợp với kiểu chi tiêu “gối đầu”. Nhưng mùa dịch COVID-19, hàng quán ế ẩm. Khu vực hồ Con Rùa - nơi vốn tập trung đông đúc bậc nhất những “thượng đế” của hàng rong, cũng không một bóng người. Hàng quán nghỉ gần hết, những quầy hàng hiếm hoi còn mở dồn hết lại vị trí đắc địa nhất, quanh cầu thang hướng ra phía nhà thờ Đức Bà. Nhưng tất cả đều như “đứng hình” giữa bốn bề trống hoác. 

Thay đổi này cũng là thường tình trong bối cảnh dịch bệnh. Thế nhưng, trong những lần buộc phải ra đường, nhìn những vị trí vốn vẫn có một xe hàng lưu động đậu lại đang bị để trống, tôi lại bị ám ảnh bởi một nỗi thắc mắc kỳ lạ: “Họ đang ở đâu?”.

Những chủ hàng kinh doanh đóng cửa, giáo viên mất việc, người làm văn phòng cũng dần phải ở nhà, thu nhập đồng loạt cắt giảm. Những thay đổi trên bình diện chung vốn đã đáng lo ngại, nhưng lại không gây ám ảnh tức thì như sự vắng mặt của những gánh hàng rong. Khi vắng mặt khỏi cuộc mưu sinh vốn chỉ đủ đắp đổi qua ngày, họ lấy gì để sống mà chờ đợi cho qua dịch bệnh?

Mà, những gánh hàng đang còn hiện hữu chắc cũng không khả quan hơn. Đó có lẽ là những “chủ thể kinh tế” kém sức chịu đựng nhất. Với một nguồn lực lao động vốn đã được sử dụng tối ưu (buôn bán mà không phải đóng thuế, không tốn phí mặt bằng…) nhưng chỉ thu lại một lợi nhuận tối thiểu, họ chuyển mình kiểu gì để sống sót trong những ngày dài ế ẩm kỷ lục?

Cái hôm gặp tôi, chị Hương nhắc đến sự “cứu rỗi” của việc “làm cái nghề bán rong” như nhắc một quá khứ huy hoàng - bởi hôm đó, chị cũng đã ngấm đòn ế ẩm do dịch bệnh. Từ bấy đến nay, dịch bệnh vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Nghề hàng rong chắc không còn “cứu rỗi” cuộc sống của bốn mẹ con như nó đã từng. “Không bán hàng rong, chắc chị chỉ có… bán thân…” - có thể, người đàn bà bán rong bấy giờ đã đủ mạnh mẽ để không đến nỗi “bán thân nuôi con” như chị từng tính đến hồi mới mất chồng. Nhưng, nếu phải tính một bước đường khác khi gánh hàng rong cũng chối từ, tôi không hình dung ra nổi chị sẽ làm gì… Nói như chị Phú, “dọn vệ sinh cũng làm rồi, ra đường bán rong cũng ra rồi, giờ biết làm gì nữa?”.

Nói chuyện “đường cùng” của những gánh bán rong, tôi lại nhớ chị Khúc Thị Được (Q.1). Phố đi bộ Bùi Viện đóng cửa, hẻm 40 bị phong tỏa. Ở trong một con hẻm thuộc khu phố sầm uất đó, chị Được từng một lần “tưởng chết” vì cùng quẫn khi Q.1 quyết liệt dẹp bỏ những hàng quán lấn chiếm vỉa hè. Từ ngày trở về Sài Gòn sau đợt đi thanh niên xung phong cách đây hơn 30 năm, chị bắt đầu ra vỉa hè ngay góc ngã sáu Phù Đổng, bán khoai mì, rồi bánh mì. Đến năm 2017, khi cái gánh hàng “lấn chiếm vỉa hè” bị chính quyền dẹp bỏ, chị mất nguồn sống.

Số nợ vay mượn chữa bệnh cho con gái cũng hết đường trả, nguồn thu từ những cuốc xe ôm của người chồng ốm yếu chỉ đủ cho những bữa ăn tằn tiện của gia đình. Những món nợ buôn bán vốn được trả góp bằng thu nhập của chị, giờ “đứt” hẳn. Nợ nần dồn đuổi, từng đồng tiền ít ỏi cầm lấy từ chồng lại bí bách bài toán chợ búa mỗi ngày - chị như phát điên. Nhiều đêm, ngồi trước cửa nhà, nhìn ra con hẻm nhỏ xíu có người đêm hôm lặng lẽ đi vụt vào, rồi vụt ra - cảm giác mờ ám chợt… gợi cho chị một “con đường”. Chị định đi buôn hàng trắng. Bây giờ, khi dịch bệnh đổ xuống nhà chị một cuộc “khủng hoảng thứ hai” vì thu nhập của người chồng chạy xe ôm cũng bị giảm một nửa - chị Được mới kể lại cho tôi cái quá khứ ám ảnh tương tự.

Ngày đó, khi nghĩ đến chuyện đi buôn hàng trắng, chị bắt đầu mất ngủ. Vừa khấp khởi một cơ hội có tiền, lại vừa bị dội vào đầu nỗi sợ tù tội, chị như trầm uất. Những ngày đó, chị vẫn phải lên phường mỗi ngày để làm công việc của một hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong. Chính công việc này đã ngăn chị lại, “chị nghĩ mình là hội viên, làm chuyện phạm pháp còn mặt mũi nào lên cơ quan mỗi ngày”. Rồi những ngày đó cũng qua.

Bây giờ kể lại cho tôi, chị Được cũng tình thật: “Bây giờ còn khó hơn nhưng may là chị không còn nợ. Hai vợ chồng già rồi, ăn mắm ăn muối cũng được. Chỉ tội những người trẻ, còn con còn cái, dịch bệnh cũng không ai tuyển người làm - rồi họ làm sao mà giữ mình không làm bậy em ơi?”.

Chị nói, mà như kêu lên, như giải mã nỗi ám ảnh trong tôi về những khoảng trống do những gánh hàng rong để lại trên phố. 

________________

Minh Trâm 

Ảnh: Minh Trâm, Thục Quyên, Tấn Đạo, Shutterstock

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: