Tôi muốn viết về nơi chốn này. Nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Những lúc lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu để nói về một nơi chốn, hình ảnh cây cỏ mọc gần đó tức khắc hiện ra trong tâm trí mơ hồ của tôi, dẫn lối.


 

Nơi chốn mà tôi muốn viết lần này lại là nơi từng có nhiều cây cổ thụ hơn 100 năm hay 200 năm. Nơi đây thời gian, lịch sử, ký ức, tình người rợp xanh bốn, năm thế hệ. Cái nắng gay gắt không thể chạm vào - ngay cả giữa những trưa tháng Tư bỏng rát, nắng luôn trở nên mềm mại, dịu dàng hẳn khi rọi xuống nơi này. Giờ đây, nếu ai đó nhìn thấy hiện diện ngay trước mắt mình bốn hàng cây cổ thụ to lớn chạy dài hơn hai cây số, tán lá xanh mướt đan vào nhau, che khuất mặt trời, thì điều họ nhìn thấy chỉ là một ảo ảnh trong sa mạc.

Một cụ bà ngồi bán cà phê trên vỉa hè, bên gốc cây ngay ngã rẽ qua con đường cạnh đó. Như mọi khi, tôi tới ngồi xuống chiếc ghế đẩu: “Bà ơi, cho con một ly cà phê”. Bà nở nụ cười hiền từ, lấy trong bao ra ly nhựa, hộp sữa Ông Thọ, pha chế. Những nếp nhăn hằn sâu nơi đuôi mắt tươi và khóe miệng im lìm, tạc nên hình ảnh một phụ nữ kiên nhẫn, lam lũ mà ung dung, làm tôi nhớ bà ngoại mình, nay đã khuất. Sinh thời, bà ngoại tôi dù đã già lọm khọm, vẫn ra bán nước chè, kẹo lạc, thuốc lào bên góc đường Hàng Chuối ở Hà Nội. Bán cho vui, và vì luôn muốn mình sống có ích đến phút cuối cùng, cần thì có bạc lẻ mua thức này thức kia cho người khác, đồng ra đồng vào đạm bạc qua ngày bằng sức mình, chứ không thích dựa nhờ con cháu.

Khách mua cà phê quen, sống và làm việc quanh đó, gọi cụ là bà Ba. Uống cà phê ở đây trong một năm làm dự án, tôi cũng gọi bà Ba theo mọi người, nhưng bữa nay tôi bỗng hỏi tên thật bà là gì, bà bẽn lẽn cười, trả lời tên là Trần Thị Diệp, mà con hỏi chi vậy? Tôi sững người, trời ơi đây đâu phải sự tình cờ! Diệp nghĩa là lá. Lá xanh. Rõ ràng khi tâm trí tôi mơ mơ hồ hồ, sẽ có điểm màu xanh ẩn trong bất cứ dạng thể nào đó, bật lên, dẫn lối cho tôi, thu hút tôi khám phá, và vậy là tôi biết mình phải bắt đầu từ đâu, để vẽ nên hình dạng nơi này.

Ngày nào cũng cứ đúng 4 giờ 15 phút sáng, có một cụ bà nhỏ bé, đội nón lá đeo kính râm, hiện ra trong ánh đèn đường vàng hoen sương, ngay ngã tư lớn. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, bà tà tà băng qua ngã tư, rồi tấp vào góc đường bên phải, đến cái nơi chốn mà tôi muốn tả. Giỏ xe và yên sau của chiếc xe mi-ni nhỏ xíu lỉnh kỉnh thùng, bao. Bà đẩy chân chống dựng xe, thong thả bước tới cột điện, nhấc chiếc chổi tre dựng sẵn ở đó. Lưng cong như lưng vầng trăng sắp tròn, tay dẻo dai như cành cây xà cừ, bà thoăn thoắt lướt chổi quét lá cây và rác, đất cát vun vào một góc. Trên nền tiếng động cơ thi thoảng lướt vèo qua của vài xe tải và xe máy đi làm sớm, con đường âm vang những nhát chổi tre dứt khoát.

Bà rất chăm chú vào việc mình làm. Như đang viết một bản nhạc riêng bằng chổi tre và tự thưởng thức bản nhạc mình soạn. Ở nơi chốn này, mặt đường trên vỉa hè vừa là tờ giấy chép nhạc vừa là nhạc cụ của một bà cụ nay đã 78 tuổi. Bản nhạc bà viết đi viết lại, nghe đi nghe lại trong 50 năm, khi bầu trời mỗi đêm sắp rạng mình sang ngày mới. Thói quen này đã có từ năm 1968, khi bà dọn từ quê Long An lên Sài Gòn sinh sống, vì "lính tráng về dưới đó nhiều, không an toàn cho đàn bà con gái, dọn lên đây tránh lính con à".

Lá cây mà cụ bà quét là lá của nhiều cây cổ thụ quanh đó, nhưng chủ yếu là của gốc cây bà ngồi bán nước và cà phê hằng ngày, cây có in số màu trắng trên thân: 169. Quét xong cây bên này, bà qua gốc cây me xéo bên đường, quét dọn tiếp. Bản nhạc chổi tre thường kéo dài mỗi sớm trong khoảng nửa tiếng. Rồi bà ngồi xuống bên gốc cây, im lặng. Lúc ấy tôi thường ngồi xa xa, tự hỏi không hiểu bà có nghĩ gì không khi cứ ngồi một mình như vậy cả tiếng đồng hồ, không biết bà đang nhìn gì và thấy gì. Khoảng hơn 6 giờ, trời sáng bà mới đứng lên, chạy xe đạp về lấy cà phê mang ra. Rồi khoảng 7 giờ, bà lại đạp xe về đi chợ nấu cơm, khi đó con trai sẽ ra bán giùm bà, tới 9 giờ bà ra bán tiếp. Cái lịch sống đó không bao giờ thay đổi.

Bà kể, ngày trước khi bà mới tới đây, gốc cây 169 vẫn còn nhỏ, đường kính chỉ khoảng trụ điện. (Trước khi cây bị bức tử, tôi có ra đo, thấy đường kính ở phần gốc khoảng 1,6 mét, chu vi thân cây khoảng 5 mét rưỡi). Hồi trẻ bà có bán trái cây nữa, bây giờ tuổi già nên chỉ bán cà phê và nước đóng chai cho nhẹ nhàng. Chú con trai của bà, làm nghề chạy xe ôm, cũng thường đậu xe trú nắng dưới bóng cây 169. Khoảng 8 giờ sáng và 4 giờ chiều mỗi ngày, mẹ con bà rải thóc cho chim sẻ ăn và châm nước vào ba ly nhựa chôn ở gốc cây cho chim uống, và bà sẽ dọn dẹp lúa mọc lên từ thóc còn sót lại nếu lúa quá cao. Lũ chim như bầy con nhỏ của bà, sáng sớm và chiều muộn sà xuống gốc cây ríu rít. Dường như đây là gốc cây duy nhất trên con đường này có lúa xanh. Cái lịch sống ấy, hình ảnh ấy lẽ ra không bao giờ thay đổi.

Nhưng cuộc đời vốn vô thường. Những cây cổ thụ quanh nơi chốn này lần lượt ra đi, khi dự án xây cây cầu to băng qua sông Sài Gòn, dẫn tới khu đô thị mới Thủ Thiêm, được thông qua. Cây 169 nằm trong số đó, và trở thành cây cuối cùng bị bứng rễ. Suốt một năm, hằng ngày bà Ba và cây 169 chứng kiến những người bạn cây thân thiết khác ra đi. Bao giờ cũng vậy, người ở lại cuối cùng cũng chất chứa nhiều niềm đau, phiền muộn nhất. Nhưng hằng ngày lá nơi đây vẫn xanh óng trong nắng, chim sẻ vẫn ríu ran tụ bầy trên thóc vàng, hàng cà phê di động vẫn được dọn lúc 4 giờ 15 phút sáng.

Ngày cuối cùng của cây 169. Đó là một ngày thoắt nắng thoắt mưa. Tôi đến bên nắm tay bà Ba, khẽ hỏi bà cây bị chặt, bà có tiếc không, bà cười hiền, lặng một chút rồi đáp: “Tiếc mà cũng đâu có tiếc được đâu… Ngày nào cũng ra đây, mà mất cái cây này trông nó trống trơ trống trọi luôn”. Tôi an ủi bà đừng buồn, bà vẫn cười, sau cặp kính râm, khóe mắt bà rơm rớm. Nụ cười luôn nở trên gương mặt sạm nắng làm tôi thấy xốn lòng hơn nghe mọi lời nức nở than khóc. Chỉ ai có khả năng chuyển hóa nỗi buồn, nỗi đau thương sâu đậm thành nụ cười nhẹ nhõm, mới hiểu hết được cây. Cây là một người bạn nhân từ, kiêu hãnh và quả cảm. Cây sẽ lại bám rễ ở một nơi chốn mà lịch sử, văn hóa, nguồn cội của nơi ấy được lưu tâm coi trọng.

Chiều đến, khi thân cây ngã xuống, một cơn mưa sụt sùi đổ, loang lổ, kết thúc một ngày. Tìm quanh xem bà Ba đâu. Bà mặc áo mưa đứng bên chiếc xe đạp mi-ni, gần gốc cây. Im lìm.

Sáng hôm sau, lại ghé quán, tôi hỏi sao chiều qua mưa to vậy bà không tìm chỗ trú, cứ đứng hoài dưới mưa vậy, bà ốm thì sao. Bà cười ngượng nghịu, vẫn vẻ hiền lành thường ngày: “Mưa quá, biết trú đi đâu bây giờ”.

Câu trả lời của bà nhẹ tênh. Ly cà phê hôm ấy bà pha cho tôi, có vị của cơn mưa hôm qua.

Tất cả hố đất của gần 300 cây cổ thụ giờ đã được cán nền xi măng mới tinh, không còn dấu vết. Nhưng sáng sáng, cụ Diệp và con trai bà vẫn rải thóc ở nơi từng có gốc cây 169. Những chú chim sẻ vẫn sà xuống đám thóc, dù có thưa thớt hơn, ngơ ngác hơn...

 

Hoàng Ly

Ảnh: L.H.L, Internet

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: