Tôi đặc biệt nhớ chuyến tàu giông bão hồi tháng 10/1985. Chuyến ấy tôi vào Huế để dự đám cưới con trai một người bạn. Vừa đúng 35 năm trước. Một chuyến tàu giông bão, theo đúng nghĩa đen.
Hồi đấy, từ ga Hàng Cỏ vào ga Bình Triệu mà may mắn suôn sẻ thì tàu Thống Nhất sẽ chạy mất 72 tiếng ì ạch; nếu chỉ tới ga Huế thì chừng hơn một nửa số giờ ấy. Nhưng vừa chạy ngang Đồng Hới, tàu đã gặp trắc trở, phải dừng cả tiếng vì gió mạnh mưa lớn. Nghe qua radio bán dẫn của người ngồi bên, tôi được biết là bão đang vào vùng biển Bình Trị Thiên. Nhưng hồi đó, thời tiết tốt xấu không mấy ý nghĩa đối với bàn dân thiên hạ đang liều thân kiếm sống. Bão, kệ, hành khách chẳng sá gì, nhà tàu cũng chẳng sá gì, vẫn chuyển bánh chạy tiếp. Song đến đêm thì không thể “liều” hơn được nữa, những cơn cuồng phong chặn đứng đoàn tàu tại ga Đông Hà. Tình cảnh không khác gì bom B52 táng xuống cách mình chỉ chừng trăm thước, và liên miên, vùi dập, đến tận sáng. Về sau khi biết trận bão số 8 ấy mạnh cấp 12, là siêu bão thế kỷ, tôi không hiểu nhờ đâu mà đêm đó các toa tàu ọp ẹp không bị gió xô đổ và xé nát, mặc dù ga Đông Hà nằm ngay bên rìa tâm bão.
Sáng ra, ngày 16/10, gió giảm cường độ nhưng mưa càng lớn, lút trời ngập đất. Đông Hà mười năm sau chiến tranh lại như một chiến trường. Từ nhà ga đến gần hết thị xã chẳng còn mái nhà nào. Tất cả tan hoang và chìm lụt. Ngày đó đã gặp khốn thì khốn cùng. Hành khách trên chuyến tàu tất thảy ướt mèm, rét run, đói và sợ hãi, nhưng nhà tàu chỉ có thể lo ăn và chỗ trú cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ. Đàn ông thì tự thân vận động. Quay trở ra Bắc thì không thể, đi vào cũng vậy, mênh mông biển nước tràn bờ của sông Thạch Hãn, sông Thác Ma, Mỹ Chánh, Ô Lâu…
Tôi may mắn có người bạn đang công tác ở tỉnh đội Quảng Trị nên được đi nhờ xe lội nước của một đơn vị công binh, rẽ sóng trót lọt qua hơn 30 cây số của “đại lộ kinh hoàng”. Nhưng từ phía nam cầu Mỹ Chánh thì phải đội mưa lội bộ. Quốc lộ Một chìm dưới nước, còn có mỗi đường hỏa xa như con đê để đi từ Phong Điền vào Huế. Nhưng con đê cũng bị lở lói trồi sụt, đoạn còn đoạn mất. Chỉ 40 cây mà lệt bệt lết từ chiều 16 tới tận sáng 17 - đúng ngày làm lễ cưới ghi trong thiệp mời (4/9 âm lịch) - tôi mới lội nước đến được nhà anh Thung, ngay bờ sông Hương, gần phố chợ Bao Vinh.
Nhưng còn nhà nào, phố nào, bờ sông nào nữa? Mưa vẫn trắng trời, nước sông Hương và sông Đông Ba ào ạt tràn bờ. Thành phố Huế, cả bờ bắc lẫn bờ nam sông Hương nhà sập, cây đổ tan hoang. Nhà anh Thung mới tốc mất mái chứ chưa sập, nhưng cảnh tượng vẫn rất thảm và đáng sợ, bởi toàn bộ diện tích vườn cây phía sau nhà đã bị lở hết xuống sông, bị xoáy nước cuốn đi, mép sông chờm sát chân tường và sóng nước xô qua thềm, ập vào nhà. Trong nhà, đồ đạc tư trang, rương hòm, gạo mì, đồ ăn thức uống nổi lềnh phềnh trên nền gạch vỡ. Gia đình anh Thung nửa đêm thoát thân ra ngoài mưa, và lúc ấy đang co ro tụm lại với nhau dưới mái ni-lông của một cái lều dựng tạm bên rìa lộ. Nhìn thấy tôi - ông khách Hà Nội đã chí tử xông pha mưa gió vào ăn cưới cho bằng được, anh Thung cảm động ôm chầm lấy và khóc. Dĩ nhiên là chẳng còn cưới xin gì, lo cái ăn cho lũ trẻ chưa xong. Mà nhà gái, ở làng Chuồn ngoài phá Tam Giang, không biết sống chết thế nào. Chú rể, thằng con cả của anh, từ hôm qua khi vừa ngớt bão đã lặn lội ra đấy, vẫn chưa tin tức gì về…
Anh Thung là tài xế, cầm lái chiếc GMC chở tiểu đội tôi hành quân từ Cam Ranh vòng trở lại Buôn Ma Thuột rồi xuôi xuống Đông Nam bộ để tiến vào Sài Gòn. Hòa bình lập lại, Thung trở lại Huế - trú quán của gia đình anh từ thời di cư năm 1954. Thuở ban đầu, gia đình anh rất đỗi gieo neo. Đi kinh tế mới lên A Lưới, rồi bỏ về, đã bị mất nhà trong phố nên đành sống vất vưởng bên rìa sân bay Tây Lộc, anh lúc làm phụ hồ khi đạp xích lô, chị buôn thúng bán mẹt, nuôi đàn con năm đứa. Quá quẫn bách, năm 1982, dù tuổi đã ngoài bốn mươi, anh vẫn liều theo người ta đi phu đào đãi vàng trong các bửng ở miền tây Quảng Nam. Được trời thương cho trúng mánh, cuối năm 1984 trở ra với vợ con, mặc dù dặt dẹo ốm liệt giường mất mấy tháng, nhưng anh đã có tiền, đủ tính chuyện đổi đời. Tậu sào đất bên sông Hương gần Bao Vinh, vợ chồng anh dựng nhà, không phải nhà rường, nhưng cũng đàng hoàng tường gạch mái ngói, sân sướng vườn tược, chẳng giàu nhưng cũng xe máy, ti vi, và nhất là đủ lực dạm vợ cho thằng cả. Nhưng mà rồi ông trời lại ngoảnh mặt, chẳng thương cho nữa. Ngày 14/9/1985, đổi tiền. Một đồng mới ăn mười đồng cũ, mà mỗi gia đình già trẻ lớn bé bao nhiêu miệng ăn bất kể chỉ được đổi hai vạn cũ lấy hai ngàn mới. Số tiền tích cóp còn tồn lại trong rương cho dù có là bạc triệu cũng để xó đó, xét sau. Đã dạm ngõ, đã ăn hỏi, ngày lành tháng tốt đã chọn, đùng một cái, cơn “bão tiền” ập đến, còn trơ ra có hai ngàn đồng. Quá bàng hoàng, hai gia đình vẫn nhất quyết đám cưới đúng ngày giờ. Nhưng sự đời họa vô đơn chí, đúng một tháng sau, lại đùng một cái, trận bão kinh hoàng này bất thần như trời sập, không chỉ tiệc cưới đã sẵn sàng đó mà cả nhà cửa, vườn tược đều bị thiên lôi hà bá nuốt sạch…
Vậy là thay vì làm đám cưới, gia đình anh Thung phải di tản. Dù nước đang dần rút và chưa cần chính quyền yêu cầu, bản thân anh đã tự giác. Tôi thì thay vì ăn cưới, phải phụ anh thu vén chuyển nhà. Thật ra, cũng chỉ là mấy cái bao tải nhồi nhét nồi niêu với quần áo chăn mùng chứ của nả còn gì mà thu vén, chẳng qua là chạy thoát thân. Vợ chồng, con cái dắt díu nhau lên Thượng Thành chiếm dụng bất hợp pháp chừng bốn chục thước vuông, dựng phứa lên một cái gọi là nhà, với mái và ba bức vách quây tôn, bức còn lại thì mượn bờ tường của kinh thành nhà Nguyễn. “Cung điện của hành khất”, Thung đặt tên cho “cơ ngơi” của gia đình mình như vậy.
Hai tuần sau, đường sắt được khôi phục, Thung qua sông ra ga tiễn tôi. Bắt tay anh, tôi nói lời tạm biệt. Thung giữ tay tôi không buông ngay và bảo chắc từ đây mình từ biệt nhau chứ chẳng tạm đâu. Sức đã kiệt không xoay xở nổi nữa, mà tình cảnh thế này đường cùng rồi, chỉ còn một ngả là ra biển, anh bảo vậy. Và lầm rầm, anh thổ lộ điều bí mật, rằng, với số tiền cũ còn đọng lại chưa được đổi, đợi đến “khi nào được đổi” sẽ lập tức tìm mua vàng để chung với người ta vượt biên.
Nhiều năm sau, khi đất nước đã vững bước trên tiến trình đổi mới, đời sống dần khấm khá lên, lắm khi ngẫm lại tôi thấy tự thán phục lời dự đoán của mình trên sân ga Huế. “Vận hội sáng sủa nhất định sẽ đến!”, vào một cái tình cảnh như thế, một cái năm như thế, làm thế nào mà mình có thể khẳng định được như vậy?
Trong ký ức của tôi, những năm nửa đầu thập niên 1980 không khác nào một chuỗi toa tàu hàng giống nhau, cũ kỹ và xám xịt, nối nhau chạy chậm rề. Y chang nhau, song toa cuối, năm 1985, vẫn nổi bật lên vì sự tiều tụy, trống rỗng, ọp ẹp và han rỉ. Ấy là năm của thiên tai dữ dội, bão lụt hoành hành. Năm mà vẫn địch họa đè nặng hai đầu đất nước, năm cao điểm của cuộc bao vây cấm vận. Và đấy là năm của khủng hoảng Giá - Lương - Tiền với đỉnh điểm là cuộc Đổi tiền mùa thu, dẫn đến lạm phát, đẩy nền kinh tế và đời sống của người dân vào cảnh tụt dốc không phanh.
Tuy nhiên, nào phải là tôi có tài tiên tri. Chẳng qua đó là dự cảm của muôn người. Chẳng qua, cũng như tất cả mọi người, chính tình cảnh khốn đốn và tối tăm của cuối năm 1985 đã khiến tôi cảm nhận thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tôi nhớ, tết ấy, từ Ất Sửu sang Bính Dần, rét mướt và thiếu thốn, mà Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký được phát liên tục trên đài phát thanh. Đổi mới, khi đấy chưa có từ đó, song đã là nguyện vọng và ý chí dâng trào trong lòng người, muôn người như một. Nhờ có khốn khổ của năm 1985 mới có sự bừng sáng của năm 1986, như là phượng hoàng tái sinh vươn lên từ tro tàn.
Bản thân tôi ngày đầu năm 1986 đã “dám” viết dòng đầu tiên của truyện ngắn đầu tiên, chưa biết có thành hay không, nhưng là đã quyết từ bỏ lối sống vụn vặt được chăng hay chớ ngày trước, để đi con đường mới của người cựu binh. Còn anh Thung, không hiểu có phải là do lời khuyên của tôi hay không, đã không vượt biên. Anh vừa chốt lại trên Thượng Thành, vừa cố gắng xoay xở với chút xíu phần đất còn dính lại bên bờ sông Hương. Không rõ số tiền bị kẹt hồi đổi tiền có được giải tỏa hay không, tôi không hỏi, chỉ thấy tới năm 1995 thì anh đã bỏ Thượng Thành mua nhà vườn trong làng Kim Lăng, ung dung sống cuộc sống điền viên.
Từng này tuổi tôi vẫn ngược xuôi tàu Bắc - Nam mỗi năm, khi vào Sài Gòn, khi chỉ tới Huế. Các bạn tôi gọi tôi là “cây bút chuyên về tàu hỏa”. Đúng là như thế. Trên tàu, trừ khi thiếp ngủ, tôi hầu như chẳng rời mắt khỏi cửa sổ. Những cốt truyện, các ý tưởng không ngừng hiện ra, lướt đi. Cái mà trong văn học vẫn được diễn đạt, theo một cách khá mơ hồ và khó mường tượng, là “sự đồng hiện”, thì từ trên tàu hỏa trông ra, người ta có thể nhìn thấy và cảm thấu được qua từng cây số.
Bài: Bảo Ninh
Thiết kế: Hoàng Triết