Tại Quảng trường Đỏ - trung tâm Thủ đô Moscow của nước Nga cách đây hơn 40 năm, bố tôi cũng có một tấm ảnh đen trắng, ở cùng vị trí và cùng góc chụp với mẹ. Gần nửa thế kỷ, số phận luôn thử thách tình yêu của họ bằng cách hoán đổi không gian và thời gian.

Bố mẹ tôi kết hôn năm 1970 tại quê nhà Hải Hưng - một tỉnh cũ thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, được thành lập vào tháng 1 năm 1968 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.

Bố tôi là bác sĩ, nhưng kiến thức ngành dược của ông cũng rất đồ sộ. Đó là lý do Đại học Dược chiêu mộ ông về làm giảng viên. Ngoài kiến thức chuyên môn, bố tôi còn thành thạo 3 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga. Bố mẹ tôi sống xa nhau, người ở Thủ đô, người ở quê. Họ chỉ có thể gặp nhau vào mỗi cuối tuần. Khoảng cách lúc xa lúc gần càng khiến tình cảm giữa họ thêm gắn bó.

Cuối năm 1979, chị cả nhà tôi tròn 7 tuổi, chị bé 3 tuổi, bố lên đường sang nước Nga công tác, nhiệm kỳ 4 năm. Mẹ ở lại quê, hân hoan với công việc giảng dạy môn Lịch sử tại trường cấp III trong huyện. Hoàn thành việc trường lớp, mẹ tất tả về nhà lo việc đồng áng cùng ông bà nội và chăm sóc con cái.

Hết nhiệm kỳ công tác ở Nga, bố về nước năm 1983. Cuối năm 1984, tình yêu của bố mẹ có thêm một dấu mốc đáng nhớ bởi sự ra đời của con gái út, là tôi.

Năm 1989, bố nhận nhiệm vụ công tác và giảng dạy tại Algeria, một quốc gia nằm ở khu vực Bắc Phi. Tôi còn quá nhỏ nên không nhớ được nhiều kỷ niệm khi bố ở nhà. Bố đi rồi, tôi mới thấy rõ hình hài bố qua những tấm ảnh. Tôi ấn tượng nhất tấm ảnh cưới: bố mặc vest xám, mẹ mặc áo dài in hoa.

Bố có làn da sáng, đôi mắt sâu, vầng trán rộng và sống mũi cao. Ai gặp bố tôi lần đầu đều ngỡ bố là... người châu Âu. Mẹ tôi mang vẻ đẹp thuần Việt - khuôn mặt tròn đầy như trăng ngày rằm. Thời chưa lấy chồng, mẹ được mệnh danh “hoa khôi làng Đình Dù”. Đến tận bây giờ, các cậu và các dì bên ngoại vẫn tấm tắc nhan sắc một thời của mẹ. Thời đó, bố mẹ tôi là cặp đôi đẹp "hiếm có khó tìm" trong vùng.

Ai gặp bố tôi lần đầu đều ngỡ bố là... người châu Âu. Mẹ tôi mang vẻ đẹp thuần Việt với khuôn mặt đầy đặn (ảnh tác giả cung cấp)


Ai gặp bố tôi lần đầu đều ngỡ bố là... người châu Âu. Mẹ tôi mang vẻ đẹp thuần Việt với khuôn mặt đầy đặn (ảnh tác giả cung cấp)


6 tuổi, tôi trở thành “sinh viên đại học chữ to”, hàng ngày mẹ dạy tôi tập viết, nắn nót từng chữ thật đẹp trên tờ giấy pơ luya trắng. Với tôi khi ấy, mọi thứ về bố còn mơ hồ lắm. Khi viết thư cho bố, tôi chỉ biết làm theo những gì mẹ chỉ dẫn. Mẹ bảo tôi viết chữ nào thì tôi viết chữ ấy, mẹ dặn tôi vẽ cái gì thì tôi vẽ cái ấy. Sau này tôi mới hiểu, những bức thư nguệch ngoạc của tôi cũng là tình cảm mẹ thầm lặng gửi đến bố.

Nhưng, chúng tôi không có nhiều cơ hội để biên thư. Công tác tại Algeria chưa đầy 2 năm, bố đột ngột quay về. Khác với chuyến về từ nước Nga, cuộc trở về lần này khiến mẹ tột cùng lo lắng. Bố yếu đến mức không thể ra khỏi máy bay khi tất cả những hành khách khác đã xuống. Mẹ và cậu tôi phải nhờ người quen ở sân bay hỗ trợ mới đưa được bố về nhà. Thần may mắn đã giúp bố hồi phục sau trận ốm không rõ nguyên nhân.

Kể từ đó, bố không nhận thêm bất kỳ chuyến công tác nước ngoài nào nữa. Ông vui vẻ với công việc giảng dạy tại Đại học Dược và cộng tác viết bài, dịch thuật cho một số tờ báo. Bố khích lệ mẹ cố gắng thêm vài năm nữa, khi nào về hưu, nhất định bố sẽ cùng mẹ trở lại nước Nga xinh đẹp. Nửa sau cuộc đời, bố hứa đưa mẹ đi du lịch thật nhiều, để bù đắp những tháng ngày mẹ một mình vất vả nuôi dạy các con.

Đó là điều mẹ kể đi kể lại cho tôi nghe khi bố đã mất vì một căn bệnh ác. Bác sĩ đoán rằng mầm bệnh xuất hiện từ thời bố công tác tại Algeria. Tình yêu thương của mẹ con tôi không thể thay đổi sự nghiệt ngã của số phận. Lần này bố đi “công tác” xa đến nỗi không bao giờ trở lại nữa. Lời hứa đưa mẹ sang nước Nga, sau này được chị bé thay bố thực hiện.

Mẹ tôi nay đã ở tuổi 70 vẫn sở hữu nụ cười như thiếu nữ ngày nào. Ngắm tấm ảnh màu của mẹ và xem lại tấm ảnh đen trắng của bố được chụp cùng một không gian, chỉ khác nhau về thời gian, tôi nhớ câu hát trong tình khúc nhạc Nga lời Việt: “Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...”

Tình yêu của bố mẹ tôi có những thời điểm buộc phải đặt sau trách nhiệm với công việc, với con cái, nhưng, bằng cách kỳ diệu nào đó, tình yêu ấy vẫn mênh mông vô tận, vẫn chảy xiết như dòng Neva và vĩnh hằng như cái nắm tay của đôi vợ chồng đang dạo bước dưới màn đêm trắng ở Saint Petersburg.

Chia sẻ bài viết: