Sơn tin mọi đầu mối của câu chuyện “cà phê trộn pin” nằm ở ông B. vì ông này là người duy nhất biết trước cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng.
Trở về sau khi bị triệu tập do liên quan đến vụ án “cà phê pin”, Ngô Ngọc Sơn - sinh năm 1998, làm thuê cho cơ sở của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan - ông Nguyễn Xuân Bảo (thôn 13, xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), người duy nhất còn tại ngoại sau khi vợ chồng người chủ bị bắt - tiết lộ với chúng tôi về nhân vật bí ẩn tên B. và lá thư tuyệt mệnh do ông Bảo viết ngay sau ngày đoàn kiểm tra đến làm việc tại cơ sở này.
Lá thư tuyệt mệnh được cho là của ông Bảo viết |
“Nếu tôi có chết, xin các ngành xem xét lý do”
Chuyến xe đường dài đưa chúng tôi dừng chân ở ngã ba Đồi Thông (xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) một chiều đầu tháng Năm. Mưa nhẹ, chúng tôi theo chân dăm vị khách vào quán nước ven đường. Gọi nước, giọng một vị khách nửa đùa, nửa thật: “Cho tôi ly cà phê, mà nguyên chất chứ đừng… pin nha”. Nhiều người đưa mắt nhìn, vị khách gãi đầu, bật cười. Câu chuyện “cà phê pin” nhanh chóng trở thành đề tài chung, người hoang mang, kẻ phản bác.
Nghe vậy, chị chủ quán bỗng dưng đổ quạu: “Xưởng bà Loan cách đây một cây số, mọi người cứ vào đó xem có hạt cà phê nào không? Tôi không hiểu sao người ta cứ cố tình loan tin “cà phê pin” để giết chết cà phê như vậy”.
Theo chị chủ quán, mặc dù thông tin báo chí đã chuyển sang “hỗn hợp để trộn tiêu”, nhưng tác động của thông tin “cà phê pin” quá dữ dội khiến không chỉ khách hàng hoang mang, số lượng cà phê bán ra mỗi ngày giảm đáng kể mà chính nông dân trồng cà phê cũng phẫn nộ.
Cơ sở bà Loan nằm khuất trong một con hẻm nhỏ. Vợ chồng bà Loan - ông Bảo đã bị bắt, Sơn cũng bị bắt chung nhưng được trở về ngay ngày hôm sau, hiện vẫn ở tại cơ sở cùng với hai đứa trẻ là con và cháu bà Loan. Thỉnh thoảng, họ được người thân của bà Loan từ tỉnh Đồng Nai mang thức ăn lên tiếp tế.
Sau cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, xưởng của bà Loan chỉ còn lại chiếc máy án ngữ giữa nhà (dùng chế biến hỗn hợp gồm vỏ cà phê, đất, đá nhuộm than pin); một ít “thành phẩm” của hỗn hợp; mấy chục bao tiêu lép nằm đó từ lâu, đã giăng kín mạng nhện.
Hỗn hợp vỏ cà phê, đá vụn trộn với than pin |
Bốc một nắm hỗn hợp đưa chúng tôi xem, Sơn nói: “Cái này gồm vỏ cà phê, đá đã được tạt một lớp nước lõi pin. Khi công an vô kiểm tra, trong nhà bà Loan đâu có hột cà phê nào, cái máy kia cũng đâu có phải dùng để xay cà phê. Vậy mà không hiểu sao, báo chí cứ đăng cà phê rang xay được trộn pin đem đi bán, mà còn bán ra ngoài mấy tấn nữa chứ”.
Đổ mớ hỗn hợp lên mặt bàn, Sơn dạt mỏng, nói: “Anh chị coi nè, rõ ràng nó không giống cà phê, cũng chẳng giống tiêu. Nếu nói để pha trộn vô tiêu cũng đâu có phải, vì ai đi mua tiêu đều đưa lên cắn, nếm, ngửi, coi có cay không, có chắc hạt không. Nếu trộn với tiêu hạt thì thương lái nhìn mắt thường là thấy ngay, không mua; còn nếu xay trộn vô tiêu lép thì vướng đá, cũng không xay ra được”.
Chúng tôi thử mang hỗn hợp này đến gặp một số thương lái và cơ sở thu mua cà phê, tiêu, ai nấy đều lắc đầu, cho rằng không thể giả làm cà phê hay trộn vào tiêu được. “Người mới vào nghề còn nhận ra, từ chối thu mua ngay, huống hồ những thương lái dày dạn kinh nghiệm” - chị N., một thương lái ngụ tại H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, khẳng định.
Ngô Ngọc Sơn trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM |
Sơn tâm sự, do là người trực tiếp phụ ông Bảo chế biến hỗn hợp này nên Sơn cũng đã hỏi ông Bảo trộn vỏ cà phê với đá làm gì, nhưng ông Bảo không nói. Tuy nhiên, Sơn tiết lộ, sau cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, khi thông tin “cà phê trộn pin” rộ lên khắp mặt báo và một ngày sau cuộc kiểm tra, bị “giam lỏng” trong nhà mình dưới sự canh giữ của công an, ông Bảo và bà Loan đã cãi nhau nảy lửa vì bà Loan cho rằng, ông Bảo đã làm gì đó khuất tất bên ngoài nên mới có việc công an và báo chí nói cơ sở của bà chế biến cà phê trộn pin.
Sau khi thề thốt với vợ rằng, mình không làm gì bậy bạ bên ngoài, ông Bảo uống một vốc thuốc tây toan tự tử nhưng được mọi người ngăn cản. Sau đó, do không biết giải thích với vợ thế nào, ông Bảo ngồi viết lá thư tuyệt mệnh rồi tức tưởi dặn Sơn: “Nếu chú chết, hãy mang lá thư này ra giải oan cho chú”.
Trong thư, ông Bảo viết: “… Vợ chồng tôi sinh sống, buôn bán đàng hoàng, không biết vì lý do gì, vào khoảng 2 giờ ngày 30/3, tôi bị Công an tỉnh Đắk Nông ập vào xét nhà. Nhưng tôi có giấy phép kinh doanh đàng hoàng. Họ nói kiểm tra giấy phép kinh doanh thì vợ tôi mở cửa. Họ chỉ báo là công an kinh tế, nhưng không xuất trình lệnh khám xét nhà mà đã lục tung nhà tôi và cũng không nói lý do. Nên vợ chồng tôi hoang mang. Lại cho người canh nhà tôi làm vợ tôi chửi do tôi nên mới bị xét nhà và canh trước cửa nhà.
Tôi không có cách nào kêu oan nên tôi phải uống thuốc tự vẫn, để cho các ngành, các cấp xem xét sự việc tôi nêu trên. Anh Sơn, người làm của tôi, thấy tôi uống thuốc mới tới hỏi, mấy anh được lệnh canh trước nhà báo lại là do anh H. chỉ định làm vậy. Nếu sau này tôi có chết, xin các ngành xem xét giùm lý do. Tôi dùng mạng mình để xin các ngành có liên quan xem xét và xử lý những người đã vu oan cho tôi”.
Chồng của bà Thơ trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM |
Anh Sơn bày tỏ, anh không hiểu về việc “bới tung nhà bà Loan để tìm kiếm gì đó” của đoàn kiểm tra. Theo anh, việc kiểm tra này xuất phát từ mục đích, động cơ nào đó, hoàn toàn không liên quan đến cà phê hay tiêu. Không hiểu sao, tin “cà phê pin” vẫn lan nhanh khủng khiếp.
Theo ông Võ Ngọc Anh - Trưởng công an xã Đắk Wer - mặc dù có giấy phép thu mua nông sản nhưng bà Loan không thu mua nông sản và người dân cũng không bán gì cho bà. Một người dân ở xã này cho biết, sau tết Nguyên đán 2018, thỉnh thoảng, họ thấy xung quanh nhà bà Loan phơi vỏ cà phê. Tin tức bà Loan trộn hỗn hợp để tạo thành “cà phê trộn pin” khiến nhiều người không tin; sau này, thông tin chuyển thành “hỗn hợp dùng trộn vào tiêu” cũng làm nhiều người bất ngờ.
Bởi theo người dân, có rất nhiều cách làm tiêu giả được người ta âm thầm “chấp nhận”, lặng lẽ chế biến vẫn cho lợi nhuận cao thay vì sử dụng phương pháp “nhọc nhằn” là dùng vỏ cà phê trộn đá, pha pin của cơ sở bà Loan.
Người bí ẩn biết trước cuộc kiểm tra?
Điều khiến Sơn bức xúc là, ngoài thông tin “cà phê trộn pin”, phương pháp chế biến hỗn hợp cũng đã không được truyền tải đúng sự thật. Là người trực tiếp chế biến hỗn hợp này, Sơn cho biết, từng một lần được ông Bảo nhờ đi mua pin, có mới có cũ, số lượng khoảng vài chục hộp. Sơn kể, lõi pin được tách ra, được khuấy với nước lã, sau đó dùng tạt vào hỗn hợp đá và vỏ cà phê, vừa tạt vừa trộn, sấy. Phương cách chế biến này hoàn toàn khác với “đá, vỏ cà phê ngâm tẩm với nước bột pin” mà báo chí đã thông tin.
Đống hỗn hợp ban đầu bị quy kết là “cà phê pin”, sau đó là “tiêu pin” |
Sơn làm việc cho cơ sở của bà Loan vào đầu tháng 3/2018. Anh khẳng định, hỗn hợp nói trên thực chất cũng mới làm lần đầu và làm theo đơn đặt hàng của ai đó mà anh không rõ. “Lúc mới đến cơ sở bà Loan, tôi đã nhìn thấy vài chục bao hỗn hợp kiểu này, nhưng chỉ là mẫu. Khi đó, máy móc đều đóng mạng nhện, không có dấu hiệu rang xay gì cả. Khi tôi vào làm, mới bắt đầu được ông Bảo sai phụ chế biến. Mẻ đầu tiên đi giao bị trả về vì tôi nghe nói khách chê hàng to, phải làm lại, mà làm lại để giao cho ai thì tôi không biết. Tôi vào làm việc chừng một tháng thì đoàn kiểm tra đến rồi chuyện xảy ra”.
Sơn còn tiết lộ, anh khá ngạc nhiên vì quá trình lấy lời khai của cơ quan điều tra đối với riêng anh diễn ra khá… nhẹ nhàng. Sơn tin rằng, sở dĩ mình được vậy là nhờ có mối quan hệ với một người đàn ông bí ẩn tên B.
Vào tháng 11/2017, Sơn còn thất nghiệp, đang ở nhờ nhà một người quen thì gặp ông B. (khoảng 30 tuổi). Ông B. đưa Sơn về nhà mình, sau đó giúp Sơn một công việc. Làm được khoảng 20 ngày thì đến tết, Sơn nghỉ việc. Ăn tết xong, cuối tháng 2/2018, ông B. gặp Sơn, cho biết sẽ giới thiệu làm việc tại một cơ sở thu mua nông sản, là cơ sở của vợ chồng bà Loan - ông Bảo.
Sơn tâm tư: “Ông B. quen với vợ chồng bà Loan trước rồi đưa tôi đến chỗ họ làm. Nhưng tôi nghĩ là ông B. “cài” tôi vô để lấy thông tin. Từ một, hai lần nói chuyện với ông B., tôi phán đoán vậy”.
Bên trong cơ sở của bà Loan, ông Bảo |
Đưa Sơn vào làm vài ngày, ông B. bất ngờ… biệt tích hơn một tuần. Sơn kể: “Sau đó, ông B. trở về, nói vừa đi Buôn Ma Thuột, có quen với một người bác làm công an tên Tính hay Tín gì đó.
Ông B. dặn tôi: “Nếu công an có vô đây, kêu mày làm ở đây này nọ thì điện cho anh”. Khi công an vào kiểm tra, lấy lời khai, nhớ lời dặn của ông B., tôi hỏi có cần điện thoại cho người đưa tôi vào làm không, họ bảo khỏi cần. Nhưng khi lên công an huyện, tôi nhắc lại chuyện gọi cho ông B. thì họ hỏi người đó ở đâu, đưa số điện thoại cho họ. Lúc này thì muộn rồi”.
Ngạc nhiên vì không biết có ai “đỡ lưng” cho mình hay không mà việc điều tra, lấy lời khai khá nhẹ nhàng, Sơn đã hỏi một cán bộ công an và người này cho biết: “Muốn biết thì chờ cho xong đi, bữa nào anh mời mày đi uống cà phê”.
Sơn không biết ông B. có mối quan hệ cụ thể ra sao với vợ chồng ông Bảo - bà Loan. “Nhiều người không thích ông Bảo, có thể ông Bảo gây mất lòng cho nhiều người” - Sơn giải thích rằng trong quá khứ, ông Bảo từng sử dụng ma túy và bị bắt. Sau này, trong quá trình làm việc, Sơn được biết ông chủ của mình từng bị ai đó cho xe con “bắt cóc” ba ngày.
Trước ngày đoàn kiểm tra đến cơ sở của vợ chồng ông, Sơn chứng kiến và cảm thấy bất an khi quanh nhà ông Bảo luôn có bóng dáng của người nào đó. Sơn cho rằng, người này đang theo dõi mọi động tĩnh của vợ chồng ông Bảo. Thỉnh thoảng, người này lộ diện trong vai người đi hỏi mua đất để tiếp xúc với vợ chồng ông Bảo. Ngay trong ngày đoàn kiểm tra xuất hiện, ông B. đã gọi điện cho ông Bảo, hỏi: “Anh về chưa, anh có ở nhà không”.
Dù được Sơn cảnh báo “ông B. bỏ trốn, biệt tích rồi, tìm không ra đâu”, chúng tôi vẫn đến thôn Nhân Cơ, xã Đắk Wer tìm ông B. Mẹ ông, người phụ nữ khắc khổ nói về con mình với vẻ ngao ngán: “Một tháng ba mươi ngày, nó về nhà chắc được vài ngày rồi đi. Mà tôi thì chẳng bao giờ biết nó đi đâu, sống ở đâu”.
Theo Sơn, ông B. là người sống lang bạt, công việc bấp bênh. Điều đáng nói, những ngày sau cuộc trở về từ Buôn Ma Thuột, cùng với lời dặn dò Sơn gọi điện cho ông nếu công an làm việc, ông B. còn “tung tin” mình bị u não, người rất mệt mỏi.
Sơn tin mọi đầu mối của câu chuyện “cà phê trộn pin” nằm ở ông B. vì ông này là người duy nhất biết trước cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng cùng cái tên bí ẩn Tính hay Tín mà ông B. khẳng định là “ông bác làm công an, sắp về hưu”. Thế nhưng, khi chúng tôi đến nhà ông B., hỏi về ông bác “làm lớn” ở Buôn Ma Thuột, mẹ B. khẳng định: “Làm gì có quen ai bên đó”.
***
Qua lời kể của Sơn, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm bất thường trong vụ án “cà phê pin” chấn động vừa qua. Phải chăng ông B. nắm rõ cuộc đột kích bất ngờ của công an như lời kể của Sơn? Để làm rõ những bí ẩn quanh vụ án này, phóng viên đã lần theo đường đi của hỗn hợp lạ được cho là của bà Loan, ông Bảo sản xuất.