Phóng viên: Cơ duyên nào khiến 2 anh tương ngộ với tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên?
Phạm Quốc Đạt: Chúng tôi bắt đầu sưu tập những bức tranh của các họa sĩ Pháp ở Đông Dương. Rồi tình cờ xem được tranh cụ Duyên ở một phòng triển lãm nhỏ. Đồng cảm đầu tiên của chúng tôi là nỗi nhớ quê hương. Dù sống và sáng tác tại Pháp, sau đó là Thụy Sĩ nhưng hình ảnh Việt Nam vẫn neo lại trong tranh cụ. Chúng tôi cảm được nỗi nhớ da diết đó trong tranh cụ Duyên và mong đưa tranh ông hồi hương.
Lê Quang Vinh: Khi cùng nhau trải qua nhiều chuyện, chúng tôi nhận ra, mọi thứ rồi sẽ tan biến, chỉ tri thức ở lại. Vì thế, hơn 10 năm trước, chúng tôi ấp ủ làm một dự án chung, có thể đi suốt chặng đường dài. Ở nước ngoài quá lâu, những mảng ký ức về Việt Nam dần phai nhạt, vì thế chúng tôi thường chọn mua những bức tranh có chủ đề Việt Nam. Trước hết, nó gắn liền với căn tính của mình, tiếp theo là những câu chuyện cụ thể, gắn liền với cái đẹp.
Một may mắn khác, có lẽ là đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi đam mê nữa chứ?
Phạm Quốc Đạt: Thật ra chật vật là có. Chúng tôi chỉ đủ ăn và ưu tiên cho những điều quan trọng khác. Chúng tôi chẳng sở hữu xe ô tô, không mặc quần áo hàng hiệu hay trang sức đắt tiền… Thậm chí, đôi khi còn mang giày rách. Lúc quyết định mua toàn bộ tranh cụ Duyên, chúng tôi phải bán căn nhà đã tích góp trước đó ở Việt Nam nhưng tôi cho đó là điều đáng giá.
May mắn là chúng tôi tìm hiểu và thấy được khoảng thiếu của mỹ thuật Việt Nam. Lúc mới mua tranh của các cụ ở trường Đông Dương, giá chỉ từ 1.000 - 2.000 euro, chứ nếu giá vài trăm ngàn euro như hiện tại thì chúng tôi không thể mua nổi. Khi đã chọn sưu tập vì di sản thì mua tranh thôi là chưa đủ. Phải tìm hiểu, viết giới thiệu về tranh để mọi người biết thêm về họa sĩ. Trách nhiệm của nhà sưu tập là phải xây dựng nên giá trị cho bộ sưu tập (BST).
Chúng tôi muốn trở thành nhà sưu tập có trách nhiệm, vừa bảo tồn văn hóa, vừa là nhà đầu tư. Người Việt đang giàu lên rất nhanh. Khi đã mua nhà, xe, bất động sản… người ta sẽ quan tâm đến những thứ tạo nên sự khác biệt. Cái khác ấy đến từ hiểu biết văn hóa, bảo vệ di sản quê hương. Đó là quy luật đã diễn ra ở các nước trên thế giới. Vòng quay đấy ở Việt Nam đang tịnh tiến, thị trường nghệ thuật Việt Nam bùng nổ từ 2018-2022. Chúng tôi may mắn đón đúng điểm rơi.
Anh có đề cập đến “nhà sưu tập có trách nhiệm”, nên hiểu thế nào về cụm từ này?
Phạm Quốc Đạt: Một phần trách nhiệm của nhà sưu tập là tìm ra những cái mới, định hướng nó để BST có bản sắc. Giá trị chúng tôi nhận được từ BST rất nhiều. Chúng tôi hy vọng tương lai sẽ có thêm nhiều dự án để chia sẻ đến cộng đồng.
Hiện chúng tôi đã chuyển toàn bộ tranh của cụ Duyên về Việt Nam. Định hướng của chúng tôi là trở thành nhà sưu tập có trách nhiệm với tư duy lan tỏa, không phải chỉ để sở hữu.
Hai anh thấy tranh sơn mài có sự chuyển biến nào so với thế hệ trước? Nếu sưu tập tranh đương đại, đâu là tiêu chí để 2 anh lựa chọn?
Phạm Quốc Đạt: Chúng tôi không hiểu nhiều về hội họa đương đại. Tuy nhiên có thể thấy 2 xu hướng rõ nét. Một là tranh trang trí, màu sắc sặc sỡ vẽ bằng sơn Nhật, quá trình sáng tác nhanh hơn. Bên cạnh đó, cũng có những họa sĩ theo đuổi thử thách mới với sơn mài, mở rộng biên độ sáng tạo. Tôi nghĩ thời đại nào cũng tồn tại 2 xu hướng như thế.
Lê Quang Vinh: Tôi nghĩ còn phụ thuộc vào sở thích, độ tuổi và độ cảm về tranh. Khi bạn xem tranh, hiểu lịch sử, câu chuyện phía sau nó, bạn sẽ hình thành nên mỹ cảm. Những bức sặc sỡ thường dễ tiếp cận người trẻ hoặc người mới sưu tập hơn. Còn những người đã ở độ chín, bắt đầu chiêm nghiệm cuộc sống thường chọn những bức giản lược và có chiều sâu. Nếu nhìn một bức tranh đến lần thứ 7, thứ 8 mà vẫn không thấy ý nghĩa gì hoặc quá trình chuyển biến trong tư duy của họa sĩ, chúng tôi sẽ không chọn.
Người Việt không có thói quen xem tranh hay đi bảo tàng để thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Hai anh đã rèn tư duy thẩm mỹ theo cách nào?
Lê Quang Vinh: Tôi thích hội họa, thời trang và nội thất từ bé. Nhưng điều tôi quan tâm là câu chuyện phía sau nó. Sau này, ra nước ngoài, mỗi lần căng thẳng, tôi thường đi bảo tàng hay gallery xem tranh. Bạn cứ đến xem và mở lòng, cái đẹp được thẩm thấu tự nhiên. Lâu dần, tôi tiếp cận thêm kiến thức qua việc đọc các câu chuyện đằng sau.
Tôi xem tranh và chuyển hóa được bản thân. Có những bức tranh gọi tên được cảm xúc của mình. Cũng có những bức tranh như tấm gương phản chiếu chính mình. Đặc biệt là tranh cụ Duyên. Tôi ít nhiều nhìn thấy mình trong đó. Suốt những năm tháng dài nơi đất khách, cụ Duyên đã gởi gắm mong nhớ quê hương trong từng đường cọ, vệt màu. Chính điều này thôi thúc chúng tôi đưa tranh cụ hồi hương.
Phạm Quốc Đạt: Tôi không biết nó đến từ đâu. Thuở bé, tôi từng ước mơ trở thành nghệ sĩ, mùa hè đi học vẽ ở nhà văn hóa huyện. Có lẽ bản thân là LGBT nên tôi nhạy cảm và yêu cái đẹp. Nhưng sau này vỡ giọng thì giấc mơ ấy… tan vỡ. Việc muốn sưu tập một cái gì đấy và cảm nhận được vẻ đẹp của màu sắc còn đến từ việc sưu tập tem lúc bé. Tôi sưu tập khá hệ thống, đi triển lãm được giải nhì quốc gia, thậm chí còn gửi đi thi ở Thái. Cũng như Vinh, tôi tiếp cận nhiều tranh thì cái đẹp thẩm thấu dần.
Với một nhà sưu tập, làm sao giữ được say mê mà vẫn giữ được tỉnh táo khi “xuống tiền”?
Phạm Quốc Đạt: Một collector sưu tập 10 bức tranh treo trong nhà khác với người sưu tập xây dựng di sản, bảo tàng hoặc kể một câu chuyện xuyên suốt về lịch sử hội họa. Nếu đã xác định xây dựng bộ sưu tập với tính chất giáo dục, lưu lại những giá trị lịch sử mỹ thuật, cái tôi cần bỏ bớt. Chẳng hạn, trong bộ sưu tập của chúng tôi, có những bức tranh mua chỉ từ 50 - 60 euro, nhưng nhờ đó mới tạo nên câu chuyện tổng thể, hoàn chỉnh.
Sưu tập theo định hướng này chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt là quá trình đưa tranh hồi hương, chúng tôi gặp muôn vàn thử thách. Câu hỏi thường đặt ra là: “Mệt quá hay mình bán hết đi, chỉ giữ lại 10 bức nổi bật nhất?”. Nếu sưu tập với tâm thế đó, hãy mua những gì mình thích. Đừng nghĩ nhiều về tiền nong, lời lãi. Còn nếu sưu tập với tâm thế nhà đầu tư, bạn phải hiểu rõ xu thế của thị trường, tác giả, nguồn lực tranh, được giới mỹ thuật và nhà sưu tập nhận định ra sao. Nhưng đầu tư là “canh bạc”, đừng đặt tất cả kỳ vọng vào đó.
Cảm ơn 2 anh đã chia sẻ!