“Vậy con đánh điện về chỗ nhà máy Nghĩa Thành Sóc Trăng kêu ảnh lên rước bà về nghen?”. Chuyện đang buồn quá, tôi mới bật ra câu hỏi như một cách dỗ dành. Bà Hương thoáng khựng lại, rồi nhoẻn miệng cười, hỏi: “Biết hả? Cô rành Mỹ Xuyên chỗ tui hen?”. Tôi gật. Bà móm mém: “Chỗ tui nổi tiếng nhứt là tôm khô với bánh pía ngon nhứt nhứt luôn đó! Hồi xưa thì không gì, chớ giờ dân thành phố xuống dưới du lịch nhóc à nghen!”. 
Cái “chỗ tui” được tự hào nhắc đến đó, cách cây cầu chữ Y của Sài Gòn - chỗ bà đang ngồi gần 200 cây số.


NHỮNG CÂY CẦU VÔ GIA CƯ

72 năm trời, bà Hương chỉ quẩn quanh ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Vậy mà, cái buổi chiều nhất quyết ra đi, bà chỉ lẳng lặng xếp một cái mền, một cái gối nhỏ, mấy bộ đồ, mang theo Mỹ Xuyên trong chừng đó món đồ thân thuộc. 

Đêm đó, đứa con trai duy nhất không hề biết chuyện, vẫn hồn nhiên “gây sự”, hạch hỏi đủ chuyện. 

Bà nói: “Nó nghe lời vợ. Con dâu tui người Miên, ở nhà với tui cả ngày mà không nói được mấy câu vì nó không rành tiếng Việt. Vậy chớ hễ thằng nhỏ đi làm về là mọi chuyện đâu đâu trong ngày nó cũng kể được, nhiều chuyện mình hổng ngờ. Thằng con cứ nghe vậy mà trút hết lên mẹ". 

"Tui khóc suốt từ ngày nhà có dâu. Mà người thân tui chỉ có bấy nhiêu. Mẹ tui có mình tui, bả mất rồi. Hồi tui có bầu thì chồng tui cũng mất. Giờ chẳng còn ai nữa. Bữa đó, bà Bảy nghe tui than miết rồi cũng chịu dắt tui đi. Bả dặn gì tui làm nấy. 72 năm ở riết Sóc Trăng, vậy mà chỉ sau một đêm là tui tới Sài Gòn. Lên tới đây tui cũng không gặp lại bà Bảy nữa”. 

Đêm đó chính là cái đêm cuối cùng của tháng 5/2019, cách đây gần tròn một tháng. Bà Bảy là hàng xóm “rành Sài Gòn” của bà Hương, vì hay lên lấy hàng ở khu Chợ Lớn. Cái buổi tinh mơ tạm biệt người hàng xóm 72 tuổi ở bến xe miền Tây đó, chẳng biết, bà Bảy có hay mình vừa mang đến Sài Gòn một người vô gia cư?

Lúc này, Sài Gòn như vừa bừng dậy sau cơn mưa chiều. Vỉa hè hai bên cầu chữ Y vẫn chưa khô hẳn. Cái nhớp nháp dưới chân được đắp đổi bằng những tràn gió lồng lộng trên đầu. 

Đến tối, người phụ nữ 39 tuổi này lại lên cầu ông Lãnh để nhận lấy vài phần cơm cho cả gia đình

Làn xe cộ bên trên và dòng nước dưới chân cầu phủ quanh chỗ này một vẻ lung linh. Người đàn bà bán vé số vẫn ngồi đây hằng đêm giờ lại vắng mặt vì “về quê có việc nhà”. 

Những người xin ăn khác chắc vì mắc mưa nên chưa tới kịp. Vỉa hè khá thưa người.

Chỗ này không phải là “nhà” của bà Hương. Buổi tối, tầm 7g bà đến đây đợi những người Sài Gòn hảo tâm ngang qua cho hộp cơm, cái bánh ăn tối. Đến chừng 11g đêm thì bà về. 

“Nhà” bà là một cái sạp bán trầu cau ở chợ Cầu Muối. Hồi đầu tháng Sáu, chủ sạp thấy bà vất vưởng ngủ ngoài đường mới mời bà vô sạp. Mỗi đêm, hễ chợ vãn, chủ sạp dọn sạch hàng hóa, thì cái sạp thành “nhà” bà. 

Ban ngày, bà lang thang nhặt ve chai đem bán kiếm tiền sống qua ngày. Với kinh nghiệm của những người vô gia cư truyền lại, chi phí sống của bà ở Sài Gòn “chỉ bằng một chút so với dưới quê”. 

Buổi sáng, nếu không còn chút quà bánh gì được phát từ đêm hôm trước, bà sẽ nhịn. Buổi trưa bà cuốc bộ đến “quán cơm hai ngàn” trên đường Cống Quỳnh ăn trưa. Cả ngày, chi phí lớn nhất của bà là tiền tắm rửa ở nhà vệ sinh công cộng, 5.000 đồng một lượt. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ quá sức chi xài của một cụ bà, khi giá bán 1kg ve chai cho lái chỉ có 3.000 đồng.

Tôi cứ thấp thỏm vì sợ sự có mặt của mình sẽ làm những người đi phát từ thiện bỏ qua chỗ này, khiến bà Hương vuột mất phần quà. Nhưng mỗi lần định đứng lên đi, bà cụ lại níu tay tôi, hỏi: “Cô không bận gì thì ngồi đại đây nói chuyện chơi”. Hễ níu được tôi ngồi lại, cụ bà lại thừ người, dựa vào thành cầu: “Buồn quá cô à!”. 

Cuộc sống buồn đó tưởng đã bỏ lại ở Sóc Trăng. Nhưng hễ cứ bước chân lên cầu chữ Y, ngồi nghỉ ngơi và đợi những người chưa từng quen mặt đến tặng cho một bữa ăn tối, bà lại nhớ đến. 

Chiếc ghế bố xộc xệch nâng lấy một trong hàng trăm giấc ngủ ngoài đường phố Sài Gòn

Ở đầu cầu dẫn xuống đường Nguyễn Biểu, một đôi trẻ chừng như là một cặp vợ chồng đang dừng lại cho một cụ ông đã ngồi sẵn đó từ sớm. Tôi chào tạm biệt bà Hương. Lúc đã đi đủ xa mà ngoái lại nhìn, tôi chợt yên dạ khi thấy hai vị khách xa lạ nọ đang ghé lại chỗ bà. Vậy là tối nay bà có thêm quà.

Đến 21g, tôi đi ngang cầu ông Lãnh. Chị Dung và đứa con gái tầm 8 tuổi đã ngồi sẵn đó. Hai mẹ con nhìn tươm tất đúng như những gì mà cư dân mạng vẫn chỉ nhau về “dấu hiệu nhận biết những người vô-gia-cư-giả”. 

Quả thực, chị Dung có nhà. Đó là căn nhà thuê ở sát mé sông thuộc quận 7, chỉ vừa đủ trải một chiếc chiếu cho 5 người gồm mẹ già, và bốn mẹ con chị nằm ngủ. Sức lao động của một người phụ nữ 39 tuổi, sinh đứa con thứ ba chưa được bao lâu chỉ đủ đổi lấy tiền trọ và hai bữa cơm cho 5 miệng ăn. 

Ban ngày chị đi bưng hủ tíu thuê. Tối, chị lãnh vài chục vé số bán tới 7g30 rồi ngồi luôn ở cầu ông Lãnh đặng xin ít phần cơm, và có khi là vài hộp sữa cho mẹ già và 3 đứa con dại. Lần đầu gặp, tôi hỏi chồng chị đâu. Chị quay sang hướng không có đứa con gái, nói nhẹ: “Ảnh có bồ, theo người ta luôn rồi”.

NHỮNG HẸN HÒ DỄ THƯƠNG

Lúc này, tôi không còn phân biệt được những cây cầu vốn rất khác nhau vì mải bị hút mắt vào những dáng người vạ vật ở hai bên vỉa hè. Từ cầu chữ Y, cầu Calmette, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ, và vô số góc ngã ba, ngã tư, những vỉa hè có mái hiên mà chủ cửa hàng nào đó đã cố tình không cuốn lại khi đóng cửa - tất cả đều có bóng dáng người vô gia cư. 

Những người ngồi trên cầu thường vẫn thức đợi quà. Còn dưới những góc đường là trăm kiểu nghỉ ngơi của những người lao động không nhà cửa. Giấc ngủ sang trọng nhất oằn mình trên chiếc ghế bố xộc xệch. 

“Đêm, về cái góc hiên lạnh lẽo ở bến đò Long Kiển, họ thấy ông đang ở đó. Tấm áo mưa, chiếc xe đạp và mớ đồ đạc lỉnh kỉnh trong “mái nhà” nhỏ xíu vẫn nguyên vẹn như 20 năm qua. Ông nằm đó như chưa từng có một cuộc “đổi đời” nào.”

 

Chiếc xe máy hay xe đạp đều có thể được cải tạo thành một “buồng ngủ”, chứa trong nó một giấc đêm “cơ động” nhất Sài Gòn. 

Còn hầu hết những giấc ngủ đường phố đều co ro trong một góc hiên, đắp lên một mảnh áo mưa, hay một tấm vải dù bạc thếch.

Chiếc xe đạp dựng dưới lề đường, tựa vào cánh cửa cuốn, tạo với bậc thềm một khoảng trống vừa đủ an toàn, kín đáo trước hiên một cửa hàng trên đường Ba Tháng Hai. 

Trong khoảng trống đó, một cụ già co ro nằm ngủ. Ông cụ nhìn gầy nhom trong nước da sạm. Mớ đồ trên xe cùng cả chiếc xe đạp trơ khung nhìn cũng cũ kỹ như cạn kiệt sức sống. Tôi còn đang tần ngần đứng nhìn, thì một nhóm người khác cũng dừng xe máy, tiến lại chỗ ông. 

Sư cô duy nhất trong nhóm nhẹ nhàng đánh thức ông cụ dậy. Họ có quen nhau. Sư cô hỏi: “Con mèo của ông đâu rồi?”. Ông cụ lồm cồm bò dậy. Chẳng gợn một chút ngái ngủ, ông vui vẻ thò tay vào một cái túi treo trên cổ xe, lấy ra… một con mèo trắng muốt, thả nó vào giỏ xe như một màn trình diễn với sư cô. Sư cô cùng nhóm bạn trẻ bật cười, tấm tắc khen ông “khéo nuôi mèo” trước khi ông cụ trả con mèo vào lại chỗ ngủ của nó. 

Nhóm người này gửi lại vào chiếc giỏ xe một bịch quà gồm bánh mì ngọt, khăn mặt, bàn chải, xà bông, rồi nói vui: “Con ghé lại thăm ông với em mèo tí thôi. Gặp được hai ông cháu rồi thì con xin phép đi tiếp”. Lúc này, ông cụ mới lên tiếng, giọng hồ hởi: “Mốt hẹn nữa nghen!”.

Ông cụ “dám” hẹn mai mốt, vì ông đã quen với sự có mặt mỗi tháng vài lần của nhóm từ thiện này. Người vừa hỏi thăm con mèo và gửi lại gói quà ban nãy là sư cô Chúc Từ của chùa Bồ Đề, quận 4. 

Những bạn trẻ đi cùng đều là phật tử. Làm nghề lượm túi ni-lông, ngày ngồi trên xe đạp, đêm ngủ dưới “hàng rào” cũng là chiếc xe đạp, ông chỉ có con mèo hoang làm bạn và “những cái hẹn” bất chợt vào buổi đêm, kiểu vậy. Lần nào cũng chỉ hẹn vu vơ.

 

“Mái ấm” gần bến đò Long Kiển là nơi cụ ông kiên quyết chọn để sống những ngày cuối đời, bất chấp cơ hội được vào viện dưỡng lão

Nhưng đêm nào cũng có người “đúng hẹn”. Nếu mệt quá mà ngả giấc, sáng dậy, ông đã thấy một túi quà kín đáo đặt sẵn đó, đủ để biết có người bạn vô danh nào đó đã ghé lại đêm qua.

Đêm về ngang cầu Chánh Hưng, thấy một cụ bà vẫn ngồi một mình giữa cầu. Theo kinh nghiệm được lưu truyền trong “giới những chuyên gia từ thiện”, tôi biết, bà chỉ ngồi tạm thời để đợi quà chứ không phải người ăn ngủ trên cầu. Lúc đó tầm 23g, đã qua giờ quà cáp thông thường. 

Tôi ghé lại, nói như… người trong cuộc: “Bà ơi bà có quà chưa? Nhà bà ở đâu mà giờ này bà chưa về?”. Bà cụ thủng thẳng nói: “Tui ở nhà trọ 25 ngàn dưới này nè cô. Tui ngồi chờ thêm xíu nữa”. Tôi sốt sắng: “Khuya rồi, chủ trọ đóng cửa mất. Con bắt xe ôm cho bà về nghen!”. 

Dường như lúc này bà cụ mới thực sự chú ý đến tôi. Bà nhoẻn miệng cười, đưa cho tôi xem bàn chân sưng húp, nói giọng ngượng nghịu: “Tui bị xe đụng, bong gân. Hôm qua có chú kia nói nay sẽ ghé cho tui tuýp thuốc bóp chân. Hổm chú đi làm công nhân về cũng tầm giờ này, tui ngồi chờ thêm chút nữa thôi…”. 

Tôi nhìn quanh. Giờ này cũng không còn tiệm thuốc nào mở cửa để tôi có cơ hội mua một tuýp thuốc, đổi lấy cái chờ đợi khuya khoắt của bà. Mà làm sao đổi được? 

Những trao tặng thoáng chốc, không lời, không hẹn trước của người Sài Gòn còn đủ “uy tín” để khiến hàng trăm người lên cầu hằng đêm đợi nhận quà suốt bao năm. Nói gì đến một lời hẹn đích danh như thế?

CHỌN NƠI ĐỂ... CHẾT

Lúc tôi nói sẽ đánh điện về chỗ nhà máy Nghĩa Thành, Sóc Trăng - nơi con trai bà Hương đang ở, để anh biết tin mà lên đón mẹ về, bà Hương chỉ mải nói về Mỹ Xuyên quê bà, chẳng mảy may nhắc chuyện đón rước. 

Sư cô Chúc Từ ghé thăm người đàn ông và con mèo vô gia cư

Đến lúc tôi dỗ: “Bà đi biền biệt, con cái không biết tin, tội lắm. Giờ ảnh có hối hận cũng đâu biết tìm bà ở đâu? Hay bà thử về một lần, con nhờ người đưa bà về?”. Bà cụ lắc đầu, nhìn đâu xa lắc: “Không về, ở đây chừng nào chết thì thôi…”. 

Tôi không dừng lại: “Bà có nhà thì phải chết ở nhà chứ”. Bà Hương cúi đầu, tránh nhìn tôi, nói như dỗi: “Nhà mà toàn dằn hắt, gây chuyện, chửi bới thì về làm gì? Tui ở đây không người thân nhưng còn có người lo cho miếng ăn”. 

Bà đặt tay lên túi vải để sát người: “Hộp cơm này dư, tui đem về cho nhỏ lụm ve chai ngủ trong chợ Cầu Muối với tui. Bữa nào nó có đồ ăn dư, nó cũng cho tui. Sống vậy mà có tình. Chết vậy cũng không tới nỗi…”.

Tưởng “vô gia cư” đã là cảnh ngộ khiến người ta sống vô định, không màng ngày mai. Nhưng khi chuyện trò thật sâu với những con người vẫn đang không ngừng vui - buồn từng khoảnh khắc sống này, mới thấy, cuộc sống vạ vật ở Sài Gòn không hề lấy đi của họ những dự định sinh tử của đời người.

Người sống ở phía Nam Sài Gòn chắc chẳng lạ với ông cụ vẫn ngồi bơm xe dưới chân cầu Kênh Tẻ, phía quận 4. Suốt 20 năm nay, mỗi ngày ông vẫn ra đó ngồi bơm xe bằng cái bơm tay, rồi đêm lại ngả giấc trước một tiệm tạp hóa gần bến đò Long Kiển. 

Cuộc sống đường phố càng lúc càng quá sức với một cụ ông đã sức cùng lực kiệt. Sợ ông không trụ nổi, nhóm từ thiện của sư cô Chúc Từ đã đứng ra kết nối và đưa ông vào một viện dưỡng lão ở Bình Dương để an hưởng tuổi già. Nhưng vừa đưa ông lên được một ngày, sư cô Chúc Từ đã nhận được điện thoại của viện dưỡng lão, báo ông “mất tích”. 

Nhóm tình nguyện viên nháo nhào đi tìm. Đêm, về cái góc hiên lạnh lẽo ở bến đò Long Kiển, họ thấy ông đang ở đó. Tấm áo mưa, chiếc xe đạp và mớ đồ đạc lỉnh kỉnh trong “mái nhà” nhỏ xíu vẫn nguyên vẹn như 20 năm qua. 

Ông nằm đó như chưa từng có một cuộc “đổi đời” nào. Hỏi ông sao trốn viện, ông nói: “Tui không đi được đâu. Tui ở đây quen rồi, tui không rời chỗ này được. Nhớ lắm. Có chết tui cũng phải chết ở đây. Sao mà đi chết… lung tung được?”.

Những người làm từ thiện lặng đi. “Vô gia cư” đâu phải là vô định? Mái nhà bình thường có thể họ không có, hoặc đã buộc lòng tự bỏ. Nhưng trong cuộc lây lất bụi bờ, đường sá đó, đã có những nơi, những mối ân tình mà họ chọn để neo lại. Mái nhà lúc này đã trở nên trừu tượng, nhưng cũng quý giá, máu thịt đâu khác chi nhà cửa hữu hình. 

 

Minh Trâm

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: