1.

Một dịp chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tôi mong tìm gặp những chứng nhân lịch sử của Thành đoàn TPHCM. May mắn thay, tôi được ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) đồng ý hẹn gặp. 

Ông là Bí thư Thành đoàn ở cả thời kỳ chiến tranh lẫn sau ngày đất nước thống nhất (từ cuối năm 1972 đến năm 1977). Ông cũng từng đảm trách các chức vụ Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM…

Cuộc trò chuyện, như ông nói, đã đưa ông về với những tháng ngày thanh xuân sôi nổi, lật giở lại bao ký ức không thể nào quên.

Với ông, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời thanh xuân là vào đầu năm 1975, Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành đoàn TPHCM) được Thành ủy chỉ thị chuẩn bị tham gia nổi dậy khởi nghĩa ở nội thành. Theo đó, Thành đoàn phải tổ chức lực lượng bám sát các khu xóm lao động để khi thời cơ đến, sẽ phát động khởi nghĩa ở 5 khu vực trọng yếu, gồm Bàn Cờ - Vườn Chuối, Đa Kao - Cầu Bông, Cầu Kiệu - Phú Nhuận, Khánh Hội - Xóm Chiếu, và Phú Tân Sơn - Bà Quẹo. 

Ông kể: “Riêng tôi, Thành ủy điều động về quận 11, là mũi tiến công và nổi dậy ngay trước mặt Bộ Chỉ huy tiền phương Nam, do đồng chí Võ Văn Kiệt lãnh đạo. Ngày 30/4/1975, nhiều cuộc tấn công và nổi dậy giành chính quyền đã diễn ra và kết thúc thắng lợi. Cùng thời gian này, 5 cánh quân của Thành đoàn cũng nổi dậy, giành quyền làm chủ các xóm lao động, khu phố, phối hợp với các đơn vị giành chính quyền cơ sở trên khắp thành phố, làm tan rã ngụy quyền. Khi nghe Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh ra lệnh “án binh bất động”, tôi đã cùng đồng đội nhanh chóng hành quân để chiếm lĩnh trụ sở quận 11 của chính quyền Sài Gòn. Giành lấy chính quyền xong, chúng tôi lập tức mở kho quân nhu của địch, phát gạo cho dân. Thành đoàn lúc đấy đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ khi góp phần giải phóng thành phố, thống nhất đất nước”.

Ông cũng nhớ lại, trong những ngày đầu tiên thống nhất đất nước, Thành đoàn đã huy động thanh niên, học sinh, sinh viên cùng phối hợp xuống đường điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, quét rác, xóa những tàn tích nô lệ, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, hát cho đồng bào nghe, khôi phục các nhà xưởng, nhà máy, giữ cho thành phố không bị mất điện, mất nước sạch... 

Ông chính là người vinh dự được nhận cờ từ đồng chí Võ Văn Kiệt - lúc ấy là Bí thư Thành ủy - trong lễ xuất quân của lực lượng thanh niên xung phong TPHCM ở sân vận động Thống Nhất vào ngày 28/3/1976. Đó cũng là lúc mà phong trào làm công tác xã hội bắt đầu phát triển. “Tôi nhớ hoài và ấn tượng mãi vì hôm đó có hàng vạn thanh niên tình nguyện đến những nơi gian khổ để khai hoang, phục hóa, hăng hái tham gia xây dựng thành phố và các khu kinh tế ở khắp các tỉnh, thành khác” - ông Phạm Chánh Trực hoài niệm.

2.

Vào năm 2021, có chuỗi thời gian khá dài, người dân TPHCM phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19, hàng trăm chợ truyền thống và đầu mối phải đóng cửa. Khi đó, một trong những nơi góp phần quan trọng trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân là hệ thống siêu thị Co.opmart. Người “khai sinh” hệ thống siêu thị nổi tiếng này chính là bà Chín Ngân (bí danh của bà Nguyễn Thị Nghĩa khi hoạt động ở Sài Gòn thời chống Mỹ).

Ngồi cùng tôi, bà hồi tưởng về cột mốc trình làng Co.opmart Cống Quỳnh, siêu thị hợp tác xã (HTX) đầu tiên trên cả nước. Bà kể, 27 năm trước, TPHCM chỉ còn khoảng 100 HTX dù trước đó có hơn 300 đơn vị. Bà nói, tim bà như quặn thắt khi các HTX phải giải thể, vơi dần theo năm tháng. Chính bà là người bôn ba khắp nẻo để tìm cách liên hiệp các HTX còn lại với nhau, tạo nên Liên hiệp HTX mua bán TPHCM. 

Bà đã cùng các cộng sự nghiên cứu thị trường, nhu cầu và tâm lý của người dân… Đến ngày 9/2/1996, sau những nỗ lực vượt qua nhiều thử thách, khó khăn về vốn, nhân lực, bà cho ra đời siêu thị Saigon Co.op. “Đó là cái ngày thật sự đáng nhớ với người dân TPHCM thời bấy giờ, khi họ được thụ hưởng một loại hình mua bán tuy lạ lẫm nhưng văn minh, nhất là tập trung vào phân khúc bình dân, bán hàng Việt Nam, giá cả vừa phải. Có thể nói, Saigon Co.op đã phần nào thay đổi bộ mặt đời sống của người dân TPHCM” - bà nhớ lại. 

Dần dà, từ siêu thị đầu tiên ấy, Saigon Co.op đã phát triển thành chuỗi siêu thị lớn mạnh, lan tỏa đến nhiều vùng đất mới khắp mọi miền đất nước, trở thành nơi mua sắm uy tín, đáng tin cậy của người dân, kinh doanh theo kiểu “siêu thị rất Việt, bán cho người Việt” và là một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam.

Năm 2008, bà nghỉ hưu và chuyển sang làm cố vấn cho Saigon Co.op. Dẫu sức khỏe bà hiện giờ đã yếu, nhưng người phụ nữ từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới này vẫn “khỏe re” khi nhắc về Saigon Co.op. Với bà, Saigon Co.op là một niềm tự hào, niềm kiêu hãnh trong cuộc đời.

3.

Câu chuyện với bà Chín Ngân được tiếp nối sau cuộc trò chuyện giữa tôi với ông Năm Nghị. Khi nghe lại một thời thanh xuân sôi nổi của chồng mình, bà cũng muốn nhắc nhớ về kỷ niệm của những tháng ngày xưa cũ còn vẹn nguyên trong tâm khảm.

Mùa xuân Mậu Thân 1968, ông gặp bà rồi yêu. Ngày sắp cưới nhau, ông bị bắt. Sau đó, ông vượt ngục để chuẩn bị lo đám cưới thì tới lượt bà bị bắt. Mãi đến năm 1973, ông và bà mới nên duyên chồng vợ.

Giờ đây, ông và bà đã an dưỡng tuổi già. Bà bị bệnh và hằng ngày, ông tự tay sắc thuốc cho bà uống. Ông bảo muốn tự tay làm, dù ở nhà vẫn có những người phụ việc, bởi tình yêu của ông dành cho bà luôn đong đầy theo năm tháng.

4.

Tôi đặt tên ngày diện kiến và được chuyện trò với ông bà là “cuộc gặp may mắn”. Nhờ “cuộc gặp may mắn” ấy, tôi nghe, biết, hiểu, mường tượng và nhận ra, để có được sự phát triển như ngày hôm nay, thành phố này đã trải qua những tháng ngày chiến tranh trần ai khổ ải. Và rồi bất giác trong lòng tôi dấy lên sự tự hào, thêm yêu thành phố. 

Cũng trong “cuộc gặp may mắn”, ông và bà chia sẻ nhiều tâm tư để nhắn gửi đến thế hệ trẻ. Ông Năm Nghị khuyên tôi: “Trước một thế giới đầy bất trắc, những người trẻ cần rèn đức, luyện tài và chung tay xây dựng, phát triển đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc toàn vẹn”.

Còn bà Chín Ngân thì dặn dò: “Biết bao người đã dũng cảm hy sinh, ngã xuống để cho thành phố này, đất nước này được hòa bình. Vậy nên, người trẻ hãy “uống nước nhớ nguồn” bằng cách nỗ lực để thành công, qua đó phụng sự, báo đền để thành phố và Tổ quốc ngày càng giàu đẹp”.
Tôi biết ơn, mãi khắc ghi và tự hứa sẽ làm theo 2 lời khuyên dặn ấy. 

Bài: NGUYỄN THANH NAM (quận 3, TPHCM)

- Thiết kế: QUỐC ANH

Chia sẻ bài viết: