Muốn ra đảo không dễ, không phải vì tấm giấy có chữ ký của bà chủ tịch xã, mà cái lớn hơn là bức tường sóng mà đảo dựng lên để nhấn chìm con virus kinh ác kia, bởi hãy tưởng tượng nếu nó xuất hiện chốn này, thì nguy cấp vô cùng.

“Không có tàu đâu ông ơi!”, lời một sĩ quan biên phòng cảng Cửa Đại khi tôi hỏi có đi được đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP. Hội An không. Cù Lao Chàm đi được hay không, chẳng phải vì gió lớn, mà lệnh đã ban nội bất xuất ngoại bất nhập. Muốn xuống tàu, phải có giấy của UBND xã Tân Hiệp xác nhận là người có hộ khẩu ở Cù Lao Chàm, đi vô đất liền vì công vụ hay khám chữa bệnh có giấy bác sĩ ở đảo giới thiệu.  

 

Lệnh nghiêm, cho nên sẽ có chuyện “những đứa con bị từ chối”, như anh Lê Khởi Minh, dân thôn Bãi Ông, đang đứng thẫn thờ nhìn người ta xuống tàu. Chỉ cần bước qua cái cổng không vạch sơn kia, là sau một tháng xa nhà anh sẽ gặp mẹ cha ngoài đảo, nhưng đành chôn chân, bởi vô đất liền trước khi có lệnh cấm, giờ không có giấy thông hành nên bó tay. “Lệnh thì chấp hành thôi, chỉ chờ ngày đi lại dễ dàng”, anh thở dài nói. 

Tàu chở hàng đầy nhóc. Tôi đếm được 11 người. Lịch chạy tàu ba ngày một chuyến. “Anh có phải dân đảo mô mà răng ra được?”, một ông hỏi. Ở Cù Lao Chàm, người ta rành mặt nhau, lạng quạng lạ lẫm là biết liền. Ngồi nhìn tàu băng sóng, nhớ bao lần ra đảo, thì đây là chuyến đi lạ lùng nhất. Ít người. Lặng im. Gió lùa qua cửa như hất ngược hết vào bờ những gì không thuộc về biển. Không có ca nô, tàu khách xé sóng ngược chiều. Mọi thứ như thu lại, quạnh quẽ, nhìn nhau như khước từ đến mức vô ưu… 

Cập cảng. Bộ đội biên phòng điểm tên ngay cầu tàu rồi mời vô hết nhà chờ, yêu cầu rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, kê khai lịch trình. Nhưng chưa xong đâu. “Mong bà con thông cảm - lời đại úy quân y Phạm Hồng Đình Thẩm vang lên - không ai bị sốt là vui rồi, giờ bà con về tự cách ly, nhớ đeo khẩu trang, khi có việc thật cần thiết mới ra ngoài”.

Năm phút sau, chỉ còn lại tôi, đại úy Thẩm và mấy anh dân quân. Cảnh tượng chưa từng thấy ở Cù Lao Chàm vào mùa du lịch. Hàng quán đóng cửa. Đường không bóng người. Tôi lội vào xóm, như thể ai cũng dồn ra ngồi ngay ngạch cửa, nhìn tôi như người dưới biển mọc lên đi lạc. Vắng đến mức nghĩ con cá đang giương mắt sát mép nước kia, đuổi cũng không thèm chạy mà cứ nhìn mình như hỏi ở đâu, làm chi. Anh Trần Ngọc Sinh, dân quân kể: “Từng có hai người cũng dân ở đây nhưng vô đất liền, trốn ra đảo trên tàu chở vật liệu, vì không có giấy của xã nên cho ngồi ngoài hai ụ sắt chứ không được bước lên cầu tàu, chờ đúng ba tiếng rồi buộc vô lại đất liền”. 

Chủ tịch xã Phạm Thị Mỹ Hương, nói như phân trần, rằng anh biết rồi đó, ở đây sống xúm xít, xa đất liền, trang thiết bị, lương thực, giao thông đâu có được như người ta, chỉ cần một người bị dính COVID-19 là náo loạn liền, cho nên tụi em sợ lắm, áp lực kinh khủng. Anh ra đây, không chừng họ kiện, hỏi tại răng người lạ tới được mà con tôi ở trong nớ về lại không được? Có người ở đất liền 10 năm, nhưng hộ khẩu ở đây, chừ quay về tránh dịch, cho không được, mà không cho thì lòng không yên. Ngay cả chuyện yêu cầu đeo khẩu trang, họ điện thoại nói, Hương ơi tau không thở được làm răng chừ đây, chỉ biết động viên thôi.

“Lệnh cho vô đất liền mấy ngày, ví dụ đi khám bệnh, ở đâu, họ gian dối thì sao, nói đi khám ở bệnh viện Hội An nhưng thực tế đi Sài Gòn, làm sao biết?”, tôi hỏi. “Đó chính là mối lo, tụi em chỉ biết yêu cầu khai báo trung thực, nếu không sẽ xử phạt. Em tin dân, họ ý thức cao, sợ bệnh lắm. Thôn Bãi Làng có bà Lợi bán chè, trước đó bả đi Sài Gòn khám bệnh, khi về dân báo liền. Chè bán, không ai dám ăn. Họ kỳ thị. Em vận động anh em ủy ban, ngày xuống ăn hai cữ, vừa giúp bán, vừa giải tỏa tâm lý, ăn riết, bà con thấy nên bớt sợ. Hộ nào khó khăn, xã hỗ trợ. Gay go đủ chuyện, như thành phố giao thu ngân sách năm ni là 12,5 tỷ, trong đó dịch vụ du lịch là 6,5 tỷ nhưng tụi em mới thu được 0,31%, mùa ni du lịch coi như bể rồi, bởi du lịch ở đây phụ thuộc thời tiết, đến tầm tháng Tám thì hết…”. 

Đang nói thì có bà bước tới trước mặt chị: “Cô Hương cho cái giấy tôi vô bệnh viện Thái Bình Dương (TP. Hội An), tái khám mổ sạn thận”. “Dạ, bệnh án cô đâu?”. Chị coi rồi điện thoại cho anh văn phòng ủy ban làm giấy cho bà. Tôi hình dung những thôn, phố, khu chung cư đã bị cách ly ở Sài Gòn, Hà Nội. Cù Lao Chàm không ai bị, nhưng đi đứng thế này, khác chi bị phong tỏa...

Tôi đi lên Bãi Ông, vốn là điểm tắm biển nghẹt cứng người, nay tìm chiếc dép cũng không có. Sạch bong. Cát trắng. Dừa xanh lả ngọn. Chỉ có sóng quần thảo với gió. Cạnh đó là nhà của đội khai thác yến được trưng dụng làm khu cách ly 100 giường. Im như tờ. Hơn 2.200  dân, thì đến 80% làm du lịch, dịch vụ. Từ ngày cấm khách du lịch đến nay, đã hơn một tháng, họ làm gì?

Chủ homestay Thương Em ở Bãi Làng là ông Hồ Thương cùng vợ đang đan lưới. “Không thể chờ được, biết khi mô dịch mới hết, chú chuyển qua làm biển liền, thất thu là có rồi. Nói thiệt, mỗi mùa du lịch, trừ hết, còn dư được 100 triệu. Nhưng chừ cả nước khổ chung, mình ráng đánh cá bán, ngày kiếm mấy chục ngàn, đừng ỷ lại Nhà nước”. Nhiều người như ông, không chịu bó tay thúc thủ mà trở lại ngay với nghề làm biển. 

Nắng sớm không gắt, đủ để những nhóm người tụm lại với nhau dưới hàng dừa. Chuyện của họ, chưa hết ngơ ngác, như giấc mơ mới hôm qua thôi, khách du lịch ùn ùn đến, tiền làm ra dễ như bỡn, giờ tìm con muỗi cũng không có.

Có lẽ lâu lắm rồi họ mới rảnh rỗi nói chuyện lê thê, ngó biển. Lâu lắm rồi, đàn ông, đàn bà thong thả đan lưới, mấy đứa con đi xa về ngồi cạnh mẹ cha. Lâu lắm rồi gió không bị tiếng người đủ quốc tịch chen nhau, cây bàng, cây phong ba trên đảo, cả giàn hoa giấy tím ngắt không bị xô nghiêng bởi động cơ xe máy của khách.

Lâu lắm rồi những Bãi Hương, Bãi Ông, Bãi Làng chỉ có mình với ta, không người xa lạ. 

“Nhắc thêm rầu em ơi!”, chị Trần Thị Bê nói. “Bao giờ hết dịch hả con?”, bà Trần Thị Bụi, chủ homestay Đỗ Duyên hỏi, rồi kể vay ngân hàng, còn nợ 200 triệu đồng, chừ thế này lấy đâu mà trả. “Làm mấy năm rồi, năm nào cũng bợ cục bạc bự, chất đầy ngân hàng, chừ đem ra tiêu bớt đi”, tôi trêu. Bà lắc đầu: “Làm ăn thì không được dừng lại, mình ở đảo chứ đất liền mô, kéo dài thì chết, lo chứ, nhưng cũng nói thiệt trước đây trông có khách, chừ thấy khách là sợ”. “Từ từ dịch sẽ hết, có chết mô…”, một ông đứng cạnh nói xen vào.

Có chiếc thuyền thúng áp bờ. Một cán bộ y tế đứng trên bờ la: “Mang khẩu trang vô”. Người đàn ông quăng lại một câu: “Bơi biển mà khẩu trang chi”. Bước lên, ông được phát một chiếc, rồi đến lượt vợ ông. Tại đây, xã lập một điểm phân phát khẩu trang, ai không có là phát và yêu cầu ra khỏi nhà phải mang. Vợ ông là bà Trần Thị Bưởi, nói bữa ni chắc kiếm được hai trăm ngàn, qua bữa chứ biết răng chừ… Nắng chiều xỏ cái nhìn qua mắt lưới, ánh lên, như mắt con cá đột ngột ngơ ngác không hiểu vì sao mình lại bị phơi lên khỏi mặt nước.

Có ông nói rằng, tụi tôi không ngờ có ngày ni, hồi đầu nghĩ đơn giản, nhưng coi ti vi thấy kinh quá. Tàu hàng vẫn vô ra để tiếp tế, vận chuyển hàng hóa. Cố gắng ngồi im để con virus corona không đu theo tàu ra. Cố gắng để giữ đảo sạch. Có sạch thì… túi sau này mới chật. Họ nói như thế. Tôi nghĩ thêm chút nữa, là quá lâu rồi, dân đảo mới được tĩnh lặng, để sống lại, sống thêm cái mầm có tên thanh sạch như thuở chưa nhộn nhạo tiền bạc, như tâm tình của bà Trần Thị Rân ở tổ 1, thôn Bãi Hương, rằng ông anh thuê chẻ mây để bán bên khai thác yến làm thang treo, mấy chục năm rồi mới quay lại nghề cũ, mỗi buổi chẻ được bốn bó chừng 400 sợi, cái nghề mà không phải chừ ai cũng làm được... 

Muốn ra đảo không dễ, không phải vì tấm giấy có chữ ký của bà chủ tịch xã, mà cái lớn hơn là bức tường sóng mà đảo dựng lên để nhấn chìm con virus kinh ác kia, bởi hãy tưởng tượng nếu nó xuất hiện chốn này, thì nguy cấp vô cùng. 

________________

Trung Việt

Ảnh: Trung Việt

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: