Gần 70 năm đã qua, người con nuôi của trung đoàn - “em bé Mường Pồn”

- nay đã thất thập, nhưng tình cảm quân dân và lòng biết ơn năm nào thì vẫn vẹn nguyên.

CON GÁI NUÔI CỦA TRUNG ĐOÀN

Nắng tháng Tư nhuộm vàng cánh đồng Mường Pồn (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Bà Lò Thị Phơi đang cùng người con trai út vỡ đất, nhặt cỏ để chuẩn bị trồng bắp. Ngay bìa ruộng, vỏ quả bom thời chiến tranh được xã treo lên làm kẻng. Đi ngang qua, bà Phơi dừng lại, cọ cọ vạt áo vào vỏ quả bom đã nhuốm màu thời gian.

“Thấy nó là nhớ chiến tranh. Cuộc đời tôi bước ra từ chiến tranh. Nó ở đó để cả cuộc đời tôi, con cháu tôi không quên được. Chiến tranh qua rồi, mọi khổ ải cũng qua rồi, nhưng phải nhớ để mà sống tốt” - bà Phơi rủ rỉ như đang nói với mình.

Khi đó, một đại đội quân ta đang đóng quân ở bờ suối cạn Mường Pồn thì bất ngờ bị địch pháo kích. Anh bộ đội tên Xương, người Thổ, quê ở Lạng Sơn, thuộc Trung đoàn Bế Văn Đàn lao về phía những ngôi nhà sàn bị cháy rụi thì thấy người chết nằm la liệt. Một cháu bé khoảng 3 tháng tuổi đang ôm xác mẹ bên vũng máu khô. Cháu bé cũng bị thương khắp người. Anh ôm cháu bé đưa về trung đoàn và cùng đồng đội đặt tên cháu là “Phơi”, nghĩa là thứ nhặt được trong tiếng Thái.

Phơi được các anh bộ đội cứu chữa, chăm sóc, rồi theo chân các anh trong những chặng hành quân. Và trong những tháng năm đó, người lính cầm cọ là cố đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm - nguyên Giám đốc xưởng Mỹ thuật Quân đội, Tổng cục Chính trị - đã phác họa những nét hồn nhiên thơ bé của noọng (em) Phơi. Đến khi bộ đội ta phải dốc toàn lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đoàn đã gửi Phơi cho đôi vợ chồng hiếm muộn ở Mường Pồn. Bà Phơi nhớ lại: “Cha Pâng thích con gái lắm, mẹ Hưa thì không muốn. Nhưng các anh giao nhiệm vụ nên về sau mẹ Hưa cũng thương”.

Sinh thời, cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã cho chúng tôi xem nhật ký chiến trường của ông. Đọc những dòng ông viết về noọng Phơi mới thấy ông luôn nặng lòng với người con nuôi của Trung đoàn Bế Văn Đàn: “Lúc mới được cứu sống, tình trạng của em rất thương tâm. Phơi khóc suốt 7 ngày 7 đêm liền, có lẽ vì thế mà một ổ rốn lồi ra đến 1/3 gang tay, sau này phải lấy quả trứng gà mà ấn ổ rốn lồi đó vào.

Mấy ngày đầu sau thảm họa, Phơi đi ngoài ra độc một thứ màu đỏ sậm như... máu khô. Có người bảo, có lẽ vì lúc bom đạn ập đến, ngực mẹ em toàn máu, mà em thì quá đói, tưởng máu mẹ là sữa, em đã bú máu mẹ để sống. Trên đầu em cũng đầy máu và có vết thương ung mủ ở đầu gối xước xuống cổ chân bên phải, ấn vào đó mủ chảy ra. Và cả mấy mảnh đạn cũng lồi ra…”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh bộ đội tên Xương đã dẫn đường, đưa họa sĩ Thanh Tâm trở lại và hoàn thành bức tranh “Em bé Mường Pồn”. Nhật ký của ông ghi: “Ngày 13/11/1960, ở nhà em Phơi. Hồi được đơn vị bộ đội cứu sống ở Mường Pồn, Phơi mới 2-3 tháng tuổi. Năm nay Phơi 6 tuổi. Nhí nhảnh vô cùng... Bảo noọng đứng làm mẫu vẽ, noọng thích lắm. Được một lúc mỏi chân, noọng cứ ngả vào đồng chí Xương đi cùng tôi, nhưng noọng vẫn đứng. Và suốt cả buổi chiều noọng cũng không bỏ đi chơi, chỉ quanh quẩn để cho họa sĩ vẽ. Thấy họa sĩ đánh rơi bút xuống gầm sàn là noọng chạy xuống nhặt ngay...”. Ngày chúng tôi gặp ông, ông kể: “Trước Phơi quấn tôi lắm, cứ thấy tiếng tôi là chạy lại bá vai bá cổ. Lần thứ tư gặp lại, noọng Phơi của chúng tôi đã là một bà già”.

NHẮC ĐẾN CÁC ANH LÀ KHÓC

Sau này bà Phơi xây dựng gia đình, vợ chồng bà sinh đến 7 người con. Chồng bà từng làm trưởng bản, tham gia dân quân xã. Nhưng vì những biến cố và hiểu lầm trong công tác, ông đã phải chịu án 7 năm. Đến khi về bản, ông thành con nghiện. Có dạo ông vừa nghiện ma túy, vừa như phát điên, vác dao về nhà đòi chém vợ con. Sau đó, ông ấy tự tử. Ngày đưa chồng bà vào quan tài, bà Phơi đã bỏ vào đó tất cả giấy tờ, giấy khen suốt bao năm làm cán bộ xã, làm trưởng bản của chồng như muốn tiễn biệt đoạn đời khổ ải bên ông. Mà nào đã hết, đàn con 7 đứa của bà Phơi lớn lên trong cảnh chung của cả bản - “giai nghiện ngập, gái làm cave”, ngoài đứa chết, 6 đứa còn lại đều tan tác. 4 đứa con trai thì 3 đứa nghiện, 2 cô con gái theo người ta sang Trung Quốc “làm nghề”.

Nhắc đến gia đình, bà lặng thinh là vậy, nhưng nhắc đến cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm hay Trung đoàn Bế Văn Đàn là bà Phơi rơm rớm. Nghe tôi báo tin ông Tâm đã “về với đồng đội” năm 2019, bà Phơi khóc nấc. Bà bảo, không bao giờ bà quên được ơn nghĩa của trung đoàn. Bà cũng không nhớ được tên, nhưng anh bộ đội trước khi xuất ngũ về quê đã mua quần áo mới, trở lại Mường Pồn tặng cho “con nuôi của trung đoàn” thì bà chẳng thể nào quên được.

Bà chìa cái cẳng chân lồi lõm, xanh lét: “Bị thương vì đạn pháo đây, mảnh đạn vẫn còn ở chỗ này”. Bà lại nghiêng mé thái dương bên phải, nó cũng gồ ghề: “Vẫn tại đạn pháo đấy. Không có các anh ấy, tôi đã chết từ ngày đó”. Rồi bà nhắc: “Ông Tâm ra thăm tôi 4 lần. Có lần tôi vừa đội chiếc khăn piêu lên đầu ông vừa khóc. Lần gặp cuối, ông Tâm đầu đã bạc trắng, bước chân run rẩy. Ông Tâm nắm tay tôi bảo: “Phơi ơi, có lẽ lần này là lần cuối cùng anh ra thăm Phơi đấy. Anh yếu lắm rồi, ngồi máy bay cũng thấy mệt. Anh về rồi, không biết đến bao giờ mới gặp lại được noọng Phơi” - bà Phơi lại nghẹn ngào.

Bây giờ, những đứa con nghiện ngập của bà đã xin lỗi mẹ, đi cai nghiện và tu chí làm ăn. Ngôi nhà sàn bà sống cùng vợ chồng người con út khá khang trang. Cuộc sống tuổi già của bà bận rộn với cơm nước cho con trai, con dâu đi làm, các cháu đi học, rồi con heo, con gà. Mỗi lúc chân tay ngơi việc, ngồi nghỉ trước hiên nhà là mắt của bà Phơi lại chạm vào chiếc kẻng - vỏ quả bom - ngay trước cổng. Mỗi khi nghe tiếng kẻng vang lên, bà như được nhắc lại quá khứ buồn đau, như được trở về với bao kỷ niệm, niềm vui và lòng biết ơn vô hạn.

Lường Văn Duyên - 31 tuổi, con trai út của bà trở về từ ruộng - anh chia sẻ: “Cả gia đình tôi vẫn thường hay nhắc lại chuyện mẹ mình là con nuôi của trung đoàn, nhắc đến những chuyến thăm của họa sĩ Thanh Tâm. Mỗi khi nhắc chuyện về các bác, mẹ tôi vui và rất xúc động. Có lẽ đó là những khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời bà”.

Chia sẻ bài viết: