1. Thấm thoát, một mùa xuân mới đang gần đến, xuân năm nay thật đặc biệt với nhiều cảm xúc đan xen, cùng biết bao hy vọng, lời chúc tốt đẹp cho một năm mới mọi người, mọi nhà thật bình an, hạnh phúc.
Năm 2021, toàn hệ thống Hội LHPN thành phố vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là tổ chức thành công đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, vừa vận động hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động quan trọng của đất nước, thành phố như: tuyên truyền, học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tham gia phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới của thành phố.
Tôi thật sự xúc động khi thấy, chính dịch bệnh lại là thời điểm các gia đình luôn bên nhau “thổi lửa” sưởi ấm tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ. Ở cộng đồng, mọi người đoàn kết hơn, tương thân tương ái, mỗi người một việc, hành động thiết thực, động viên nhau vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Biết bao hình ảnh đẹp của những người chồng, người vợ, người mẹ là những chiến sĩ, y - bác sĩ, lực lượng tình nguyện, đội ngũ cán bộ Hội, hội viên phụ nữ sẵn sàng tạm gác niềm vui, hạnh phúc, tình mẫu tử để đi vào tâm dịch, làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu, chia sẻ khó khăn với người dân.
2. Hai năm qua, mỗi ngày gắn bó với Hội LHPN, với các dì, các chị em, tôi đã được truyền sức mạnh từ tinh thần đoàn kết, quả cảm của những cán bộ hội viên nhân hậu, đảm đang, chịu thương chịu khó; luôn tận tụy mà hào sảng, lạc quan, như nhịp sống sôi động của thành phố này. Tôi thấy mình may mắn khi được ở trong ngôi nhà Hội, cùng đóng góp, dấn thân, hy sinh vì hạnh phúc của mọi nhà, mọi người; đặc biệt là cùng có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
Các dì, các chị hay ví von, việc của Hội là việc của muôn đời. Đi đâu, nhìn đâu cũng thấy việc Hội. Rồi cũng từng có người nhắc nhau, phải chăng Hội đang quá ôm đồm? Tự hỏi rồi chúng tôi tự lý giải cho nhau rằng, phải “ôm đồm”, “bao đồng”, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa tình của người dân thành phố. Nữ luật sư Trương Thị Hòa thường nhắn nhủ: “Điều mỗi phụ nữ theo đuổi trong cuộc đời rốt cuộc cũng hướng đến hai chữ “hạnh phúc” mà thôi. Chúng ta nói, đồng hành với sự phát triển của chị em là đồng hành vì hạnh phúc. Mà muốn có hạnh phúc thì cần nhiều thứ lắm: đó không chỉ là tiền của hay sự nhàn rỗi, mà còn là chỗ đứng, được tôn trọng, được làm việc, cống hiến, dấn thân…”. Hội đã vì sự an toàn của mỗi khu phố, vì bình an của mỗi gia đình, vì hạnh phúc của chị em mà sẽ luôn đi cùng và đến cùng trong sự nghiệp bảo vệ, đấu tranh vì quyền của phụ nữ, quyền của con người. Hàng ngàn cán bộ Hội ở các cấp cơ sở đã tận tụy, miệt mài và âm thầm tiếp sức, nuôi dưỡng, phát triển phong trào Hội. Hội viên và phụ nữ các giới đã hợp thành một bức tranh phụ nữ của thành phố mang tên Bác: đa dạng, sinh động, mà vẫn giữ được vẻ đằm thắm, nhân hậu, đảm đang và tinh tế.
3. Tháng 12/2021, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặt ra trọng tâm của phong trào phụ nữ thành phố trong nhiệm kỳ mới đó là “Xây dựng người phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc”. Nhiệm kỳ qua, từ chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội LHPN TP.HCM, các quận huyện Hội đã chọn việc trọng tâm, phù hợp nhất để làm. Các chị ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới mô hình. Có thể nói, Hội đã soi lại từng việc, nhận diện chính mình để thay đổi, thích nghi, để xứng đáng là đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. Những biện pháp hỗ trợ sinh kế đang được triển khai về Hội cơ sở, những hợp tác xã, mô hình kinh tế theo nhóm nhỏ được vận hành mỗi ngày dưới sự hỗ trợ của Hội. Nhờ đó, mỗi hội viên tự chủ tạo nguồn thu nhập bằng chính sức lao động của mình, có kỹ năng nghề, có chế độ bảo hiểm. Hầu như ở lĩnh vực, nhiệm vụ nào cũng là những bước đi táo bạo mà vững chắc, căn cơ. Chỉ khi chúng ta có quyết tâm, có trách nhiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thì chúng ta mới tự tin để xác lập tư thế: chủ động cạnh tranh và cạnh tranh chủ động. Từng phong trào, hoạt động các cấp Hội được các chị em khéo léo xoay chuyển cho phù hợp và hiệu quả. Trong những ngày chống dịch vất vả, không chỉ làm hậu phương, không ít nữ bác sĩ, điều dưỡng, trí thức tình nguyện đã xông pha tuyến đầu. Vì sự dấn thân ấy, có dì, chị đã ngã xuống trong tâm dịch. Mất mát đau thương không gì bù đắp, và rồi Hội tiếp tục bận bịu với những lo toan, tính toán hỗ trợ các bà mẹ mang thai, gia đình khó khăn do mất vợ, mất chồng, những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi trong đại dịch…
Ngày tổng kết công tác phòng, chống dịch năm 2021, trước con số gần 514 tỷ đồng quyên góp được, tôi đã nghẹn ngào. Kết quả trên cho thấy Hội không hề đơn độc trong cuộc chiến này mà luôn nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, luật sư, bác sĩ, thanh niên, sinh viên, chủ nhà trọ, lực lượng tình nguyện viên... để chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Rất nhiều câu chuyện cảm động của các anh tham gia góp sức cùng Hội trên nhiều mặt trận, như tổ chức bếp cơm nghĩa tình, thăm và động viên gia đình chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại tuyến đầu; đi chợ giúp các hộ gia đình trong những ngày giãn cách xã hội; hỗ trợ đưa bệnh nhân đã được điều trị COVID-19 về nhà; cùng Hội thực hiện chương trình “Đồng hành vượt cạn” giúp gần 2.000 thai phụ vượt cạn an toàn; cùng phối hợp tổ chức chương trình “Vòng tay yêu thương” đỡ đầu chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em mồ côi, khó khăn do COVID-19; hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” kịp thời chia sẻ đến các gia đình hội viên, phụ nữ khó khăn.
Trong cuộc dấn thân đó, đồng cảm và chia sẻ với bệnh nhân nhiễm COVID-19, cũng âu lo khi đối diện với bệnh tật, tôi đã nghiệm ra mình và chị em sẽ không bao giờ đơn độc, bởi xung quanh chúng ta là những yêu thương, những sẻ chia luôn đầy ắp từ ngôi nhà Hội.
Những ngày tìm sữa mẹ...
Ngày chủ động đề nghị hỗ trợ thu thập sữa cho “ngân hàng sữa mẹ” của Bệnh viện Từ Dũ, các cán bộ Hội không ngờ mọi thứ khó khăn đến thế.
Thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16, có lúc, các chị ôm thùng sữa đứng giữa trời mưa ở ngã ba đường, không biết đi ngả nào để tiếp cận người mẹ trao sữa, vì rào chắn xuất hiện khắp nơi. Tiến, rồi quay lui tìm ngả khác, điều đó cứ lặp đi lặp lại. Thế nhưng, khi nghĩ đến những hình hài nhỏ xíu đang thiếu sữa mẹ, các chị lại tiếp tục đi, tiếp tục thử…
Có lần, theo định vị trên bản đồ điện thoại, chị Lại Minh Yến thở phào khi thấy mình đã vượt qua quãng đường dài mấy chục cây số và đang ở rất gần nhà người tặng sữa, nhưng ngay sau đó là một rào chắn xuất hiện. Khi chị còn loay hoay gọi cho người mẹ nhờ chỉ đường thì mưa xối nước. Vác thùng trữ sữa chạy vội, bùn đất văng lên theo từng bước chân, bám đầy quần áo chị… “Rất nhiều lần cách đích không bao xa nhưng tôi phải quay trở lại, đánh một vòng rất dài mới có thể gặp người cho sữa”, chị Yến kể. Chuyện chị lạc đường khi đi nhận sữa ở những khu vực ngoại ô như Hóc Môn, Bình Tân, TP.Thủ Đức cũng thường xuyên không kém.
Những ngày thành phố căng mình chống COVID-19, tiếng khóc đòi sữa mẹ nhiều hơn vì rất nhiều sản phụ phải cách ly con ngay khi vừa mới sinh. Sữa cho các bé dùng trong ngày, sữa dự phòng cho tình huống khẩn cấp… tăng lên. Trung bình mỗi ngày, “ngân hàng sữa mẹ” nhận yêu cầu cung cấp sữa cho hơn 20 trẻ với lượng sử dụng 40 lít, thế là các cán bộ Hội chạy khắp nơi, ở đâu có bà mẹ trẻ hiến sữa là các chị tới. Như chị Yến, trung bình mỗi tuần chị lấy sữa tại nhà của 26 đến 30 bà mẹ.
“Nhiều trẻ sơ sinh xa mẹ ngay khi vừa ra đời, đó là sự thiệt thòi lớn đối với các con. May mắn là các con được san sẻ yêu thương bởi rất nhiều người mẹ. Mình chỉ đóng góp một chút thời gian để mang tình thương đó đến cho các bé, không có gì to tát cả”, chị Nguyễn Ngọc Phương Trà tâm sự. Chị và nhiều Đoàn viên Thanh niên của chi đoàn Hội LHPN TP.HCM bắt đầu làm cộng tác viên nhận sữa từ ngày 12/9. Kể từ hôm đó, các chị phải tập huấn những vấn đề tối cần thiết: quan sát sữa mẹ có đảm bảo quy chuẩn không, nhiệt độ có đáp ứng không; sức khỏe của người mẹ thời điểm lấy sữa như thế nào; cách bảo quản sữa trên đường vận chuyển…
Mỗi tuần, chị Phương Trà sẽ lên danh sách những cán bộ nhận sự phân công từ “ngân hàng sữa mẹ”. Mỗi chiều trước khi tan sở, chị tạt qua lấy dụng cụ chứa sữa về nhà, để sáng trên đường đi làm sẽ ghé nơi hiến tặng, nhận sữa và chở thẳng đến “ngân hàng sữa mẹ” bàn giao. Đôi khi chị phải tranh thủ đi lấy sữa vào giờ nghỉ trưa vì cung đường không thuận tiện. Và cũng có rất nhiều hôm, trong bộ áo dài chưa kịp thay sau hội nghị, chị tranh thủ chạy đi, hì hục bê thùng sữa từ con hẻm nhỏ ra đặt trên xe máy của mình. Mệt nhọc, nhưng chị đều đặn làm công việc ấy với tràn ngập niềm vui. Vui vì nhiều trẻ sơ sinh ngon giấc nhờ no sữa, vui vì chứng kiến tấm lòng của hàng trăm người mẹ sẵn sàng gửi trao nguồn sữa cho những mảnh đời xa lạ. Hàng trăm người mẹ ấy, không nề hà các yêu cầu phức tạp như khai báo tiền sử sức khỏe, phải thực hiện những xét nghiệm sàng lọc một số bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV...; quá trình hút và bảo quản sữa phải đảm bảo vệ sinh, như rửa sạch sẽ dụng cụ vắt sữa sau mỗi cữ hút, tủ sữa phải đảm bảo nhiệt độ và chỉ trữ sữa, không để chung với đồ ăn thức uống… Chỉ cần góp một hơi ấm cho bất kỳ mảnh đời nào, họ đều sẽ không ngại ngần. Và, càng nhìn thấy các cán bộ Hội ngược xuôi lấy sữa, họ lại càng có thêm niềm tin để gửi trao.
Giữa những ngày thành phố căng mình chống dịch, có những người phụ nữ như thế, nhìn nhau, trao nhau, gầy dựng yêu thương. Dịch sẽ qua, nhưng những yêu thương, tốt đẹp ấy còn mãi…
Nguyễn Trần Phượng Trân
Thành ủy viên - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM
Thiết kế: Hoàng Triết