Trở lại Điện Biên Phủ, nơi đầu tiên bà dừng chân là nghĩa trang liệt sĩ A1. Bà vịn xe lăn đứng dậy, gắng sức vào thắp cây hương cho đồng đội.
Tình yêu thời chiến của con gái quan thượng thư
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản - sinh năm 1930 tại Huế. Tên thật của bà là Tôn Nữ Ngọc Toản, vốn dòng dõi trâm anh thế phiệt. Cha bà là cụ Tôn Thất Đàn, làm đến Thượng thư Bộ Hình của triều Nguyễn. Cha mất khi bà mới 6 tuổi. Ở tuổi 15, bà xin gia đình cho đi theo cách mạng. Gia đình phản đối thế nào cũng không ngăn được quyết tâm của bà. “Nhờ khóc mà tôi được vào bộ đội. Bấy giờ là giải phóng quân” - bác sĩ Toản móm mém cười.
Bà kể, trong những ngày không khí cách mạng sục sôi, thầy Khánh gác lại nghiệp trồng người để nhận nhiệm vụ ở Ban Chấp hành Giải phóng quân, xác định đánh giặc xong mới về quê cưới vợ và tiếp tục nghề dạy học. Chẳng ngờ sau khi giành độc lập vẫn phải chống giặc triền miên, thoáng giật mình thì đã 34 tuổi. “Các đồng chí của ông Khánh là Vương Thừa Vũ, Lê Quang Đạo và giáo sư Tôn Thất Tùng bèn sắp xếp để tôi gặp ông ấy, vì ông ấy muốn lấy vợ người Huế và phải là nữ sinh trường Đồng Khánh.
Tướng Lê Quang Đạo cho ông Khánh xem tấm hình chụp 3 cô gái và chỉ vào người trẻ nhất, giới thiệu cô này đang học y khoa, là nữ sinh Đồng Khánh, em vợ giáo sư Đặng Văn Ngữ. Thế là ông Khánh đạp xe từ Thái Nguyên lên Tuyên Quang để gặp tôi. Những việc này, khá lâu sau tôi mới biết” - bác sĩ Ngọc Toản hồi tưởng.
Ký ức ùa về khiến ánh mắt trầm đục của bà lấp lánh. Bà bảo, ngày đó, ngoài ngưỡng mộ thầy giáo, gặp ông, bà cũng có thiện cảm, nhưng nghĩ mình còn quá trẻ, chưa muốn lập gia đình mà chỉ muốn tiếp tục học y khoa nên bà từ chối. Sau đó, bà nhận được thư của ông Khánh bày tỏ mong muốn tìm một người vừa là đồng hương, đồng đội, đồng chí để cùng nhau xây dựng gia đình, cùng nhau chiến đấu và phấn đấu. Vì cảm mến sự chân thành của ông mà bà đã đồng ý giữ liên lạc. Tình yêu của ông bà đã đâm chồi từ đó.
Đám cưới không có xe hoa, chỉ có xe tăng
Cuối năm 1953, Bộ Tổng tư lệnh điều động Đại đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi đi, ông Khánh lên Tuyên Quang gặp người yêu, sau 2 năm kể từ lần đầu gặp mặt. Khi chia tay, ông bà đã hẹn nhau sau ngày chiến thắng sẽ làm đám cưới. Sau đó, ông Khánh hành quân ra mặt trận, bà Toản cũng lên chiến trường Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ tại Đội Điều trị 2 - Cục Quân y.
Nhưng khi thắng trận rồi, bà Toản lại được điều lên công tác tại huyện Tuần Giáo, còn ông Khánh ở lại Điện Biên Phủ tiếp quản trận địa Mường Thanh và thực hiện việc trao trả tù binh. Họ xa cách nhau gần trăm cây số đường rừng nên kế hoạch làm đám cưới không thể thực hiện.
Tâm tư, nguyện vọng của đại đoàn phó và y sĩ quân y được đem trình bày với đồng chí Trần Lương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông Lương bày cho ông Khánh xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức đám cưới tại chiến trường. Bà Toản kể: “Ông Khánh nhà tôi theo Đại tướng đi khắp nơi đánh trận, nên khi ông ấy xin ý kiến, Đại tướng rất vui. Đại tướng chúc phúc cho chúng tôi, còn dặn ông Khánh khi nào về Hà Nội nhớ đưa vợ đến chơi, giới thiệu để Đại tướng xem mặt”.
Và bà Toản đã rất bất ngờ khi biết đám cưới của mình sẽ diễn ra nơi chiến hào còn chưa nhạt mùi thuốc súng, cũng không có sự hiện diện của gia đình, bè bạn... Sau gần 2 ngày đắn đo, suy nghĩ, bà đồng ý và đi bộ gần trăm cây số về Điện Biên. 15 ngày sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lễ cưới độc nhất vô nhị đã diễn ra dưới hầm Đờ Cát.
Trong lễ cưới, chú rể vẫn mặc quân phục, cô dâu chỉ vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Đàng trai là cán bộ của Đại đoàn 308 và bộ phận ở lại thu dọn chiến trường. Đàng gái là các cán bộ quân y, chủ hôn là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trên sân khấu là khẩu hiệu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.
Chú rể được yêu cầu hát bài Bộ đội về làng, cô dâu thì hát bài Em bé Mường La. Tiệc cưới bên ánh đèn măng xông, có kẹo, thuốc lá, rượu tây và thịt hộp - đều là chiến lợi phẩm. Mường Thanh bị cày xới tan hoang nên đám cưới không có hoa, chỉ có dù Pháp nhiều sắc màu được đồng đội mang ra trang trí.
Sau đám cưới, cô dâu, chú rể vẫn trang phục bình dị đứng trên tháp pháo xe tăng chụp hình. Tấm hình riêng của lứa đôi, nhưng lại trở thành tấm hình của lịch sử. Vẫn chất giọng Huế sâu lắng, nhẹ nhàng, bà Toản nói: “Lúc cùng nhau hướng về phía đồi A1, tôi bất giác nghĩ đến những thương binh mất ngay trên tay mình khi tuổi mới đôi mươi. Chúng tôi vẫn nói với nhau, bao nhiêu người còn chưa được yêu đã nằm xuống cho mình được sống, được hạnh phúc, thì mình phải sống sao cho xứng đáng”.
Về lại chiến trường xưa và trao tặng tấm hình lịch sử
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản đã từ TPHCM trở lại chiến trường xưa. So với thời gian sống ở khu tập thể Bệnh viện Quân y 108 (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), sức khỏe của bà đã kém đi nhiều, việc đi lại phần lớn nhờ vào chiếc xe lăn, nhưng trí tuệ, ký ức của bà thì vẫn vẹn nguyên.
Trước đó, vào năm 1984, 30 năm sau chiến thắng Điện Biên, bà đã cùng gia đình về thăm lại chiến trường xưa. Và 40 năm sau, năm nay, “cô dâu Điện Biên” mới lại có dịp về lại với mảnh đất thấm đẫm “bùn, máu và hoa”. Ông Cao Quý Bảo - con trai giáo sư Ngọc Toản - chia sẻ: “Sức khỏe đã yếu nhưng mẹ tôi luôn ước muốn được một lần nữa trở lại Điện Biên. Nên năm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình đã cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ - trở lại chiến trường xưa đúng vào ngày bà tròn 94 tuổi, nên bà càng vui và xúc động”.
Trở lại Điện Biên Phủ, nơi đầu tiên bà dừng chân không phải là hầm Đờ Cát - nơi diễn ra đám cưới của vợ chồng bà, mà là nghĩa trang liệt sĩ A1. Đến nơi, bà vịn xe đứng dậy và nhờ sự dìu đỡ của mọi người để vào thắp hương cho đồng đội. Sau những phút giây im lặng, bà rưng rưng: “Tôi về thăm lại chiến trường xưa, rất xúc động khi nhớ lại bao nhiêu đồng chí đã hy sinh ở nơi đây. Tôi thương nhớ vô cùng”.
Đến hầm Đờ Cát, bà lặng lẽ ngắm nhìn khắp căn phòng. Tấm hình cưới của ông bà chụp trên xe tăng ngày xưa bé xíu, giờ được phóng to, rõ nét hơn rất nhiều nhờ vào công nghệ hiện đại. Đấy cũng là tấm hình bà đã tặng lại Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên.
Câu chuyện tình yêu, đám cưới trong hầm Đờ Cát của vợ chồng bà đã được cán bộ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên của ban quản lý di tích tìm hiểu và giới thiệu với du khách hằng ngày, nhưng phải đến năm 2024 họ mới được gặp “cô dâu Điện Biên” ngay tại khu di tích. Bà Phạm Thị Thảo - Phó giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên - chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động và được truyền cảm hứng, có thêm tư liệu, câu chuyện thực tế để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế”.