Những ngày tháng này mẹ tôi đau nhiều, nhớ nhớ quên quên, còn khi ở "phân khúc" tỉnh táo nhất của ngày bà luôn lo lắng cho cha tôi: “Bây coi cha có còn ho không? Cha con nay ăn có nữa chén cơm một bữa, vậy làm sao mà khỏe được!”.
Cha mẹ tôi đã cùng nhau 64 năm hành trình yêu thương (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tôi là con gái út, được sinh ra vào cái thời khó khăn, nghèo khổ nhất của ba mẹ. Thế nhưng 50 năm trong đời, tôi chưa bao giờ thấy một lần cha mẹ giận hờn nhau.
Chuyện gì ông làm bà cũng ủng hộ; chuyện gì bà mới ngỏ ý, ông đã lập tức làm ngay cho. Biết bà thích nằm võng, quanh nhà, ông mắc 6 cái võng khắp nơi, cái bằng tre đan, cái bằng vải dù, cái ông mua võng lưới.
Theo ngỏ ý của mẹ, cha làm bập bênh, cầu tuột xích đu ngoài vườn cho mấy anh chị em tôi đi học về chơi. Cha nói: “Ở nhà chơi, đứa lớn trông đứa nhỏ, coi ngó nhà cửa phụ mẹ cho mẹ yên tâm đi đồng, cha đi chữa bệnh…”.
5 anh chị em tôi cứ vậy mà lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Đứa nào cũng được ông bà cho ăn học. Anh Hai, chị Ba, chị Tư của tôi học xong phổ thông thì học tiếp cao đẳng và trung cấp sư phạm về trường xã dạy học.
Anh Năm, chị Sáu và tôi - bé Bảy, chỉ học hết lớp 9 phải đi lên rẫy phụ mẹ cha. Ở xứ Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thời đó, cha mẹ tôi được coi là nuôi con thành đạt.
Tôi còn nhớ những ngày thơ bé, hễ cúp điện, là cả nhà xúm lại chờ cha mẹ kể chuyện ngày xưa. Cha tôi vui lắm, ông cứ thong thả kể cho chúng tôi nghe đủ chuyện về tuổi thơ cơ cực của mình. Chuyện ông bà nội nghèo, ông bà ngoại vất vả ra sao. Kể lòng vòng 1 hồi là tới chuyện mẹ tôi phải đi ở nhờ nhà cô dượng để được tới trường, cũng là nơi mẹ gặp được cha từ năm 12-13 tuổi để rồi mẹ tôi thầm thương trộm nhớ chàng trai làm tạp vụ cho gia đình dượng mấy năm trời.
Phần cha, chàng trai rung động trước vẻ xinh đẹp dịu dàng của mẹ, nhưng phải nén lòng “chờ em lớn”. Cho đến năm mẹ 18 tuổi, mẹ mới bạo gan viết thư nhờ cha dạy giúp tiếng Anh.
Vì cha sáng láng, siêng năng nên ông dượng của mẹ tôi không chỉ nuôi cơm, sai vặt mà còn cho đi học trường Tây để phụ việc cho ông nhiều hơn. Cứ vậy, từ người giúp việc, cha tôi giỏi cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
Thế nhưng chuyện chàng tạp vụ cả gan vào phòng cô Hai - cháu ông chủ - dù chỉ để dạy tiếng Anh thời những năm cuối thập niên 1950 là một chuyện tày trời. Để tránh điều tiếng xấu cho gia đình, ông dượng không cho mẹ tôi ở nhờ nữa, đồng thời đuổi việc cha tôi.
Cứ vậy mà cặp đôi bị ngăn cách, bặt tin suốt 3 năm. 3 năm ròng rã đó, cha vừa đi làm lo cuộc sống, vừa mòn mỏi đi tìm mẹ tôi. Cha trưởng thành, có trí thức, được đào tạo nghề y tá, lại đẹp trai, nên nhiều người mai mối, muốn gả con gái cho, nhưng cha vẫn quyết đi tìm mẹ tôi.
Trong khi đó, ông dượng đánh tiếng khắp nơi "trả" mẹ về quê, nhưng thực chất ông đã đưa mẹ tôi về ở nhờ đôi vợ chồng mà mẹ tôi gọi là dì dượng Tám. Khi ấy, mọi người cũng nói là để mẹ tôi trông nhà cửa phụ dì dượng Tám, nhưng chính ra người lớn trong nhà đang tìm mối nhân duyên tốt cho mẹ. Cũng như cha, mẹ tôi từ chối hết thảy những lời dạm ngỏ và bà cũng tìm mọi cách để tìm lại cha.
Kết quả là sau 3 năm tìm kiếm tưởng như vô vọng, bỗng một ngày cha phát hiện có người em họ của mẹ đang sống tại huyện Hóc Môn, Sài Gòn, vậy là cha theo dấu để đi tìm.
Ngày gặp lại, cha dứt khoát cầu hôn mẹ tôi. Rất may dì dượng Tám thương cha mẹ đã xin ý kiến ông bà ngoại, và đồng ý gả cha cho mẹ. Năm 1959 cha mẹ tôi nên duyên chồng vợ, năm 1960, anh hai tôi ra đời, rồi cứ vậy, 2,3 năm ông bà sinh một đứa con.
Cho tới mãi bây giờ, ở tuổi U90, cha mẹ tôi vẫn tình tứ, yêu thương nhau mỗi ngày (ảnh do tác giả cung cấp)
Cha làm nghề y tế cộng đồng. Theo cha, mẹ tôi phải đùng túm con cái di chuyển. Cho tới năm 1974, đứa con út là tôi mới chào đời. Không lâu sau đến ngày thống nhất, cha đưa mẹ về Tiền Giang quê hương ông. Cha tiếp tục làm nghề y tá, còn mẹ từ cô tiểu thư con cháu nhà giàu trở thành bà nội trợ đảm đang, quán xuyến trong ngoài cho cha yên tâm công tác.
Tình yêu thương đắm say khiến họ chật vật tìm nhau thời thanh xuân, rồi theo họ suốt 64 năm chồng vợ. Tình yêu đó bây giờ lắng lại, đằm thắm, đậm sâu hơn.
Các con cháu, ai nghe kể cũng ngưỡng mộ chuyện tình của ông bà, nhưng không phải ai cũng học và làm theo được. Nhắc chuyện này, đôi lúc cha cũng buồn, nhưng chính ông xoa dịu cho ông: “Không việc gì đâu. Vấp ngã thì đứng dậy. Tâm nguyện của cha mẹ là các con sống vui vẻ, thiện lành, làm con người có nghĩa, có nhân. Các con có đứa chưa hạnh phúc trọn vẹn, nhưng đàn cháu, 12 đứa đã có 10 đứa xong đại học, 2 đứa còn lại cũng trình độ cấp III. Cha thấy vui rồi”.
Những lúc vui vui, cha hay ngâm nga câu ca: “Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng chén nước đi tìm người thương”. Nghe cha, trong lúc nhớ nhớ, quên quên, mẹ tôi cũng lẩm bẩm nói theo rằng: “Không đi tìm thì làm sao gặp được!”.