Từ khi lớn lên và có ký ức, tôi chưa từng thấy bố mẹ cãi vã. Bố luôn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho mẹ. Đối với tôi, tình yêu của bố mẹ là tượng đài mãi đẹp, mãi trường tồn.
Bố mẹ tôi là người cùng làng, nhà nội và ngoại chỉ cách nhau một khu vườn. Bố là bạn thân của anh trai mẹ - tức là bác ruột của tôi. Vậy nên bố mẹ lớn lên, trải qua rất nhiều trò nghịch dại của tuổi thơ và thời thanh xuân. Bố phải lòng mẹ, chủ động theo đuổi mẹ.
Mẹ kể, quá trình chinh phục của bố rất gian nan vì ông ngoại khó tính. Có lần bố sang chơi với mẹ, ông ngoại cứ đi ra đi vào rồi bảo: “Tìm hiểu gì lắm, nhà tôi 4 đời đi cày”. Ý của ông là phải lo làm ăn, muốn đuổi khéo bố về. Ấy thế nhưng bố vẫn thuyết phục được ông ngoại và trở thành chồng của mẹ.
Bố mẹ tôi kết hôn năm 1999, một năm sau đó, tôi chào đời. Những năm tháng khi mới kết hôn, bố mẹ rất vất vả. Nhiều cặp đôi khi vất vả thì thường nảy sinh mâu thuẫn, nhưng bố mẹ tôi thì không như vậy. Bố mẹ luôn động viên, hỗ trợ, đồng hành cùng nhau trong mọi việc.
Bố rất tình cảm, luôn quan tâm mọi người, nên ai cũng quý mến. Đối với mẹ, bố chiều chuộng, chăm sóc rất kỹ lưỡng cẩn thận. Có hình ảnh mà mỗi khi nghĩ lại vẫn buồn cười là năm mẹ mang thai em trai tôi, lúc ấy nhà chỉ có một chiếc xe máy là chiếc Cub 81. Tôi học tiểu học, bố chở mẹ con tôi đi. Bình thường thì trẻ con sẽ thường được ngồi trước, nhưng không, bố đặt tôi ngồi yên sau, cho mẹ lên ngồi trước, ngồi trong lòng bố, vì bố sợ vợ ngã.
Năm 2011, khi em trai tôi vừa được 6 tháng thì biến cố xảy ra. Bố tôi mất trong một tai nạn giao thông, mẹ tôi rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh, lúc nào cũng đau buồn, trong nhà tôi không còn tiếng cười nói nào. Nhưng cũng may là có đôi bên nội ngoại và mọi người động viên, chăm lo, nên dần dần mọi thứ cũng nguôi ngoai.
Thời gian đó, mẹ tôi rất vất vả. Nhà tôi có trang trại heo cả trăm con, một mình mẹ gánh vác hết, rồi thêm cả công việc giao hàng cho các bếp ăn công ty. Tôi còn nhỏ nên không phụ việc mẹ được nhiều. Trong mắt tôi, mẹ là người phụ nữ kiên cường nhất, mẹ đã phấn đấu thay cả phần của bố, cố gắng để 2 con ăn học đàng hoàng.
Người ta nói đồ của người quá cố không nên giữ lại, nhưng mẹ giữ lại tất cả kỷ vật của bố. Tôi hiểu là mẹ chỉ muốn đỡ nhớ, đỡ cô đơn khi nghĩ về bố. Những lá thư viết tay đã nhòe mực của bố, mẹ cất giữ cẩn thận trong tủ.
Mỗi khi chạm vào hũ mật ngọt ngào này, tôi vẫn cảm thấy xúc động, nghẹn ngào. Tình cảm bố dành cho mẹ đong đầy trong từng con chữ:
“Đêm nhớ em
Thuỳ Dung em, đêm nay giữa không gian tĩnh lặng của đất trời Hà Nội, lòng anh thương nhớ Dung vô cùng, nỗi nhớ ấy cứ lay lắt trong anh. Biết làm sao đây để được gặp Dung, được tâm sự cùng em, chẳng biết làm gì đây cho vơi đi nỗi nhớ người yêu giữa đêm buồn lẻ bóng. Chỉ có trang giấy trắng cùng cây bút nhỏ này tâm sự cùng Dung.
...Anh xa nhà, xa Dung, mong Dung hiểu thấu cho lòng anh. Xa Dung, trong anh cảm thấy như mình thiếu thốn một cái gì đó khiến cho lòng mình không vui. Dung ơi hình bóng Dung, tình cảm của Dung đã in đậm trong tâm hồn cũng như trí óc của anh thì làm sao anh có thể quên đi hình dáng ấy?
Niềm tin yêu và hy vọng ở nơi anh đã dành trọn cho em, mong rằng tình cảm của anh đối với Dung và gia đình ngày cành thắm thiết hơn, sâu nặng hơn phải không em”.
Tôi yêu thương từng kỷ vật của bố, cảm nhận bố qua từng dòng chữ viết chữ bay bổng. Tôi sợ khi tôi lớn sẽ quên mất chữ của bố, nên còn đi xăm cả chữ ký của bố lên tay, để luôn tưởng nhớ bố.
Gia đình nội ngoại của tôi rất quý mến nhau và luôn cất giữ chung câu chuyện về bố. Mẹ và mọi người trong gia đình vẫn thường mang những kỷ niệm ngày xưa ra để kể vui trong những lần ngồi bên nhau.
Mẹ chưa bao giờ tâm sự với ai về nỗi buồn của bà. Nhiều lần tôi thấy mẹ viết nhật ký như là những lá thư cho bố, rồi bà lại xé đi. Phần mình, tôi cũng không bao giờ chia sẻ về nỗi nhớ bố với mẹ, vì sợ mẹ buồn và tủi thân. Mẹ con tôi không ai bộc lộ cảm xúc, nhưng tôi biết tất cả đều chung nỗi nhớ thương.