Ở tuổi 78, nữ đại úy Trần Thị Tách - quê Hà Nội - vẫn nhớ như in thời điểm bà hòa cùng khí thế của hàng ngàn chiến sĩ, thanh niên miền Bắc tự nguyện vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu.

“Khi cả hậu phương lớn miền Bắc hướng về chiến trường lớn miền Nam, ai cũng mong được “đi B”, tinh thần lúc ấy sôi nổi lắm. Tôi nhập ngũ năm 1963, sau một thời gian tập huấn, rèn luyện, đến năm 1968, tròn 22 tuổi, tôi chính thức hành quân qua các binh
trạm của đường Hồ Chí Minh, được giao nhiệm vụ tải gạo, tải đạn, tải thương binh”
- bà Tách kể.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, những cô gái tuổi đôi mươi như bà Tách miệt mài len lỏi giữa rừng rậm, tải lương thực, vũ khí chi viện cho tiền tuyến.“Lúc ấy làm gì đã có đường, chị em chúng tôi cứ vừa đi vừa dùng dao chặt bớt cành cây, qua thời gian, đôi chân của các chiến sĩ dần mở lối mòn vượt núi, băng đèo, xuyên đại ngàn. Tôi khi ấy chỉ nặng chừng 42kg, quanh eo đeo bi đông nước, xẻng, dao găm, lựu đạn, lưng đeo ba lô đựng tư trang, gùi gạo và đạn dược. Hàng nặng 30 - 40kg khiến người mình cứ trĩu xuống, thế nhưng bước chân ai cũng dứt khoát, băng băng” - bà Tách hồi tưởng.

Mỗi ngày, các chị em trong mũi xung kích của bà Tách đi hàng chục cây số không ngơi nghỉ. Chân tay trầy xước, vai sưng phồng vì quai gùi siết chặt, nhưng lâu dần những vết thương ấy trở nên chai sạn, lại trở thành lớp “bảo hộ” cho người chiến sĩ tải hàng.

Sợ nhất là khi xuống những con dốc hun hút, trơn trượt, cả người và hàng chỉ chực lao xuống vực. Cũng có những đồng đội nằm lại vì bom đạn, bệnh tật, nhưng từng dòng người vẫn bền bỉ tiến về miền Nam. Bà bảo, lúc ấy ai cũng đau đáu “mỗi ki-lô-gam hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, mỗi viên đạn là một kẻ thù”, nên họ đi không biết mỏi mệt.

Thiếu tá Bùi Hải Hồ (79 tuổi) kể lại đợt hành quân trên đường Hồ Chí Minh năm 1964. Lúc bấy giờ, con đường mòn mới chỉ hình thành một vệt cho từng người đi. Cứ người sau nối tiếp người trước, vượt qua nắng cháy, mưa dầm suốt 6 tháng ròng, Sư đoàn 325 của ông, với gần 10.000 lính bộ binh, mới vào được chiến trường Tây Nguyên.

“Vất vả thì không kể xiết. Đèo dốc cheo leo, hiểm trở. Mỗi lần mưa là nước trút xối xả, cây khô, đất đá cũng lao xuống ầm ầm. Có hôm anh em vừa qua nhà bếp bên kia suối lấy cơm, thì mưa trút xuống, lũ dâng cao, không mang cơm về được.

Nhiều chiến sĩ mới đi được 1/3 cung đường vào chiến trường đã nằm lại vì sốt rét ác tính. Thiếu gạo, thiếu thực phẩm, bộ đội phải hái rau rừng, đào sắn để ăn. Nhiều khi cả tháng trời không có một hạt muối, trong người bải hoải, mệt mỏi.

Có đợt hành quân ban đêm, thấy khe suối róc rách, anh em vui mừng vục mặt xuống uống, rồi hứng đầy bi đông. Nhưng đến sáng dậy mới thấy trong khe suối ấy, xác chết nổi lềnh bềnh” - ông Bùi Hải Hồ nhớ về một thời gian khổ.

Từ những lối mòn “đi không dấu, nấu không khói”, trong suốt 16 năm (từ 1959 - 1975), bộ đội, dân quân Trường Sơn đã hình thành nên một hệ thống đường Hồ Chí Minh cơ giới dọc ngang, vượt núi cao, hào sâu, đi qua 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trên tuyến lửa ấy, ngày cũng như đêm, “những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến”, hàng vạn chiến sĩ “thần tốc” tiến về miền Nam.

Là lái xe của Sư đoàn ô tô vận tải 571, ông Lê Văn Tính (74 tuổi) kể, thời điểm 1973, việc chi viện cho chiến trường đã chuyển từ gùi thồ thô sơ sang xe cơ giới, xe lớn nhất có thể chở được 3 tấn hàng.

Nhưng lúc này, Mỹ cũng điên cuồng đánh bom, truy quét, nhằm cắt đứt tuyến chi viện cho miền Nam. Từ chỗ dùng máy bay phản lực oanh tạc với xác suất thấp, chúng chuyển sang dùng máy bay AC-130 có tốc độ bay chậm, với những thiết bị trinh sát hiện đại có khả năng phát hiện nhanh mục tiêu ban đêm, nhằm đánh trực tiếp vào các chuyến vận tải của ta.

“Có lần vừa lấy hàng từ nông trường Việt Trung (Quảng Bình), xe đi được một đoạn thì địch phát hiện, thả bom bi, anh em lái xe mở cửa buồng lái lăn xuống đường, chui vào hầm trú ẩn, nhưng cũng bị cháy mất 2 xe hàng, một số đồng đội bị thương nặng.

Xe vận tải được ngụy trang bằng cành cây, đi nối đuôi trên những cung “đường kín” - lấy rừng đại ngàn làm màn ngụy trang khổng lồ. Nhưng nhiều đoạn đường bị địch dùng bom phát quang, khi chúng thấy từng lùm cây chuyển động là biết ngay xe của ta.

Bởi vậy, bộ đội hy sinh rất nhiều. Mỗi chuyến hàng có khi phải hứng chịu 3-4 đợt ném bom. Chúng tôi ngày ấy cứ qua một đợt thì biết mình còn sống, chứ không dám nghĩ mình sống được hết ngày. Thế nhưng, chẳng một ai nao núng, bằng mọi giá đưa hàng đến kho trạm” - ông Lê Văn Tính xúc động.

Tham gia vận tải trên đường 20 - Quyết Thắng khi mới tròn 18 tuổi, đại tá Bùi Nam Từ (Binh trạm 14) cho biết đây là con đường khốc liệt nhất trong hệ thống đường Hồ Chí Minh.

Cái tên 20 là bởi lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công tham gia mở, xây dựng và bảo vệ con đường này hầu hết ở lứa tuổi 18-20. Rất nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm xuống ở độ tuổi tươi đẹp ấy.

“Nơi đây hiểm trở, nhiều dốc đứng, đèo cao, nhiều đoạn cua gấp khúc và cua vòng, đặc biệt là trọng điểm A.T.P. (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích). Trung bình mỗi chiến sĩ trên tuyến đường 20 - Quyết Thắng phải chịu 1.000 quả bom các loại.

Mỗi khi trong đoàn có người hy sinh, chúng tôi chỉ kịp chào người đã khuất một tiếng, để lực lượng đến làm công tác tử sĩ, còn mình phải nén nỗi đau tiếp tục lên đường. Hy sinh mất mát nhiều lắm, nhất là lực lượng giữ chốt, đêm nào cũng có người ra đi” - vị đại tá
nhớ lại.

Suốt những năm tháng khốc liệt để làm nên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại nối liền Bắc - Nam, gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hơn 3 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam.

Nghẹn ngào khi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống, ông Bùi Nam Từ cũng tự hào khi mình được thay mặt đồng đội viết trọn vẹn hành trình hào hùng trên đường Hồ Chí Minh. Ông chính là người đã lái xe đưa những người lính của Quân đoàn 2 tiến về giải phóng Sài Gòn vào tháng 4/1975, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc.

Chia sẻ bài viết: