Lối đi quanh co dẫn tôi đến trước ngôi nhà hoa giấy Lavin Home sâu trong con hẻm đường Lê Ngô Cát, TP Huế. Mở ra trước mắt tôi là màu xanh mát của vườn cây, tiếng chim ríu ran và những bông hoa làm từ giấy tạo điểm nhấn lung linh. Đó là “cơ ngơi” cô gái Lê Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1993) mất hơn 4 năm gầy dựng. Không gian dễ thương khiến những người khó tính nhất cũng mỉm cười khi gặp những câu slogan như: “Ở đây có mua nỗi buồn. Hãy bán chúng để đổi lấy niềm vui nhé” hay “Những cành hoa được kết tinh bằng cả trái tim. Mong bạn đón nhận với nụ cười”, “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”…
Yêu hoa, thích nghe nhạc thiền, đam mê làm hoa giấy từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh của Trường đại học Ngoại ngữ Huế, cô gái Thanh Nhàn từ chối cơ hội việc làm tốt để thực hiện niềm đam mê hoa giấy và giúp các bạn trẻ câm điếc, xương thủy tinh có thu nhập ổn định, giảm phụ thuộc vào gia đình. Ý tưởng thành lập ngôi nhà mang tên Lavin Home khởi phát năm 2015, khi Nhàn gặp Linh - cô gái nhỏ hơn Nhàn 3 tuổi, quê ở huyện Phong Điền. Linh mắc chứng bệnh xương thủy tinh nên rất nhiều bất tiện, phải hạn chế di chuyển để tránh chấn thương gây gãy xương.
Thời điểm đó là Nhàn đang làm việc tại Không gian trưng bày Văn hóa Lục Bộ (TP Huế). Cô gái trẻ quyết định xin nghỉ việc để “làm gì đó” giúp những người như Linh “đến nơi đến chốn". Bỏ qua sự khuyên can của người thân, Nhàn gom vốn liếng từ “sự nghiệp” bán hoa giấy online để theo đuổi giấc mơ - xây dựng ngôi nhà hoa giấy nhỏ xinh đầy ắp tình yêu thương và sự sẻ chia. Khi bắt tay thực hiện dự án, Nhàn giấu gia đình, cô tự tìm nhà thuê, tự trồng cây, tự đóng ghế, sơn tường...
Lúc Lavin Home mới đi vào hoạt động, làm việc với 2 bạn xương thủy tinh và 3 bạn khiếm thính, Nhàn đã gặp khó khăn ban đầu. Các bạn có nhiều khác biệt, chưa thể giao tiếp với nhau, nên chưa thể hòa hợp, Nhàn phải đứng ra giải quyết vài bất đồng, từ bất đồng ngôn ngữ trở đi.
Nhàn kiên trì từng bước hướng dẫn các em vào nghệ thuật hoa giấy. Vừa học vừa chơi, vừa sáng tạo, sao cho mọi thứ thật dễ chịu, nhẹ nhàng. Có những lần cả nhóm đòi vào thành nội chơi và Nhàn trở thành cô hướng dẫn viên du lịch dẫn dắt các bạn nhỏ khám phá Huế. Thời gian đó, cuốn sổ, cây bút là vật bất ly thân với Nhàn. Để hiểu các cộng sự, Nhàn phải học và thực hành ngôn ngữ người khiếm thính. Đi đâu cô cũng dùng ngôn ngữ tay, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ với bạn bè, người thân, kể cả lúc đi uống cà phê hay sinh hoạt thường ngày.
Cha mẹ la mắng, bạn bè trêu chọc là… khùng điên, Nhàn chỉ cười, cô hiểu rằng, chính nhờ những tháng ngày làm “cô điên” sẽ giúp cô hiểu và thấu cảm cùng thế giới những người câm điếc. “Việc tôi làm hướng đến mục tiêu duy nhất: giúp những người chịu nhiều thiệt thòi vượt qua mặc cảm, để sống một cuộc đời tràn đầy năng lượng, tự tin mình có ích cho xã hội…” - Nhàn trải lòng.
Và rồi giấy kiên trì nở hoa, những bông hoa ở Lavin Home mỗi ngày thêm tinh tế, duyên dáng. Với slogan “Bring soul to paper” (thổi hồn vào giấy), mỗi bông hoa làm ra không chỉ giống hoa thật, Lavin còn mong cái tâm của người thợ khiến những mảnh giấy vô tri có sức sống.
Để phù hợp với thị hiếu, thị trường hiện đại, nhóm của Nhàn không ngừng sáng tạo, làm mới mỗi sản phẩm. Trên các sản phẩm, họ gửi đi những thông điệp, lời nhắn nhủ tích cực. Câu chuyện trên từng cánh hoa tạo nguồn cảm hứng tích cực cho du khách ghé Lavin Home. Khách luôn thích thú khi nghe nhóm giải thích về những sản phẩm chuyên biệt. Chẳng hạn như My - cô gái hay cười chuyên làm hoa hướng dương, bởi loài hoa này tượng trưng cho sự lạc quan, yêu đời. Thảo - cô gái luôn tạo cho người tiếp xúc cảm giác ấm áp, bình yên sẽ tập trung làm hoa nghệ tây, bởi loài hoa này tượng trưng cho hạnh phúc…
Với những dòng tâm sự được viết ra giấy, cô gái không thể nghe và nói Trà My (24 tuổi) chia sẻ: "Từ khi làm việc tại đây, tôi thấy đời mình sang trang. Nó vui vẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt, tôi có thể tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, không còn là gánh nặng của cha mẹ".
Thanh Nhàn giải thích cho tôi hay về cái tên căn nhà, nơi chứa đựng khát khao của cô và các cộng sự: “La viết tắt từ lavender (hoa oải hương) - loại hoa tôi yêu thích. Vin là vintage (cổ điển) - phong cách nhóm sẽ hướng đến”. Nhàn cho biết, Lavin Home nhận đặt hoa theo yêu cầu, nhưng vẫn mong muốn có nét riêng.
Sau hơn 4 năm, hiện Lavin Home là nơi sinh hoạt của Nhàn, bà Nguyễn Thị Lộc - mẹ Nhàn - cùng 6 bạn trẻ câm điếc hoặc mắc bệnh xương thủy tinh. 3 bạn trẻ câm điếc làm việc thường xuyên tại đây, còn các bạn mắc bệnh xương thủy tinh làm hoa tại nhà. Nhàn sẽ đến lấy sản phẩm đều đặn 2 lần mỗi tháng.
Ở Huế có làng nghề Thanh Tiên nổi tiếng với sản phẩm hoa giấy từ nguyên liệu truyền thống. Tại Lavin Home, nguyên liệu là giấy nhún xuất xứ nước Ý. Theo Thanh Nhàn, loại giấy này dễ tạo hình các chi tiết tỉ mỉ. Ngoài hoa, Nhàn và các cộng sự còn cho ra đời những vật dụng hữu ích được tái chế như bình hoa từ chai thủy tinh…
Ðến với không gian của hoa giấy, khách được trải nghiệm tủ sách miễn phí, tự tay vào bếp pha những tách trà hương hoa, đậm phong vị Huế. Thưởng trà, đọc sách, học làm hoa giấy dưới khoảnh vườn yên bình ở Lavin Home là cảm giác thú vị khó tả.
Lavin Home cũng thường xuyên tổ chức các workshop để dạy cắm hoa, trao đổi về sản phẩm hoa giấy với khách tham quan. Khi được yêu cầu, Nhàn và các bạn khuyết tật còn tổ chức những buổi giao lưu, dạy học ngôn ngữ ký hiệu. Thông qua chuỗi workshop, Nhàn xây dựng được mạng lưới các bạn người khiếm thính, câm điếc, xương thủy tinh ở nhiều nơi. Trước mắt, họ là cộng tác viên đắc lực cho Lavin Home trong việc quảng bá hoa giấy và du lịch Huế.
Bài và ảnh: Thuận Hóa
Thiết kế: Hoàng Triết