Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều kế hoạch được dự tính trước đó, đồng thời cũng phát sinh nhiều tình huống không kịp trở tay.
45 năm trước, tháng Tư, cũng là những ngày rát bỏng nhất của lịch sử. Bánh xe thời gian, bằng một cách nào đó đã trở lại trong những ngày cả nước căng thẳng chống dịch, như diễn dịch, như nhắc nhớ thêm một lần nữa về nơi cuộc chiến (hình như) chưa bao giờ đi qua. Và vẫn là họ ở đó, những chiến binh sao vàng của một thời lẫm liệt. Tôi không biết, lịch sử chọn lựa họ hay họ chọn lịch sử để đi cho bằng hết sinh mệnh của mình; nhưng rõ ràng, họ đang kể tiếp “kỷ niệm đầu tiên, của một lớp người chiến đấu”. |
Trong lúc đang theo chân đoàn công tác hỗ trợ chốt kiểm soát chặn dịch COVID-19 trên tuyến tuần tra biên giới Tây Ninh, đoạn giáp ranh tỉnh Bình Phước và Long An, đại úy Bùi Ngọc Thiệp - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An - gọi điện đề nghị dời ngày thi công mái ấm biên cương (thuộc dự án Biên cương xanh của Báo Phụ Nữ TPHCM) - cho một hộ nghèo mà trước đó, hai bên đã cùng đơn vị tài trợ dự kiến sẽ bàn giao vào dịp 19/5.
Trước khi về đồn Mỹ Thạnh Tây, đại úy Thiệp là trợ lý thanh niên ở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An. Khi dự án Biên cương xanh triển khai chương trình 1.500 vầng trăng Trung thu năm 2015 tại huyện Mộc Hóa, Thiệp đã dẫn đường cho chúng tôi, chuyển quà trung thu của chương trình từ bến đò Kiến Tường xuyên con rạch nhỏ chen kín lục bình đến đồn Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa.
Đồn biên phòng Mỹ Thạnh Tây quản lý đoạn biên giới dài 11,4km qua ba xã: Mỹ Thạnh Tây, Bình Hòa Hưng và Mỹ Bình. Trong thời điểm có lệnh đóng các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc biên giới, ngoài các chốt kiểm soát cố định, đồn được chi viện quân từ các đơn vị biên phòng tuyến biển. Mỹ Thạnh Tây được tăng quân từ biên phòng tỉnh Bến Tre. Hầu hết quân tăng viện đều được phân công vào các chốt dã chiến chống dịch COVID-19.
Thiệp bảo rất thương hoàn cảnh của một người lính mới được tăng cường vì vợ cậu ấy mới sinh con đầu lòng nhưng người lính ấy không thể ở bên cạnh để động viên, chia sẻ. Tôi bảo, với người lính, chuyện đó cũng thường mà. Tần ngần mãi, Thiệp mới thổ lộ: “Con đầu lòng của họ bị hở hàm ếch, anh ạ!”. Một khoảng lặng kéo dài trong điện thoại mà chúng tôi chẳng biết phải nói gì thêm.
Không có chồng bên cạnh, không người thân thích xung quanh, nhưng Lan Anh vẫn luôn động viên chồng an tâm chống dịch nơi biên giới
Tuyến biên giới Tây Ninh những ngày qua thực sự là vùng nóng, theo nhiều nghĩa. Ngoài thời tiết khắc nghiệt của vùng đất “nắng cháy da người”, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh còn đảm trách nhiệm vụ kiểm soát một đoạn biên giới dài nhất nhì trên toàn tuyến Việt Nam - Campuchia: 240km, chạy qua năm huyện, 20 xã với hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia, 25 chốt cố định tại các lối mở, 92 chốt dã chiến (chốt chặn tăng cường) trên các đường mòn với lực lượng cơ động tăng thêm hơn 500 người, trực chiến 24/24 giờ để ngăn chặn các nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 từ phía bên kia cột mốc.
Những ngày theo chân đội lắp đặt đèn năng lượng mặt trời dọc tuyến tuần tra biên giới từ Đồn biên phòng Tống Lê Chân (huyện Tân Châu) về đồn Suối Lam, rồi Tân Hà qua Xa Mát (huyện Tân Biên), mới thực sự hiểu thêm khái niệm gồng mình chống dịch của hơn 500 quân có mặt mỗi ngày giữa mùa nắng nóng ở vùng biên giới Tây Ninh này.
Khi chiếc đèn năng lượng 180w hỗ trợ chốt chặn số 1 - đồn Suối Lam, được dựng lên. Trung úy Trần Văn Bình, về chiếc võng của mình, lấy điện thoại ra để hỏi thăm vợ đang chờ sinh ở bệnh viện
Chốt dã chiến đa phần là lều bạt dựng tạm bợ bên những lối mòn vốn rất ít người qua lại. Có chốt được núp dưới tán cây xanh, nhưng cũng có chốt nằm “nguyên con” dưới nắng. Lương thực chi viện cho chốt có khi được treo đầu võng, có khi nhét ở góc lều hoặc gửi nhờ trong miếu cô hồn lẻ loi dưới gốc cây đa. Quân số các chốt có từ 3-5 người; đứng, ngồi, nằm đều được, miễn duy trì sự có mặt lâu dài ở chốt chặn 24/24 giờ, riêng ánh mắt là không được rời mục tiêu.
Khi chiếc đèn năng lượng 180w hỗ trợ chốt chặn số 1 (đồn Suối Lam) được dựng lên, mọi người ùa vào bóng râm của khu rừng cao su lân cận. Trung úy Trần Văn Bình đã tách ra, về chiếc võng của mình. Anh nhanh chóng lấy điện thoại ra rồi mỉm cười rất tươi. Lính mà, quân lệnh như sơn, nhưng quân lệnh không cấm người lính nhớ vợ, nhất là lúc vợ “vượt cạn” lần đầu. Đứng ở đầu gió, tôi loáng thoáng nghe tiếng anh vọng lại: “Chưa sanh à? Thôi cố ăn nhiều cho có sức khỏe”. Đến gần, anh ngoái nhìn tôi: “Nếu đúng như bác sĩ nói, đúng ngày hôm nay (7/4), vợ chồng em có con đầu lòng”.
Tình cảm cha con, vợ chồng trong những ngày chống dịch COVID-19 được vun vén, duy trì qua điện thoại
Trung úy Bình vốn là đội trưởng trinh sát của Đồn biên phòng Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Năm 2019, Bình được đơn vị cử đi học tiếng Khơ-me 12 tháng tại Trường trung cấp Biên phòng II (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Mới đây, anh nhận lệnh tăng viện cho tuyến biên phòng Tây Ninh, kế hoạch xin phép về chăm vợ sinh của anh đột ngột bị phá sản.
Quen nhau từ thời học phổ thông nhưng bốn năm sau, khi Bình là trung úy biên phòng, cô bạn học quê huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trở thành cô giáo trường trung học cơ sở, họ mới cưới nhau. Bình bảo, khi nhận lệnh tăng cường chốt chặn chống dịch COVID-19 ở tỉnh Tây Ninh, anh biết mình sẽ không thể có mặt lúc vợ sinh. Anh gọi điện động viên vợ, gửi gắm vợ cho mẹ và chị gái, nhưng anh cũng thú nhận là mình rất nhớ, rất lo, rất nóng ruột.
Bình đưa tôi xem gương mặt của cô giáo đang chờ sinh ở phòng chờ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị với nụ cười tươi, rồi hỏi: “Mình đặt tên cho con là Suối Lam hay Tây Ninh được không anh? Hôm trước, khi có bầu, vợ vô thăm chồng ở huyện Phú Quốc, các anh trong đồn gợi ý sẽ đặt tên cho con trai đầu lòng của vợ chồng em là Phú Quốc. Bọn em thấy cũng được, nhưng hoàn cảnh bây giờ, Tây Ninh hay Suối Lam cũng là một lựa chọn phù hợp”.
Không khó để tìm ra căn nhà trọ nhỏ trên đường Lê Duẩn, khu phố 1, phường 3, TP. Tây Ninh, theo chỉ dẫn của trung úy Phạm Xuân Tường - nhân viên Đồn biên phòng Tân Bình, huyện Tân Biên. Khi tôi đến cũng là lúc Lan Anh - vợ trung úy Tường - đang chuẩn bị đi khám thai định kỳ trong tháng cuối trước sinh. Cô gái trẻ quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An “ríu rít” những nỗi lo: “Ngày mô cũng lo. Lo đẻ xong không ai chăm”.
Không thể ở bên cạnh con, các anh luôn tranh thủ những lúc nghỉ ngơi nhìn con qua điện thoại cho vơi nỗi nhớ
Tường và Lan Anh là bạn học thời phổ thông. Khi Tường thi hành xong nghĩa vụ quân sự ở tỉnh Tây Ninh, Lan Anh cũng học xong lớp cao đẳng kế toán. Lúc Tường chuyển qua làm lính biên phòng, Lan Anh lại về Đà Nẵng làm kế toán doanh nghiệp tư nhân. Kẻ Bắc người Nam, như thể giữa hai người luôn có một khoảng cách, vậy mà bất ngờ tình yêu lại đến trong một lần Tường về thăm cha mẹ ở tỉnh Nghệ An đúng lúc Lan Anh về quê. “Tháng Ba năm ngoái, cưới nhau xong, không trăng mật, ảnh đi thẳng lên đồn, quăng em lại đây một mình”.
Nhìn cô cười mà cứ như khóc. Mà không khóc mới lạ. Những cô gái mang bầu lần đầu thường rất dễ tủi thân. Đến một nơi xa lạ, không người quen, không bạn bè, đường xá không biết, thuê nhà thì không dám cho ai biết mình đang ở một mình, giờ lại cận ngày sinh mà mỗi lần gọi về mẹ, mẹ lại khóc, nên thôi. Gọi cho chồng thì chồng đang làm việc nên cũng không nói được gì nhiều. “Nhiều đêm, nhìn cái vòi nước hư, nghe nước chảy róc rách mà không nhờ chồng sửa được, cũng tủi thân, khóc một mình”.
Tuy vậy, qua cách nói, tôi biết Lan Anh rất hiểu hoàn cảnh và công việc của chồng. Từ ngày vào Tây Ninh, Lan Anh đã mấy lần quá giang bạn bè đến đồn thăm chồng. “Sáng đi chiều về, cứ như đi buôn” - cô nói, không giấu được ánh mắt thương chồng.
Trung úy Phạm Xuân Tường là quân nhân chuyên nghiệp, có chuyên môn về kế toán nên được phân công làm nhân viên quản lý của đồn Tân Bình, phụ trách các khoản lương, phụ cấp, ăn uống của đồn. Theo Lan Anh, mùa này là mùa Tường phải làm nhiều loại báo cáo tổng kết tài chính, nên mỗi lần gọi điện, thấy anh cặm cụi bên máy tính, cô không dám nói nhiều, sợ chồng phân tâm, làm không chính xác. Theo dự tính của bác sĩ, cô sẽ sinh con khoảng cuối tháng Tư, đầu tháng Năm.
Chi hội Phụ nữ BĐBP Tây Ninh luôn là điểm tựa ấm áp cho những người vợ lính sắp vượt cạn
“Hiện tại, chồng chắc chắn sẽ không về, còn bố mẹ ngoài quê lại bị cấm bay. Nếu bay được, vào Tây Ninh cũng bị cách ly 14 ngày” - Lan Anh tính toán. Thời gian ít ỏi còn lại trước ngày sinh, cô thực sự lo sợ. Cô nói: “Ngày sinh, có mẹ ruột bên cạnh nhưng em vẫn muốn có chồng, mới yên tâm. Bây giờ COVID-19, biết phải làm sao”.
Cho đến lúc mặt trời dần chìm xuống vùng biên giới Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, chiếc trụ đèn năng lượng mặt trời cuối cùng được dựng lên, kết thúc hành trình 240km đường tuần tra biên giới, tôi cũng chẳng biết nói sao để chia sẻ với người vợ lính biên phòng trong mùa cao điểm chống dịch COVID-19 ác nghiệt này. Tôi đang nghĩ đến những bàn tay nhân ái của Hội phụ nữ khu vực thì bất chợt điện thoại rung. Đầu dây bên kia, giọng trung úy Bình ở chốt chặn số 2, Đồn biên phòng Suối Lam hớn hở: “Báo cáo anh, vợ em vừa sinh lúc 11g30 đêm qua. Con trai. 3,8kg lận anh ơi!”.
________________
Nguyễn Thiện
Kỹ thuật: Ngô Tới