Hàng chục năm qua, thanh niên nam nữ ở nhiều làng, xã của miền Trung theo nhau rời quê mưu sinh. Nhiều ngôi làng giờ chỉ còn người già, trẻ nhỏ.
Người già, trẻ nhỏ nương tựa nhau
Hàng chục năm qua, thanh niên nam nữ ở nhiều làng, xã của miền Trung theo nhau rời quê vào các tỉnh phía Nam mưu sinh. Nhiều ngôi làng giờ chỉ còn người già, trẻ nhỏ.
Làng Viễn Trình, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều cư dân trẻ ly hương. Bà Võ Thị Beo - 73 tuổi - cho biết, Viễn Trình hiện giờ chỉ toàn người già, trẻ em. Bà cũng đang thay con nuôi 2 đứa cháu nội. Con trai bà đang làm phụ hồ ở TPHCM, còn con dâu bà mất do mắc bệnh COVID-19 3 năm trước. “Thấy gia cảnh tôi khó khăn, một trường quốc tế ở TP Đà Nẵng nhận lo tiền ăn học cho cháu lớn 8 tuổi, còn tôi lo nuôi cháu nhỏ 3 tuổi” - bà buồn rầu.
Ở cùng thị trấn, bà Nguyễn Thị Kiến - 84 tuổi - cũng chăm 2 cháu nhỏ. Sau khi ly thân vợ, con trai bà gửi 2 cháu cho bà rồi đi làm ăn biệt xứ. Trong căn nhà tình thương cũ kỹ của bà, thứ quý giá nhất là chiếc ti vi cũ. Bà cám cảnh: “Thấy 2 đứa nhỏ ở nhà với bà tội quá, tôi cũng đứt ruột. Nhưng nếu kêu cha tụi nó về đây thì chẳng biết làm nghề gì để sống. Đất đai thì không có…”.
Ông Lê Đức Lộc - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Vang - cho biết, mỗi năm, huyện có hơn 300 cặp vợ chồng rời quê mưu sinh, để lại con cháu cho ông bà nuôi. Toàn huyện hiện có khoảng 2.000 người đang làm ăn xa. Để người địa phương có việc làm tại chỗ, chúng tôi tổ chức được 10 lớp đào tạo nghề, nhưng hiệu quả có hạn. Do thu nhập từ nghề nông vừa thấp, vừa bấp bênh nên các cặp vợ chồng trẻ thường gửi con cho cha mẹ rồi vào Nam làm ăn, gửi tiền về.
Ở đội 2, thôn Xuân Thành, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, bà Năm Phương - 67 tuổi - cùng đứa cháu ngoại 5 tuổi tên Tâm nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ bên con đường đất. Bà Phương, có 2 con, đứa trai lớn ra riêng, con gái út đi làm ở TPHCM rồi sinh cháu Tâm năm 2019. Thời đó, 3 bà cháu chen chúc trong 1 phòng trọ nhỏ.
Khi cu Tâm được hơn 2 tuổi, sau thời gian cách ly phòng chống dịch COVID-19, không chịu nổi sự bí bách, bà mang Tâm về quê, “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Tháng trước, bà đi làm thuê ở xóm khác, Tâm ở nhà thui thủi một mình, giỡn nhau với con chó vàng, chẳng may té, đập trán vô bậc tam cấp, máu chảy ròng ròng. Tâm khóc ré nhưng ở quê thưa vắng người, mãi đến khi bà đi làm về, mới biết.
Hằng - mẹ Tâm, 35 tuổi - từng tốt nghiệp ngành sư phạm Trường đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi), nhưng phải vào TPHCM mưu sinh do kiếm việc ở quê 2 năm mà không có. “Mỗi tháng, con Hằng gom góp gửi về cho tui năm, sáu trăm ngàn. Nó nói cu Tâm khỏe, ăn cơm được thì cho ăn cơm, chừng nào đau ốm, không ăn được thì mua vài hộp sữa cho cháu uống. Thương con, thương cháu đứt ruột” - bà Phương nghẹn lời.
Nhà nghèo nên ai thuê làm gì, bà đều nhận làm. Trưa đứng bóng, cho cháu ăn xong, bà Phương đạp xe chở cháu ra đồng. Cu Tâm chơi dưới bóng cây, còn bà làm việc dưới trời nắng. Sau lần cu Tâm bị té, bà không dám để cháu ở nhà một mình nữa.
Nỗi lo đằng sau chuyện cơm áo
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó chủ tịch UBND xã Phổ Cường - cho biết, toàn xã có khoảng 15.000 dân nhưng khoảng 6.000 người trong độ tuổi lao động đã rời quê đi làm ăn xa: “Khi tôi còn nhỏ, trong làng đã có nhiều người vô Sài Gòn bán hủ tíu, lâu dần thành nghề nổi tiếng của cả tỉnh. Khoảng 10 năm trước, “phong trào” đi xa rầm rộ nhất. Họ để lại con cái cho ông bà rồi đi bán hủ tíu ở TPHCM, Đà Nẵng, miền Tây Nam Bộ”.
Bà Võ Thị Xuân Tươi - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Phổ Cường - cho biết, nhờ đi làm ăn xa, nhiều hộ trong xã trở nên khá giả. Đổi lại, rất nhiều đứa trẻ phải thiếu vắng cha mẹ. Bà nói: “Do thiếu sự quan tâm, dạy bảo trực tiếp của cha mẹ, một số trẻ nghỉ học từ bậc trung học cơ sở. Đầu năm học này, 1 cháu học lớp Tám muốn nghỉ học, nhà trường đã báo với địa phương. Chúng tôi đến thăm hỏi, động viên nhưng rồi cháu vẫn nghỉ. Sau đó không lâu, 1 cháu hàng xóm cùng tuổi cũng nghỉ học”.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường - cho hay, cách đây khoảng 18 năm, trường có 30 lớp, 1.700 học sinh nhưng hiện nay, chỉ còn 11 lớp, 361 học sinh. Số học sinh giảm một phần là do người lớn đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam, khi ổn định cuộc sống thì rước con vào sống chung, một phần là do học sinh bỏ học sớm. Nhà trường thường xuyên phối hợp với chính quyền và các đoàn thể của địa phương vận động, hỗ trợ để kéo giảm tình trạng này.
Bà Mai Thanh Thủy - Phó chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, toàn thị trấn có hơn 100 trẻ mồ côi hoặc có cha mẹ đi làm ăn xa, đang sống cùng ông bà. Sau tết Giáp Thìn, có 4 trẻ bỏ học, theo cha mẹ vào Nam. “Có 1 học sinh lớp Chín của Trường THCS Phú Đa thường xuyên bỏ học, đi chơi game. Cha mẹ cháu làm ăn xa, cháu ở với ông bà. Thầy cô và đoàn thể địa phương nhiều lần trao đổi với phụ huynh nhưng ông bà cháu nói cao tuổi, không thể quản được cháu” - bà Thanh Thủy kể.
Ông Hồ Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - cho biết, xã có hơn 6.000 dân nhưng hiện có tới 2.000 người đi làm ăn xa, phần lớn gửi con lại cho người thân chăm sóc rồi đi cả vợ lẫn chồng. Nhiều ông bà đã lớn tuổi, không thể quản nổi cháu nên một số cháu lên lớp Bảy, lớp Tám trở nên hư hỏng, có cháu đi trộm cắp. Vừa rồi, một số cháu phải vào trại giáo dưỡng. Ông nói: “Đi làm ăn xa là nhu cầu, là quyền của công dân. Chúng tôi chỉ có thể vận động họ nếu đi thì chỉ nên đi hoặc vợ hoặc chồng, người còn lại ở nhà chăm lo con cái”.
Trẻ khóc vì nhớ mẹ, ông bà chỉ biết khóc theo
Nguyễn Hoàng Nhã Uyên - 11 tuổi, ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - buồn bã khi nhắc đến người mẹ đang làm việc ở Đài Loan: “Con nhớ mẹ lắm, nhiều lúc muốn gọi điện nói chuyện nhưng mẹ bận đi làm, không tiện nói”. Lúc tròn 18 tháng tuổi, Uyên được mẹ cai sữa. 1 tuần sau, cha mẹ giao Uyên cho ông bà ngoại chăm sóc để cùng nhau sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc.
Khi đó, chưa thể dứt vú mẹ, lại thèm hơi mẹ nên Uyên khóc suốt, ông bà ngoại phải thay nhau bế, dỗ dành luôn tay. Bà Bùi Thị Nghĩa - 63 tuổi, bà ngoại của Uyên - kể: “Nhiều lúc, cháu khóc cả đêm, ông bà thương quá cũng khóc theo luôn”. Những năm gần đây, kinh tế ổn định hơn, mẹ của Uyên thường tranh thủ về phép thăm con mỗi năm 1 lần hoặc đón Uyên sang Đài Loan chơi để cháu đỡ tủi thân.
Bà Nguyễn Thị Hóa - 63 tuổi, ở cùng phường Đậu Liêu - cũng đang nuôi 2 cháu nội. Không có việc làm ổn định, con trai bà Hóa đành nhờ mẹ chăm 2 con gái khi chúng mới lên 2 tuổi và 3 tuổi để cùng vợ đi xuất khẩu lao động. Hơn chục năm qua, ngoài việc cày cấy, bà Hóa còn phải kiêm thêm việc lo ăn uống, tắm giặt cho các cháu, đưa đón các cháu đi học. “Nhiều lúc cũng mệt lắm chứ, nhất là khi mấy cháu đau ốm, một mình tôi xoay xở rất vất vả. Nhưng cũng phải gắng thôi, để các con mình đi làm, kiếm chút vốn liếng cho ổn định rồi về chứ ở nhà thì không biết làm gì ra tiền” - bà Hóa nói.
Động viên, hỗ trợ kinh tế để “giữ chân” học sinh
Trường THCS Phổ Cường hiện có 361 học sinh thì khoảng một nửa trong số đó có cha mẹ đi làm ăn xa. Số học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng nhiều, trong đó có 36 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Để giúp đỡ học sinh, nhà trường đã liên hệ các cựu học sinh, thành lập quỹ “Dấu ấn tìm về”, dùng tiền quỹ mua tặng sách vở, hỗ trợ học bổng cho học sinh gặp khó khăn đột xuất. Nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng cho học sinh diện hộ nghèo, cận nghèo. Giáo viên chủ nhiệm và học sinh mỗi lớp cũng tổ chức nuôi heo đất, sau đó đập heo, lấy tiền ủng hộ các học sinh có gia cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi