Lần đầu tiên, cây cam thảo Đá Bia ở Phú Yên - một dược liệu có vị ngọt gấp 1.000 lần mía đường, nằm trong Sách đỏ Việt Nam được nhà khoa học nữ Việt Nam định danh, bảo tồn nguồn gen đã được thế giới công nhận.

Năm 2018, tạp chí Ann.Bot.Fennici uy tín của Phần Lan chuyên về dược liệu đã đưa tên của kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh gắn cho loại cây này (Jasminanthes Tuyetanhiae T.B.Trần & Rodda Apocynaceae).

Bỏ Sài Gòn ra miền Trung trồng dược liệu cho thế giới

Những ngày cuối năm, cánh đồng hoa bụp giấm nhuộm một màu rượu chát đang chờ bà con nông dân gặt hái xuất khẩu sang Đức để kết thúc mùa vụ năm cũ thì cũng là lúc kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh phải bay vào Sài Gòn để kịp chạy thận nhân tạo.

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh

Cánh tay sưng tấy, bầm đen do những lần chạy thận vẫn không làm giảm sự phấn khởi của bà khi nông dân được mùa. Nằm nghỉ trên giường bệnh, bà liên tục gọi điện thoại hỏi thăm một số hộ dân về sản lượng, màu sắc của hoa bụp giấm năm nay, rồi bà nhỏ nhẹ trấn an sẽ sớm cử kỹ sư đến hướng dẫn thu hoạch.

Mời khách bằng ly nước hoa bụp giấm có màu đỏ như nước ngọt, bà khoe: “Đây là loại nước giải khát theo xu hướng của thời đại. Ở các nước, họ đem bụp giấm do Việt Nam trồng để sản xuất thành loại nước uống giúp giới trẻ đỡ mỏi mắt khi ngồi trước màn hình máy tính, đồng thời giảm mỡ máu, hạ huyết áp.

Nhiều nước phương Tây nhập khẩu loài hoa này để cung ứng cho các trường mầm non, làm thức uống tăng sức đề kháng, ngừa các bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh”. 

Bà kể, năm 1994, một công ty của Đức đến Việt Nam tìm vùng trồng hoa bụp giấm để xuất khẩu. Lúc này, nhiều địa phương trên cả nước rộng tay chờ đón cơ hội. Thế nhưng, qua nhiều lần khảo sát địa chất, cuối cùng đối tác Đức chọn Bình Thuận để đặt hàng. Bởi loài hoa bụp giấm vốn mọc ở vùng đất khô cằn Nam Mỹ, chỉ phù hợp với cát biển miền Trung.

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch cây dừa cạn xuất sang Pháp sản xuất thuốc chữa ung thư

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch cây dừa cạn xuất sang Pháp sản xuất thuốc chữa ung thư

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch cây dừa cạn xuất sang Pháp sản xuất thuốc chữa ung thư

Lúc này, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung của kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh quyết chọn xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận để “xuống giống”.

Kể từ đó, mỗi ký nụ hoa bụp giấm khô của Việt Nam được các nước thu mua đến 4 USD (gần 100.000 đồng), gấp đôi giá các nước, nhờ hàm lượng hoạt chất anthocyanin cao hơn chuẩn thế giới”. Tùy vào nhu cầu nhập khẩu của Đức mà mỗi năm bà con ở Bình Thuận trồng từ 200-800 hecta.

Nhờ biết “cày xới” trên dải đất bạc màu ven biển miền Trung, mỗi năm bà đem về hàng chục tỷ đồng nhờ xuất khẩu các loại cây thuốc sang Đức (bụp giấm), Pháp (cây dừa cạn), Nhật (gừng)… và đang hướng tới thị trường Úc.

Về cơ duyên đưa bà đến với dải đất ven biển miền Trung trồng dược liệu, chứ không phải là vùng đất Lâm Đồng quê bà, hay ở Sài Gòn với nhiều cơ sở nghiên cứu sẵn có, bà kể: “Năm 1982, nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế, tôi được Tổng công ty Dược Việt Nam cử đi khảo sát, nghiên cứu tìm vùng đất trồng cây dừa cạn để bán cho Pháp sản xuất thuốc chữa tai biến mạch máu não và ung thư.

Lúc đó, tôi vừa hào hứng vừa hồi hộp vì cây dừa cạn mọc hoang dã khắp Việt Nam nhưng ở miền Bắc trồng thất bại. Hàm lượng hoạt chất trong cây thuốc rất thấp, không cạnh tranh nổi với Madagascar (quốc gia Đông Phi đang chiếm lĩnh thị trường thế giới). Nhưng, tôi nghĩ đây là cơ hội thoát nghèo cho dân mình nên cố gắng hết sức”.

Ngay lập tức, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh cùng chồng - kỹ sư Hoàng Xuân Lâm - chuyên viên Phân viện Dược liệu TP.HCM khăn gói lên đường đi khảo sát vùng đất trồng cây dừa cạn từ các tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận suốt bốn tháng trời. 

Mãi đến năm 1988, bà chọn vùng đất ở xã Bình Kiến (huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) để cây dừa cạn “định cư”. Nhiều người cho rằng bà quá mạo hiểm khi dám chọn vùng cát biển xứ “nẫu” chỉ toàn phi lao và xương rồng để khởi nghiệp.

Bà chỉ gật gù giải thích theo các chỉ số nghiên cứu: “Cây dừa cạn phù hợp với Phú Yên hơn vì đất ven biển Phú Yên có mực nước ngầm không thấp quá 8m, đất không nhiễm phèn, nhiễm mặn. Đặc biệt, chỉ có cái nắng, cái gió và lượng mưa của Phú Yên mới thích hợp để cây dừa cạn hóa thành cây thuốc”.

Và đúng như nghiên cứu của bà, lá và rễ cây dừa cạn trồng ở Phú Yên được một trường đại học ở Hà Lan định lượng và xí nghiệp L.Pierre Fabre của Pháp kiểm nghiệm đều ghi nhận chứa hoạt chất làm thuốc rất cao, cạnh tranh được với thế giới.

Để cây dừa cạn có thể phát triển mạnh hơn, bà đứng ra vay tiền xây dựng nông trại dưới chân đèo Cả (ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) với quy mô 200.000m². Ngay năm đầu tiên, sau 6 tháng trồng cây dừa cạn bà thu hoạch được hoạt chất Vinblastine chữa ung thư đến 320mg/kg lá khô, cao hơn tiêu chuẩn 145mg/kg lá khô của thế giới. Đến tháng thứ 9, bà thu hoạch thành công rễ cây dừa cạn, với hàm lượng chất Ajmalicin ngăn ngừa tai biến mạch máu não đạt chuẩn quốc tế.

Đến mùa thu hoạch, ngoài lực lượng lao động 40-50 người, bà thuê thêm hàng trăm bà con nông dân đến phụ. “Thương lắm, thời đó dân Phú Yên còn nghèo. Mỗi lần đến đợt thu hoạch, bà con thức dậy từ 2-3 giờ sáng xếp hàng để được gọi vào làm. Họ sợ đến sau sẽ hết việc”.

Mới vừa trả nợ xong, cơn bão thế kỷ năm 1992 quét qua Tuy Hòa khiến cả trang trại dừa cạn tan nát. Kể đến trận bão này bà chép miệng: “Cây dừa cạn bị quấn như giặt khăn. Gia đình tôi có cuộc sống yên ổn ở Sài Gòn giờ lại khổ cực, trắng tay. Tôi buồn quá nảy ra ý định bỏ Phú Yên về lại Sài Gòn. Nhưng khi nhớ lại hình ảnh bà con nông dân ở đây chất phác, họ sẵn sàng vì mình mà giúp sức khôi phục nông trại; nhớ lại cơ duyên mang thai con trai trên mảnh đất Phú Yên vào năm 1988 khiến tôi không muốn bỏ rơi mảnh đất này”.

Một lần nữa, bà xắn tay trồng lại cây dừa cạn. Bà đổi mới máy móc, kéo lưới điện quốc gia đến nông trại hẻo lánh… bằng tiền vay mượn. Và kể từ đó hoa đã nở dưới chân đèo Cả. Hàng trăm nông dân Phú Yên và một số tỉnh miền Trung thoát nghèo nhờ cây thuốc quý. Mỗi hộ dân trồng 1 hecta cây thuốc sau 6-7 tháng thu về 250 triệu đồng.

Trước nhu cầu trồng cây thuốc giải quyết công ăn việc làm cho nông dân; bà biến trang trại thành nơi trồng cây giống, nhân giống, chế biến nguyên liệu, thành phẩm để xuất nguyên liệu sạch, hàm lượng thuốc cao. Còn việc trồng cây dừa cạn bà khoán cho nông dân và đảm bảo đầu ra. Với các hộ dân ở Phú Yên, bà hướng dẫn trồng cây dừa cạn, diệp hạ châu (cây chó đẻ); nông dân ở Đắk Lắk trồng gừng Nhật (trị gout, đau khớp). 

Hành trình 10 năm đi tìm cây thuốc quý

Niềm hạnh phúc lớn của kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh khi lần đầu tiên, cây cam thảo Đá Bia ở Phú Yên - một dược liệu có vị ngọt gấp 1.000 lần mía đường, nằm trong Sách đỏ Việt Nam được chính bà định danh và bảo tồn nguồn gen đã được thế giới công nhận. Năm 2018, tạp chí Ann.Bot.Fennici uy tín của Phần Lan chuyên về dược liệu đã đưa tên của kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh gắn cho loại cây này (Jasminanthes Tuyetanhiae T.B.Trần & Rodda Apocynaceae).

Trước khi kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh định danh đúng tên của loài thuốc quý này thì hơn 30 năm trước, đoàn điều tra dược liệu của tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay) đã phát hiện vùng Đá Bia có một loại cây dây leo có vị ngọt, được dùng thay thế cam thảo Bắc nên được đặt tên cam thảo Đá Bia.

Lúc đó, các nhà khoa học chưa thu được mẫu hoa quả của cây cam thảo Đá Bia nên nghĩ cây có tên khoa học Telosma procumbens (Blanco) Merr, thuộc họ thiên lý. Cũng dựa vào tên khoa học này, các nhà nghiên cứu tại TP.HCM và Nhật Bản phát hiện cây cam thảo Đá Bia có chất Telosmoside A15 với vị ngọt gấp 1.000 lần đường sucrose trong mía. 

Do tác dụng quá độc đáo nên khi hoạt chất mới trong cam thảo Đá Bia vừa công bố, nhiều người dân Phú Yên khai thác triệt để, dẫn đến cây gần như tuyệt chủng và được xếp vào Sách đỏ Việt Nam.

"Ngay khi mới về nghiên cứu trồng cây dừa cạn ở Phú Yên, tôi nghe người dân kể trên núi Đá Bia có một loài cây ngọt hơn đường. Họ thường lên núi tìm cây này về làm thuốc trị ho, dùng chế biến thức ăn thay cho đường.

Từ năm 1990, tôi cùng nhiều người trong trang trại, thuê cả lương y địa phương, những người chuyên đi rừng để lùng cây cam thảo Đá Bia. Vùng Đá Bia rộng cả ngàn hecta nhưng cây phân bố rất hẹp. Dù leo núi, bất kể trời nắng hay mưa, lần theo các đường mòn, len vào các hốc đá vẫn không thể tìm ra. Thậm chí nhiều lần, nghe những người đi rừng kháo nhau cây thường trổ hoa trắng sau mưa. Nghe lạ, tôi tiếp tục săn loại cây hoa trắng nhưng vẫn vô vọng.

Tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu, nhưng cây thuốc quý vẫn chưa lộ diện, tôi càng lo cây tuyệt chủng. Đến năm 2016, đoàn chúng tôi đã không bõ công khi tìm thấy một loại cây hoa trắng như mô tả của các cụ lương y, mọc trong những gộp đá trên đèo Cả. Thấy cơ hội nhân giống giúp cây không còn tuyệt chủng, tôi mừng muốn khóc”.

Cây cam thảo Đá Bia lần đầu tiên được kỹ sư Tuyết Anh phát hiện dưới chân đèo Cả

Cây cam thảo Đá Bia lần đầu tiên được kỹ sư Tuyết Anh phát hiện dưới chân đèo Cả

Cây cam thảo Đá Bia lần đầu tiên được kỹ sư Tuyết Anh phát hiện dưới chân đèo Cả

Với nhiều năm tích lũy kiến thức trong lĩnh vực nghiên cứu dược liệu, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh quả quyết: cây cam thảo Đá Bia quý hiếm này không thể có tên khoa học Telosma procumbens như các nhà khoa học trước đây định danh. Vì nếu như vậy, loại cây này mọc khắp nơi trên thế giới, chứ không chỉ có ở vùng Đá Bia, trong khi hoạt chất lạ từ cây cam thảo Đá Bia chỉ có mỗi Việt Nam công bố. 

Tháng 8/2017, bà tiếp tục nghiên cứu và mời tiến sĩ Trần Thế Bách ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật Việt Nam) cùng tham gia nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã gửi mẫu cây cam thảo Đá Bia đi nhiều bảo tàng thực vật trên thế giới gồm: Anh, Ý, Singapore, New Zealand, Trung Quốc… để “chẩn đoán” lần cuối.

Cuối cùng các nhà khoa học thế giới đã xác nhận loài cam thảo Đá Bia chỉ phát hiện duy nhất ở Việt Nam tại vùng Đá Bia, Phú Yên được mang tên khoa học mới: Jasminanthes Tuyetanhiae T.B.Tran & Rodda  Apocynaceae trong đó có tên kỹ sư Tuyết Anh (Tuyetanhiae).

Kỹ sư Tuyết Anh nhân giống thành công cây cam thảo Đá Bia - hy vọng đưa cây quý hiếm này thoát khỏi tuyệt chủng

Kỹ sư Tuyết Anh nhân giống thành công cây cam thảo Đá Bia - hy vọng đưa cây quý hiếm này thoát khỏi tuyệt chủng

Kỹ sư Tuyết Anh nhân giống thành công cây cam thảo Đá Bia - hy vọng đưa cây quý hiếm này thoát khỏi tuyệt chủng

Nhìn lại một vùng chỉ toàn “cát bay cát chạy” theo gió biển, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh trăn trở: “Tôi bước sang tuổi 65 rồi, chỉ mong cây cam thảo Đá Bia được hồi sinh trên đất Phú Yên. Cây rất khó trồng vì tỷ lệ hạt nảy nầm chỉ đạt 1/100. Tôi cũng mới nhân giống được 50 cây từ phương pháp chiết cành. Tôi đang tiếp tục nghiên cứu cấy mô và dự kiến đầu năm 2019 sẽ có thêm 10.000 cây con ra đời, sớm đưa cây thoát khỏi Sách đỏ”.

Theo kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, đây là loại cây có thể góp phần ngăn ngừa bệnh tiểu đường và chế biến thành các sản phẩm thay thế đường rất tốt cho sức khỏe. “Tôi cũng đang xin giấy phép chuyển một phần trang trại của mình thành Vườn bảo tồn cây thuốc dược liệu miền Trung để người Việt tự hào về nguồn dược liệu Việt Nam”. 

Văn Thanh
Chia sẻ bài viết: