Từ xa, khi còn trên đường Võ Trần Chí, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh; Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM hiện lên như một tòa nhà đa sắc. Những bức tường được tô vẽ cẩn thận, nổi bật với gam màu vàng, đỏ, xanh… tựa như các ô cửa xinh xắn, cho cảm giác đã mắt.

Dừng xe trước cổng, đang lớ ngớ với ý nghĩ phải chăng mình đang lạc vào xứ cổ tích của trẻ thơ, chúng tôi nghe giọng trầm trồ: “Xinh quá! Giống trường mầm non của con quá phải không?”. Chỉ tay về hướng khu vui chơi ngoài trời đầy ắp đồ chơi, người mẹ tiếp tục: “Có cầu trượt như ở trường con kìa”. Cô bé nhỏ xíu, tầm 3 tuổi, đang mệt nhoài gục đầu trên vai mẹ, gương mặt chợt rạng rỡ, reo lên: “Cầu trượt, cầu trượt”.

Nghệ sĩ piano Cao Bá Khánh Toàn với cây piano giữa sảnh

Chúng tôi bước vô bệnh viện. Cảm giác chật chội, đợi chờ, chen lấn từng trải nghiệm ở nhiều bệnh viện khác sớm tan biến trước không gian thoáng đãng. Anh đồng nghiệp đi cùng nhận xét: “Cơ sở sang như khách sạn, sinh hoạt như một trung tâm giải trí”. Cơn ngỡ ngàng chưa tan trước hiện thực khác biệt, chúng tôi lại giật mình đón lấy dòng thanh âm vừa rót nhẹ vào tai - tiếng dương cầm “sống”. Một nhóm trẻ vây quanh người nghệ sĩ đang thả hồn, phiêu diêu cùng cây piano đặt giữa sảnh bệnh viện.

“Ba, con muốn đánh đàn như anh đó” - níu áo người đàn ông bên cạnh lắc nhẹ, bệnh nhi Tố Q. (6 tuổi) nói khẽ. Người đàn ông - anh Thuận - khẽ khàng đáp lại: “Con cố gắng chữa bệnh, về quê ba cho đi học đàn nha”. Rồi nhìn chàng nghệ sĩ, ông mỉm cười: “Nhờ có tiếng đàn mà con gái tôi không còn sợ nhập viện”. Tố Q. hay ốm vặt. “Quy trình bệnh” của cô bé thường đi từ cảm lạnh đến sốt cao rồi co giật, tái lặp không biết bao nhiêu lần, khiến bệnh viện thành chốn lui tới thường xuyên của cha con anh Thuận. Con đường từ nhà họ ở H.Bến Lức (tỉnh Long An) trong những lần Tố Q. lên TP.HCM nhập viện giờ đã ngắn lại, không còn đối diện với kẹt xe, bụi bặm và nỗi mệt nhoài của trăm thứ phát sinh nơi các bệnh viện từng qua.

 

Video

 

Giống như nhiều bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, Tố Q. thích thú với cây piano giữa sảnh. Những ngày nội trú, giữa bao lần khám chữa, Tố Q. thường xin ba cho ra với cây đàn, nhiều khi chỉ để nhìn ngắm. Hôm nào có nghệ sĩ xuất hiện, tiếng piano vang lên sôi động, mắt cô bé long lanh, thả người nhún nhảy, đau yếu chừng như tan biến. Vượt qua “dàn” khán giả nhí quanh “sân khấu”, tiếng đàn len qua từng lối đi của bệnh viện, vào tận khu khám chữa bệnh, đến từng chiếc giường, dìu các bệnh nhi qua cơn đau, quên nỗi sợ - những thính giả chăm chú nghiêng đầu, vểnh tai như sợ mình bỏ lỡ - dù chỉ dư ba của tiếng nhạc.

Có lẽ đã hàng trăm lần, nghệ sĩ Cao Bá Khánh Toàn (18 tuổi) mỉm cười khi nghe lỏm câu chuyện mà ở đó, chàng là thần tượng của các bệnh nhi: “Con muốn đánh đàn được như anh đó”. Khoảnh khắc mơ ước ấy có thể không đủ sức thổi bùng một giấc mơ, một lựa chọn; nhưng luôn là động lực giúp các bé vượt qua cơn đau, mạnh mẽ hơn trước nỗi sợ, thân tâm uể oải vì bệnh tật. Giá trị ấy, Toàn chia sẻ, đã đón nhận trong những năm du học ở Mỹ, khi trải qua 65 giờ làm tình nguyện ở một bệnh viện dành cho bệnh binh. Bệnh viện này cũng có cây piano giữa sảnh, mỗi lần Toàn đến, thả từng ngón tay trên các phím đàn, thanh âm vang lên, cái thư thái lặng im xuất hiện ở cả những bệnh nhân khó tính. Lắm khi, tiếng đàn còn dìu không ít người đến thành công ở cuộc phẫu thuật mà phần sống đang rất đỗi mong manh.

Khán giả nhí ghi lại cảnh nghệ sĩ Cao Bá Khánh Toàn chơi đàn

Liệu pháp âm nhạc không hề xa lạ. Ở một chốn “đau thương” như bệnh viện, tiếng piano bật lên với khả năng khơi gợi, tương tác xúc cảm, để làm động lực cho bệnh nhân. Có lẽ vì thế, khi biết Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM có cây đàn piano giữa sảnh, cần một nghệ sĩ, Toàn đã xung phong đến đây. Ba ngày trong tuần, mất hai giờ cho chặng đường đi - về, Toàn giúp các bệnh nhi thả trôi nhọc nhằn, mệt mỏi, bằng tiếng piano khi rộn ràng lúc da diết. Toàn gọi quá trình thả trôi này là sự “trải nghiệm khoảnh khắc” của các bệnh nhi.

Mà đâu chỉ bệnh nhi, những ông bố, bà mẹ đầy lo toan, cả đội ngũ y bác sĩ cũng nhờ đó vơi đi tất bật, sốt ruột trong cuộc chiến chữa bệnh. Hòa trong âm nhạc, những phản ứng và cảm xúc tiêu cực thường có trong không gian bệnh viện dễ tan đi, lòng người dịu lại.

Ai đó từng bảo, bệnh viện nhi phải xinh như trường mầm non. Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM còn hơn thế - có cây piano giữa sảnh - sân khấu với người nghệ sĩ phiêu diêu biểu diễn chẳng cần ai xem, chỉ mong thanh âm mình tạo ra được tròn vai một bác sĩ tâm hồn, hoàn thiện ước mơ về một bệnh viện đầy sức sống, văn minh, thân thiện đã ấp ủ lâu rồi, trong mỗi chúng ta.

Thực hiện: Tuyết Dân
Ảnh, clip: Cao Hoài An
Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: