Quen nhau 5 năm, năm 1985, chúng tôi chính thức về chung một nhà. Không có nhiều tiền để đi hưởng tuần trăng mật ở Đà lạt Vũng Tàu, chúng tôi mua gói du lịch Trị An 1 ngày 1 đêm.

Tuy thời gian ít vậy nhưng nhiều kỷ niệm. Đầu tiên là do lo lắng tổ chức lễ cưới trước đó, tôi bị những cơn đau dạ dày quật ngã, không thể chuyện trò, ăn uống gì được. Kế đến là do khởi hành sớm - từ 2 giờ sáng, nên tôi bị cảm lạnh luôn.

Người ta đi hưởng tuần trăng mật vui vẻ, nụ cười tươi tắn trên môi. Còn vợ tôi lo lắng, khóc sưng cả mắt, hết lấy thuốc cho tôi uống lại chuẩn bị túi nôn, dầu xoa... Đến khách sạn, tôi như hết cả sức lực, chỉ muốn nằm nghỉ ngơi.

Nhưng thương vợ, tôi cắn răng làm tỉnh, lên xe cùng đoàn tham quan. Tôi trong ảnh thấy bơ phờ, không có gì hăng hái kiểu một chàng trai mới cưới vợ. Kề bên tôi, vợ cũng cố nở nụ cười để cùng chụp tấm ảnh kỷ niệm, nhưng nhìn kỹ cũng thiếu màu tươi tắn. Một chuyến đi nhớ đời. Về nhà, vợ chồng có tấm ảnh bên nhau để khoe với bạn bè.

Từ đó, tôi tự hứa với lòng, sau này sẽ cố gắng đưa vợ đi tham quan đây đó, bù lại lần đầu quá nhiều vất vả.

Đứa con đầu tiên ra đời vào năm 1987, chúng tôi vui nhiều mà lo lắng không ít. Đời sống thầy cô giáo lúc ấy còn nhiều khó khăn. Bạn bè, không ít người bỏ nghề, kiếm nơi thu nhập cao hơn. Vợ nói với tôi: “Em biết anh say mê dạy học, không ham muốn kiếm tiền như người khác nên em xin nghỉ việc ở nhà chăm con và học một nghề khác để anh yên tâm đứng trên bục giảng”.

Vợ tôi tìm đến một chỗ dạy thêu tay, xin học. Vợ rất giỏi, được cô giáo hướng dẫn khen có hoa tay, nhiều sáng tạo. Hằng ngày, vợ đến cơ sở học lý thuyết, về nhà thực tập, lo cơm nước cho gia đình.

3 tháng sau, vợ ra nghề, lãnh những đơn hàng đầu tiên. Nhìn vợ mỗi đêm cặm cụi đến khuya với từng đường kim, mũi chỉ, tôi thấy nao lòng. Tôi có thể phụ vợ đôi chút bằng cách đến hiệu mua chỉ màu hay mang hàng giao cho khách. Tiền công không nhiều nhưng bà xã rất vui, vì tự tay lao động và làm điều vợ tôi yêu thích từ nhỏ.

Rồi rộ lên phong trào mặc áo dài có vẽ trang trí. Vợ lại đi học vẽ áo. Hoàn thành khóa học, bên cạnh kim chỉ thêu tay, vợ nhận thêm vẽ áo dài cho khách.  

Tôi miệt mài dạy học. Vợ còn dạy nghề cho các em trong nhà để có thể mưu sinh; dạy cho người ngoài, vợ cũng không nhận học phí. Khoản học phí ấy tương đương 2 chỉ vàng lúc bấy giờ. Tôi chỉ biết phụ vợ đôi chút việc nhà như chăm con, giặt giũ quần áo, nấu cơm… khi hết giờ dạy ở trường.

Những lúc cần đồ dùng dạy học như tranh vẽ, thiết bị này khác, tôi lại nhờ vợ làm giúp. Đồng nghiệp nhận xét rằng có hậu phương như thế, dạy học sao không giỏi được. Mà thật, các tiết dạy tôi được đánh giá tốt, các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh phải kể đến đóng góp của vợ.

Ngay cả trong những dịp tổ chức cho học sinh tham quan, dã ngoại suốt hàng chục năm liền ngay tại quê nhà hay ngoại tỉnh, tôi đều nhờ vợ tiếp tay lo hậu cần, tổ chức… Nhà trường cũng khen ngợi vì đã có sự ủng hộ từ gia đình.

2 con lớn lên, chúng tôi có sự phân công. Vợ giúp con học toán, lý, hóa, tiếng Anh; phần văn, sử, địa nói chung là môn học bài, tôi nhận. Vợ còn tranh thủ dự học một lớp thêu máy công nghiệp và kết cườm trên áo cưới để hợp với trào lưu của phụ nữ quê tôi.

Cứ nhìn thấy cảnh vợ ngồi tỉ mẩn kết hàng ngàn hạt cườm nhỏ hơn hạt gạo lên chiếc áo dài thành bông hoa các kiểu là tôi chịu hết nổi vì biết rất công phu, cực khổ. Thời gian ngồi bên máy thêu của vợ có lúc đến 10, 12 giờ mỗi ngày. Để gọi là chia sẻ, tôi mang bài ra chấm hay ngồi kề bên đọc sách, chứ nào dám đi ngủ trước vợ.

Tôi rất cảm ơn vợ đã luôn bên tôi mấy mươi năm qua. Chăm con, chăm chồng, làm kinh tế gia đình ổn định. Tôi dạy lịch sử nên cũng không thể dạy thêm. Tôi cố gắng mỗi năm tích cóp từ tiền lương đưa vợ con đi đây đi đó. Dĩ nhiên, các chuyến đi sau này, tôi không còn làm vợ lo lắng vì bệnh tật nữa.

Gần đây, vợ có những lúc đau lưng, mắt mờ, thêu chậm hơn xưa. Tôi biết đó là bệnh nghề nghiệp. Đó cũng là cái giá để có một gia đình ấm êm hạnh phúc. Xứng đáng lắm thay. Những tấm ảnh sau này đã không còn nét bơ phờ lo lắng trên gương mặt của vợ nữa.

Chia sẻ bài viết: