Một ngày bình yên, thêm một ngày là thêm hy vọng. Rồi ngày đó sẽ đến. Sau đợt này, COVID-19 như sự cưỡng bức vô tình đã làm… xét nghiệm tổng quát phố. Phố, là bản vẽ đô thị rõ nhất gọi tên về nếp ăn nếp ở, là hơi thở, là thói quen, là cộng cư cộng sinh lẫn ánh xạ biểu hiện tư duy quản lý xã hội hiện tại. Thì từ thời điểm này và về sau, khi cơn bạo bệnh đi qua, nó chính là bệnh án không hề muốn nhưng là cơ hội sống còn và cần kíp để chính quyền lẫn người dân coi lại sự sắp đặt, từ chủ trương chỉ thị đến biện pháp phòng ngừa, cách nghĩ, cách sống, khi thảm họa ập đến.

Muốn tới tạp hóa góc đường Hoàng Diệu - Trưng Nữ Vương, TP. Đà Nẵng, tôi phải ngang qua quán bánh canh và bánh bèo bà Năm. Sáng bánh bèo, chiều bánh canh, bà thường trực ở đó hơn 5 năm rồi. Từ đó nhìn chéo qua bên kia đường là cái kiệt có bệnh nhân số 35 làm ở Điện Máy Xanh cách đây hơn nửa tháng khiến cả Đà Nẵng nhốn nháo. Bữa đó, bánh bèo của bà bán nhanh như điện, đơn giản là người ta xúm tới ăn, nói nhỏ nói to, chỉ chỏ như thể con virus chuẩn bị càn quét xóm mình, mà từ đây tới nhà bệnh nhân đó, có hơn 100m. Một ông nửa thiệt nửa giỡn: để coi, rồi có bữa là dẹp hết, ý nói bà Năm hết cơ hội bán.

Bây giờ bà Năm ở nhà nấu ăn cho ba đứa con đang tuổi đi học, chồng phụ bà lặt vặt hằng ngày, giờ sáng nào cũng cầm ly cà phê, cạy miệng không nói. Nhà thuê, lấy đâu trả tiền cho người ta đây? Họa hoằn ông mới nhìn, qua quýt: “Chưa biết anh à, ráng chịu thôi”.

Chỗ tôi đứng nghe ông nói, ngó qua bên kia, sát trụ điện, là “bất động sản” của bà bán xôi. Bà ở dưới đường Ông Ích Khiêm, sáng lên đây bán tới 9g thì gánh sang đường khác. Chồng bà bị liệt, một mình nuôi bốn đứa con. Làm bạn với bà là có chị Thủy bán mì quảng, từ Thanh Chiêm - Điện Bàn cứ 5g sáng là chất đầy chiếc xe máy có mì, nhưn tôm thịt đến rau sống, chở ra. Bán vỉa hè mà khách rất đông.

Bất luận nắng mưa, chị bán đến 30 tết, mồng Bốn là bán lại, bởi cõng sau lưng là bầy con, có hai đứa đang học đại học ở Sài Gòn, đâu dám nghỉ. Bữa mới phát dịch, chị than: “Lâu ni bữa mô khách sạn S. ở Hội An cũng đặt tui 30 tô, sáng họ chạy tới lấy rồi chở vô, từ hôm qua họ điện thoại nói hết khách rồi, chắc chết”. Chị không chết, nhưng vắng bóng đã một tuần nay… 

Chợ Hàn ở TP. Đà Nẵng

Chợ Hàn ở TP. Đà Nẵng

Tôi đi ra phố, tất nhiên, không thấy họ, nhớ bà Năm kể bán bánh canh như thể bán đồ gian, vừa bán vừa lén lút ngó bởi người của chính quyền đi nhắc khi lệnh đã ban, thấy mà tội. Vẩn vơ nghĩ, họ chắc đang ở nhà, nghỉ ngơi trong âu lo những ngày sắp tới, chắc nhớ lắm tiếng nói cười của bầy trẻ trường cấp I - II gần đó, của những bà những cô đi thể dục về, ghé ra. 

Gần 8g sáng, tôi qua cầu Rồng, chạy thẳng ra biển. Đường Võ Văn Kiệt thi thoảng xe máy vụt qua. Đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, cũng thế. Đã bước vào mùa nóng, tầm này bình thường chen chân được với khách đi tắm, du lịch qua ngã tư, bùng binh này, là giỏi lắm; rồi chiều tối, kẻ tắm, người đi nhậu với gần trăm quán hải sản ven biển lèn kín.

Nay, cả con phố dài kéo tuốt lên giáp Hòa Hải, từ Non Nước xuống tới chùa Linh Ứng ở Sơn Trà, như được thanh tẩy. Sạch, thiệt sạch. Có ông đi tắm, gỡ dây giăng cấm lối ra biển, cười toe toét, rằng sướng thiệt, tắm một mình, phải đã.

Vỉa hè thoáng như chưa từng thoáng. Không ai chen lấn. Không khói xe. Không nháo nhào. Không căng mặt vượt xe đi trước. Không trẻ con còn gà gật ngủ khi đến trường. Không hối hả tan tầm rau cá. Cảnh sát cũng vắng. Có ai nói vắng như tết. Không phải, khác tết, vì không có mùi tết.

Bên biển, bên phố đồng thanh im. Ở khu An Thượng rồi Châu Thị Vĩnh Tế từ cầu Trần Thị Lý đâm xuống, ở đó là nơi khách nước ngoài tá túc đông nhất Đà Nẵng, cũng tịnh tờ. Anh Hà, một chủ nhà cho khách tây thuê ở An Thượng 24, nói: họ ở lại, vẫn đi làm tại một công ty đa quốc gia. Họ như mình thôi, chấp hành, sợ, rồi tự tin. Đêm qua họ nói với tôi là bên Anh quê họ chết quá nhiều, rất buồn.

Những phố ngang phố dọc lặng trong gió biển, mọi thứ trả về như bàn cờ vừa sắp đặt lối đi, nhưng quân tướng chưa sắp hàng động binh.

Tôi qua cầu sông Hàn. Đường Bạch Đằng, Trần Phú, vắng như thể đường mới làm chưa khánh thành. Đứng trước thư viện tổng hợp, nhớ gần 30 năm trước, lặng im, giờ sao giống ngày đó, chỉ thiếu một chuyến phà ngang cũ nát nối với quận 3. Thoáng chốc, lại thấy phố như làng, khi tiếng ve sôi sớm trên tàn cây, như kẻ bất bại, một mình reo rả.

Hiếm lắm, những khách đi bộ mang quốc tịch khác, chứ nếu không, đố mà xe máy vù vù bên hông chợ Hàn đường Hùng Vương hay trước cổng chợ ở đường Trần Phú. Cửa đóng, quán phủ bạt, lối vào tối om, bên trong một chút phập phù ánh điện. Nhưng hông chợ góc đường Phạm Phú Thứ thì ồn ào cười nói. Bán mắm, cá, thịt heo, rau củ và cả hoa cúng. 

Không biết sau này các nhà làm sử, sẽ viết về những tuần kỳ lạ này ra sao. Còn bây giờ, tôi ngồi bệt nghỉ nắng chỗ kệ đá trong sân ga Đà Nẵng. Có tiếng còi tàu vào ga. Tàu hàng. Không kẻ đón người đi. Một chiếc taxi Mai Linh nằm buồn như nghếch chân ngủ gục. Mọi thứ như lạc trôi, thật chậm và dừng lại.

Nhưng đó là bên trong ga, bước ra đường, xe vẫn vù vù trên những lối dẫn về khu trung tâm hành chính, bệnh viện, những con phố bán buôn, dẫu lượng người và xe như bớt đi một nửa. Cửa hàng đóng cửa, nhưng không phải là tất cả.

Tôi không để ý nó làm gì, nếu không phải quán ăn thì vẫn bán như thường, đồ điện, phụ tùng, thuốc men, tạp hóa, sửa chữa thiết bị, mua bán máy tính... tôi chỉ quan tâm đến những dáng ngồi trên bệ cửa, ở đó có những người già, những người tạm thời mất việc, những bà mẹ bồng con ngó nghiêng rồi quay vào, họ đang nghĩ gì? Tất nhiên, cơm áo, tiền bạc, ngày mai. Bọn trẻ con, khi quá ngán ngày nghỉ lê thê bị giam trong nhà, bắt đầu ưng đi học lại.

Phố, thoắt như kẻ chạy marathon thành người ngồi thõng chân bán thời gian. Một ngày, hai ngày, ba ngày đã qua và hình như đã thoát cơn ngái ngủ, mọi thứ không còn bất ngờ, lộn xộn, người ta bắt đầu làm quen với yên lặng. Tôi… thách ông hàng xóm: ngon kêu đồ nhậu và thùng kẹo kéo về phá xóm đi? Ông cười vẻ xấu hổ. Một đứa xen vô: dám không? Lên phường viết tường trình và nộp tiền ngu liền! 

Chưa bao giờ chúng ta lại như đang rơi trong ngơ ngác, khi bỗng nhiên mọi thứ được định hình hết lại trong vài tuần. Những chuỗi tin tức chồng lên. Ông hàng xóm bảo hôm nay ở Hà Nội, ai ra đường không lý do chính đáng là phạt, nên Đà Nẵng mà chừ có người “ngoẻo” là khỏi xúm lại luôn. Đừng mong điều đó, và nhất là khi con vi-rút chưa đuối, chưa hết hung bạo, nhưng nó bắt đầu dính đòn phản pháo của chúng ta rồi. 

Xóm thông với hai đường lớn, nay lặng phắt, chỉ thi thoảng bọn trẻ con rượt nhau. Người lớn đâm trầm mặc, rồi cũng từ đó, họ ra phố, mang theo tâm thế đó, vẽ một tông màu khác lạ ngày thường. Tôi gọi phố bây giờ như người đang chạy, sững lại và nhìn quanh rồi ngó xuống, chứ không phải sống chậm.

Chậm sao được, khi hằng ngày chúng ta có nhanh đâu, ta cứ lao đi như tốc độ ánh sáng, nhưng thực ra đang quay một chỗ, cùn mòn, nhàm chán, bây giờ như có cú đập vai bất thần và bắt buộc, làm giật mình, khiến cả tiếng dép hành lang cũng thảng thốt cái nhìn âu lo, nghi ngờ và hy vọng.

Một tuần giãn cách đã đi qua. Nắng vẫn cười trên lá. Chuông chùa vẫn đổ, chuông nhà thờ vẫn ngân như thể cầu nguyện trong lặng im cho tín đồ, chúng sinh hạn hữu đang co duỗi trong thảng thốt và đầy nghi hoặc, khuyến tấn và an ủi để những linh hồn bé nhỏ thu vào mình hơn chút nữa niềm tin, để cái chết đang lơ lửng đen đúa và dữ tợn đâu đó dẫu có ập đến thì tiếng cười buồn của phố không cất lên, đồng nghĩa cái chết đứng ngoài cửa.

Tối 6g, sáng 6g, cứ thế ngóng theo bản tin số ca dương tính, dỏng tai lần nữa, căng mắt rà tìm có ai chết không. Tất cả, khác chi tin chiến sự. Đây là cuộc chiến. Vô thức tập thể vốn là gen lặn trong máu tủy vô hình của người Việt có tên là quần tụ, đồng thanh, đồng lòng trước sinh tử, trước tồn vong của giống nòi. Hơn cả nỗi sợ chết, là niềm tin.

Thế giới ngạc nhiên chúng ta chống dịch giỏi, khi họ không hiểu hết vũ khí tiềm ẩn của người Việt là cộng đồng một lòng. Cứ tưởng thế kỷ này, khi cá nhân và sự vô cảm làm bá chủ, thì những lúc thế này, sức mạnh cộng đồng có tên là nhân ái, nổi lên, mạnh kỳ lạ. 

Tràn ngập trên báo, Sài Gòn đó, biết bao nhiêu quán cơm miễn phí; những chai nước, khẩu trang, bịch sữa, bao gạo, ổ bánh mì, kèm theo ít tiền và  ánh mắt chứa chan như cái chìa tay cùng đi qua ngày tháng bức bí với những thân phận lấy vỉa hè góc phố nắng mưa làm nơi mưu sinh, trú ngụ.

Những chủ quán cơm, thanh niên tình nguyện, Mạnh Thường Quân, nghệ sĩ, khách qua đường giấu tên ghé lại, góp chút đỉnh cho ai đó đang trong cơn khốn khó; góp tặng cả cho những y bác sĩ đang đối đầu với dịch, cho bộ đội vùng biên, rồi không quên đồng bào mình ở miền tây đang oằn mình chịu mặn…

Như quả tên lửa mang tên nghĩa tình chờ phút bấm nút, chuyện đó là thường tình, bởi người Sài Gòn chưa từng mất điều đó, chưa từng bị hủy diệt, khi nó là phẩm giá được kết tủa bất hoại. 

Rồi như hiệu ứng domino, Đà Nẵng, Hà Nội, những quán trọ miễn phí cho sinh viên, gói mì trao tận tay những người bỗng nhiên gấp gãy miếng ăn, liên tiếp gọi tên tình thương. Hải, cậu sinh viên năm thứ ba Đại học sư phạm Đà Nẵng, quê tận Hải Phòng, sống bằng nghề chạy bàn quán nhậu ban đêm, trọ gần nhà tôi, hôm nay mang về thùng mì tôm, mặt tươi rói: cháu có sức chiến đấu rồi, có anh làm thiện nguyện trên quận Thanh Khê thương cho, vui thiệt.

Tôi hỏi bất ngờ không? Nó đáp dạ bất ngờ. Lần này, chứ lần sau, nếu có nữa, hoặc chịu khó nhìn nghĩ, nó sẽ không lạ lẫm nữa. Cộng đồng, bỗng nhiên có giá trị mạnh mẽ không gì bằng. Có lẽ, nhịp bình thường khiến con người ta không kịp ngó lại, đánh thức những giá trị thiên lương thường hằng mà họ có, để bây giờ mới thực sự hiện diện. 

Tôi thấy họ không bắt tay nhau nhưng cái bắt tay vô hình về tình thương và lời động viên, rằng ráng lên, mình không lẻ loi đâu, ngập  tràn…

Một ngày bình yên, thêm một ngày là thêm hy vọng. Rồi ngày đó sẽ đến. Sau đợt này, virus trên như sự cưỡng bức vô tình đã làm… xét nghiệm tổng quát phố. Phố, là bản vẽ đô thị rõ nhất gọi tên về nếp ăn nếp ở, là hơi thở, là thói quen, là cộng cư cộng sinh lẫn ánh xạ biểu hiện tư duy quản lý xã hội hiện tại.

Thì đây, thời điểm này và về sau, khi cơn bạo bệnh đi qua, nó chính là bệnh án không hề muốn nhưng là cơ hội sống còn và cần kíp để chính quyền lẫn người dân coi lại sự sắp đặt, từ chủ trương chỉ thị đến biện pháp phòng ngừa, cách nghĩ, cách sống, khi thảm họa ập đến.

Vậy hình hài đời sống mới là gì? Thiệt khó nói, nhưng chắc chắn ở xứ sở này, lời tuyên bố nổi tiếng của bà đầm thép Margaret Thatcher: “Không có thứ gì là xã hội cả. Chỉ có những người đàn ông, đàn bà riêng lẻ, và những gia đình”, là sai và lạc lõng. Bà có thể không hiểu Việt tính là gì, khi những phản ứng trong đại dịch bật lên tiếng nói về giá trị sống, là sự quan tâm và tình thương kẻ thương khó lẫn trách nhiệm sống cho kẻ khác… 

Tôi dừng ở ngã tư Ông Ích Khiêm - Hải Phòng, không đèn đỏ. Chị công nhân vệ sinh thong thả đưa nhát chổi dọc vỉa hè, ao ước: mau hết dịch, nhưng làm răng ngày mô đường cũng thoáng sạch ít rác như chừ, em đỡ khổ... 

________________

Trung Việt 

Ảnh: Trung Việt, Đình Dũng

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: