Kể từ khi đảm nhận cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 2/4/2016, Chủ tịch Trần Đại Quang đã để lại những dấu ấn quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy hội nhập trên toàn cầu.
Đặc biệt, trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gây ấn tượng mạnh mẽ với thế giới, khi chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25, tháng 11/2017, tại Đà Nẵng.
Ngày 23/5/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phủ Chủ tịch. "Chúng ta đến đây, như một biểu tượng của mối quan hệ được đẩy mạnh trong vài thập kỷ qua", AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Reuters
Tham dự Đối thoại Singapore thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức ngày 30/8/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài phát biểu với chủ đề "Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững", thu hút sự quan tâm của khoảng 550 đại biểu, trong đó nhiều lãnh đạo, quan chức chính phủ Singapore.
Đề cập về tầm quan trọng vấn đề Biển Đông đối với khu vực và thế giới, Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh: những diễn biến này đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực.
"Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua". Chủ tịch nước cho rằng con đường duy nhất để biến ước vọng trở thành hiện thực là tất cả các quốc gia phải đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: "Bạn không thể chỉ đưa ra những lời hứa hẹn mà bạn phải thực hiện những điều bạn nói".
Tiếp đón Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 6/9/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gây ấn tượng khi trích dẫn câu nói của đại văn hào Voltaire để nói về mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp.
"Vượt lên trên các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giữa hai dân tộc chúng ta là tình bạn chân thành, như Voltaire từng nói 'Một người bạn tốt quý giá hơn mọi điều vĩ đại trên đời' ", Chủ tịch nước nói, nhắc đến Voltaire, đại văn hào, triết gia, thi sĩ, nhà soạn kịch nổi tiếng người Pháp ở thế kỷ 17.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican, ngày 23/11/2016. Ảnh: Reuters
Trả lời phỏng vấn báo Yomiuri nhân chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản ngày 28/2 - 5/3/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định: "Tôi tin tưởng chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu sẽ đặt mốc son lịch sử và mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản".
Ông bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác và toàn diện với Nhật Bản, tạo điều kiện để mở rộng, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
"Tôi đặc biệt xúc động trước sự quan tâm của Nhà vua và Hoàng hậu với Việt Nam. Cá nhân Nhà vua đã từng thực hiện một công trình nghiên cứu về cá bống cát trắng Việt Nam từ những năm 1970 và trao tặng cho Việt Nam", Chủ tịch nói và nhấn mạnh đây không chỉ là một biểu tượng của tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, mà còn là một đóng góp về nghiên cứu khoa học quý báu cho Việt Nam.
Sáng 16/5/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài phát biểu tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai.
Ông nhận định: "Trong 2 - 3 thập niên tới, APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động, khả năng chống chịu và tính trách nhiệm. APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch…
Để làm được điều đó, APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC phải là nơi gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả. Với 50 năm thành công trong hội nhập khu vực, ASEAN có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với APEC trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng ngày càng gắn kết về kinh tế - xã hội".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du tới thăm Nga ngày 01/07/2017. Ảnh: Sputnik
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: "Trong suốt 55 năm qua, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng quan hệ giữa Việt Nam và Lào vẫn ngày càng gắn bó keo sơn, phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả thực chất".
Ngày 20/9/2017, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức LHQ, Chủ tịch nước đề cao quan hệ Việt Nam - LHQ trong 40 năm qua và bày tỏ lạc quan về phát triển trong tương lai. "Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác với LHQ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại", Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 8/11 phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Chủ tịch nước nhấn mạnh APEC ngày nay là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai.
Trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Chủ tịch nước nhắc đến câu ca dao Việt Nam "Anh em bốn bể là nhà". Ông nhấn mạnh: châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ trái ngọt của hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. "Từ một nơi từng là chiến trường, sau mấy chục năm qua, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành cái nôi của những câu chuyện thần kỳ về phát triển kinh tế", ông nói.
"Sức sống mãnh liệt và sự tự cường của nền kinh tế khu vực giống như cây tre Việt Nam luôn dẻo dai, vững vàng trước mọi phong ba bão táp", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng 12/11/2017, Tổng thống Donald Trump cho biết "mục đích chung và lợi ích chung" là hai yếu tố quan trọng gắn kết Việt - Mỹ.
Sáng 4/3/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có buổi nói chuyện trước các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên Ấn Độ. Trong ảnh, Chủ tịch Trần Đại Quang trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Bài phát biểu của ông nêu bật cảm hứng từ sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ này: "Trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, thế giới của chúng ta trải qua những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện. Một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất chính là sự trỗi dậy của châu Á.
100 năm trước đây, đa phần châu lục này, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, còn đắm chìm trong những đêm dài thuộc địa, chiến tranh và lạc hậu. Ít ai đã có thể hình dung được 100 năm sau, châu Á sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm chiến lược cả về chính trị, kinh tế, văn hóa của thế giới. Hầu hết các dự báo về thế giới ngày nay đều thống nhất một điểm: Thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á".
Tại Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, ngày 18/01/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhận định quan trọng về vấn đề toàn cầu hóa và phát triển bền vững.
"Ưu tiên hàng đầu là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. Hòa bình và phát triển bền vững luôn đồng hành với nhau. Đó là bài học của chính khu vực chúng ta.
Chúng ta có thể tự hào rằng châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất không có xung đột từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Đây là tiền đề quan trọng để châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động nhất, đóng góp 59% GDP, 48% thương mại toàn cầu" - Chủ tịch Trần Đại Quang phát biểu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự yến tiệc với Nhật Hoàng Akihito.
Trước thềm chuyến công du tới Nhật Bản tháng 6/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ tầm nhìn của ông về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. "Việt Nam coi lĩnh vực tư nhân và đầu tư nước ngoài là các động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy cạnh tranh quốc gia".
Chủ tịch Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến công du tới Ai Cập. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam.
Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai Cập từ ngày 25-29/8/2018, trả lời phỏng vấn báo chí Ai Cập, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng chuyến thăm sẽ là động lực tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh triển vọng và tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước rất lớn: "Sau hơn nửa thế kỷ được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ai Cập đã trở thành niềm tự hào và tài sản chung quý báu của hai dân tộc. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ chí tình mà nhân dân Ai Cập đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay".
Bà con cử tri TP.HCM tiếc thương Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Chủ tịch nước Trần Đại Quang là đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 TP.HCM, gồm quận 1, quận 3 và quận 4. Nghe tin Chủ tịch nước qua đời, cử tri TP.HCM đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.
Ông Ngô Quang Hải, cử tri quận 1: Chủ tịch nước luôn ân cần thăm hỏi đời sống của bà con cử tri
Qua nhiều lần Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến tiếp xúc cử tri, bà con cử tri quận 1 chúng tôi đều cảm nhận sự ấm áp của vị Chủ tịch nước đáng kính.
Ngoài việc báo cáo tình hình đất nước, các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như những vấn đề nóng mà người dân đặc biệt quan tâm, Chủ tịch nước luôn ân cần thăm hỏi đời sống của bà con cử tri thành phố.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ân cần thăm hỏi cử tri TP.HCM
Tháng 6/2018, tiếp xúc cử tri tại TP.HCM, khi cử tri hỏi về luật an ninh mạng, Chủ tịch nước cho biết khi luật được thông qua giúp phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.
Chủ tịch nước cho biết, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng đã thể hiện rõ, nhất quán, có hệ thống và phù hợp với từng thời kỳ, kịp thời điều chỉnh, đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về vấn đề an ninh mạng trong tình hình mới.
Tôi rất tâm đắc với câu trả lời của ông, vậy mà nay nghe tin ông đã không còn nữa…
Bà Phan Thị Hồng Yến, cử tri quận 3: Sự ra đi của ông là một tổn thất vô cùng lớn của dân, của nước
Chủ tịch nước nói về mạng xã hội tại buổi tiếp xúc với cử tri TP.HCM tháng 7/2017
Hai ngày trước, tôi còn thấy ông trên truyền hình khi tiếp các chính khách quốc tế. Vậy mà… Tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười, thái độ gần gũi của ông trong các buổi tiếp xúc cử tri quận 3. Những vấn đề của người dân quan tâm đều được Chủ tịch nước thông tin kỹ lưỡng và giải đáp rất đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, sự ra đi của ông là một tổn thất vô cùng lớn của dân, của nước. Xin được thành kính phân ưu!
Ông Nguyễn Minh Đạo, cử tri quận 3: Tôi rất bàng hoàng và đau xót
Tôi rất bàng hoàng và đau xót khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Từ lúc ông là đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở quận 3, không có buổi tiếp xúc cử tri nào mà tôi không tham gia.
Là Chủ tịch nước trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn nắm được tâm tư tình cảm của bà con cử tri thành phố.
Tôi rất ấn tượng với phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mới đây: “Thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động to lớn đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với nước ta, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức”.
Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc với gia quyến và mong Chủ tịch nước được yên nghỉ sau những tháng năm dài cống hiến cho Tổ quốc.
Thực hiện: M.T, Bạch Dương
Kỹ thuật: Ngô Tới