Cụ bà tóc trắng phau nhưng vẫn còn lanh lẹ, đứng sau một quầy hàng đơn sơ bày kín bộ Tiếu ngạo giang hồ. Bà đon đả: “Mời cô bác mua giùm!”. Một người đàn ông cầm một quyển sách lên xem, bà càng phấn khởi: “Có nguyên bộ 17 cuốn luôn đó chú”. Vị khách nam lịch lãm và cụ bà bán hàng tinh anh - họ không giống những “nhân vật” thường thấy trong các giao dịch mua bán thông thường. 

Đó là một hình ảnh trong phiên chợ từ thiện thuộc dự án Nụ cười 3 - Em đến trường của quỹ từ thiện Bông Sen. Phiên chợ chỉ gói gọn trong một buổi sáng tháng Bảy tại chung cư Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM). Sản phẩm bày bán là đủ thứ áo quần, giày dép, đồ gia dụng, giảm giá kịch sàn. 

 

Thế nhưng, quang cảnh của khu chợ dã chiến cũng không ra dáng một phiên chợ dành cho người nghèo. Chợ càng lúc càng tất bật. Khách liên tục túa vào từ các cổng, nhiều vị khách thậm chí còn có phần sang trọng. Đó đây, những tấm biển ghi giá tiền “rẻ phát sốc” là biểu hiện duy nhất của một phiên chợ từ thiện. Tưởng chừng đang phải tiếp khách hàng không đúng đối tượng, nhưng các tình nguyện viên vẫn vui vẻ chào mời từng chiếc áo giá 20.000 đồng, nhiệt tình “xả kho” những chiếc túi xách theo yêu cầu của khách. Tại quầy giày dép ngay lối vào, một chị khách trông lam lũ, tay cầm xấp vé số lí nhí: “Tôi không có giấy mời…”. Một chị khác tự tin khoát tay: “Đâu cần giấy gì, ai mua cũng được!”. Bà Lý Thị Lý, quản lý dự án Nụ Cười 3 - Em đến trường - đơn vị tổ chức phiên chợ này, hồ hởi: “Cô thấy ai cũng vui không? Người bán cũng vui mà người mua cũng vui, vậy là được rồi”.

Trước đó vài tháng, những cây gạo ATM lần lượt mọc lên. Những điểm phát khẩu trang, bánh mì, suất ăn miễn phí… xuất hiện nhiều trên đường phố. Những hình thức quyên góp kinh điển xuất hiện. Trên mặt báo, câu chuyện những đứa trẻ dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm để góp quỹ hỗ trợ đồng bào chống dịch được chia sẻ đan xen với thông tin nghẹt thở về dịch bệnh. Chủ trọ miễn hoặc giảm tiền thuê nhà. Những chiếc khẩu trang hiếm hoi khiến người ta xếp hàng nửa ngày để mua được, lại được trao đi miễn phí trong nhiều không gian khác. Những người có uy tín trong từng cộng đồng nhỏ đứng ra kêu gọi, tập trung tài chính để mua khẩu trang, nước sát khuẩn gửi đến khu cách ly, bệnh viện dã chiến và những cơ sở y tế đang tham gia chống dịch. Khi thông tin về sự quá tải trong đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu được lan truyền, từ hậu phương, những chiến dịch “tiếp sức" lại sục sôi. Người ta làm bánh, nấu bún, chè, gói ghém từng chút thức ăn gửi vào bệnh viện, cùng những lời động viên viết tay gửi đến nhân viên y tế. “Bạn vì chúng tôi. Chúng tôi luôn ở bên cạnh bạn. Xin hãy ăn ngon miệng và giữ sức khỏe cho thật tốt" là lời nhắn của chị Nguyễn Thu Trang (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) gửi kèm 23 ổ bánh chị tự tay làm tặng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngay thời điểm nơi này đang là điểm nóng điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Đó là những gì người Việt được nhìn thấy, bên cạnh những thông tin giãn cách xã hội, xen lẫn tin tức về ca dương tính, về khu vực bị phong tỏa, về những diễn tiến bệnh tình cũng như tiến độ nghiên cứu của giới khoa học - xoay quanh COVID-19. Cư dân mạng cùng đếm ngược đến giờ dỡ giãn cách với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng… Và, dù là người bi quan nhất, ta cũng không thể phủ định rằng, chưa bao giờ, nghĩa đồng bào lại bộc lộ sâu sắc và bền bỉ đến thế. Nồi bánh chưng cộng đồng tưởng “thất truyền” trong những cái tết đã xa, giờ lại nhen lên trong những xóm làng miền núi tỉnh Nghệ An, để gửi tặng đồng bào trong khu cách ly. Nhiều khu cách ly phải ra thông báo không nhận quà trực tiếp để ngăn người dân tập trung đông đúc trước cổng. Tại biên giới Tây Ninh, người ta chứng kiến những người trẻ chở từng nồi bún “siêu to khổng lồ”, gửi tặng những chiến sĩ biên phòng một bữa ăn ấm áp tình người…

Cuối năm, văn phòng chuyền nhau danh sách những sự kiện nổi bật của thành phố để mỗi thành viên đề xuất những sự kiện mình cho là đáng nhớ nhất trong năm. Danh sách đánh máy, liệt kê sẵn những sự kiện khá quen thuộc. Khi tờ giấy A4 chuyền tới tay, tôi thấy dòng bút đỏ của một đồng nghiệp viết bổ sung một chi tiết mà theo chị là ấn tượng trong năm 2020: “Tại thành phố đã diễn ra những chiến dịch hỗ trợ, từ thiện lớn nhất từ trước đến nay". Dòng bút đỏ viết tay giữa những hàng chữ in ngay ngắn, một “sự kiện tinh thần" được thêm vào danh sách những sự kiện chính trị, văn hóa - làm tôi giật mình. Quả thật, năm 2020 trôi qua, người ta không thể không nhắc về sự kết nối đặc biệt của mọi nhóm người trong xã hội, thậm chí, là giữa chính quyền với người dân.

Chưa bao giờ, người ta nhận tin nhắn, lời nhắc, cẩm nang và thông tin cập nhật nhiều đến thế từ cơ quan chức năng. Chưa bao giờ thông tin từ Bộ Y tế lại được viện dẫn nhiều đến thế. Cuộc chiến giữa mạng xã hội, tin vịt và tin chính thống của cơ quan chức năng như đã tỏ rõ thế trận. Người dùng mạng xã hội liên tục chụp màn hình những tin nhắn từ Bộ Y tế để chia sẻ trên trang cá nhân. Truyền thông chính thống trở thành kim chỉ nam giữa một thời sự nóng bỏng được khai thác triệt để trên mọi loại hình truyền thông. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính riêng trong bốn tháng (từ ngày 1/2 đến ngày 31/5/2020), báo chí cả nước đã đăng tổng số hơn nửa triệu tin, bài về đại dịch. Chỉ riêng một nhà mạng trong nước đã nhắn tới bốn tỷ tin nhắn tuyên truyền tới người dùng. 

Giai đoạn tháng 4/2020, Facebook tràn ngập thông tin về số tài khoản tiếp nhận hỗ trợ Chính phủ chống dịch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mọi đối tượng người dùng, từ những KOLs, nhân viên văn phòng, cho đến những bậc cao niên, những mẹ bỉm sữa… hầu hết đều dành một dòng trạng thái để chia sẻ cách nhắn tin ủng hộ Chính phủ chống dịch, bộc lộ bản chất kết nối, gần gũi và vị thế công dân trong công cuộc chung của đất nước. Và, hẳn người Việt chưa thể quên Ghen Cô Vy, một bài hát tuyên truyền chống dịch của Bộ Y tế đã “viral” một cách đáng kinh ngạc ở khắp hang cùng ngõ hẻm nước Việt, cũng như trên thế giới. Một bài hát tuyên truyền lại trở thành bài hát “quốc dân”, được hát và nhún nhảy bởi bác sĩ, nhân viên y tế, người dân mọi lứa tuổi. Đã từng khóc, cười, bàng hoàng, mừng rỡ cùng nhau, và trong những nhịp điệu đó, người ta hát cùng nhau. 

Vượt lên sự kết nối giữa chính quyền và người dân, đồng cảm dân tộc và đồng cảm nhân loại có lẽ là hai trạng thái cảm xúc mà người ta trải qua nhiều nhất vào năm 2020. Hiếm khi nào người ta có cùng niềm vui, nỗi buồn, bất an, sợ hãi, rung động, vỡ òa… nhiều đến thế, với dân tộc mình, với đồng loại mình. Và người Việt, trong những ngày an bình với tư duy phản biện có thể còn phân tranh quan điểm trong một vài vấn đề. Nhưng, giữa dịch bệnh, tất cả đều dành cho cộng đồng niềm trắc ẩn, sự cổ vũ và sẻ chia chân thành nhất.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, Trưởng tiểu ban Điều trị - từng chia sẻ về việc ngành y Việt Nam cứu sống một bệnh nhân nước ngoài: "Không có một áp lực nào, kể cả từ phía Đại sứ quán Anh, hay bất cứ người nào ép buộc chúng tôi phải cứu sống bệnh nhân 91. Chỉ là do các thầy thuốc Việt Nam quyết tâm bằng mọi giá không để ai ở lại phía sau, chúng ta không hề phân biệt người Việt Nam hay nước ngoài. Bất kể là ai, nhiệm vụ của chúng tôi là cứu sống họ”.

 “Không để ai ở lại phía sau” đã trở thành tinh thần chung của người Việt. Những tranh cãi giải cứu hay không giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian đầu đã sớm ngã ngũ. Đến ngày 2/1/2021, đã có 240 chuyến bay được tổ chức trong đại dịch, đưa hơn 66.000 công dân Việt Nam ở các quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. 

Hình ảnh những công dân trong bộ đồ bảo hộ màu xanh kín mít từ đầu tới chân vẫy tay từ cầu thang máy bay, hình ảnh phi hành đoàn bước đi giữa màn đêm phi trường trước những chuyến xuất ngoại đưa công dân về nước, hình ảnh những tấm lưng của đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang chuẩn bị ra hỗ trợ Đà Nẵng đẩy lùi dịch bệnh… đã khiến đất nước này rơi nước mắt, và được lưu lại trên “dòng thời gian” hữu hình lẫn vô hình, của những công dân nước Việt.

“Tôi đã cảm động đến rơi nước mắt, kính phục các y bác sĩ Việt Nam trước ca bệnh số 1 và 91”. Một bạn đọc đã bình luận như thế khi chúng tôi kể về hành trình gian nan của các bác sĩ Việt Nam khi tiếp cận và cứu chữa các bệnh nhân ngoại quốc qua bài viết Triệu lời “Cảm ơn Việt Nam!” (đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 29/4/2020). Người ta có lẽ chưa thể hình dung bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện, Bộ Y tế, Chính phủ và công dân Việt Nam có thể làm được những điều như thế - nếu không được chứng kiến nó trong đại dịch. 

Và TP.HCM, một trong những địa phương bị ảnh hưởng kinh tế mạnh mẽ nhất bởi COVID-19, vẫn đang sửa soạn đón tết bằng trái tim ân cần. Ngày 25/12/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hành động với lễ ký kết tặng 100 căn nhà đoàn kết yêu thương cho các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận; mỗi tỉnh mười căn, trị giá 50 triệu đồng/căn. Chương trình Tấm vé nghĩa tình vẫn tiếp tục trao tặng hơn 35.000 vé xe, 1.500 vé tàu và 500 vé máy bay cho đoàn viên công đoàn và người lao động nhiều năm không về quê ăn tết, có thành tích trong lao động sản xuất. Thành phố này, trong năm 2020 có lẽ là địa phương duy nhất có 100% cán bộ, viên chức chịu cắt giảm 1/4 thu nhập để đóng góp hỗ trợ chống dịch.

Biến động của 2020 đã phần nào làm rõ nét hơn chân dung người Việt. Và, ta cần nói nhiều lời cảm ơn với một niềm may mắn sâu xa nào đó, trong những ngày tháng kỳ lạ này, đã cho mình được an trú trong trái tim Việt Nam. 

 

 

Bài: Thùy Dương, Tuyết Dân

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: