Vào hai đêm kết thúc năm 2018 (31/12) và mở đầu năm 2019 (1/1), sân khấu Hoàng Thái Thanh, lần đầu tiên thực hiện một chương trình biểu diễn đặc biệt kỷ niệm suất diễn thứ 150 của vở kịch Nửa đời ngơ ngác. Trong hai đêm này, khán giả gặp lại đầy đủ các diễn viên đã từng sắm vai trong vở ở nhiều giai đoạn khác nhau trong tám năm qua, kể từ khi Nửa đời ngơ ngác ra mắt tháng 10/2010.
Con số 150 suất có thể chưa phải là nhiều so với những vở diễn thuộc các thể loại khác, song với dòng kịch tâm lý xã hội vốn kén người xem ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, là một con số rất đáng tự hào.
Niềm đam mê sân khấu đã khiến Ái Như có cảm giác mắc nợ nhiều người, nợ mẹ, nợ chồng con, nợ khán giả và… nợ cả chính mình
Bài báo chân dung tôi viết đầu tiên về Ái Như cách đây 27 năm, khi chị sáng tác và dàn dựng vở kịch Khúc nhạc lòng của vị mục sư cho bài thi tốt nghiệp đạo diễn với số điểm gần như tuyệt đối. Lúc ấy, với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp của tôi và cả của chị, đã là một sự ngạc nhiên lớn.
Không ai có thể hình dung được, một cô diễn viên dáng nhỏ xinh xinh, luôn có nụ cười trẻ thơ với hai chiếc răng khểnh duyên dáng, với chất giọng trong trẻo, nhẹ nhàng, thường được định hình với những vai con nít trong hầu hết các vở tại sân khấu 5B Võ Văn Tần, lại có lúc “nhảy bổ” lên làm tác giả và đạo diễn một cách trọn vẹn một vở kịch với nội dung sâu sắc và tâm lý đa chiều như vậy.
Nhưng rồi, khi liên danh Thành Hội - Ái Như được định hình với hàng loạt những vở diễn chinh phục lòng yêu mến của người xem như Hãy khóc đi em, Thử yêu lần nữa… thì người ta mới thực sự nhận ra Ái Như chẳng phải “tay vừa”. Ẩn bên trong dáng vẻ yếu ớt, mỏng manh, dịu dàng ấy là một trái tim cháy bỏng lửa nghề và một ý chí mạnh mẽ quyết liệt. Những phẩm chất che khuất bên trong đó càng có dịp bộc lộ rõ hơn khi liên danh Thành Hội - Ái Như thành lập sân khấu riêng với tên gọi Hoàng Thái Thanh vào tháng 2/2010.
Sắp bước vào sinh nhật lần thứ 9, một dịp kỷ niệm mà cả người làm nghề lẫn người hưởng thụ đều hồi hộp chờ đợi, bởi với tình hình mặt bằng sân khấu chung hiện nay như ngọn đèn sắp cạn dầu, chẳng ai có thể biết được “sẽ ra sao, ngày sau”…
* Vì sao ngày ấy, đang yên đang lành, hợp tác với sân khấu 5B hay Idecaf, những sản phẩm từ lò “Thành Hội - Ái Như” vẫn là những “hàng hóa” chất lượng cao, được mọi người yêu thích, anh chị lại tách ra làm sân khấu riêng để rồi gánh thêm bao nhọc nhằn?
- Đúng là khi hợp tác với các sân khấu trên, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì không phải lo gì, chỉ chuyên tâm cho việc sáng tạo. Thế nhưng, càng lúc chúng tôi càng có cảm giác như mình là một mảnh ghép không phù hợp, như là bị lỗi nhịp. Kịch của bạn lúc nào cũng náo nhiệt, ồn ã trong khi những vở của mình lại yên ắng. Đến lúc thấy như sự có mặt của mình là gánh nặng cho bạn, thôi thì dừng lại.
* Có phải lúc đó chị và anh Thành Hội đã nghĩ đến một sân khấu riêng?
- Thực sự là chúng tôi không nghĩ gì cả. Lúc đó nghỉ là nghỉ mệt, không có ý định làm gì. Nhằm lúc học trò ở Trường Văn hóa Nghệ thuật vào mùa thi cuối khóa, chúng tôi tập trung toàn lực chăm lo cho các em. Trong bốn tháng không làm gì đó, có lúc tôi định mở một quán ăn vì tôi nấu món lagu lưỡi bò và làm xôi hon cũng hơi bị… ngon.
Ngày trước, tôi có tiệm chụp hình, bây giờ cũng phải làm gì đó để sống. Lúc này, cũng có nhiều người rủ làm sân khấu nhưng tôi từ chối. Sau bốn tháng nghỉ ngơi, có vẻ như năng lượng được nạp lại, thấy “có lửa” khi được anh Lê Bảo Anh rủ làm sân khấu. Và khi đã quyết định lao vào lại sân khấu thì như một con tàu ra khơi, lao đi rồi không có cách gì dừng lại…
Để có một thương hiệu Hoàng Thái Thanh như bây giờ, thật không thể kể hết những khó khăn, vất vả suốt chặng đường dài bởi họ “tay không bắt giặc”, chẳng có gì ngoài một niềm đam mê được làm một thứ sân khấu tử tế. Chỉ với cái tên Hoàng Thái Thanh thôi cũng đã phải lao tâm khổ tứ để được sự đồng thuận cao của cả hai gia đình Thành Hội và Ái Như. Hoàng là họ của ông xã Ái Như, Thái Thanh là tên người ca sĩ lừng danh mà tất cả các thành viên trong hai gia đình đều yêu thích, như một ước muốn về một màu xanh hy vọng.
Nhưng những khó khăn, vất vả thực sự thì hãy còn nằm phía trước. Cơ duyên được hợp tác với Nhà Thiếu nhi Thành phố là một may mắn ban đầu, song để biến một hội trường nhỏ của thiếu nhi thành một sân khấu dành cho người lớn, Hoàng Thái Thanh đã phải đầu tư trang bị gần như từ con số không. Khi bộ máy bắt đầu trơn tru, khán giả dần biết đến, trở thành một địa chỉ thân thuộc, Nhà Thiếu nhi Thành phố ngưng hợp đồng để cải tạo cơ ngơi.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh lần nữa lại cuống quýt tìm mặt bằng mới. Duyên may khi ấy, Nhà Thiếu nhi Quận 10 vừa xây xong, niềm nở đón Hoàng Thái Thanh về tá túc. Lần nữa, lại bắt đầu từ một khán phòng trống trơn… Trong những ngày ấy, Ái Như gầy rộc đi vì quá vất vả và lo lắng.
Nhưng những vất vả lo toan cho cơ sở vật chất là những điều dễ thấy, không như khi Ái Như cùng Thành Hội phải vật lộn với từng con chữ kịch bản vào mỗi sáng trong quán cà phê quen thuộc. Kịch bản tự viết hay kịch bản chỉnh sửa đều lấy đi bao tim óc của họ. Người này ra đề, người kia phản biện, cứ thế họ cãi nhau, có khi giận không nhìn mặt. Nhưng kịch bản thì vẫn phải hoàn thành để kịp lên sàn bốn vở một năm như đã tự hứa với khán giả.
* Dòng kịch tình yêu và thân phận mà Hoàng Thái Thanh theo đuổi đã tạo nên dấu ấn rất riêng, làm mê hoặc khán giả. Nhưng đây là những khán giả chọn lọc, không đại trà nên vở không kéo dài được lâu. Tại sao Hoàng Thái Thanh không thay đổi phong cách để thu hút thêm nhiều dạng khán giả khác?
- Trong vở Ngôi nhà không có đàn ông do tôi dựng, khi nghe cha mẹ nói nếu có bạn trai thì đưa về nhà, không được lén lút đầu đường xó chợ, cô Hạ cho rằng cha mẹ mình là “cố đô”, là “phố cổ”. Cha mẹ cô đáp lại rằng, đúng cha là “cố đô”, mẹ là “phố cổ”, nhưng “cố đô” với “phố cổ” là di sản thế giới. Hoàng Thái Thanh không dám tự cao tự nhận mình là “cố đô, phố cổ”, song mong muốn được như vậy, được là một góc văn hóa của đất nước.
Thành Hội và Ái Như được những thầy cô dạy cho biết cái đẹp. Từ khi biết được cái đẹp của nghệ thuật, vẫn luôn ôm lòng tưởng nhớ đến nó, quyết tâm làm sân khấu để đem cái đẹp đó đến với mọi người. Có người nói Hoàng Thái Thanh cố chấp hoặc cổ hũ, chúng tôi cũng chấp nhận, đành chờ những khán giả tâm huyết mà vì họ mình đã cố vượt qua những thử thách. Cả anh Thành Hội và tôi đều gần chạm đến mốc tuổi “lục tuần”. Sáu mươi nghỉ hưu được chưa? Còn bao lâu nữa đâu, vậy thì mình sẽ làm điều mình muốn với số khán giả thân yêu.
* Số lượng vé bán không đủ chi phí, năm nào cũng lấy tiền nhà bù lỗ. Vậy thì vì cái gì mà Hoàng Thái Thanh vẫn sáng đèn?
- Nhiều khi tôi cũng tự hỏi chính mình như vậy nhưng không thể trả lời được là vì cái gì. Tôi cũng nói như Thành Hội “làm đến khi hết tiền thì nghỉ”. Ủa, chứ có ai bắt mình làm đâu. Vì danh sao? Không phải, xuất hiện ở game show người ta mới biết nhiều, khán phòng sân khấu mỗi đêm vài trăm người thì thấm gì. Có bị gí súng? Cũng không luôn, vậy thì vì cái gì mà áp lực quá trời? Một năm phải ra bốn vở mới. Tìm kịch bản, sửa kịch bản, tập dượt, quanh năm suốt tháng không lúc nào được thảnh thơi.
Khán giả coi xong, nắm tay nắm chân mình hỏi chừng nào có vở mới nữa. Vậy là có thêm áp lực. Để có vở mới, phải dày công, đến nỗi ngủ tôi cũng mớ thấy kịch. Để có một vở có chất lượng phải đào tạo nhân viên. Nhân lực không ổn định, đào tạo xong rồi họ đi. Có người vì sinh kế, có người thích công việc khác. Mỗi lần như vậy lại mất công sức và tiền bạc.
Nhớ lại các ông bà bầu ngày xưa ký hợp đồng với nghệ sĩ, công nhân hậu đài… mà mơ ước. Vì ngày xưa, ký hợp đồng xong, người ta có thể mua nhà, còn bây giờ, tiền ít ỏi, chỉ giữ chân họ bằng tình cảm, nhưng tình cảm không nuôi sống gia đình họ nên không thể giữ mãi được.
Nghệ sĩ Ái Như sinh ra trong một gia đình thương gia khá giả ở Huế. Mẹ chị là một phụ nữ Huế giỏi kinh doanh và dạy con rất nghiêm khắc. Khi bị trắng tay vì thời cuộc, bà đã đưa các con vào Sài Gòn và một mình bươn chải nuôi dạy. Ái Như bước vào đời trong khốn khó, có lúc phải ra vỉa hè bán thuốc lá mưu sinh, nhưng rồi số phận đưa đẩy được bén duyên với sân khấu và chợt nhận ra đây là lẽ sống của đời mình, dẫu rằng niềm đam mê này chưa bao giờ đem lại cho chị cơm no áo ấm như mẹ chị hằng mong muốn.
Chỉ vì mê đắm cái đẹp của sân khấu mà chị để mẹ già một mình lên máy bay sang Mỹ, lúc bà về nước thì chân tay đã yếu, bị té ngay dưới chân cầu thang… Những điều ấy cho đến bây giờ vẫn khiến chị không thôi ray rứt.
Cái đẹp mà Ái Như đam mê ấy, không chỉ làm “khổ” bản thân, làm khổ mẹ, mà còn làm “khổ” lây đến các thành viên trong gia đình nhỏ của chị. Chị đã thẳng thắn làm “công tác tư tưởng” với ông xã của mình ngay từ hồi mới về với nhau, rằng chị sẽ không thể làm một người vợ nội trợ toàn tâm toàn ý như những phụ nữ khác được. May mắn là chồng chị, một phó giáo sư - tiến sĩ - giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM, là người rất thương yêu và hết lòng chia sẻ với vợ.
Nghệ sĩ Ái Như và người tri kỷ nghệ thuật - nghệ sĩ Thành Hội
Nghệ sĩ Ái Như và người tri kỷ nghệ thuật - nghệ sĩ Thành Hội
Anh vẫn luôn đưa đón chị đi diễn, khi Hoàng Thái Thanh có vở mới, anh kiêm luôn việc chụp ảnh, ngoài ra còn cố gắng có những công trình kiếm thêm thu nhập để phụ vợ bù lỗ cho sân khấu hằng năm… Cô con gái có tên gọi ở nhà là Cà Phê, nay đã là thạc sĩ - bác sĩ tâm lý - giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, ngoài giờ đi làm, còn phụ mẹ lo ngoại vụ cho sân khấu.
Cậu con trai út sắp tốt nghiệp ngành Anh văn, truyền thông doanh nghiệp Đại học Hoa Sen thì từ lâu đã là diễn viên đóng vai trẻ con trong các vở kịch của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Nhà có chú chó tên là Coca, chị cũng “rủ rê” lên sân khấu, đóng vai nàng cún Lý Lệ Hoa trong vở Sài Gòn có một ngã tư. Được cả nhà ủng hộ, động viên, Ái Như cho đó chính là niềm an ủi để chị an tâm sáng tạo, bởi như chị nói, ngoài sân khấu, chị chẳng biết làm gì khác.
Nội lực diễn xuất của Ái Như là bệ đỡ cho các nghệ sĩ Hồng Ánh, Hoàng Vân Anh... làm nên giấc mơ nghệ thuật cho nhiều thế hệ khán giả
Nội lực diễn xuất của Ái Như là bệ đỡ cho các nghệ sĩ Hồng Ánh, Hoàng Vân Anh... làm nên giấc mơ nghệ thuật cho nhiều thế hệ khán giả
* Có khi nào chị muốn dừng lại chưa?
- Những lúc thấy mệt mỏi, buồn tủi, có cảm giác muốn dừng lại, tự hỏi tại sao mình phải làm mà không thể trả lời được. Ba mươi năm làm chung với Thành Hội, mọi khó khăn đều phải lật ra hết để cùng tìm hướng đi. Khi nào Thành Hội nói “thôi nghỉ” thì mình cũng phải nghỉ thôi.
Gặp Ái Như lần nào, nói chuyện sân khấu chị cũng khóc. Khóc vì cái gì chính chị cũng không thể trả lời một cách tường tận. Có thể niềm đam mê sân khấu, dâng cả cuộc đời cho cái đẹp sân khấu đã khiến chị có cảm giác mắc nợ nhiều người, nợ mẹ, nợ chồng con, nợ khán giả… và nợ cả chính mình. Giống như nhân vật Boris trong vở Đêm thiên nga chị từng sắm vai, “tôi luôn yêu nghệ thuật trong bản thân mình chứ không bao giờ yêu bản thân mình trong nghệ thuật”.
Song, như Ái Như từng nói, nghệ thuật mong manh như khói. Khói quyện rồi tan. Khói làm cay mắt nhưng khói ấm bếp nhà. Không có khói bếp thì không có mái ấm. Không đốt lửa thì không có khói. Nhưng ngày nay không ai cần đốt lửa vì đã có bếp từ… Biết vậy song những người như chị, như Thành Hội vẫn luôn muốn được đốt lửa, muốn làm bừng lên cái đẹp vĩnh cửu của nghệ thuật, cái đẹp làm cho con người biết sống tốt hơn, vị tha hơn.